[Café Cuối tuần] Từ đồng tiền tâm thức đến nguồn vốn phát triển

Ở nước ta, tiền tệ cũng đã có lịch sử xuất hiện từ rất sớm. Trong tâm thức truyền thống của người Việt, đồng tiền thường được nhận diện như một giá trị hai mặt, tích cực và tiêu cực, như hai mặt của... một đồng tiền vậy.
LUẬT SƯ NGÔ QUỐC KỲ
17, Tháng 02, 2024 | 08:00

Ở nước ta, tiền tệ cũng đã có lịch sử xuất hiện từ rất sớm. Trong tâm thức truyền thống của người Việt, đồng tiền thường được nhận diện như một giá trị hai mặt, tích cực và tiêu cực, như hai mặt của... một đồng tiền vậy.

bai-hoc-tai-chinh-cho-tre-tu-bao-li-xi-ngay-tet-1200-800-1

 

Người Việt xưa thường gắn cho đồng tiền những quyền uy to lớn khi nó đóng vai trò là vật "ngang giá chung". Hơn thế, đến mức có thể dùng để đổi lấy một thực thể siêu hình, nhiều quyền phép "Có tiền mua tiên cũng được". Người có nhiều tiền đồng nghĩa với với người có thế lực "Mạnh vì gạo, bạo vì tiền". Đồng tiền tôn thêm vẻ đẹp so với những gì mà con người đã có "Đồng tiền không phấn không hồ/Đồng tiền khéo điểm khéo tô mặt người". Đồng tiền còn tôn thêm sức mạnh của người có nó, có thể khuất phục được kẻ khác "Tay mang túi bạc kè kè/Nói quấy nói quá, người nghe ầm ầm". Sử dụng đúng thời, đồng tiền còn có khả năng được nhân cách hoá, trí tuệ hoá "Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn/Đồng tiền đi sau là đồng tiền dại". Với sức mạnh lớn lao đó, tiền có khả năng làm ma đưa lối quỷ dẫn đường "Tiền bạc đi trước, mực thước theo sau".

Điều trớ trêu là, trong khi người ta nguyền rủa, lên án và kết tội "đồng tiền là con đĩ chung của nhân loại" (Shakespeare), nhưng trên thực tế thì hầu như ai cũng mong muốn nó nhiều lần được qua tay... mình. Mặc dù đồng tiền đã được huyết thống hoá với chính người có nó "Đồng tiền đi liền khúc ruột" thì vẫn diễn ra cái cảnh "Chị em hiền thật là hiền/Lâm đến đồng tiền mất cả chị em". Bành trướng hơn sức mạnh ma quái, tiền còn có thể làm tan rã các giá trị đạo lý "Còn bạc còn tiền còn đệ tử/Hết cơm hết rượu hết ông tôi" (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Bá quyền hơn, đồng tiền có khả năng làm khuynh đảo xã hội, rốt cuộc mọi thứ bị "Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền", bởi "Trong tay sẵn có đồng tiền/Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì" (Nguyễn Du). Đồng tiền còn có thể chà đạp lên công lý, lăng nhục công lý "Nén bạc đâm toạc tờ giấy", thậm chí là "Kim ngân phá luật lệ", và đỉnh điểm là "Kim ngân hoá luật lệ". Có một kiểu sử dụng tiền khác, là có "một bộ phận" trong xã hội, gồm những kẻ cơ hội xu phụ nịnh hót, dùng đồng tiền để bán tước mua quan, mặc dầu rằng "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng". Hay xuất hiện nhiều kẻ trọc phú dùng tiền học đòi, chơi trội theo kiểu "Trưởng giả học làm sang". Được nhân cách hoá, trí tuệ hoá, huyết thống hoá chưa đủ, tiền còn trở thành một thứ được bái vật hoá, thần tượng hoá, vĩnh cửu hoá giá trị "Đồng tiền là chúa muôn loài/Người ta là khách vãng lai một thời".

Tuy nhiên, tiền không phải đã "xấu hết", không phải đã "làm hỏng cả" như mặt trái của nó vẫn tồn tại mà khi "cả giận" người ta thường "băm dao", đay nghiến. Thực ra, đồng tiền không có mùi tanh, có chăng, chỉ là tay người đã làm tanh đồng tiền. Trong tay người "khôn", tiền được dùng như một vật hữu ích chứ không phải chỉ là có "nọc độc". Tiền được người hào hiệp dùng vào nghĩa cử, theo địa chỉ của những tấm lòng từ thiện, với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", "Thương người như thể thương thân" khi người khác "Tối lửa tắt đèn". Đồng tiền còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và phát triển sản xuất xã hội.

Như đã nói trên, trong tâm thức truyền thống, người Việt thường nhìn nhận và đề cập đến khía cạnh đạo lý của đồng tiền mà chưa nhấn mạnh nó dưới khía cạnh kinh tế - xã hội, chưa coi trọng vai trò của nó trong hoạt động kinh doanh cũng như thị trường vốn cần có để phát triển. Nền sản xuất kinh tế tiểu nông thủ công tự cấp tự túc ngàn đời chính là cơ sở kinh tế xã hội của tư tưởng coi khinh đồng tiền, coi nhẹ buôn bán, doanh lợi. Thái độ đó như là một thứ phản ứng tự vệ của cả cộng đồng nghèo khó trước giàu sang tiềnbạc. Một tư tưởng như vậy vô hình chung lại đã đề cao và bảo vệ cho cái thiết chế và trật tự xã hội cổ truyền, chống lại mọi sự "đảo lộn" khi những giá trị bị băng hoại do đồng tiền gây ra. Cơ sở tư tưởng của một quan niệm mang tính chất đạo lý như vậy rất có thể đã chịu ảnh hưởng và bị chi phối bởi tư tưởng Nho giáo phong kiến, vốn đề cao đức trị. Đặc biệt, chính quan điểm phê phán "tư lợi" và "lợi" vô hình chung đã tạo ra sự đối lập giữa giàu có tiền bạc và nhân đức, đạo lý theo phép ứng xử duy tình, đề cao quan hệ tình nghĩa trong các mối quan hệ tiền bạc.

Lịch sử tồn tại và phát triển của tiền tệ và ngân hàng, đang mang đến những biến đổi dữ dội chưa từng thấy. Từ đồng tiền hiện vật, qua đồng tiền kim loại, tiền giấy, làm bằng chất dẻo, sang đồng tiền điện tử (electronic money) cho đến những đồng tiền ảo - virtual money hiện nay, được gọi chung là đồng tiền mã hoá (cryptocurrency)... là một bước phát triển dài, vĩ đại. Thực tế hiển nhiên là tiền tệ đang mang lại một siêu quyền lực to lớn chưa từng thấy trong hoạt động kinh tế của mỗi quốc gia và cả loài người.

Trong vô số cái nhìn nghiêng về khía cạnh đạo lý, đâu đó người Việt truyền thống cũng nhận ra vai trò to lớn của đồng tiền trong hoạt động kinh doanh, khi đưa tiền vào kênh tín dụng cho vay, đồng tiền còn mang lại khả năng sinh lời, tự nó đẻ ra chính nó, khi coi tiền là một thứ giá cả đặc biệt của vốn cho vay như "Tiền trong nhà tiền chửa, tiền ra cửa tiền đẻ". Như vậy, ngay trong nền sản xuất nông nhiệp thủ công truyền thống, người Việt cũng vẫn đã nhận thấy vai trò quan trọng của đồng tiền, đồng vốn trong thúc đẩy và phát triển đời sống xã hội.

Khác với những nền sản xuất trước đây, các quan hệ tiền tệ biểu hiện tập trung nhất của nền kinh tế thị trường. Do vậy, các chủ trương chính sách của Nhà nước có ý nghĩa quyết định trong việc xác định vai trò và tầm quan trọng to lớn vốn có của tiền tệ và nguồn vốn nói chung.

Ngày nay, bất cứ một chính phủ nào cũng nhận thấy vốn là điều kiện hàng đầu, là yếu tố then chốt, là nguồn lực quan trọng nhất đối với việc phát triển của mọi quốc gia. Để phát triển nhanh và bền vững, cần một nguồn tài chính đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu cho nền sản xuất lớn và hiện đại của cả xã hội. Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, nguồn vốn càng có vai trò đặc biệt to lớn. Bởi vậy, Chính phủ cần có chính sách và các giải pháp để phát huy nguồn lực tài chính của đất nước. Nguồn lực tài chính đó bao gồm cả nguồn vốn trong nước (ngân sách nhà nước, tín dụng đầu tư phát triển nhà nước, vốn đầu tư của các doanh nghiệp, vốn đầu tư của nhân dân) và nguồn vốn nước ngoài (vốn ODA, FDI, thị trường tài chính quốc tế).

Cùng với việc nhanh chóng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ tài chính, cần đẩy mạnh việc phát triển thị trường tài chính Việt Nam, bao gồm cả ba loại thị trường là tiền tệ ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Trong đó, việc xây dựng một thể chế đồng bộ, bình đẳng, minh bạch cho thị trường tài chính phát triển là yêu cầu hàng đầu. Mặt khác, xuất phát từ các điều kiện kinh tế xã hội cụ thể ở nước ta, cần coi trọng và có chính sách điều tiết, kiểm soát đối với thị trường tín dụng phi chính thức (tín dụng ngoài ngân hàng) như một thực tế khách quan của thị trường tài chính. Trong điều hành vốn, Ngân hàng nhà nước cần thực hiện có hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ quốc gia (cho vay, tái cấp vốn, lãi suất, tỉ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở). Đồng thời, các ngân hàng thương mại cần nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút nhiều hơn nữa nguồn tiền gửi từ người dân. Đặc biệt, cần có chính sách linh hoạt và hấp dẫn để chuyển hóa các nguồn từ tài sản (asset) như bất động sản, vàng… thành vốn (capital).

Theo Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), nhu cầu vốn cho phát triển nền kinh tế những năm tới rất lớn, trong khi lượng vàng trong dân ước tính còn khoảng 500 tấn (hơn 40 tỷ USD theo tỉ giá hiện tại là 75 triệu VNĐ/ lượng) hiện đang nằm trong két sắt, trong tủ của các gia đình. Bởi vậy, việc tìm ra các giải pháp huy động có hiệu quả nguồn lực vàng trong dân để chuyển hóa thành vốn cho phát triển kinh tế phải được coi là rất cấp bách.

Bên cạnh việc coi vốn đầu tư trong nước là nguồn cơ bản đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế một cách bền vững và liên tục, Chính phủ cũng cần có chính sách hấp dẫn để thu hút mạnh mẽ nguồn kiều hối. Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) dự báo năm 2023, lượng tiền kiều hối chuyển về Việt Nam tăng 4,5% so với năm 2022, và năm 2024 còn tăng cao hơn nhiều so với năm 2023. Đa dạng hóa các hình thức chuyển tiền tại các thị trường có tiềm năng lớn, mở rộng các dịch vụ chuyển tiền 24/7 tại một số quốc gia, tiếp tục làm cho Việt Nam, với tiềm năng to lớn của hơn 5,4 triệu người Việt tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, chuyển tiền về nước, nằm trong Top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới những năm gần đây.

Năm 2024 theo âm lịch là năm Giáp Thìn, là con Rồng vàng. Trong văn hóa Á Đông và tâm thức người Việt, Rồng là một linh vật đứng đầu trong tứ linh gồm long, ly, quy, phượng, được tôn kính, biểu trưng cho sức mạnh, bản lĩnh và trí tuệ, thành công và thịnh vượng. Hy vọng, đây sẽ là năm có những bước phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ khi đất nước đã hội đủ những điều kiện tích cực cả về đối nội và đối ngoại. Hy vọng, cùng với sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện, Việt Nam sẽ có cơ hội giải phóng và phát huy được những tiềm năng to lớn từ tổng phổ các nguồn tài nguyên (tự nhiên, xã hội, con người) và nguồn lực (vốn, tri thức, công nghệ, quản trị) để đất nước bứt phá phát triển đi lên với "Khát vọng hóa Rồng".

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ