Quảng Ninh: Bỏ một đồng vốn "mồi", thu hơn 8 đồng ngoài ngân sách

Nhàđầutư
Với cách làm đó, 5 năm gần đây, tỷ trọng đầu tư công của tỉnh Quảng Ninh đã giảm dần (từ 60% năm 2010 xuống 37% năm 2015); đầu tư nước ngoài tăng mạnh (từ 5% năm 2010 lên 30% năm 2015); đầu tư tư nhân trong nước tiếp tục tăng, chiếm tới 33% tổng vốn đầu tư.
NGUYỄN HỒNG
17, Tháng 10, 2017 | 08:00

Nhàđầutư
Với cách làm đó, 5 năm gần đây, tỷ trọng đầu tư công của tỉnh Quảng Ninh đã giảm dần (từ 60% năm 2010 xuống 37% năm 2015); đầu tư nước ngoài tăng mạnh (từ 5% năm 2010 lên 30% năm 2015); đầu tư tư nhân trong nước tiếp tục tăng, chiếm tới 33% tổng vốn đầu tư.

quang ninh

Nhờ biết thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, bộ mặt tỉnh Quảng Ninh ngày càng thay đổi 

Vốn FDI làm thay đổi bộ mặt Quảng Ninh

Quảng Ninh được xác định là “cực tăng trưởng” của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, đồng thời cũng nằm trong Khu vực hợp tác phát triển “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc”.

Những năm qua, mặc dù tình hình kinh tế quốc tế và Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức, song Quảng Ninh vẫn được đánh giá là một trong những địa phương năng động, đi đầu trong cả nước, tạo ra nhiều mô hình, cách làm đột phá, đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể như: GRDP duy trì tốc độ tăng trưởng cao: bình quân 5 năm (2011-2015) đạt 9,2%, năm 2016 đạt 10,1%, 9 tháng đầu năm 2017 đạt 9,7%, GDP bình quân đầu người năm 2016 đạt 4.050 USD; Thu ngân sách luôn đứng vào tốp 5 địa phương có số thu cao nhất cả nước,...

Đặc biệt kết cấu hạ tầng đã có bước phát triển cơ bản với nhiều dự án động lực, điển hình như: Đưa điện lưới quốc gia ra huyện đảo Cô Tô, hoàn thành nâng cấp cải tạo quốc lộ 18A đoạn Uông Bí - Hạ Long, Trung tâm thương mại Vincom Center Hạ Long, Công viên SunWorld, Trường quốc tế KinderWorld, Bệnh viện Vinmec, KS Vinpearl Hạ Long, Wyndham... chính thức đi vào hoạt động; Dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn dự kiến hoàn thành trong quý I/2018...

Theo ông Trương Mạnh Hùng - Phó trưởng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư Quảng Ninh, trong 5 năm gần đây, Quảng Ninh đã huy động được trên 190.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ nguồn lực xã hội (trong đó có đầu tư FDI). "Chính từ cách làm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, Quảng Ninh bỏ ra 1 đồng ngân sách (vốn “mồi”), thu hút được 8,3 đồng ngoài ngân sách cho phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội, giao thông, du lịch...", ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Hùng cho biết thêm, với cách làm đó, 5 năm gần đây, tỷ trọng đầu tư công của tỉnh đã giảm dần (từ 60% năm 2010 xuống 37% năm 2015); đầu tư nước ngoài tăng mạnh (từ 5% năm 2010 lên 30% năm 2015); đầu tư tư nhân trong nước tiếp tục tăng, chiếm tới 33% tổng vốn đầu tư. Cũng nhờ đó, có nhiều dự án lớn mang tính động lực đã và đang được triển khai tại Quảng Ninh. Diện mạo của Quảng Ninh có sự thay đổi đáng kể với sự hiện diện của nhiều tập đoàn kinh tế lớn, cùng với nhiều dự án động lực đã và đang được triển khai, hoàn thiện.

Nói về vấn đề thu hút đầu tư FDI, ông Hùng cho hay, trong 30 năm qua: trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 121 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 5,94 tỷ USD, trong đó riêng giai đoạn (2012-2016) thu hút 31 dự án với số vốn đạt 3,58 tỷ USD (chiếm 60%). Luỹ kế vốn đầu tư thực hiện đến thời điểm hiện tại ước đạt 4,53 tỷ USD, chiếm 76,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Riêng vốn đăng ký của một số nhà đầu tư chiến lược đạt 80.887 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân 59.549 tỷ đồng (đạt tỷ lệ giải ngân 74%).

Bên cạnh những kết quả nổi bật, ông Hùng cũng chỉ ra một số mặt hạn chế của tỉnh trong việc thu hút FDI trong thời gian qua như là: Hiệu quả tổng thể nguồn vốn đầu tư nước ngoài chưa cao; FDI hiện tập trung chủ yếu tại địa bàn có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thị trường tiêu thụ sản phẩm gây mất cân đối vùng miền, không đạt được mục tiêu hướng FDI vào địa bàn khó khăn; 

Mục tiêu thu hút công nghệ cao, chuyển giao công nghệ chưa đạt được như kỳ vọng; Một số dự án được cấp phép nhưng chưa triển khai hoặc giải ngân còn chậm, chưa đúng theo cam kết trong quy định đặc biệt là các dự án du lịch, dịch vụ tại các vị trí có lợi thế, tiềm năng, sử dụng diện tích lớn.

Nhiều thách thức trong thu hút FDI

Theo ý kiến đánh giá của các chuyên gia JETRO, JICA, của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), cũng như thông qua các buổi tiếp xúc làm việc trong các chuyến công tác xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, có thể thấy 6  thách thức cơ bản đặt ra đối với tỉnh Quảng Ninh trong việc thu hút đầu tư FDI:

Thứ nhất, Các doanh nghiệp FDI có xu hướng ưa thích đầu tư trong khu vực gần lõi, có khoảng cách bán kính khoảng 100km từ trung tâm Hà Nội, hoặc khoảng cách di chuyển ô tô không quá 1,5 giờ đồng hồ. Quảng Ninh hiện đang nằm ngoài khoảng cách ấy.

Thứ hai, xét trong khu vực lân cận, thành phố Hải Phòng đang nổi lên như là một điểm sáng, điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài do có cơ sở hạ tầng đồng bộ: đường bộ (Quốc lộ 5B), đường biển (Cảng Lạch Huyện), đường hàng không (Sân bay Cát Bi), đường sắt (Hải Phòng – Hà Nội). Bên cạnh đó, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam đều có khoảng cách địa lý không xa tới Hà Nội, cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện tạo thành chuỗi liên kết đầu tư. Đây được xem như là một thách thức rất lớn của tỉnh Quảng Ninh trong việc cạnh tranh với các tỉnh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến với Quảng Ninh.

Thứ ba, các doanh nghiệp FDI thường tập trung đầu tư vào trong các KCN, nơi có quy hoạch rõ ràng, cơ sở hạ tầng đầy đủ và tính ổn định cao. Trong khi đó, thực trạng phát triển KCN, KKT trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu tính quy mô, hiện đại, chưa đáp ứng được mong muốn của nhà đầu tư.

Thứ tư, về khía cạnh nguồn nhân lực, Quảng Ninh không phải là tỉnh có nhiều lợi thế trong việc cạnh tranh với các tỉnh khác về nguồn nhân lực giá rẻ, nguồn nhân lực được đào tạo có kỹ năng và tay nghề đủ để đáp ứng cho các ngành sử dụng nhiều lao động.

Thứ năm, về tiện ích cuộc sống và vấn đề việc làm: Quảng Ninh chưa tạo dựng được môi trường sống và môi trường làm việc hấp dẫn để có thể tạo sức hút cho người lao động, nhà đầu tư nước ngoài đến Quảng Ninh. Lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, quy mô thị trường chưa thực sự phong phú làm hạn chế hiệu quả đầu tư và lựa chọn nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Thứ sáu, khả năng tiếp cận đất đai còn khó khăn do quỹ đất sạch ngày càng hạn chế; Việc thu hồi, xử lý các dự án chậm tiến độ hoặc vi phạm quy định của pháp luật đối với một số dự án còn chưa triệt để.

Hiệu quả của doanh nghiệp là thành công của tỉnh

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Trương Mạnh Hùng - Phó trưởng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết, với nhiều lợi thế để phát triển đa dạng các ngành kinh tế, là cửa ngõ mở ra biển lớn cho cả nước ở phía Bắc và khu vực để chuyển tải hàng hóa xuất nhập khẩu, giao lưu kinh tế, là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, Quảng Ninh xác định thu hút đầu tư theo hướng: Tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như: Hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao.

Thu hút các tập đoàn, các công ty xuyên quốc gia, đa quốc gia, các công ty vừa và nhỏ (đối với ngành công nghiệp hỗ trợ) trong và ngoài nước có định hướng, chiến lược phát triển mở rộng thị trường, cam kết đầu tư lâu dài; Đồng thời, khuyến khích các hình thức đầu tư 100% vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư theo hình thức PPP.

"Đặc biệt, để hình thành các chuỗi liên kết phát triển và lan tỏa lợi ích trong toàn tỉnh, đồng thời để các doanh nghiệp và nhà đầu tư được hưởng lợi trực tiếp từ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng bởi thể chế hành chính hiện đại, đủ mạnh, ổn định, cơ chế, chính sách ưu đãi cạnh tranh quốc tế ở mức cao nên khả năng thu hồi vốn nhanh, tạo lòng tin cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư", ông Hùng nói.

Ông Hùng cho biết, hiện nay, Quảng Ninh tích cực tham gia vào quá trình xây dựng Khu Hành chính - Kinh tế đặc biệt đầu tiên của cả nước (Khu Kinh tế Vân Đồn) với định hướng xây dựng và phát triển một đặc khu kinh tế hướng ngoại, độ mở cao, bộ máy quản lý tinh gọn, thủ tục hành chính thông thoáng, có luật riêng (hiện tỉnh Quảng Ninh đang cùng tham gia xây dựng dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt - PV); được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù đủ sức cạnh tranh toàn cầu ở mức cao nhất để thu hút mạnh đầu tư vào xây dựng Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế năng động phát triển, khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp, quy mô lớn có Casino cùng các ngành công nghiệp giải trí, công nghiệp sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, truyền thông quốc tế, nông nghiệp sinh thái, dược liệu và chế phẩm sinh học.

"Tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực và quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp. Tôi cho rằng trong những năm tới, sẽ có một làn sóng đầu tư vào Quảng Ninh", ông Hùng nhấn mạnh.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ