Trái chiều doanh nghiệp dược phẩm nửa đầu năm

Nhàđầutư
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đã khiến bức tranh kinh doanh trong quý 2 và nửa đầu năm 2021 của nhiều doanh nghiệp dược phẩm có sự phân hóa.
NHẬT HUỲNH
04, Tháng 08, 2021 | 08:28

Nhàđầutư
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đã khiến bức tranh kinh doanh trong quý 2 và nửa đầu năm 2021 của nhiều doanh nghiệp dược phẩm có sự phân hóa.

z-a-5117

Ảnh: Internet

Từ năm ngoái đến nay, dược phẩm là một trong số ít ngành nghề ít chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, khi nhu cầu về các loại thuốc, đặc biệt dòng thuốc tăng cường đề kháng tăng đột biến. Cùng với đó, các bệnh viện và khách hàng cá nhân đều có nhu cầu tích trữ thuốc để phòng dịch. Bên cạnh đó, việc sản xuất, cung cấp các trang thiết bị y tế, các dụng cụ bảo hộ trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn ra cũng đã góp phần tăng doanh thu đáng kể cho một số doanh nghiệp dược, đặc biệt là những ông lớn đầu ngành.

Đơn cử như CTCP Traphaco (mã CK: TRA) trong 6 tháng đầu năm đạt 1.028 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 21% so với cùng kỳ, lãi sau thuế đạt 124 tỷ đồng, tăng 37,8%.

Traphaco cho biết trong quý 2, chính sách bán hàng của công ty được khách hàng ủng hộ nên doanh thu tăng mạnh. Bên cạnh đó công ty tập trung các chương trình thúc đẩy bán các sản phẩm truyền thống dẫn đến tỷ lệ chi phí giá vốn bán hàng quý 2 giảm so với cùng kỳ.

Cùng với đó, công ty cũng chủ động được nguồn nguyên liệu khi dự trữ một lượng lớn nguyên liệu tân dược, do vậy hạn chế được ảnh hưởng từ sự đứt gãy nguồn cung do đại dịch COVID hoành hành tại Ấn Độ, một trong những nước xuất khẩu nguyên liệu tân dược chủ lực cho Việt Nam.

Năm 2021, Traphaco đặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 2.100 tỷ đồng và 240 tỷ đồng, tăng 10% và 11% so với kết quả thực hiện của năm 2020. Như vậy, sau nửa năm, công ty đã hoàn thành 49% kế hoạch doanh thu và gần 52% kế hoạch lợi nhuận sau thuế của cả năm.

Là nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu cả nước, CTCP Dược Hậu Giang (mã CK: DHG) cũng là đơn vị có kết quả kinh doanh đi lên đáng kể. Sau năm 2020 thành công, Dược Hậu Giang tiếp tục trải qua nửa đầu năm 2021 hoạt động hiệu quả khi thu về doanh thu thuần hợp nhất 1.965 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 405,4 tỷ đồng, tăng lần lượt 17,1% và 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch kinh doanh năm 2021, doanh nghiệp dược hoàn thành lần lượt 49% chỉ tiêu doanh thu và 55% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Với những kết quả đạt được, giai đoạn 2021-2025, Dược Hậu Giang đặt ra kế hoạch tăng trưởng 8-10% mỗi năm, với doanh thu tới năm 2025 đạt 5.500 tỷ đồng, lãi trước thuế cán mốc 1.000 tỷ đồng, trả cổ tức từ 30% trở lên.

Trong quý 2 năm nay, Dược phẩm trung ương I - Pharbaco (mã CK: PBC) cũng đón nhận niềm vui khi doanh thu thuần đạt 256 tỷ đồng, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Pharbaco ghi nhận 458 tỷ đồng doanh thu và 27 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 22% và 290% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong năm 2021, Pharbaco đặt mục tiêu 1.000 tỷ đồng doanh thu và 10 tỷ đồng lợi nhuận. Như vậy, công ty đã hoàn thành gần 46% chỉ tiêu doanh thu và vượt 170% chỉ tiêu lợi nhuận. Hiện Pharbaco có vốn điều lệ 900 tỷ đồng, đứng thứ nhì ngành, chỉ sau Dược Hậu Giang.

Screenshot (957)

 

Tương tự, Dược phẩm trung ương CPC1 (mã CK: DP1) cũng ghi nhận kết quả tích cực trong quý 2/2021 với doanh thu đạt 483,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10,5 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 6,3% và 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp điều chỉnh từ 15% về còn 13%.

Lũy kế nửa đầu năm nay, DP1 đạt doanh thu 902,2 tỷ đồng, giảm 8,5% so với nửa đầu năm trước. Dù vậy doanh nghiệp vẫn thu về 20,8 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng gần 7%.

Năm 2021, DP1 đặt kế hoạch với tổng doanh thu là 2.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 41,6 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp hoàn thành được 50,2% kế hoạch lợi nhuận năm.

Sở hữu hai nhà máy đạt chuẩn EU-GMP, có khả năng sản xuất thuốc chất lượng cao cho kênh bệnh viện, Dược phẩm Imexpharm (mã CK: IMP) là thương hiệu có tiếng trên thị trường. Dù vậy, chi phí bán hàng tăng cao đã khiến lợi nhuận trước thuế quý 2/2021 của Imexpharm chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ 2020.

Theo đó, trong quý II/2021, IMP đạt doanh thu 321 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2020. Giá vốn bán hàng giảm dẫn tới biên lợi nhuận cải thiện lên 43% từ mức 37%. Lợi nhuận gộp đạt 136,7 tỷ đồng, tăng 27,7%.

Trong kỳ, chi phí tài chính và chi phí bán hàng đều tăng, riêng chi phí bán hàng tăng từ 32 tỷ đồng lên 59,5 tỷ đồng. Kết quả, lãi trước thuế của doanh nghiệp đạt 61,8 tỷ đồng, tăng 4,2%. Lợi nhuận sau thuế đạt 49,3 tỷ đồng, giảm 4,2%.

Trước đó IMP đặt kế hoạch kinh doanh quý 2/2021 với mục tiêu doanh thu đạt 364 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 75,4 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp không hoàn thành mục tiêu đề ra. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, IMP đạt 622,8 tỷ đồng doanh thu, 117 tỷ đồng lãi trước thuế và 91,2 tỷ đồng lãi sau thuế.

Năm 2021, IMP đặt mục tiêu tổng doanh thu và thu nhập dự kiến đạt 1.530 tỷ đồng, với mức tăng trưởng ổn định 10,7%. Lợi nhuận trước thuế 290 tỷ đồng với mức tăng trưởng 13,5% so với năm 2020. Sau hai quý, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành 40,7% và 40,3% các chỉ tiêu cả năm.

Chi phí tăng do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cũng là nguyên nhân khiến Dược phẩm OPC (OPC) giảm 20,3% lợi nhuận trong quý 2/2021, về còn 16,9 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, OPC đạt doanh thu 473,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 53,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 2,8% và 0,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2021, OPC đặt kế hoạch với tổng doanh thu là 866 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 143 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp sau nửa đầu năm đã hoàn thành được 48,1% kế hoạch lợi nhuận năm.

Có phần khác biệt, giai đoạn đầu năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, Tổng CTCP Y tế Danameco (HNX: DNM) đã mạnh dạn huy động vốn để đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị nhằm tăng sản lượng sản xuất khẩu trang thiết bị y tế. Nhờ nắm bắt nhu cầu thị trường, doanh nghiệp đã đem về kết quả lãi ròng kỷ lục 37 tỷ đồng trong năm ngoái. Năm 2021, Danameco tự tin đặt kế hoạch doanh thu 810 tỷ đồng và lãi ròng trên 47 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 15% và 26% so với năm 2020.

Dù vậy, trong nửa đầu năm 2021, thị trường khẩu trang, trang phục chống dịch đã được bình ổn khiến DNM lãi rất thấp, đặc biệt là quý 2/2021.

Cụ thể, trong quý 2/2021, doanh thu thuần DNM chỉ đạt 73,6 tỷ đồng giảm tới 69% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp 16 tỷ đồng, giảm 63%. Sau khi trừ các khoản chi phí, DNM thậm chí còn lỗ thuần 13 triệu đồng, nhờ lãi từ hoạt động khác nên LNST đạt 22 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều con số lãi sau thuế 17,3 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước.

Danameco cho biết việc doanh thu, lợi nhuận giảm mạnh do mảng khẩu trang, trang phục chống dịch trong nước trở lại mức bình ổn, không còn sốt như cùng kỳ năm ngoái. 

Bên cạnh đó trong quý 2 công ty đầu tư phát triển sản phẩm hướng đến thị trường quốc tế nên phát sinh các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao liên quan đến chi phí kiểm định nhà máy, kiểm nghiệm hàng hoá theo tiêu chuẩn quốc tế…

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, DNM đạt 144 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 61% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 4,2 tỷ đồng, giảm tới 82%.

Screenshot (981)

 

Cổ phiếu dược phân hóa

Bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp dược phẩm phần nào đã phản ánh lên thị giá của cổ phiếu nhóm này trên thị trường chứng khoán với những cổ phiếu tăng giảm đan xen. Đặc biệt, vào ngày 4/6/2021, ngay sau khi Bộ Y tế công bố danh sách 36 đơn vị đủ điều kiện nhập khẩu, kinh doanh vaccine phòng COVID-19, cổ phiếu ngành dược đồng loạt khởi sắc, trong đó không ít mã tăng kịch biên độ nhiều phiên liên tiếp.

Đơn cử, cổ phiếu VMD tăng một mạch từ mức 21.700 đồng/CP phiên đầu năm lên mức 29.700 đồng/cổ phiếu ngày 4/6/2021 (tương đương tăng 36,8%), và tiếp tục tăng trần liên tiếp 3 phiên sau đó.

Dẫu vậy, với đợt điều chỉnh sâu của thị trường trong tháng 7, chỉ số chính VN-Index có thời điểm mất tới 200 điểm so với mức đỉnh 1.420 ngày 2/7 thì phần lớn các mã cổ phiếu, đặc biệt thuộc các nhóm đã tăng nóng từ trước lại ghi nhận mức giảm sâu. Nhóm cổ phiếu dược phẩm cũng không giữ được đà tăng và mất hàng chục % giá trị chỉ sau một tháng như DP1 (-15%), DDN (-13%), VMD (-16%), DNM (-17%)...

Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm đến nay, nhiều cổ phiếu nhóm này vẫn tăng trưởng mạnh như IMP (+23%), DP1 (+89%), VMD (+14%)...Ở chiều ngược lại, một số mã khác lại thể hiện sự giảm sút là DNM (-21%), DHG (-10%) hay PBC (-71%).

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25175.00 25177.00 25477.00
EUR 26671.00 26778.00 27961.00
GBP 31007.00 31194.00 32152.00
HKD 3181.00 3194.00 3297.00
CHF 27267.00 27377.00 28214.00
JPY 159.70 160.34 167.58
AUD 16215.00 16280.00 16773.00
SGD 18322.00 18396.00 18933.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18215.00 18288.00 18819.00
NZD   14847.00 15342.00
KRW   17.67 19.30
DKK   3582.00 3713.00
SEK   2293.00 2380.00
NOK   2270.00 2358.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ