Những điểm mới tại Dự thảo Nghị quyết Quốc hội thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội

TỐNG THỊ HẠNH (*)
14:00 27/05/2025

Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, việc giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Khu nhà ở xã hội do Kim Oanh Group xây dựng tại Bến Cát (Bình Dương) - Ảnh: VGP/Minh Thi.

Sự cần thiết ban hành nghị quyết

Trong suốt quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến phát triển nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội dành cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở, thu nhập thấp, công nhân tại các khu công nghiệp.

Đặc biệt, Ban Bí thư đã ban hành riêng 1 Chỉ thị (Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới) đã xác định phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại khu vực đô thị, đồng thời yêu cầu: “Ban hành cơ chế, chính sách tạo thuận lợi và chủ động cho các địa phương trong việc dành ngân sách đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để có quỹ đất sạch làm nhà ở xã hội; đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội trong và ngoài phạm vi dự án.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận dễ dàng với nhà ở xã hội; cắt giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, kinh doanh, mua bán, quản lý, sử dụng nhà ở xã hội.

Thực hiện trình tự thủ tục hành chính giao đất, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội… theo hướng rút gọn, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch; tăng tỉ lệ nhà ở xã hội cho thuê”; “Nhà nước tập trung phát triển nhà ở xã hội cho thuê khu vực đô thị bằng nguồn vốn đầu tư công”; “Nghiên cứu hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội, hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để phát triển nhà ở xã hội dài hạn, bền vững; mở rộng nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội từ quỹ đầu tư phát triển địa phương và nguồn vốn từ nước ngoài; khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư, quỹ tín thác đầu tư và các hoạt động liên danh, liên kết thực hiện dự án nhà ở xã hội”.

Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, việc giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với người lao động thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và tạo sự ổn định, bền vững trong cộng đồng.

Nhiều chính sách, pháp luật do cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội theo dự án có vị trí, quy mô gắn với khu vực tập trung nhiều đối tượng có nhu cầu nhà ở xã hội, tăng khả năng tiếp cận hạ tầng đồng bộ; có các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ về đầu tư, đất đai, tài chính, thuế... để khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 679 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 623.051 căn, trong đó có: 108 dự án hoàn thành với quy mô 73.075 căn;  155 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô 132.791 căn; 416 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 417.185 căn. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2025 đã hoàn thành 15.614 căn hộ nhà ở xã hội; khởi công 20 dự án với quy mô 19.492 căn.

Như vậy, kết quả triển Đề án còn thấp, chưa đáp ứng theo tiến độ đề ra, một trong những nguyên nhân là quy định pháp luật còn bất cập như:

1. Chưa có Quỹ nhà ở quốc gia hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để hỗ trợ nguồn lực tài chính cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai các dự án nhà ở xã hội đảm bảo dài hạn, bền vững

Mặc dù Luật Nhà ở năm 2023 đã có quy định về việc sử dụng nguồn vốn từ các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách khác để phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, các quỹ tài chính ngoài ngân sách đang hoạt động hiện nay đều thực hiện nhiều chức năng….và việc đầu tư hoặc hỗ trợ cho phát triển nhà ở xã hội không phải là lĩnh vực ưu tiên trong hoạt động của các quỹ này.

Do đó, cần thiết phải thành lập Quỹ nhà ở quốc gia để đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê.

2. Thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân không sử dụng vốn đầu tư công còn phức tạp, kéo dài

Hiện nay, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu còn phức tạp, kéo dài. Theo ước tính trong trường hợp dự án đã có quy hoạch, chương trình, kế hoạch thì thời gian để thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư theo pháp luật về đấu thầu (sau khi đã chấp thuận chủ trương đầu tư) là khoảng gần 300 ngày.

Do đó, cần thiết có quy định về giao chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu như trong dự thảo Nghị quyết. Thủ tục này dự kiến mất khoảng tối đa 75 ngày, cắt giảm được khoảng 200 ngày, tương ứng khoảng 70% thời gian thực hiện so với quy định hiện hành.

3. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải thực hiện lần lượt thủ tục quy hoạch chi tiết, các thủ tục về đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội như dự án nhà ở thương mại làm kéo dài thời gian thực hiện dự án

Hiện nay, dự án nhà ở xã hội phải thực hiện lần lượt thủ tục: Lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết; lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết. Qua công tác rà soát, tổng hợp vướng mắc từ thực tiễn nhiều địa phương kiến nghị không thực hiện bước lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết riêng mà sử dụng các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất và các yêu cầu về tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan của khu vực được xác định tại đồ án quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung được phê duyệt, thay thế cho nhiệm vụ quy hoạch.

Nhằm rút ngắn thời gian triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cần thiết bỏ bước lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết; cắt giảm được 65 ngày so với quy trình hiện hành (bằng 100%).

Theo quy định của pháp luật về xây dựng thì đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải thực hiện việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi tại cơ quan chuyên môn về xây dựng trong khi có thể xem xét, lồng ghép nội dung thẩm định này trong quá trình cấp giấy phép xây dựng.

Do đó, cần thiết bỏ thủ tục thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi của cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện, cắt giảm được từ 15 - 35 ngày so với quy định hiện hành (100%).

Việc phải thực hiện đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng làm kéo dài thời gian triển khai thực hiện dự án. Trong khi đó, nếu thực hiện chỉ định thầu rút gọn thì chỉ mất khoảng 15 ngày và cắt giảm được từ 45 - 105 ngày so với quy định hiện hành (75-90%).

Do đó, đề xuất việc lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu rút gọn theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

4. Quy trình thực hiện thủ tục thẩm định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội còn kéo dài

Việc xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội hiện nay có một số vướng mắc như sau: (i) kéo dài thời gian thẩm định; (ii) gây khó khăn cho chủ đầu tư do phải thực hiện thẩm định giá 02 lần, chủ đầu tư không chủ động được phương án kinh doanh, dòng tiền của dự án; (iii) gây áp lực lên cơ quan thẩm định giá nhà ở xã hội của địa phương.

Do đó, cần thiết có quy định: Chủ đầu tư tự xây dựng, thuê tư vấn có đủ điều kiện năng lực về hoạt động xây dựng để thẩm tra trước khi chủ đầu tư phê duyệt giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội. Sau khi hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện kiểm toán, quyết toán và gửi hồ sơ đến cơ quan chuyên môn cấp tỉnh nơi có dự án để kiểm tra.

Quy định này nhằm rút ngắn thời gian thẩm định; tạo điều kiện cho chủ đầu tư không phải thực hiện thẩm định giá 2 lần; giảm áp lực lên cơ quan thẩm định giá nhà ở xã hội của địa phương.

5. Điều kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội còn chưa phù hợp với chủ trương sáp nhập, sắp xếp bộ máy hành chính nhà nước

Quy định về điều kiện nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội của Luật Nhà ở năm 2023 có một số vướng mắc như sau: (i) chưa phù hợp tại nhiều địa phương có địa giới hành chính rộng; (ii) chưa phù hợp với việc tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2025, Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 và Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị.

Do đó, cần thiết có quy định điều kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo hướng: (i) Đối với tỉnh, thành phố được sắp xếp lại thì căn cứ vào phạm vi đơn vị hành chính trước thời điểm sắp xếp lại để xác định điều kiện về nhà ở; (ii) Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể về trường hợp có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng cách xa địa điểm làm việc được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

6. Doanh nghiệp, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập không được thuê nhà ở xã hội của các chủ đầu tư để cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của mình để ở

Pháp luật về nhà ở chưa cho phép các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được thuê nhà ở xã hội cho người lao động của mình để ở. Ngoài ra, thực hiện công tác sắp xếp, sáp nhập các tỉnh, thành, tổ chức chính quyền hai cấp, dẫn đến thực tế nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải đi làm xa nơi ở của mình.

Do đó, cần thiết có chính sách cho phép doanh nghiệp, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được thuê nhà ở xã hội để cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của mình ở, yên tâm làm việc.

7. Chưa có quy định để đa dạng hóa nguồn lực cho địa phương thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội

Pháp luật hiện hành về ngân sách nhà nước, đầu tư công chưa có quy định cho phép sử dụng linh hoạt nguồn vốn đầu tư công hoặc kinh phí thường xuyên để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài phạm vi dự án nhà ở xã hội. Điều này dẫn đến kinh phí bố trí chưa kịp thời, ảnh hưởng đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Theo đó, cần thiết có quy định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn vốn đầu tư công hoặc nguồn vốn chi thường xuyên hoặc nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài phạm vi dự án để giao chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Đồng thời, cho phép chủ đầu tư có quyền sử dụng đất hoặc thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất thì số tiền chủ đầu tư nhận chuyển quyền sử dụng đất được tính vào chi phí đầu tư của dự án.

Bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết

1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

a) Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi toàn quốc.

b) Đối tượng áp dụng

Nghị quyết này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan đến phát triển, quản lý, sử dụng, sở hữu nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.

2. Bố cục của dự thảo Nghị quyết

Dự thảo Nghị quyết bao gồm 14 Điều, bao gồm:

(1) Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nguyên tắc áp dụng;

(2) Quỹ nhà ở quốc gia; Giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công không thông qua đấu thầu; Lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; Thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; Xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội; Điều kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; Thuê nhà ở xã hội của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.

(3) Điều khoản chuyển tiếp, tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành.

3. Nội dung cơ bản

Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nguyên tắc áp dụng

- Phạm vi điều chỉnh: Nghị quyết này thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi toàn quốc.

- Đối tượng áp dụng: Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan đến phát triển, quản lý, sử dụng, sở hữu nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.

- Nguyên tắc áp dụng: Trường hợp có quy định khác nhau giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội đã được ban hành trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì áp dụng quy định của Nghị quyết này. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi thuận lợi hơn Nghị quyết này thì đối tượng được hưởng hỗ trợ, ưu đãi được lựa chọn áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi.

4. Quỹ nhà ở quốc gia

Quỹ Nhà ở quốc gia là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập ở Trung ương và địa phương.

Quỹ được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước cấp, tiếp nhận nguồn hỗ trợ tự nguyện, nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn thu từ việc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở, nguồn từ bán nhà ở thuộc tài sản công và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Quỹ để đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê.

5. Giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công không thông qua đấu thầu

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao chủ đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giao chủ đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân sau khi được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thống nhất bằng văn bản danh mục dự án, vị trí khu đất để đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.

Thủ tục giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thay thế thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật có liên quan. Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư là căn cứ giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

6. Lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội

Dự án đầu tư xây dựng, vị trí khu đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chưa có quy hoạch chi tiết đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc có yêu cầu điều chỉnh quy hoạch chi tiết thì không phải thực hiện thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết.

7. Thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội

- Bỏ thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng.

- Trường hợp công trình nhà ở xã hội thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đề xuất áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố thì được miễn giấy phép xây dựng.

- Việc lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng để thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, công trình nhà ở xã hội bằng nguồn vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn, vốn của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu rút gọn theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

8. Xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội

Chủ đầu tư tự xây dựng, thuê tư vấn có đủ điều kiện năng lực về hoạt động xây dựng để thẩm tra trước khi chủ đầu tư phê duyệt giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội.

Sau khi hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện kiểm toán, quyết toán về chi phí đầu tư xây dựng của dự án theo quy định và gửi hồ sơ đến cơ quan chuyên môn cấp tỉnh nơi có dự án để kiểm tra giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội.

9. Điều kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính

Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sắp xếp lại thì căn cứ vào phạm vi đơn vị hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án trước thời điểm sắp xếp lại để xác định điều kiện về nhà ở đối với đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở.

Trường hợp đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở có địa điểm làm việc cách xa nơi có nhà ở thuộc sở hữu của mình thì điều kiện về nhà ở để được mua, thuê mua nhà ở xã hội gần địa điểm làm việc là chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, trường hợp có nhà ở thuộc sở hữu của mình thì khoảng cách ngắn nhất từ nơi có nhà ở thuộc sở hữu của mình đến địa điểm làm việc phải từ 30 km trở lên.

10. Thuê nhà ở xã hội của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập

Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được thuê nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp để bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của mình ở. Doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp được thuê nhà lưu trú công nhân cho người lao động của mình ở.

Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuê nhà ở xã hội được hạch toán chi phí thuê nhà ở xã hội vào chi phí sản xuất kinh doanh, khoản chi sự nghiệp thường xuyên hoặc chi hợp pháp khác, nhưng không được sử dụng ngân sách nhà nước để thanh toán tiền thuê nhà ở xã hội.

Cơ quan hành chính nhà nước thuê nhà ở xã hội được bố trí ngân sách để thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm phê duyệt.

11. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài phạm vi dự án nhà ở xã hội.

Trường hợp chủ đầu tư có quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất do thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất thì Nhà nước hoàn trả cho chủ đầu tư số tiền chủ đầu tư đã chi trả để thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà nhà nước giao, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.

Trường hợp nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án mà chủ đầu tư đã tự nguyện ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được nhà nước hoàn trả hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính phải nộp cho nhà nước

12. Điều khoản chuyển tiếp

13. Tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành

(*) Bà Tống Thị Hạnh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng

  • Cùng chuyên mục
Phát triển nhà ở xã hội: Một số điểm nghẽn và đề xuất giải pháp

Phát triển nhà ở xã hội: Một số điểm nghẽn và đề xuất giải pháp

Năm 2025 mở ra một giai đoạn phát triển mới của Việt Nam trong 20 năm tới (2025 – 2045) với mục tiêu trở thành quốc gia thịnh vượng. Trong tiến trình đó, thị trường bất động sản (BĐS) đóng vai trò quan trọng, phản ánh sự phát triển kinh tế - xã hội. Đòi hỏi các cấp các ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn của thị trường BĐS nói chung, trong đó có phân khúc nhà ở xã hội.

Tài chính - 27/05/2025 14:00

Giải quyết quỹ đất cho nhà ở xã hội

Giải quyết quỹ đất cho nhà ở xã hội

Hiện trạng thiếu quỹ đất sạch và phù hợp đang là một trong những thách thức lớn đối với phát triển nhà ở xã hội. Tốc độ đô thị hóa nhanh làm gia tăng nhu cầu nhà ở trong khi quỹ đất tại các đô thị ngày càng thu hẹp.

Tài chính - 27/05/2025 10:00

VN-Index hồi mạnh, cơ hội đầu tư còn không?

VN-Index hồi mạnh, cơ hội đầu tư còn không?

VN-Index hồi mạnh nhưng dòng tiền phân hóa, cơ hội đầu tư ở các nhóm chưa phục hồi như thủy sản, dệt may, chứng khoán còn nhiều.

Tài chính - 27/05/2025 07:19

Áp dụng AI, chuyển đổi số vào phát triển quản lý nhà ở xã hội

Áp dụng AI, chuyển đổi số vào phát triển quản lý nhà ở xã hội

Việc chuyển đổi số được tích hợp vào khung pháp lý và hệ thống quản lý, sẽ tạo nên một hệ sinh thái nhà ở xã hội công bằng, minh bạch và hiệu quả, giúp người dân thực sự có nhu cầu tiếp cận nhà ở một cách thuận lợi hơn.

Tài chính - 27/05/2025 07:00

Giải pháp triển khai thành công Quỹ nhà ở quốc gia

Giải pháp triển khai thành công Quỹ nhà ở quốc gia

Nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân tại các khu vực đô thị ở Việt Nam đang ngày càng trở nên cấp thiết. Để giải quyết thách thức này một cách hiệu quả và bền vững, việc nghiên cứu và thành lập một Quỹ nhà ở quốc gia có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Tài chính - 27/05/2025 07:00

VN-Index 'ngược dòng' ngoạn mục, chốt phiên tăng hơn 18 điểm

VN-Index 'ngược dòng' ngoạn mục, chốt phiên tăng hơn 18 điểm

Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, thủy sản, dệt may trở thành điểm sáng đáng chú ý trong phiên 26/5 khi có nhiều cổ phiếu tăng hết biên độ.

Tài chính - 26/05/2025 16:27

Chăm ‘lướt sóng’ cổ phiếu nhà như Chủ tịch Big Group Holdings

Chăm ‘lướt sóng’ cổ phiếu nhà như Chủ tịch Big Group Holdings

Chủ tịch HĐQT Big Group Holdings đang gom lại lượng cổ phiếu đã bán trước đó để nâng sở hữu lên 23,3% vốn.

Tài chính - 25/05/2025 09:37

Bimico đặt kế hoạch lãi 15 tỷ đồng năm 2025

Bimico đặt kế hoạch lãi 15 tỷ đồng năm 2025

Trong năm 2025, Bimico đặt mục tiêu tổng doanh thu 137 tỷ đồng, lãi ròng 15 tỷ đồng, tương đương giảm lần lượt 30% và 41% so với kết quả thực hiện năm 2024.

Tài chính - 24/05/2025 12:57

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ của HHS

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ của HHS

Sau khi được UBCKNN chấp thuận, HHS có thời gian tối đa 90 ngày để hoàn thành đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

Tài chính - 24/05/2025 10:00

Tôn Đông Á muốn lên sàn HoSE sau 2 năm bỏ lỡ

Tôn Đông Á muốn lên sàn HoSE sau 2 năm bỏ lỡ

Lợi nhuận Tôn Đông Á bị ảnh hưởng bởi sự đi xuống của thị trường xuất khẩu trước sức ép của các chính sách thương mại khắt khe hơn.

Tài chính - 23/05/2025 12:56

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế 'đã làm phải chắc, phải thắng'

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế 'đã làm phải chắc, phải thắng'

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết phải xây dựng trung tâm tài chính quốc tế với tinh thần đã làm là phải thành công, phải thắng lợi, làm tới đâu chắc tới đó.

Tài chính - 23/05/2025 10:15

Ba 'nút thắt' với phát triển nhà ở xã hội

Ba 'nút thắt' với phát triển nhà ở xã hội

Ba nút thắt lớn nhất để phát triển nhà ở xã hội hiện nay trên thực tiễn là quỹ đất "sạch", vốn và thủ tục hành chính.

Tài chính - 23/05/2025 07:00

Thép SMC qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai?

Thép SMC qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai?

Cổ phiếu Thép SMC đã thoát án hủy niêm yết, tuy nhiên đà phục hồi còn nhiều khó khăn do bối cảnh ngành thép đối mặt nhiều thách thức.

Tài chính - 22/05/2025 15:07