Metro số 1 không chỉ dừng lại ở câu chuyện giá vé mà cần phải thuận tiện cho người dân

Nhàđầutư
“Nếu chỉ kinh doanh mình tuyến Metro số 1 thì sẽ không hiệu quả mà phải tính đến việc đồng bộ kết nối, tạo hệ sinh thái. Đây là trách nhiệm của ban quản lý, nó không chỉ dừng ở việc giá vé mà phải tính đến chuyện người dân sử dụng như thế nào cho thuận tiện”, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho hay.
ĐÌNH NGUYÊN
21, Tháng 03, 2022 | 06:47

Nhàđầutư
“Nếu chỉ kinh doanh mình tuyến Metro số 1 thì sẽ không hiệu quả mà phải tính đến việc đồng bộ kết nối, tạo hệ sinh thái. Đây là trách nhiệm của ban quản lý, nó không chỉ dừng ở việc giá vé mà phải tính đến chuyện người dân sử dụng như thế nào cho thuận tiện”, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho hay.

Trợ giá hơn 928 tỷ đồng/năm

Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) vừa gửi Sở GTVT TP.HCM trong phương án vận tải tuyến Metro số 1, trong đó có phương án về giá vé khi tuyến đưa vào vận hành khai thác thương mại.

Cụ thể, mức giá được MAUR đề xuất là từ 9.000-23.000 đồng/lượt. Đối với vé ngày có 2 loại là 46.000 đồng/ngày và 104.000 đồng/3 ngày. Loại vé ngày không giới hạn lượt đi lại. Nếu khách đi lại nhiều có thể chọn mua vé tháng 320.000 đồng/tháng.

Học sinh, sinh viên được giảm 50% khi mua vé tháng, còn 160.000 đồng/tháng. Các đối tượng chính sách như người khuyết tật, trẻ em cũng sẽ được miễn vé.

metro-so-1

MAUR đề xuất mức giá vé tuyến Metro số 1 từ 9.000-23.000 đồng/lượt. Ảnh: MAUR

MAUR đưa ra 2 phương án khai thác tuyến Metro số 1. Trong đó, phương án 1, dự kiến sản lượng hành khách sẽ đạt khoảng 175.391 lượt/ngày. Nhưng phương án này được đánh giá không khả thi vì mạng lưới vận tải hành khách chưa đồng bộ.

Còn phương án 2, nhu cầu đi lại dự kiến đạt 67.967 lượt/ngày. Nếu đẩy nhanh dự án kết nối mạng lưới xe bus gom khách thì sản lượng khách đi lại có thể 110.000 lượt/ngày.

Để vận hành, MAUR tính toán con số dự kiến là 1.153 tỷ đồng. Uớc tính doanh thu đạt khoảng 224,9 tỷ đồng (con số này dựa trên nhu cầu đi lại của phương án 2).

Vì vậy, nhằm đảm bảo vận hành tuyến Metro số 1, MAUR cho rằng, tuyến cần được trợ giá hơn 928 tỷ đồng/năm. Các năm tiếp theo, chi phí vận hành, trợ giá cũng sẽ giảm dần khi đáp ứng điều kiện kết nối, nâng cấp hệ thống thu phí tự động.

Hiện, mức giá vé nêu trên hiện vẫn đang được các Sở, ban ngành góp ý, lấy ý kiến và đánh giá.

Ngoài phương án vận hành, MAUR cũng mới đề xuất phương án nâng cấp hệ thống thu phí tự động (AFC) cho tuyến Metro 1. Nguyên nhân là do ý tưởng thiết kế, xây dựng hệ thống thu phí tự động tuyến từ 12 năm trước nên về kỹ thuật hệ thống này còn nhiều hạn chế.

Theo MAUR, hệ thống AFC của tuyến Metro số 1 hiện chỉ được thiết kế để hỗ trợ 3 loại vé cơ bản là vé lượt, vé ngày và vé tích tiền. Các loại vé này chỉ là vé không định danh nên không thể áp dụng các chính sách giảm giá vé cho học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng…

Hình thức mua vé và nạp tiền chỉ có thể thực hiện tại máy bán vé hoặc tại quầy bán vé của nhà ga, chưa hỗ trợ các hình thức nạp tiền phổ biến như chuyển khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, các loại ví điện tử.

Ngoài ra, hệ thống AFC cũng chưa thể kết nối với các hệ thống thu phí tự động của xe buýt, BRT.

Do đó, MAUR đề xuất phương án nâng cấp hệ thống AFC cho tuyến Metro số 1 bằng một dự án riêng với kinh phí 159 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Hệ thống AFC sẽ lắp đặt thêm tối thiểu 2 cổng soát vé mới (1 cổng ra và 1 cổng vào) tại các khu vực kiểm soát vé của mỗi nhà ga. Đồng thời sẽ khắc phục được những nhược điểm của hệ thống thu phí cũ.

Cần tạo hệ sinh thái cho Metro số 1

Trao đổi với Nhadautu.vn, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, mức giá vé nêu trên cũng chưa đủ để vận hành tuyến Metro số 1. Về mức giá vé cao hay thấp thì phải cân đối về nhiều mặt. Tức metro là hạ tầng phục vụ giao thông công cộng và Nhà nước thường phải bù lỗ. Nhưng nếu việc bù lỗ quá cao sẽ tạo nên gánh nặng lớn cho ngân sách.

Chuyện giá vé, đơn vị quản lý phải có kế hoạch làm sao đạt được 2 mục tiêu. Thứ nhất là vừa túi tiền của người dân lao động. Thứ hai là không tạo thêm gánh nặng cho ngân sách. Đây là vấn đề cũng là thử thách đối với đơn vị quản lý cần phải tính toán.

“Hiện, với mức giá đề xuất này thì có thể nói là hợp lý, bởi, đây là mức giá có bù lỗ. Nếu như không bù lỗ thì có lẽ mức giá sẽ thấp hơn rất nhiều. Tuy nhiên, chúng ta cần quan tâm hơn đến việc làm sao vừa giảm giá vé vừa không tạo áp lực cho ngân sách”, KTS Nam Sơn nói.

metro-so1

Tuyến Metro số 1 vận hành thương mại năm 2023. Ảnh: Lý Tuấn

Để có thể đạt được 2 mục tiêu nêu trên, KTS Nam Sơn cho rằng, không gian metro có nhiều người đi lại từ đó sẽ tạo thêm được những nguồn thu nhằm giảm giá vé. Ví dụ như, nguồn thu từ quảng cáo, dịch vụ cho thuê thương mại trên tuyến metro. Ngoài ra, còn có những nguồn thu kết hợp từ các điểm dừng của tuyến metro với khu vực xung quanh.

Bên cạnh đó, đơn vị quản lý cần có những chính sách khuyến khích về giá vé, mua vé theo tháng. Đơn cử như doanh nghiệp mua vé tháng cho người lao động, có biên lai thì được giảm… Đồng thời, vé tháng thì cũng nên kết hợp giữa metro và các tuyến xe bus. Những ai vừa mua vé tháng xe bus và vừa mua vé tháng metro thì sẽ đươc giảm giá.

“Những chính sách giảm giá đó, đơn vị quản lý, Nhà nước sẽ không bị thiệt bởi người mua vé tháng không phải lúc nào cũng đi metro. Từ đó cũng tạo nên được nguồn thu ổn định, chứ không phải lúc tăng, lúc giảm. Do đó, cần có chính sách để người dân mua vé tháng”, KTS Nam Sơn nhận định.

Mặt khác, đơn vị quản lý phải nghĩ đến chuyện quảng bá tuyến Metro số 1. Tức là quảng bá tuyến đi thế nào cho thuận tiện. Bản đồ các tuyến bus kết nối với tuyến metro như thế nào, đặt ở đâu, thông tin, cách thức mua vé ra sao… cần phải quảng bá rộng rãi trên mạng. Hiện nay, các thông tin này vẫn chưa có.

Ngoài ra, trong tháng đầu tiên chạy tuyến metro cũng cần có chính sách khuyến khích thu hút người dân. Ví dụ như việc giảm một nửa giá vé để cho người dân làm quen.

Đặc biệt, KTS Nam Sơn khuyến cáo, cơ quan quản lý không nên nghĩ chỉ mình tuyến metro là đủ mà phải tạo ra một hệ sinh thái. Tức là người dân đi đến tuyến metro bằng phương tiện gì, chỗ để xe ở đâu, đi bằng xe bus thì dừng ở đâu… Hay như việc nối tuyến bus với metro thì thời gian thế nào… để thuận tiện nhất cho người dân.

“Tháng đầu tiên là tháng quan trọng nhất, bởi người dân thấy thuận tiện thì họ mới tin tưởng sử dụng dịch vụ lâu dài chứ không phải quảng cáo cho vui, đi một lần cho biết. Nếu chỉ kinh doanh mình tuyến metro thì sẽ không hiệu quả mà phải tính đến việc đồng bộ kết nối. Đây là trách nhiệm của ban quản lý, nó không chỉ dừng ở việc giá vé mà phải tính đến chuyện người dân sử dụng như thế nào cho thuận tiện”, KTS Nam Sơn nêu quan điểm.

Metro số 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Toàn tuyến dài gần 20 km từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP. Thủ Đức), gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Dự án được phê duyệt năm 2007 nhưng đến năm 2012 mới chính thức khởi công.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ