'Mổ xẻ' thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam

Đa phần trái phiếu doanh nghiệp có kì hạn dưới 5 năm, do các doanh nghiệp bất động sản hoặc ngân hàng phát hành. Tỉ trọng trái phiếu chuyển đổi còn khá khiêm tốn.
TRẦN HÙNG
07, Tháng 01, 2019 | 16:34

Đa phần trái phiếu doanh nghiệp có kì hạn dưới 5 năm, do các doanh nghiệp bất động sản hoặc ngân hàng phát hành. Tỉ trọng trái phiếu chuyển đổi còn khá khiêm tốn.

nhadautu - trai phieu

'Mổ xẻ' thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam

Số lượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu không nhiều

Để có thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công, các tổ chức phát hành thường phải là các công ty có quy mô lớn, có năng lực tài chính, có uy tín trên thị trường và phải chứng minh được dòng tiền trả nợ, do đó số lượng doanh nghiệp phát hành thành công trái phiếu là không nhiều.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dựa trên số liệu của Bloomberg và Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến quý III/2018, Việt Nam có 41 tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chiếm tỉ lệ không đáng kể nếu so với 561.064 doanh nghiệp đang hoạt động (số liệu 31/12/2017) và 1.692 doanh nghiệp đang niêm yết/đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán. Đây là một phần lí do khiến cho qui mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện còn quá nhỏ bé so với kênh tín dụng ngân hàng.

Tuy nhiên, số liệu này có thể chưa chính xác do 90% các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp là phát hành riêng lẻ nên hạn chế tiếp cận về thông tin (theo ADB).

Trong 41 doanh nghiệp được ADB nghiên cứu, thì 30 doanh nghiệp có giá trị trái phiếu đang lưu hành lớn nhất chiếm 97,49%, đạt 77.552 tỉ đồng trong tổng 79.515 tỉ đồng.

Cấu trúc ngành nghề: Ngân hàng và bất động sản dẫn đầu

Theo danh mục trái phiếu doanh nghiệp phát hành được CTCP Chứng Khoán Sài Gòn (SSI) theo dõi, trong 60 doanh nghiệp thuộc danh mục thì có 46 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề có nhu cầu vốn dài hạn như: sản xuất (14), bất động sản (12), xây dựng (8), ngân hàng (7), tài chính/chứng khoán (5), ngoài ra còn có ngành nông nghiệp, dược phẩm và một số ngành khác.

Xét về quy mô phát hành, ngành ngân hàng chiếm tỉ trọng cao nhất với 26,7%, tiếp theo đó là bất động sản (21,6%), sản xuất (13,8%), nông nghiệp (12,9%) và xây dựng (12,7%).

e4d3027tpdn

 

Loại hình trái phiếu: Chủ yếu là trái phiếu thường

Trong tổng số 95 đợt phát hành trái phiếu được SSI theo dõi, có 74,7% là trái phiếu thông thường, tức là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, còn lại 25,3% là trái phiếu chuyển đổi. Xét về mặt giá trị phát hành, trong 71.757 tỉ đồng trái phiếu theo dõi, có 80,3% là trái phiếu thông thường, 19,7% trái phiếu chuyển đổi.

Như vậy có thể thấy trái phiếu thường vẫn được các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng nhằm hạn chế rủi ro pha loãng quyền biểu quyết so với trái phiếu chuyển đổi, tuy nhiên trên thực tế các quỹ đầu tư thường yêu cầu cấu trúc sản phẩm theo hướng trái phiếu chuyển đổi trong các thương vụ phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Trái phiếu thông thường thường được các tổ chức tín dụng đầu tư vì bản chất không quá khác biệt so với một khoản tín dụng.

Phân theo ngành nghề và tính trên các đợt phát hành, ngành ngân hàng có 100% các sản phẩm trái phiếu là trái phiếu thường, tỉ lệ này tại các ngành bất động sản, tài chính/chứng khoán, sản xuất lần lượt là 86,4%, 87,5%, 64,7%.

ebc3141tpdn2

 

Cấu trúc kỳ hạn: Chủ yếu dưới 5 năm

Trong 95 trái phiếu theo dõi, có tới 78 trái phiếu có kỳ hạn từ trên 1 năm đến 5 năm, giá trị phát hành là 51.085 tỉ đồng, chiếm 71,2% tổng giá trị trái phiếu phát hành. Kỳ hạn trung hạn thường được các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tư vấn lựa chọn do có một số đặc điểm hội tụ như:

  • Kỳ hạn đủ dài để đáp ứng vốn cho giai đoạn đầu tư – giai đoạn đầu của chu kì kinh doanh như đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị (đối với ngành sản xuất), đầu tư giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình (đối với ngành bất động sản)… và kéo dài sang giai đoạn vận hành, bán hàng, đủ để doanh nghiệp có dòng tiền trả lãi và gốc trái phiếu.
  • Người mua trái phiếu dễ chấp nhận kì hạn này hơn so với các kì hạn dài hơn.
  • Để phát hành được trái phiếu có kì hạn dài đòi hỏi doanh nghiệp phải có uy tín và gặp được nhà đầu tư chiến lược.

Hiện nay, hầu hết các trái phiếu khi phát hành đều có điều khoản mua/bán lại. Để tạo tính thanh khoản cho một trái phiếu phát hành ra công chúng, tổ chức phát hành thường quy định về việc trái chủ có quyền bán lại trái phiếu sau một khoảng thời gian nắm giữ nhất định.

Đối với phát hành trái phiếu riêng lẻ, điều khoản này phụ thuộc vào đàm phán giữa tổ chức phát hành và nhà đầu tư, đó có thể là quy định về quyền mua lại trái phiếu trước hạn, quyền bán lại trái phiếu trước hạn và mua lại bắt buộc, việc mua lại trái phiếu trước hạn thường đi kèm một khoản phạt từ 0,5% - 2% tổng giá trị trái phiếu mua lại.

5883249tpdn3

 

Ngân hàng là ngành có cấu trúc kỳ hạn dài nhất, trung bình 7,9 năm, tiếp đó là xây dựng hạ tầng và dược phẩm với kỳ hạn trung bình 5 năm. Kỳ hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản thường là 3 -5 năm và thường được phát hành với mục đích sử dụng vốn cho một dự án cụ thể.

add3448tpdn4

 

Niêm yết trái phiếu: Sân chơi của các ông lớn

Theo tìm hiều, hiện tại chỉ có 28 trái phiếu doanh nghiệp được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE). Đây đều là trái phiếu phát hành ra công chúng của các tập đoàn hoặc doanh nghiệp trong hệ thống của tập đoàn lớn như Vingroup, Masan, Thành Thành Công, Novaland, TCT Phát triển đô thị Kinh Bắc, CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP HCM, tổng giá trị trái phiếu niêm yết là 34.071 tỉ đồng, trong đó các công ty liên quan đến Vingroup chiếm 21.700 tỉ đồng.

11e4450ccc

 

Qua tìm hiểu thực tế thị trường, có thể thấy trái phiếu là hình thức huy động đang được các doanh nghiệp khai thác nhiều trong thời gian gần đây do những đặc tính tốt hơn tín dụng như thủ tục phát hành không quá phức tạp, các điều kiện phát hành linh hoạt hơn, có thể được giải ngân một lần với giá trị lớn, không phải chuẩn bị các hồ sơ rườm rà mỗi lần giải ngân, có thể cấu trúc sản phẩm theo nhu cầu và nhất là có thể đa dạng hóa nhà đầu tư, hạn chế phụ thuộc vào tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, thực tế nhà đầu tư chủ yếu vào trái phiếu doanh nghiệp vẫn là các tổ chức tín dụng, nguồn vốn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vẫn được tính vào room tín dụng của các ngân hàng như các khoản tín dụng thông thường.

Với những dữ liệu đã thu thập và phân tích ở trên chúng tôi tin rằng đã phản ánh được phần nào đó cấu trúc thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên do đặc thù phần lớn trái phiếu doanh nghiệp phát hành là trái phiếu phát hành riêng lẻ nên rất khó để có thể có những số liệu chính xác về toàn thị trường.

Ở các bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ đề cập đến Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, phân tích những tác động đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

(Theo VietnamBiz)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ