Liên tục ‘rót tiền’ về quê Chủ tịch HĐQT, Sao Mai đang có toan tính gì?

Nhàđầutư
Ngoài dự án Khu Resort Sao Mai Thanh Hóa tại xã Thọ Lâm (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), CTCP Tập đoàn Sao Mai (mã ASM) cũng thực hiện nhiều dự án khác tại tỉnh này.
HÓA KHOA
19, Tháng 07, 2019 | 07:03

Nhàđầutư
Ngoài dự án Khu Resort Sao Mai Thanh Hóa tại xã Thọ Lâm (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), CTCP Tập đoàn Sao Mai (mã ASM) cũng thực hiện nhiều dự án khác tại tỉnh này.

nhadautu - sao mai

 

Doanh nghiệp có nhiều dự án tại Thanh Hóa

Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 8177/UBND-NN cho phép CTCP Tập đoàn Sao Mai lập hồ sơ xin thuê đất đợt 1 dự án Khu Resort Sao Mai Thanh Hóa tại xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. 

Cụ thể, cho phép CTCP Tập đoàn Sao Mai lập hồ sơ xin thuê đất đợt 1 với diện tích khoảng 528.930 m2 đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Khu Resort Sao Mai Thanh Hóa tại xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân. Báo cáo thường niên 2018 cho hay, dự án này có mặt bằng 53,8 ha, với tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng.

Hiện tại, Tập đoàn Sao Mai đã bồi thường giải phóng 90% dự án, tương đương mặt bằng 52,8 ha/53,8 ha và đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 theo quyết định 1994/QĐ-UBND ngày 26/6/2017.

Thông tin nói trên đã khiến giới đầu tư nói chung và cổ đông Tập đoàn Sao Mai xôn xao, bởi cái “gật đầu” của UBND tỉnh Thanh Hóa phần nào cho thấy sự tin tưởng vào năng lực doanh nghiệp.

Lưu ý, ngoài dự án Khu Resort Sao Mai Thanh Hóa kể trên, Sao Mai cũng thực hiện nhiều dự án khác tại tỉnh Thanh Hóa. Đơn cử, vào tháng 3/2019, Sao Mai ký kết hợp tác với xã Minh Sơn đầu tư Khu đô thị Minh Sơn, thị trấn Triệu Sơn (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) với tổng vốn đầu tư ban đầu là 500 tỷ đồng, tổng quy mô 45 ha; Dự án Khu dân cư Xuân Thịnh & Thọ Dân, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa (đưa vào khai thác từ năm 2017) đã đem về doanh thu thuần 71,6 tỷ đồng.

Cũng tại Triệu Sơn, Sao Mai đang thực hiện dự án Bệnh viện Quốc tế Sao Mai với tổng diện tích 4 ha, giai đoạn 1, vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng.

Khá thú vị khi Triệu Sơn, Thanh Hóa là quê hương của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sao Mai, bà Lê Thị Nguyệt Thu và cha bà - ông Lê Thanh Thuấn - cổ đông sáng lập ASM, hiện là Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. 

Liên tục rót tiền về quê hương Chủ tịch HĐQT, Sao Mai có toan tính gì?

Tập đoàn Sao Mai (tiền thân là CTCP Đầu tư và Xây dựng Sao Mai tỉnh An Giang) được ông Lê Thanh Thuấn thành lập và điều hành vào đầu năm 1997. Thuở ban đầu, nhân sự của Sao Mai chỉ có dưới 50 người với vốn điều lệ 905 triệu đồng sau đó tăng lên vài tỷ đồng, hoạt động chủ yếu là thi công xây lắp công trình.

nhadautu - ong le thanh thuan sao mai

Ông Lê Thanh Thuấn, nguyên Chủ tịch HĐQT và cổ đông sáng lập ASM

Trải qua hơn 31 năm hình thành và phát triển, vốn điều lệ công ty đạt 2.419,3 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh đóng góp doanh thu chủ đạo là thủy sản, thương mại và bất động sản. 

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 vừa qua, ông Lê Thanh Thuấn - cổ đông sáng lập, đã rời chức vụ Chủ tịch HĐQT ASM và nhường lại ghế cho con gái là bà Lê Thị Nguyệt Thu. Tuy vậy, động thái này được giới đầu tư đánh giá chủ yếu nhằm tuân thủ Nghị định 71/2017/NĐ-CP (từ ngày 1/8/2020, chủ tịch HĐQT của các công ty đại chúng không được kiêm nhiệm chức danh giám đốc/tổng giám đốc điều hành). 

Nhìn một cách tổng thể, các nhân sự trong HĐQT ASM (nhiệm kỳ 2019 - 2024), tính cả ông Lê Thanh Thuấn, gồm 3/5 nhân sự gốc Triệu Sơn, Thanh Hóa, đó là bà Lê Thị Nguyệt Thu (con ruột ông Thuấn) – Chủ tịch HĐQT và bà Hoàng Thị Thanh – Thành viên độc lập HĐQT. 

Đáng chú ý, ông Thuấn và các thành viên trong gia đình cũng có “tiếng nói” khi nắm phần lớn cổ phần ASM. Cụ thể, cơ cấu cổ đông Tập đoàn tính đến ngày 20/3/2019 gồm 5 cổ đông lớn là ông Lê Thanh Thuấn - Thành viên HĐQT – Tổng Giám đốc (19,31%), Võ Thị Thanh Tâm – vợ ông Thuấn (5,20%), Lê Thị Nguyệt Thu – Chủ tịch HĐQT – con ruột (5,33%), Lê Thị Thiên Trang – con ruột (5,14%) , Lê Tuấn Anh – con ruột (7,41%).

Tính ra, gia đình ông Thuấn đã nắm gần 42,4% vốn ASM.  

Với gốc gác ở Triệu Sơn, Thanh Hóa, không lạ khi công ty của ông Thuấn, sau khi lớn mạnh, đã đầu tư đóng góp cho quê hương. Ngoài ra, cũng có thể với gốc gác của mình, ông Thuấn hiểu rõ hơn ai hết tiềm năng phát triển nơi đây.

Dù với lý do nào đi nữa, ban lãnh đạo ASM vẫn cần đặt lợi ích của cổ đông lên hàng đầu. Và, hiệu quả của các dự án này sẽ được chứng minh trong thời gian tới.

Trong quý I/2019, doanh thu thuần Sao Mai đạt 3.485 tỷ đồng, tăng 440% so với cùng kỳ năm ngoái; tuy vậy, với việc đồng loạt các chi phí đều tăng trưởng mạnh, lãi trước thuế ASM chỉ còn 342,6 tỷ đồng, tương đương giảm 35%.

Trên bảng cân đối kế toán, tiền và các khoản tương đương tiền hết quý I/2019 đạt 439 tỷ đồng; Ngoài ra, khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn của Tập đoàn gồm: Tiền gửi ngắn hạn 892 tỷ đồng, tiền gửi dài hạn 1.205 tỷ đồng. Tính ra, tổng số dư tiền mặt của công ty đạt 2.536 tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng tài sản.

Khoản mục xây dựng dở dang cơ bản của ASM đến ngày 31/3/2019 đạt 453,5 tỷ đồng, gồm: Nhà máy điện năng lượng mặt trời – Tịnh Biên (360 tỷ đồng), Khu văn phòng và nhà ở cao tầng - HCM (47,4 tỷ đồng), Khu dân cư Hòa Bình (1,6 tỷ đồng), Khu đô thị Mỹ Tho (882 triệu đồng), Khu dân cư Cà Mau (171,3 triệu đồng),...

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ