Chương trình mục tiêu quốc gia: Đến hết tháng 9, giải ngân dưới 30% sẽ bị điều chuyển vốn

Hiện giải ngân vốn ngân sách trung ương cho chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) diễn ra rất chậm, mới đạt 22,6% kế hoạch. Do đó, Bộ Tài chính đã đề xuất một loạt giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân nguồn vốn này, nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao năm 2018.
MINH ANH
03, Tháng 08, 2018 | 08:53

Hiện giải ngân vốn ngân sách trung ương cho chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) diễn ra rất chậm, mới đạt 22,6% kế hoạch. Do đó, Bộ Tài chính đã đề xuất một loạt giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân nguồn vốn này, nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao năm 2018.

giai-ngan-von

Nhiều công ty giải ngân chậm có nguyên nhân từ khâu phân bổ vốn.

Chậm từ khâu phân bổ vốn

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, tính đến 30/6/2018, vốn ngân sách trung ương cho CTMTQG được giải ngân là 2.494 tỷ đồng, đạt 22,6% kế hoạch được giao, thấp hơn tỷ lệ bình quân giải ngân chung của các dự án thuộc nguồn vốn trong nước của các địa phương quản lý (34,55%).

Hiện vẫn còn 2 đơn vị chưa phân bổ kế hoạch vốn CTMTQG năm 2018 là tỉnh Thái Bình, Bộ Thông tin và Truyền thông. Ngoài ra, còn nhiều địa phương đã phân bổ kế hoạch nhưng chưa giải ngân, hoặc tỷ lệ giải ngân mới đạt dưới 10% so với kế hoạch được giao như: Hòa Bình, Lai Châu, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đăk Lắk, Đăk Nông, Bình Phước, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau. Có 20/52 địa phương giải ngân từ 10% đến dưới 30% so với kế hoạch được giao.

Ngay từ khâu phân bổ vốn, các địa phương đã thực hiện chậm so với quy định. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thời hạn phân bổ kế hoạch vốn CTMTQG năm 2018 là đến hết ngày 31/3/2018. Ngoài một số địa phương phân bổ đúng quy định, có nhiều địa phương phân bổ kéo dài sang đến tháng 4 và tháng 5/2018.

Việc phân bổ chậm đôi khi không do lỗi của các địa phương mà ở một số CTMTQG (Chương trình giảm nghèo bền vững), phía bộ chủ trì quản lý chậm có văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện. Ví dụ, như Chương trình Xây dựng nông thôn mới, đến thời điểm tháng 5, tháng 6/2018 vẫn đang thực hiện rà soát nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) theo Nghị quyết số 32/NQ-QH của Quốc hội, nên chưa có số liệu làm cơ sở bố trí kế hoạch năm 2018. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một số chủ đầu tư thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân thực hiện dự án. Nhiều dự án gặp khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, công tác đấu thầu; các dự án chuyển tiếp đang triển khai thi công chưa nghiệm thu khối lượng hoàn thành để giải ngân thanh toán vốn...

Giải pháp cứng rắn

Để đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư năm 2018, Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo chủ đầu tư phân bổ hết số vốn còn lại của kế hoạch năm 2018 chưa giao chi tiết cho từng dự án. Đồng thời, địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán các dự án phải thu hồi ứng, dự án phải thanh toán nợ XDCB, dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2018 để nhanh chóng nghiệm thu thanh toán khi có khối lượng hoàn thành, không dồn thanh toán vào cuối năm.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu; chủ động tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện các dự án trên địa bàn... Về phía sở kế hoạch và đầu tư địa phương, cần phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá khả năng giải ngân kế hoạch vốn năm 2018 không có nhu cầu và khả năng giải ngân; chủ động điều chuyển và đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn sang dự án khác có nhu cầu thuộc danh mục đầu tư công, đảm bảo bố trí cho các dự án nợ đọng XDCB theo quy định.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình cấp có thẩm quyền cho phép địa phương đã bố trí đủ vốn cho các dự án theo nguyên tắc: Nếu còn vốn thì được phép hoàn tất thủ tục đầu tư để bố trí cho dự án khởi công mới trước 31/8/2018. Ở một góc độ khác, áp dụng biện pháp cứng rắn hơn, nếu đến hết ngày 30/9/2018 địa phương vẫn có tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách trung ương hỗ trợ dưới 30% kế hoạch được giao, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chuyển cho các địa phương có khả năng giải ngân. Địa phương được điều chỉnh tăng vốn đảm bảo không vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn CTMTQG giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo ông Triệu Thọ Hân, Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính, trong khi các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát, sửa đổi và trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính cũng đã có những động thái tích cực, cụ thể. Từ 10/7, điều kiện thanh toán vốn đầu tư công được thông thoáng hơn, tạo thuận lợi tối đa cho các chủ đầu tư khi Kho bạc Nhà nước rút ngắn thời gian kiểm tra hồ sơ xuống còn 4 ngày và chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” bằng hình thức thanh toán trước, kiểm soát sau.

Nguồn vốn ngân sách trung ương cho đầu tư năm 2018 thực hiện các CTMTQG đã được giao là 11.050 tỷ đồng. Trong đó: CTMTQG Giảm nghèo bền vững là 5.000 tỷ đồng và CTMTQG Xây dựng nông thôn mới là 6.035 tỷ đồng.

(Theo Thời báo Tài chính Việt Nam)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25100.00 25120.00 25440.00
EUR 26325.00 26431.00 27607.00
GBP 30757.00 30943.00 31897.00
HKD 3164.00 3177.00 3280.00
CHF 27183.00 27292.00 28129.00
JPY 159.58 160.22 167.50
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18186.00 18259.00 18792.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 17956.00 18028.00 18551.00
NZD   14666.00 15158.00
KRW   17.43 19.02
DKK   3535.00 3663.00
SEK   2264.00 2350.00
NOK   2259.00 2347.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ