Áp lực của HPG

Nhàđầutư
SSI Research đánh giá việc giá thép giảm cùng với nhu cầu yếu có khả năng khiến lợi nhuận HPG tiếp tục tăng trưởng âm so với cùng kỳ cho đến nửa đầu năm 2023, từ đó gây áp lực lên giá cổ phiếu trong ngắn hạn.
NHẬT HUỲNH
02, Tháng 11, 2022 | 10:58

Nhàđầutư
SSI Research đánh giá việc giá thép giảm cùng với nhu cầu yếu có khả năng khiến lợi nhuận HPG tiếp tục tăng trưởng âm so với cùng kỳ cho đến nửa đầu năm 2023, từ đó gây áp lực lên giá cổ phiếu trong ngắn hạn.

hpg-tien-mat-1747

Cổ phiếu HPG chịu nhiều áp lực trong ngắn hạn. Ảnh HPG.

Như đã đề cập, khoản lỗ kỷ lục gần 1.800 tỷ đồng trong một quý được Tập đoàn Hoà Phát (mã HPG) công bố vào cuối tuần trước đã kích hoạt đợt bán tháo cổ phiếu ngay từ đầu tuần này. Kết phiên 1/11, HPG dừng tại mức giá 15.000 đồng/CP, tương ứng giảm 13,4% sau 3 phiên, vốn hóa theo đó hiện còn 87.200 tỷ đồng. Con số này khiến Hòa Phát ngày càng xa rời nhóm vốn hóa lớn nhất tại thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung.

Phiên 1/11 cũng chứng kiến mức kỷ lục về thanh khoản của mã này với 81,5 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, tương ứng 1.244 tỷ đồng. Lưu ý rằng, áp lực xả hàng HPG không chỉ đến từ nhà đầu tư trong nước mà còn được cộng hưởng bởi khối ngoại. Cập nhật đến cuối ngày 1/11, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp đầu ngành thép này là 19,78%, tỷ lệ này đã giảm sút rất nhiều so với đầu năm nay (23,65%) hay đầu năm 2021 (33,05%).

Dù vậy, bức tranh ảm đạm về kết quả kinh doanh của Hòa Phát có thể sẽ còn kéo dài khi trong báo cáo mới công bố, SSI Research đã điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 của doanh nghiệp đầu ngành thép xuống 12.200 tỷ đồng, giảm 65% so với mức đỉnh năm 2021. Như vậy, theo ước tính của nhóm phân tích này, LNST quý 4 của Hòa Phát có thể đạt 1.757 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Giá thép giảm cùng với nhu cầu suy yếu có khả năng dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận âm so với cùng kỳ cho đến nửa đầu năm 2023", SSI lưu ý.

Đánh giá về triển vọng của Hòa Phát cũng như ngành thép, SSI Research cho rằng giá thép có thể chưa chạm đáy, nhưng tốc độ giảm có thể chậm lại do: sự ổn định của giá thép trong khu vực khi Chính phủ Trung Quốc triển khai các biện pháp hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và chủ đầu tư bất động sản và tỷ suất lợi nhuận của các nhà sản xuất thép trong nước đã giảm xuống mức tối thiểu, dẫn đến sản lượng sản xuất giảm.

Theo SSI, nhu cầu chậm lại là mối lo ngại chính. Cụ thể, tổng nhu cầu toàn cầu vẫn yếu, đặc biệt là ở Trung Quốc. Nhu cầu ở quốc gia tiêu thụ thép lớn nhất thế giới giảm 6,6% trong 8 tháng đầu năm 2022, cao hơn mức giảm 5,7% trong sản lượng sản xuất của quốc gia này trong cùng kỳ. Theo Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), nhu cầu của Trung Quốc trong năm 2022 dự kiến sẽ giảm 4%, thấp hơn so với dự báo đi ngang vào tháng 4 năm 2022, do thị trường bất động sản lao dốc trong bối cảnh giãn cách xã hội vì Covid.

Năm 2023, WSA kỳ vọng nhu cầu của Trung Quốc sẽ không thay đổi nhưng lưu ý rủi ro giảm đáng kể trong trường hợp không có các biện pháp kích thích mới và không có chính sách nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Toàn bộ nhu cầu thép toàn cầu dự kiến chỉ phục hồi 1% vào năm 2023, sau khi giảm khoảng 2,3% vào năm 2022. 

"Điều này sẽ tạo thêm áp lực lên giá thép trong khu vực và Việt Nam, tạo ra thách thức cho HPG trong việc xuất khẩu phôi sang thị trường này trong thời gian tới", nhóm phân tích này cho biết.

Ngoài ra, nhu cầu trong nước cũng là vấn đề đáng lo ngại khi thị trường bất động sản chững lại trong thời gian tới. Cụ thể, thị trường bất động sản đối mặt với nhiều khó khăn do lãi suất tăng;và thắt chặt tín dụng từ ngân hàng cũng như thị trường trái phiếu. Điều này gây ảnh hưởng đến khả năng tài chính của cả chủ đầu tư và người mua nhà.

Mặc dù hoạt động đầu tư công và giải ngân vốn FDI sẽ được tăng tốc trong giai đoạn 2022-2023 tuy nhiên SSI Research cho rằng tổng nhu cầu thép trong nước vẫn có thể chịu mức tăng trưởng âm một chữ số vào năm 2023. Do nhu cầu thị trường yếu hơn, Hòa Phát có thể cân nhắc tạm thời đóng một phần công suất lò cao trong thời gian ngắn hạn.

Từ những phân tích trên, SSI Research hạ giá mục tiêu 1 năm cho cổ phiếu HPG xuống 18.000 đồng/cổ phiếu (từ 27.600 đồng/cổ phiếu), căn cứ trên P/E mục tiêu và EV/EBITDA không đổi lần lượt là 7,5 lần và 5,5 lần.

"Việc giá thép giảm cùng với nhu cầu yếu có khả năng khiến lợi nhuận HPG tiếp tục tăng trưởng âm so với cùng kỳ cho đến nửa đầu năm 2023, từ đó gây áp lực lên giá cổ phiếu trong ngắn hạn", SSI nhấn mạnh.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ