Chuỗi cung ứng thủy sản đang đứng trước nguy cơ đứt gãy

Nhàđầutư
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phúc tạp, giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất nói chung, ngành thủy sản nói riêng. Sau hơn 2 tháng “một tay chống dịch, một tay sản xuất” doanh nghiệp và người nuôi thủy sản đã bắt đầu “đuối sức”…
AN HÒA
09, Tháng 09, 2021 | 17:02

Nhàđầutư
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phúc tạp, giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất nói chung, ngành thủy sản nói riêng. Sau hơn 2 tháng “một tay chống dịch, một tay sản xuất” doanh nghiệp và người nuôi thủy sản đã bắt đầu “đuối sức”…

'Ba tại chỗ' sắp 'nằm một chỗ'

Sau hơn 2 tháng phải duy trì sản xuất bằng phương án “ba tại chỗ” không chỉ doanh nghiệp đuối sức mà công nhân cũng sắp chịu đựng hết nỗi vì đã lâu không được về thăm nhà.

doanh nghiep duoi suc vi ba tai cho qua lau

Doanh nghiệp đuối sức vì áp dụng “ba tại chỗ” quá lâu. Ảnh: An Hòa

Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp)-doanh nghiệp chuyên chế biến cá tra xuất khẩu cho biết: mô hình sản xuất “ba tại chỗ” chỉ thích hợp áp dụng tạm thời gian ngắn, nhưng do diễn biến dịch bệnh COVID-19 tại địa phương phức tạp nên sau hơn 2 tháng áp dụng mô hình này, doanh nghiệp đã đuối sức, công nhân cũng có tâm lý nhớ nhà, không an tâm sản xuất.

Nếu như trong điều kiện bình thường doanh nghiệp có khoảng 5.000 công nhân thì nay chỉ có khoảng 1.000 công nhân làm việc theo 'ba tại chỗ' với năng suất chế biến chỉ bằng 25% so với lúc bình thường.

“Việc duy trì sản xuất 'ba tại chỗ' là bất khả kháng vì nếu không sản xuất thì sẽ đứt gãy nguồn cung, khách hàng sẽ bỏ mình đi mua chỗ khác, vùng nguyên liệu của nhà máy không biết tiêu thụ ở đâu nếu nhà máy không hoạt động công nhân mất công ăn việc làm, đứt gãy cả hệ thống”, ông Hùng cho biết.

Bà Trương Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn- doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam cũng cho biết công ty có 4 nhà máy, chỉ riêng chi phí ban đầu để thực hiện 'ba tại chỗ', công ty đã tốn đến hàng chục tỷ đồng. Trong thời gian sản xuất chi phí cho công nhân cũng tăng gấp đôi trong khi giá bán đã ký kết trước không tăng được. Khó khăn là thế nhưng tình thế bắt buộc chúng tôi phải chịu đựng để duy trì sản xuất, giao hàng đúng hẹn để giữ uy tín, thương hiệu cho doanh nghiệp.

Đại diện một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản khác cho rằng hiện nay doanh nghiệp đang lâm vào thế kẹt không có đường lui, ngưng sản xuất thì không có nguồn thu trả cho các chi phí điện, nước, tiền thuê đất, thuê mặt nước nuôi trồng và nguyên liệu..., cho nên doanh nghiệp bắt buộc phải cố gắng duy trì sản xuất, cho dù lỗ vẫn phải làm. Tuy nhiên, nếu diễn biến dịch bệnh kéo dài thì sẽ có nhiều doanh nghiệp phải 'buông' vì không chịu đựng nỗi lỗ lũy kế kéo dài.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, lo lắng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại đã có 120 trong tổng số 449 nhà máy chế biến thủy sản dừng hoạt động, chiếm khoảng 25%. Các nhà máy đang sản xuất thì công suất chỉ còn khoảng 30-40% do thiếu nhân lực lao động. Việc thực hiện sản xuất theo yêu cầu 'ba tại chỗ' đang đẩy chi phí của nhà máy tăng cao, trong khi năng suất thấp dẫn đến nguy cơ cao doanh nghiệp bị phạt do chậm giao hàng.

vua tom sau ngoan online

Người nuôi thủy sản cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: An Hòa

Doanh nghiệp và người nuôi trồng đều cần 'giải cứu'

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, bên cạnh đó, khó khăn về dịch bệnh, các doanh nghiệp và người nuôi thủy sản cũng đang đối mặt với khó khăn do sự chủ quan, cục bộ, chống dịch 'quá đà' của một số địa phương. Mặc dù Bộ NN&PTNT đã có nhiều cuộc họp với địa phương để tháo gỡ nhưng cho tới nay các doanh nghiệp thủy sản vẫn còn gặp phải khó khăn trong lưu thông hàng hóa, từ con giống, thức ăn, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất cũng như việc vận chuyển nguyên liệu từ ao nuôi đến các nhà máy.

Về thủy sản đánh bắt: Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, cùng với việc xuất hiện các ca F0, F1 khiến 25 cảng cá đã dừng hoạt động trong tháng 8, và 17 cảng khác đang phải tạm dừng hoạt động; lượt tàu vào cảng để bốc dỡ thuỷ sản tại các cảng giảm.

“Việc bốc dỡ, mua bán, đặc biệt là khâu vận chuyển tới các tỉnh khác gặp khó khăn, dẫn đến tiêu thụ thủy sản khai thác chậm, đứt gẫy. Cùng với đó, các dịch vụ cung ứng hậu cần nghề cá cũng gặp nhiều khó khăn, không kịp thời và đáp ứng đầy đủ, đây là những bất cập cần phải tháo gỡ nhanh để cứu chuỗi cung ứng”, ông Luân đề nghị.

Còn theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, hiện doanh nghiệp toàn ngành thuỷ sản đang phải đối mặt với nhiều áp lực nên chỉ còn còn 30% doanh nghiệp duy trì được sản xuất. Đáng quan tâm, trong số 30% còn hoạt động thì năng suất đạt chưa đến 30% so với lúc bình thường, điều này dẫn đến lượng hàng cung cấp cho thị trường sụt giảm nghiêm trọng, nguy cơ doanh nghiệp bị phạt vì vi phạm hợp đồng là rất cao.

Ngoài ra, các doanh nghiệp thủy sản cũng đang gặp phải khó khăn khác khi nguyên phụ liệu như bao bì, nilon, máy hút chân không… các nhà máy đều trông chờ từ nguồn cung cấp ở TP.HCM, trong khi thành phố này đang bị phong tỏa chặt.

“Trước những khó khăn của doanh nghiệp ngành thủy sản, VASEP đã xuất Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành chính sách hỗ trợ về miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, mặt nước, giảm giá bán điện, cũng như khoanh nợ, giãn nợ đối với các khoản vay tín dụng cho doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động trong chuỗi thủy sản bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Cùng với đó, đề nghị các tổ chức tín dụng cung cấp thêm tín dụng với mức lãi suất hợp lý để cho người dân và doanh nghiệp tái đầu tư phục hồi sản xuất. Đồng thời cũng kiến nghị ưu tiên bổ sung tiêm vaccine cho lao động tham gia trong chuỗi và có cơ chế phù hợp cho sản xuất trở lại trong điều kiện bình thường mới”, ông Nam đề xuất.

Ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) thì cho biết, không chỉ doanh nghiệp chế biến mà người nuôi tôm lẫn đại lý thức ăn thủy sản đều gặp khó khăn như nhau, trong đó, người nuôi tôm và cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống là 2 nhóm đối tượng bị 'tổn thương' nhiều nhất. Nguyên nhân chính là tình trạng thiếu hụt lao động trông coi vùng nuôi và việc vận chuyển, lưu thông vật tư phục vụ vùng nuôi rất khó khăn. Hiện người nuôi đang thiếu vốn để nuôi tiếp, còn đại lý cũng không còn đủ vốn để ứng trước cho người nuôi như vụ trước.

Để hạn chế khó khăn, giúp ngành tôm phục hồi đón thời cơ trong những tháng còn lại của năm, ông Huy đề xuất các địa phương khoanh vùng dịch tễ dịch COVID-19 ở phạm vi hẹp hơn, tránh trường hợp có một ca F0 thì cả xã bị liên lụy; thứ hai là chiến lược tiêm vaccine nên xem xét thêm ưu tiên cho chuỗi sản xuất để giữ được sự phát triển kinh tế; thứ ba là cho phép người đã tiêm vaccine mũi 1 sau 15 ngày được phép đi lại vùng nuôi, thu hoạch, vận chuyển, chế biến tôm trong địa giới nhất định để ổn định ngành tôm.

Bên cạnh đó ông Huy cũng đề xuất ngành điện lực cũng cần xem xét giảm giá bán điện cho đối tượng là nông dân, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản đề giúp họ bớt khó khăn, vượt qua đại dịch.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ