Kịch bản nào cho phục hồi sản xuất tại ĐBSCL - Bài 2: Doanh nghiệp nỗ lực để tồn tại

Nhàđầutư
Theo nhận định của các chuyên gia, dịch COVID-19 ở khu vực này đã qua đỉnh điểm và đang dần được khống chế. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vựa nông sản lớn nhất cả nước đã và đang xây dựng kịch bản gì cho hồi phục sản xuất, hồi sinh doanh nghiệp hậu COVID-19?
AN HOÀ
21, Tháng 09, 2021 | 06:48

Nhàđầutư
Theo nhận định của các chuyên gia, dịch COVID-19 ở khu vực này đã qua đỉnh điểm và đang dần được khống chế. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vựa nông sản lớn nhất cả nước đã và đang xây dựng kịch bản gì cho hồi phục sản xuất, hồi sinh doanh nghiệp hậu COVID-19?

Doanh nghiệp “oằn mình” chống dịch

Chia sẻ với Nhadautu.vn, Phó tổng Tập đoàn Sao Mai - Trương Vĩnh Thành cho biết, để có thể duy trì được sản xuất trong lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong hơn 2 tháng qua 1.200 cán bộ, cán bộ công nhân viên (CBCNV) của Tập đoàn tại Cụm công nghiệp Sao Mai (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đã phải thực hiện “ba tại chỗ”.

Để có thể thực hiện thành công phương án sản xuất này trong một thời gian khá dài như thế, hàng tuần Ban giám đốc công ty đều có buổi sinh hoạt tư tưởng nhằm động viên, tạo sự đồng thuận, đồng lòng của tất cả CBCNV cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp để vượt qua đại dịch.

chi phi xet nghiem cao, ganh nag cho doanh nghiep

Chi phí xét nghiệm 3 ngày/lần là gánh nặng cho doanh nghiệp đang duy trì sản xuất. Ảnh: An Hòa

“Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia và thực tế của doanh nghiệp, cho thấy phương án sản xuất “ba tại chỗ” chỉ là xử lý tình huống trong ngắn hạn, mô hình sản xuất này cũng đã làm cho chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng gấp đôi so với bình thường; CBCNV phải ở trong nhà máy thời gian quá dài cũng khó tránh khỏi tâm lý nhớ nhà, năng suất lao động sụt giảm.

Do vậy, các doanh nghiệp đều mong muốn sớm đạt tỷ lệ 100% CBCNV được tiêm vaccine và dịch bệnh được kiểm soát để thay đổi phương án sản xuất có thể là “1 cung đường, 2 điểm đến”, người lao động có thể đi từ nhà của mình đến nhà máy để làm việc rồi quay về nhà nghỉ ngơi, có như thế mới có thể duy trì sản xuất trong điều kiện “No Zero COVID””, ông Thành đặt kỳ vọng.

Phương án sản xuất “ba tại chỗ” thời gian qua cũng đã bọc lộ những điểm yếu nguy hiểm, khi xảy ra ca F0 thì mức độ lây nhiễm rất nhanh, biến nhà máy thành ổ dịch với số lượng F1 có khi là cả dây chuyền sản xuất. Chính vì thế các doanh nghiệp nhận định nếu sản xuất “ba tại chỗ” mà tỷ lệ tiêm vaccine càng thấp thì rủi ro càng cao.

Đại diện Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho biết, ngay sau khi dịch COVID-19 bùng phát, VCCI Cần Thơ đã thành lập tổ công tác ứng phó COVID-19 nhằm theo dõi những tác động, ảnh hưởng đến kinh tế và doanh nghiệp ĐBSCL.

Trong 3 tháng vừa qua VCCI Cần Thơ đã thực hiện 3 cuộc khảo sát quy mô toàn vùng, trao đổi trực tiếp 30 lãnh đạo các doanh nghiệp, làm việc với các chuyên gia và tổ chức 3 cuộc họp trực tuyến với hơn 120 doanh nghiệp đại diện cho các ngành và từng địa phương tại ĐBSCL.

Hội đồng Hiệp hội các doanh nghiệp (13 tỉnh, thành) cũng đã cùng VCCI Cần Thơ khảo sát, thu thập dữ liệu, xây dựng các báo cáo động thái doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt khó khăn và kiến nghị đến các địa phương.

Tổng hợp từ các cuộc họp ghi nhận, những khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 dường như xảy ra trên mọi mặt. Tựu trung một số điểm: Mô hình tổ chức sản xuất “ba tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến” đã gây hao tốn cho doanh nghiệp. Theo đó, chi phí sản xuất tăng cao, khó khăn cho người lao động trong sinh hoạt, khả năng lây nhiễm bệnh cao.

Một số địa phương quy định cứng nhắc như nhà máy và nơi ở tập trung của công nhân phải cùng trên địa bàn 1 quận  (huyện) trong khi điều kiện thực tế có khi không đáp ứng. Năng suất làm việc không cao do sức lao động trong môi trường bó hẹp, quy định xét nghiệm định kỳ dày đặc với chi phí test rất cao... làm cho doanh nghiệp hao tốn chi phí, kiệt sức.

Gian nan phục hồi sản xuất

Công ty TNHH Pataya Việt Nam (doanh nghiệp FDI Thái Lan) tại khu công nghiệp Trà Nóc 1 (Cần Thơ) có trên 1.000 công nhân. Sau khi phát hiện một nữ nhân viên văn phòng dương tính với SARS-CoV-2, ngày 22/7, doanh nghiệp này đã bị phong tỏa tạm thời để xử lý dịch tễ.

xe un u do kiem soat

Nhiều địa phương siết chặt kiểm dịch khiến cho việc vận chuyển hàng hóa, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Nhật Huy

Trao đổi với Nhadautu.vn vào chiều ngày 17/9, ông Ngô Việt Thọ, cán bộ phòng hành chính của doanh nghiệp này cho biết doanh nghiệp đã gửi kế hoạch xin hoạt động trở lại theo phương án “ba tại chỗ” và đang chờ cơ quan chức năng phê duyệt. Tuy nhiên, điều nan giải chính là làm thế nào để doanh nghiệp có thể huy động được khoảng hơn 200 công nhân vào làm việc trở lại vì địa phương chưa có hướng dẫn doanh nghiệp được phép huy động lao động tại khu vực nào, việc đi lại của lao động và vận chuyển nguyên vật liệu cũng gặp khó khăn do Cần Thơ vẫn còn thực hiện giãn cách xã hội theo trên diện rộng.

Không riêng gì ở Cần Thơ mà doanh nghiệp ở nhiều địa phương khác cũng gặp phải khó khăn tương tự như vậy.

Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Cafatex (Hậu Giang) cho biết, do doanh nghiệp không đảm bảo sản xuất theo “ba tại chỗ” nên phải dừng sản xuất ngay từ khi tỉnh Hậu Giang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

“Hiện nay tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát với 69/75 xã là vùng xanh. Thế nhưng khi doanh nghiệp xin phép được hoạt động trở lại với phương án đưa đón công nhân tại một điểm đưa vào nhà máy làm việc và tuân thủ các quy định về phòng chống dịch theo phương án “1 cung đường, 2 điểm đến” thì cơ quan chức năng không đồng ý phương án này mà yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng phương án sản xuất “ba tại chỗ”, điều này chẳng khác gì “đánh đố” doanh nghiệp, nếu như doanh nghiệp có thể sản xuất “ba tại chỗ” thì chúng tôi đã không phải dừng sản xuất hơn 2 tháng nay”, ông Kịch phân trần.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, Phạm Minh Thiện chia sẻ, trong lúc doanh nghiệp sản xuất khó khăn, tồn kho lớn nhưng động thái giảm lãi suất của ngân hàng nhỏ giọt, không đáng là bao thể hiện các tổ chức tín dụng chưa thật sự đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Theo phân tích của ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, doanh nghiệp muốn phục hồi sản xuất đang đối mặt với 5 vấn đề khó khăn, đó là: Phương án sản xuất “ba tại chỗ” chi phí cao. Việc thực hiện mô hình này ở nhiều nơi còn cứng nhắc. Ví dụ như doanh nghiệp ở quận, huyện này, nhưng thuê nơi ăn nghỉ cho công nhân ở quận, huyện khác (vì nơi nhà máy không có cơ sở lưu trú) thì phương án đó không được cơ quan chức năng phê duyệt cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Các khó khăn khác mà doanh nghiệp đang gặp phải, đó là: Quá trình thực hiện giãn cách xã hội làm cho vận chuyển, sản xuất, lưu thông hàng hóa bị hạn chế. Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ mất thị trường vì bị gián đoạn chuỗi dịch vụ logistics, chi phí giao nhận cao 8-10 lần/container so với lúc bình thường. Các doanh nghiệp FDI không duy trì được sản xuất liên tục, có nguy cơ gãy đổ chuỗi cung ứng quốc tế.

Tính đến cuối tháng 8/2021, tỷ lệ lao động tại các  doanh nghiệp ĐBSCL được tiêm vaccine đều ở mức khá thấp. Cụ thể chỉ có 23% doanh nghiệp đạt tỷ lệ 80% số lao động được tiêm 1 mũi vaccine, 41% doanh nghiệp đạt tỷ lệ tiêm 1 mũi vaccine cho từ 50% - 80%, lao động, đáng quan tâm là có đến 20% doanh nghiệp chỉ mới tiêm 1 mũi vaccine cho 10% người lao động của mình.

Một số địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine cho người lao động cao là: Cà Mau hơn 70.000 lao động, Long An 64.000 lao động, Trà Vinh 30.000 lao động, Cần Thơ 27.000 lao động, thấp nhất là tỉnh Bạc Liêu chỉ có 300 lao động được tiêm 1 mũi vaccine.

“Nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất kinh doanh vì không đảm bảo phương án sản xuất an toàn. Dù các doanh nghiệp này không có doanh thu và lợi nhuận nhưng vẫn phải chi trả các khoản chi phí như lãi vay, thuế, BHXH, lương cơ bản cho người lao động, tiền thuê hạ tầng, mặt bằng kinh doanh, các loại phí lệ phí thường niên nên khó khăn chồng chất. Khả năng kéo dài doanh nghiệp sẽ không trụ nổi và nguy cơ dẫn đến phá sản, đóng cửa hoặc khó có thể phục hồi trong thời gian ngắn, điều này đã làm giảm năng lực kinh doanh, cạnh tranh của doanh nghiệp và các ngành kinh tế chủ lực”, ông Lam phân tích.

Trong 3 tháng, từ 6-8, thời điểm bùng phát dịch COVID-19, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tại vùng ĐBSCL giảm đáng kể, ít hơn 1.351 doanh nghiệp so cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, số doanh nghiệp thông báo tạm ngừng kinh doanh 8 tháng đầu năm hơn 2.100, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ có 250 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng với công suất đạt từ 20-40% so với trước khi có dịch.

Nguồn Báo cáo của VCCI Cần Thơ

(Còn nữa)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26797.00 26905.00 28111.00
GBP 31196.00 31384.00 32369.00
HKD 3185.00 3198.00 3303.00
CHF 27497.00 27607.00 28478.00
JPY 161.56 162.21 169.75
AUD 16496.00 16562.00 17072.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 673.00 676.00 704.00
CAD 18212.00 18285.00 18832.00
NZD   15003.00 15512.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3598.00 3733.00
SEK   2304.00 2394.00
NOK   2295.00 2386.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ