Dự án mỏ sắt Thạch Khê - Hà Tĩnh: 10 năm treo sự thống khổ lên đầu dân

Nhàđầutư
Dự án mỏ sắt Thạch Khê được thêu dệt thành một “bức tranh màu nhiệm” tại vùng quê nghèo Thạch Đỉnh (Thạch Hà, Hà Tĩnh) và “hứa rằng” người dân quanh đây sẽ được hưởng lợi lớn. Thế nhưng, 10 năm qua, hàng ngàn người dân nơi đây đã phải trả giá đắt về tình trạng nghèo tái diễn, ô nhiễm môi trường trầm trọng...
VIỆT HƯƠNG
08, Tháng 08, 2017 | 14:28

Nhàđầutư
Dự án mỏ sắt Thạch Khê được thêu dệt thành một “bức tranh màu nhiệm” tại vùng quê nghèo Thạch Đỉnh (Thạch Hà, Hà Tĩnh) và “hứa rằng” người dân quanh đây sẽ được hưởng lợi lớn. Thế nhưng, 10 năm qua, hàng ngàn người dân nơi đây đã phải trả giá đắt về tình trạng nghèo tái diễn, ô nhiễm môi trường trầm trọng...

sat-thach-khe-ha-tinh-nha-dau-tu

Chính phủ đang cân nhắc dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh Ảnh: Việt Hương

Cuộc sống lay lắt

Từ một vùng đất màu mỡ bỗng trở thành vùng đất "chết' khi nguồn nước ô nhiễm, hoa màu chết héo, đời sống người dân khốn đốn, trong suốt 8 năm triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê. Và, sau 8 năm triển khai dự án mỏ sắt, những người dân địa phương đang phải gánh chịu những hệ lụy nặng nề từ việc dự án này bị “đắp chiếu”.

Có mặt tại mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, khi chúng tôi đề cập đến vấn đề tái sinh dự án này, người dân nơi đây ai cũng lắc đầu ngao ngán, “xin đừng làm dân chúng tôi phải khổ thêm nữa”!

Ông Bùi Quang Đào (52 tuổi), trú tại xóm 9, xã Thạch Đỉnh (Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho biết: “Chúng tôi đang chết dần trên chính mảnh đất cha ông để lại vì phải quay về với cái thời sơ khai, sống cuộc sống 5 không: Không điện, đường, nước, y tế và có lúc cả về cái ăn... khi phải quay về vườn cũ để nuôi đôi con gà cải thiện cuộc sống. Thế nhưng, ngay tại nền nhà cũ này (nhà thuộc diện di dời) trước đây, toàn bộ cánh đồng này đều được trồng lúa và hoa màu, quanh năm xanh tốt. Từ khi triển khai dự án, vùng này trở thành vùng đất chết; đồng ruộng cạn khô, nguồn nước sinh hoạt không có, cây màu cũng bị chặt phá phục vụ dự án, mạch nước ngầm cạn kiệt...”.

sat-thach-khe-nha-dau-tu

Đại công trường mỏ sắt Thạch Khê nham nhở để lại những hố nước nguy hiểm  Ảnh: Việt Hương

Nằm cách trung tâm TP. Hà Tĩnh chừng 5 cây số, thế nhưng theo ghi nhân, toàn bộ nguồn nước tại vùng đất nằm trong quy hoạch dự án mỏ sắt Thạch Khê đang bị ô nhiễm trầm trọng, các cánh đồng khô cằn, chỉ còn trơ lại cát. Để có nước sinh hoạt, bà con phải khoan từ 2 - 3 chiếc giếng với độ sâu hàng chục mét cũng chỉ để... rửa tay; còn nước ăn uống phải đi vào núi hoặc lên thành phố mua về. Nhìn khung cảnh nơi đây, khiến chúng tôi liên tưởng như đang đi giữa hoang mạc chứ không phải trên một vùng đất giáp ranh với trung tâm TP. Hà Tĩnh.

Nhà tốc mái, cửa ngõ tan hoang, điện nước đều không giữa một bãi sa mạc cát trắng và chát chúa bởi gió lào thổi về, chị Nguyễn Thị Huề, trú xóm 9 (xóm 1 cũ) quay vê nhà cũ để sinh sống, bon chen kiếm cái ăn qua ngày bởi nơi đây vẫn còn đất trống. Chị Huề than: “Gần 10 năm chuyển về khu tái định cư mà phải sống cảnh không nước sạch, không đất sản xuất và các dịch vụ khác phập phồng đã khiến cho những đồng tiền đền bù của gia đình cạn kiệt. Nay mỏ sắt vẫn dở dang, hứa bao điều với dân mà chưa làm được nên chúng tôi đành quay về chỗ cũ còn có cái mà ăn”.

Về các xã vùng ảnh hưởng của Dự án mỏ sắt Thạch Khê, chúng tôi nhận được nhiều phản ánh của người dân về hệ lụy của dự án này. Hàng chục héc ta đất nông nghiệp bị bùn, cát vùi lấp, nước ngầm bị tụt khiến cây cối, hoa màu chết khô; ô nhiễm môi trường; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư chậm… tất cả đã kéo lùi sự phát triển của các xã nằm trong vùng dự án.

Nhà cửa xập xệ, xuống cấp, nhưng đa phần các hộ dân không thể xây mới hay cơi nới. Nhiều gia đình có tới 3 thế hệ sống trong một ngôi nhà chưa đầy 80m2, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của các hộ dân.

“Chúng tôi đành phải để dân quay lại nhà cũ để họ lo sinh kế cái ăn hằng ngày chứ giờ tình trạng lao động không có việc làm, ruộng vườn nơi tái định cư không có, quỹ đất dự phòng của địa phương cũng đã hết thì giam dân tại vùng tái định cư chỉ có bỏ đói họ đến chết. Phía chủ đầu tư đến đây đã hứa quá nhiều về “bức tranh màu nhiệm” cho sự thay đổi số phận người dân khi chính họ cũng sẽ kiếm ra  tiền trên mảnh đất vốn đã khô cằn này, mà đến nay bỏ ngõ... thế rồi treo sự thống khổ của dân chúng tôi suốt 10 năm nay, bao hệ lụy và mai đây ai chịu trách nhiệm”, Chủ tịch UBND xã Thạch Đỉnh (nơi hầu hết dân phải nhường đất cho dự án mỏ sắt) ông Nguyễn Văn Hồng bức xúc.

“Phải có trách nhiệm với dân!”

Ông Nguyễn Văn Hồng nhấn mạnh, “khi mà các bộ ngành từ trung ương tới địa phương đang bàn về việc tiếp tục hoạt động hay dừng ngay dự án mỏ sắt này thì có một điều khiến chúng tôi mất ăn mất ngủ về sự tái nghèo cho dân Thạch Đỉnh. Dân hết đất sản xuất, môi trường bị ảnh hưởng trầm trọng, con em học hành không không có việc làm...  dân hỏi “ai sẽ chịu trách nhiệm?” mà chúng tôi không có câu trả lời!”.

Những tháng gần đây, hàng chục hộ dân vùng ảnh hưởng mỏ sắt Thạch Khê đã “hết sức chịu đựng” khi phải kể khổ, kêu than thảm thiết trước thảm cảnh “sống dở, chết dở” quanh vùng dự án. Ông Dương Kim Mậu - Chủ tịch UBND xã Thạch Lạc cho biết: “Thạch Lạc có gần 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi mỏ sắt Thạch Khê. Từ khi dự án mỏ sắt tạm dừng khai thác đã kéo theo rất nhiều hệ lụy. Cũng tình trạng đáng để các nhà chức trách từ trung ương tới địa phương quan tâm về thực trạng nhà ở “ổ chuột”, nguồn nước nhiễm mặn, bệnh tật đeo đẳng... Phải làm sao để không phải chịu cảnh “ở dồn” chật chội, hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng của dự án mỏ sắt Thạch Khê như ở xã Thạch Đỉnh, Thạch Khê, Thạch Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị và xã Thạch Lạc của huyện Thạch Hà còn phải đối mặt với những khó khăn khác...

sat-thach-khe

Nguồn nước đen kịt tại vùng dự án mỏ sắt Thạch Khê khiến người dân phải "thanh lọc" nhiều lần để sử dụng Ảnh: Việt Hương 

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn nói: “Sau sự cố môi trường biển, dư luận rất  nhạy cảm và lo lắng trước một số dự án có quy mô đầu tư vào địa phương. Quan điểm của tỉnh nhà, việc đầu tư kinh tế không mang ra để đánh đổi với môi trường, đầu tư phải đi đôi với môi trường và đảm bảo nó. Khi mà các bộ ngành đang bàn về sự mất còn của đại dự án mỏ sắt Thạch Khê, địa phương cũng phải có trách nhiệm sát sao với người dân quanh vùng dự án và nhất định sẽ tìm hướng giải quyết sáng suốt hơn”.

Lãnh đạo UBND huyện Thạch Hà cho rằng, việc xây dựng hạ tầng các khu tái định cư thiếu đồng bộ như khu TĐC xã Thạch Đỉnh, Thạch Bàn không có nước sạch cho các hộ, khu TĐC Thạch Bàn còn dở dang. “Hiện số hộ nghèo của 6 xã vùng mỏ sắt lên tới gần 800 hộ, cận nghèo lên tới gần 700 hộ”, ông Nguyễn Quốc Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho biết.

“Dừng ngay dự án và chấm dứt với nhà đầu tư này!”

Theo Bí thư Hà Tĩnh Lê Đình Sơn: “Việc dự án mỏ sắt Thạch Khê đã để lại quá nhiều hệ lụy cho địa phương và người dân vùng này. Chúng tôi đã có văn bản đề nghị lên Trung ương là hãy dừng ngay dự án và chấm dứt với nhà đầu tư này. Còn việc kêu gọi nhà đầu tư khác hay việc tái sinh nó chưa thể bàn lúc này, đấy là chuyện của 10 hay 20 năm sau mới tính đến”.

sat-thach-khe-nguoi-dan-quay-ve

Người dân quay về vùng dự án sống lay lắt qua năm này đến năm khác Ảnh: Việt Hương

Một trong những lý do là, theo Bộ KH-ĐT, năng lực tài chính của Công ty CP Sắt Thạch Khê không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư Tổ hợp dự án theo tiến độ, cho dù tổng mức đầu tư của dự án 3 năm có tơi 2 lần điều chỉnh giảm.

Tháng 12/2014, dự án điều chỉnh phê duyệt có tổng mức đầu tư là hơn 14.500 tỷ. Đến tháng 4/2016 giảm còn hơn 13.000 tỷ, trong đó giai đoạn 1 là hơn 6.600 tỷ. Đến tháng 3/2017, theo đề nghị của Bộ KH-ĐT, Công ty sắt Thạch Khê đã tính toán lại hiệu quả kinh tế dự án và tổng mức đầu tư dự án giảm còn hơn gần 12.200 tỷ. Thế nhưng, Bộ KH-ĐT cho rằng sau 2 lần điều chỉnh (giảm 2.300 tỷ), dự án vẫn chưa tính hết chi phí liên quan vào tổng mức đầu tư của dự án.

Ngoài ra, theo Bộ KH-ĐT, Dự án điều chỉnh phê duyệt năm 2014 chưa tính đủ chi phí vào tổng mức đầu tư và chưa dự báo giá quặng sắt trong dài hạn nên không đủ cơ sở tính toán hiệu quả dự án. Trong đó, việc tiêu thụ quặng sắt tại mỏ sắt Thạch Khê, Bộ KH-ĐT đánh giá mới có Hòa Phát ký thỏa thuận nguyên tắc mua bán quặng sắt Thạch Khê với khối lượng 2017-2021 là 3 triệu tấn/năm, giai đoạn 2022-2027 chưa có cam kết cụ thể. Cho nên phương án tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê trong dài hạn là “chưa chắc chắn”.

Theo thống kê, có tới hơn 4.000 hộ dân vùng quy hoạch Dự án mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) - dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á vẫn phải sống trong cảnh “dở khóc, dở cười” bởi không một giọt nước sạch để sinh hoạt, cây trồng khô héo, đất đai phải bỏ hoang, nhà cửa không được xây mới, môi trường ô nhiễm trầm trọng...

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ