Quyết toán ngân sách: Kiểu gì cũng trình phê duyệt

Khi thông qua các luật đầu tư công, ngân sách nhà nước, tổ chức chính quyền địa phương... cách đây vài năm, các nhà lập pháp từng hy vọng sẽ chấn chỉnh lại tình trạng chi tiêu công - từ chi đầu tư cho đến chi thường xuyên - tràn lan, thiếu giải trình, đe dọa an ninh tài chính quốc gia.
TƯ HOÀNG
02, Tháng 06, 2018 | 07:05

Khi thông qua các luật đầu tư công, ngân sách nhà nước, tổ chức chính quyền địa phương... cách đây vài năm, các nhà lập pháp từng hy vọng sẽ chấn chỉnh lại tình trạng chi tiêu công - từ chi đầu tư cho đến chi thường xuyên - tràn lan, thiếu giải trình, đe dọa an ninh tài chính quốc gia.

Song, nỗ lực đó dường như vô vọng khi nhìn từ bảng cân đối ngân sách hai năm qua.

3c861_quyet_toan_ngan_sach

 Chi đầu tư phát triển được Quốc hội giao dự toán là 254.950 tỉ đồng, song quyết toán 296.451 tỉ đồng, tăng 41.501 tỉ đồng. Ảnh: THÀNH HOA

Phát biểu tại kỳ họp Quốc hội khai mạc đầu tuần này về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) 2016, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói: “Tóm lại, nhiệm vụ chi NSNN năm 2016 đã được thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Công tác quản lý, kiểm soát NSNN chặt chẽ theo quy định của Luật NSNN và nghị quyết của Quốc hội”. 

Thật đáng tiếc, đánh giá đó không đúng với tinh thần trong chính báo cáo của Bộ trưởng, cũng như của Tổng kiểm toán Nhà nước và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội ngay sau đó. 

Báo cáo của ông Dũng cho biết, chi đầu tư phát triển được Quốc hội giao dự toán là 254.950 tỉ đồng, song quyết toán 296.451 tỉ đồng, tăng 41.501 tỉ đồng. Điều lạ là ngay cả con số trả nợ, dù không có biến động tỷ giá lớn, cũng tăng tới gần 20.500 tỉ đồng (dự toán 155.100 tỉ đồng, quyết toán 175.784 tỉ đồng).

Tình trạng vượt chi, vi phạm kỷ luật ngân sách vẫn diễn ra rất đáng ngại trong nhiều năm. Vậy đâu là những địa chỉ vi phạm?

Về tổng thể, dự toán chi NSNN 1.273.433 tỉ đồng, quyết toán 1.295.061 tỉ đồng, tăng 21.628 tỉ đồng. 

Như vậy, tình trạng vượt chi, vi phạm kỷ luật ngân sách vẫn diễn ra rất đáng ngại trong nhiều năm. Vậy đâu là những địa chỉ vi phạm?

Điều đáng ngạc nhiên là danh sách các dự án đầu tư công chi vượt dự toán rất lớn ngày càng dài ra, trong khi hàng loạt cơ quan, từ trung ương đến địa phương đều phạm luật.

Theo Tổng kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành ba quyết định phân bổ vốn sau ngày 20-12-2015 không đúng Luật Đầu tư công. Bộ này giao vốn cho 967 dự án khởi công mới, trong khi còn 37 dự án hoàn thành, bàn giao trước ngày 31-12-2015 và sáu dự án dự kiến hoàn thành năm 2016 không được giao đủ vốn, chưa tuân thủ nguyên tắc phân bổ vốn tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ. 

Hơn nữa, bộ này giao vốn cho bốn dự án đường cao tốc của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) 3.866 tỉ đồng để chuyển đổi vốn vay ODA từ hình thức Nhà nước cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp mà chưa có nghị quyết chấp thuận của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, Tổng kiểm toán cho biết, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 25-1-2018 nhu cầu vốn nước ngoài cần bổ sung thêm 109.630 tỉ đồng (phát sinh nhưng chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn khoảng 72.680 tỉ đồng; giải ngân cao hơn dự toán trung hạn 36.950 tỉ đồng) dẫn đến vi phạm hạn mức vốn 300.000 tỉ đồng đã được Quốc hội thông qua giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh đó, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn còn giao 22.010 tỉ đồng cho bốn dự án của VEC chưa tuân thủ Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9-11-2016 về Kế hoạch tài chính năm năm quốc gia giai đoạn 2016-2020. 

Không chỉ Bộ Kế hoạch và Đầu tư vi phạm, một số bộ, ngành và địa phương khác cũng vậy. Ông Phớc cho biết, nhiều địa phương không phân bổ vốn hết trong năm; giữ lại phân bổ nhiều lần, giao vốn dàn trải, không đúng thẩm quyền, không qua HĐND; phân bổ vốn cho một số lĩnh vực thấp hơn hoặc vượt mức quy định, phân bổ chưa sát thực tế; bố trí vốn khi chưa đủ điều kiện, không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, sai nội dung nguồn vốn đầu tư, không tuân thủ thứ tự ưu tiên; một số địa phương dư nguồn vốn (hết nhiệm vụ chi) hoặc không được kéo dài thời gian thanh toán nhưng chưa nộp trả theo quy định; 32/47 địa phương có vốn ứng trước chuyển tiếp qua nhiều năm nhưng chưa được bố trí vốn thu hồi.

Trong khi đó, có những dự án tăng rất cao về vốn đầu tư như dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, tỉnh Ninh Bình điều chỉnh tăng 36 lần (từ 72 tỉ đồng lên 2.595 tỉ đồng); dự án cảng nhập than Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, điều chỉnh 3 lần tăng 3.020 tỉ đồng; dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1, điều chỉnh 2 lần tăng 10.322 tỉ đồng; dự án đầu tư xây dựng thủy điện Đakđrinh tăng 1.488 tỉ đồng và đang xin điều chỉnh lần 2 lên 5.887 tỉ đồng; dự án thủy điện Nậm Chiến 4 lần điều chỉnh tăng đến 3.361 tỉ đồng.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết thêm, có những dự án đầu tư công ở tỉnh Ninh Bình tăng 329%, ở Bắc Ninh tăng 410%; Vĩnh Phúc tăng 330%; ở Lạng Sơn tăng 231%, ở Daklak tăng 421%.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cho biết, số nợ đọng mới phát sinh là 14.614 tỉ đồng; có địa phương chưa xây dựng phương án, lộ trình xử lý nợ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Trên đây mới chỉ điểm qua về chi tiêu cho đầu tư công, chưa nói đến chi thường xuyên chiếm tới hai phần ba tổng chi ngân sách, và cũng có rất nhiều vấn đề. 

Về tổng thể, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, nợ công năm 2016 tiếp tục gia tăng so với năm 2015. Dư nợ Chính phủ là 52,8% GDP, nợ công là 63,8% GDP. Ông Hải thừa nhận, khả năng trả nợ hiện nay rất khó khăn, ngân sách trung ương nhiều năm không có thặng dư để trả nợ, phải vay mới để trả nợ cũ; kiểm soát ODA còn nhiều bất cập từ kiểm soát tổng mức vay đến lập, giao dự toán hàng năm.

Đồng thời, Bộ Tài chính tổng hợp thiếu nợ nước ngoài của Chính phủ; nhiều dự án vay lại hoặc được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, phải khoanh nợ, cơ cấu lại nợ hoặc ứng vốn từ Quĩ tích lũy trả nợ để trả nợ; một số địa phương có dư nợ vượt mức quy định, bố trí vốn cho các công trình không trong danh mục đăng ký, không xây dựng hạn mức vay, không lập kế hoạch và trả nợ vay... 

Bất chấp thực tế như vậy, Ủy ban Tài chính ngân sách vẫn đề nghị trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2016. 

Theo TBKTSG 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24580.00 24605.00 24925.00
EUR 26271.00 26377.00 27542.00
GBP 30600.00 30785.00 31733.00
HKD 3104.00 3116.00 3217.00
CHF 26884.00 26992.00 27832.00
JPY 159.53 160.17 167.59
AUD 15865.00 15929.00 16416.00
SGD 18063.00 18136.00 18675.00
THB 664.00 667.00 694.00
CAD 17891.00 17963.00 18494.00
NZD 0000000 14617.00 15106.00
KRW 0000000 17.67 19.28
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ