Chuyên gia: Dư địa tăng của TTCK vẫn còn nhưng khó mạnh mẽ như 6 tháng đầu năm

Các chuyên gia nhận định dư địa tăng trưởng trong nửa cuối năm 2021 của thị trường chứng khoán vẫn còn nhưng sẽ khó đi lên mạnh mẽ như giai đoạn đầu năm.
BÌNH AN
06, Tháng 07, 2021 | 12:15

Các chuyên gia nhận định dư địa tăng trưởng trong nửa cuối năm 2021 của thị trường chứng khoán vẫn còn nhưng sẽ khó đi lên mạnh mẽ như giai đoạn đầu năm.

202003231605200015849505858101643988313crop15864250216861572452741609477347-1625471992_600x400

 

Trong nửa đầu năm 2021, VN-Index tăng 27,6% lên 1.408,55 điểm. Bên cạnh đó, HNX-Index cũng tăng 59,2% lên 323,32 điểm, UPCoM-Index tăng 21,2% lên 90,25 điểm so với cuối năm 2020. Dòng tiền nhà đầu tư "F0" vẫn được đánh giá là động lực chính giúp thị trường chứng khoán đi lên thời gian qua. Ở nửa sau của năm 2021, nhiều chuyên gia đánh giá thị trường chứng khoán vẫn còn dư địa tăng trưởng nhưng rủi ro lớn hơn rất nhiều.

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường, khối phân tích, Chứng khoán VNDirect nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng trong nửa cuối năm 2021, dù khó đi lên mạnh mẽ như giai đoạn đầu năm do mặt bằng định giá đã không còn rẻ như giai đoạn trước. Bên cạnh đó, thị trường sẽ phân hóa mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm nay, tập trung hơn vào những cổ phiếu chất lượng, có nền tảng cơ bản tốt và triển vọng kinh doanh tích cực trong giai đoạn tới. Ông Hinh nhận định vùng 1.400-1.500 điểm có thể đạt được trong năm nay (tương đương P/E khoảng 17,5-18,5 lần).

Tương tự, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng dự báo thị trường vẫn còn dư địa tăng trưởng, nhưng mức độ có thể thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2021. Theo thống kê hai chỉ số Dow Jones và S&P500 từ năm 1950, bất cứ khi nào hai chỉ số đạt mức tăng trưởng 2 con số trong 6 tháng đầu năm, thì hai chỉ số sẽ tiếp tục tăng điểm trong 6 tháng còn lại. Đồng thời, theo thống kê từ 1950, khi chỉ số S&P500 tăng hơn 12,5% vào nửa đầu năm thì nửa cuối năm có mức tăng trung bình là 9,7%. Còn theo thống kê từ 2010 trên VN-Index, khi VN-Index có mức tăng hơn 15,18% trong 6 tháng đầu năm thì nửa cuối năm có mức tăng trung bình 5,61%.

VN-Index được ông Minh dự báo có thể sẽ đạt đỉnh trong vùng 1.456 – 1.500 điểm và có thể đóng cửa ở mức 1.255 điểm trong năm 2021.

Ông Hinh nhận thấy vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2021 như môi trường lãi suất thấp hay định giá được hỗ trợ bởi triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực. Bên cạnh đó, hệ thống giao dịch nâng cấp của HoSE hoạt động trong tháng 7 sẽ giúp giải quyết triệt để tình trạng nghẽn lệnh hiện tại. Cùng với đó là nút thắt về tình trạng dư nợ cho vay ký quỹ cao sẽ được giải quyết nhờ việc các công ty chứng khoán đang đẩy nhanh quá trình tăng vốn chủ sở hữu để đáp ứng các quy định về cho vay ký quỹ của các cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó ông Nguyễn Thế Minh còn cho rằng, sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam sau giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong năm 2020 cũng sẽ là động lực cho thị trường chứng khoán thời gian tới. Ngoài ra, thanh khoản thị trường bất động sản và trái phiếu cũng như kênh tiết kiệm chưa thể hồi phục trở lại, cũng là yếu tố chính thúc đẩy dòng tiền tiếp tục tìm đến thị trương chứng khoán.

Cũng có quan điểm khá tích cực, ông Hoàng Huy – Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán MBKE cho biết hệ thống mới có tác dụng tốt về mặt tâm lý và hỗ trợ thanh khoản ở mức trên 1 tỷ USD/ngày và kết quả kinh doanh vẫn tốt (cụ thể là nhóm ngành ngân hàng) sẽ là động lực đẩy thị trường lên thêm một đoạn nữa, kiểm tra ngưỡng 1.500 điểm, và cuối năm có thể rút lại quanh vùng 1.350 – 1.400 điểm.

Chuyên gia đến từ MBKE cho rằng tốc độ tiêm chủng vaccine covid toàn quốc, lợi nhuận hồi phục và dòng tiền từ nhà đầu tư mới sẽ là động lực tăng trưởng cho thị trường. Hệ thống ổn định sẽ làm giảm bớt rủi ro thị trường trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thu hút lại dòng vốn ngoại từ giai đoạn quý IV trở đi.

Rủi ro đến từ yếu tố lãi suất, lạm phát, mức định giá cổ phiếu...

Đánh giá vể các rủi ro đối với thị trường chứng khoán thời gian tới, các chuyên gia đều cho rằng lãi suất hay lạm phát sẽ có tác động tiêu cực. Trong đó, Fed có thể sẽ sớm đưa ra giải pháp thắt chặt dần chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát. Việc Fed chuẩn bị cho các phương án thắt chặt chính sách tiền tệ làm dấy lên lo ngại về việc dòng vốn đầu tư quốc tế rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam. Nền kinh tế và thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ còn chịu rủi ro từ dịch bệnh Covid-19. 

Bên cạnh đó, ông Hinh dự báo lãi suất tiền gửi của Việt Nam dự kiến sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2021 trong bối cảnh áp lực lạm phát cao hơn, qua đó giảm bớt phần nào sức hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán so với kênh tiền gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, lãi suất vẫn sẽ ở mức thấp so với mặt bằng giai đoạn trước dịch 

Nguồn cung cổ phiếu tăng lên do doanh nghiệp niêm yết đẩy mạnh kế hoạch tăng vốn cũng được ông Hinh đề cập là rủi ro cho thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm. Dù vậy với mức thanh khoản bình quân hiện nay vào khoảng 1 tỷ USD/phiên và nguồn cung cổ phiếu có thể chưa gây sức ép lớn như trong giai đoạn 2014-2019, tuy nhiên rủi ro này vẫn cần phải được theo sát sao.

Ngoài ra, rủi ro còn đến từ mức định giá của cổ phiếu. Ông Thế Minh cho biết mức P/E TTM của VN-Index đang ở hơn 18 lần cho thấy thị trường đã đi qua giai đoạn hấp dẫn. Nếu P/E TTM sớm tăng về mức 22 lần thì cổ phiếu có lẽ đã trở nên rất đắt và các chỉ số có thể sẽ chịu áp lực bán mạnh.

Chủ đề đầu tư 6 tháng cuối năm

Chuyên gia đến từ Yuanta Việt Nam đưa ra các chủ đề cần quan tâm trong 6 tháng tới là chuyển đổi số mạnh mẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ. Hoạt động xuất khẩu dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu tiêu dùng hồi phục tại các nước phát triển. Thứ 3 là tăng trưởng tiêu dùng trong nước và sự thay đổi mô hình kinh doanh trong hàng tiêu dùng và dịch vụ tiêu dùng. Tiêp theo, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công sẽ thúc đẩy thanh khoản BĐS vùng ven. Cuối cùng, đẩy mạnh thu hút làn sóng dịch chuyển FDI, từ đó tạo động lực tăng trưởng cho BĐS khu công nghiệp.

Các nhóm ngành được ông Minh dự báo sẽ có biến động tích cực gồm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp và các doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất ở các khu vực vùng ven, dệt may, thủy sản và logistic, bán lẻ và sản xuất thực phẩm. Ở chiều ngược lại, nhóm ngành xây dựng và vật liệu xây dựng hay dịch vụ du lịch và giải trí vẫn bị đánh giá tiêu cực.

Trong khi đó, ông Hinh cũng đưa ra 4 chủ đề đầu tư. Thứ nhất là nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng lên khi nền kinh tế toàn cầu bước vào trạng thái bình thường mới. Ông Hinh đánh giá tích cực đối với nhóm ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn như dệt may, thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, cao su và thép. Logistic và bất động sản khu công nghiệp cũng sẽ là những ngành được hưởng lợi chính trong chủ đề này.

Việc triển khai vaccine sẽ là cú hích quan trọng cho nhóm ngành dịch vụ. Ông Hinh kỳ vọng Việt Nam sẽ cho phép mở lại các đường bay thương mại quốc tế từ đầu quý IV, khi đó ngành du lịch, dịch vụ lưu trú, nhà hàng và hàng không sẽ nhận được cú hích lớn.

Chủ đề thứ 3 là xu hướng tăng giá của hàng hóa cơ bản, triển vọng tươi sáng cho các công ty dầu khí trong 6 tháng cuối năm 2021 nhờ kỳ vọng giá dầu thô duy trì ở mức cao. Các nhà xuất khẩu thép, cao su và nông sản cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ xu hướng tăng của giá hàng hóa.

Trong khi đó, bất động sản lựa chọn đầu tư theo chu kỳ nổi bật thay thế cho ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2021. Thị trường bất động sản đang bước vào thời điểm thuận lợi khi nguồn cung đang dần hồi phục nhờ nới lỏng pháp lý, bên cạnh nguồn cầu được thúc đẩy mạnh mẽ bởi thị trường phục hồi trên diện rộng, lãi suất vay mua nhà thấp chưa từng có và cơ sở hạ tầng tăng tốc phát triển.

Cũng có những nhận định tương tự như hai chuyên gia ở trên, ông Hoàng Huy cho rằng nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn đầu hồi phục nên nhóm ngành có tính chu kỳ như tài chính, bất động sản, vật liệu sẽ được hưởng lợi chính.

Nhà đầu tư nên làm gì?

Ông Nguyễn Thế Minh khuyên các nhà đầu tư nên có chiến lược giải ngân thận trọng và luôn giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mưc cân bằng trong danh mục, đặc biệt không nên dùng đòn bẩy cao trong giao dịch. Đồng thời, các nhà đầu tư nên tập trung vào các cổ phiếu còn dư địa tăng trưởng kèm theo định giá thấp (mức định giá thấp hơn mức trung bình ngành).

Nhà đầu tư có thể phân bổ một phần danh mục sang nhóm cổ phiếu bất động sản nhà ở, bất động sản khu công nghiệp, xuất khẩu dệt may, thủy sản, cao su tự nhiên, cảng biển hay logistic. Bên cạnh đó, giai đoạn nửa cuối năm thị trường có thể xuất hiện những nhịp điều chỉnh, do đó việc quản trị rủi ro danh mục nên được đặt ưu tiên lên hàng đầu để bảo vệ thành quả đầu tư trước đó. Nhà đầu tư nên hạn chế mua đuổi những cổ phiếu đã tăng nóng và sử dụng đòn bẩy ở mức cao để giảm thiểu thiệt hại khi thị trường điều chỉnh.

(Theo NDH)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ