Liên kết doanh nghiệp nội và FDI: Đừng sốt ruột, đốt cháy giai đoạn

Nhàđầutư
Chủ tịch VAFIE đánh giá rằng, công nghiệp mà Việt Nam có thể tham gia hiện nay là công nghiệp không thay đổi nhiều về công nghệ như máy giặt, điều hòa còn những công nghệ như smartphone, máy tính bảng thay đổi thường xuyên, đòi hỏi cao, doanh nghiệp Việt chưa đủ năng lực để làm theo yêu cầu.
ANH MAI
27, Tháng 07, 2017 | 12:49

Nhàđầutư
Chủ tịch VAFIE đánh giá rằng, công nghiệp mà Việt Nam có thể tham gia hiện nay là công nghiệp không thay đổi nhiều về công nghệ như máy giặt, điều hòa còn những công nghệ như smartphone, máy tính bảng thay đổi thường xuyên, đòi hỏi cao, doanh nghiệp Việt chưa đủ năng lực để làm theo yêu cầu.

"Nền kinh tế Việt Nam như một chiếc xe, chiếc xe đó không thể vận hành trơn tru nếu chỉ có một bánh là các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động mạnh mẽ, mà cần có sự kết nối chặt chẽ giữa các bộ phận", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông ví von về tầm quan trọng của mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài như vậy tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2017 (VBF 2017) diễn ra hồi tháng 6.

Thực tế, đây là điều đã được nhắc tới lâu nay. Nhiều ý kiến cho rằng liên kết giữa khu vực trong nước và FDI còn lỏng lẻo, và do đó nhiều chuyên gia kinh tế đã bày tỏ sự lo ngại về chuyện có tới hai khu vực kinh tế trong một nền kinh tế, thậm chí còn lo ngại nguy cơ “FDI hóa” nền kinh tế, khi mà khu vực FDI đã phát triển vượt trội, lấn lướt khu vực trong nước.

Tuy vậy, trao đổi với Nhadautu.vn, GSTS KH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) lại đưa ra một góc nhìn khác.

Từ câu chuyện của Samsung

Theo GSTS KH Nguyễn Mại, năm 2017 Samsung năm đã bắt đầu đầu tư mạnh vào Việt Nam với 6 tỷ USD rót vào hai nhà máy ở Bắc Ninh và Thái Nguyên làm về điện thoại thông minh, máy tính bảng. Sau gần 10 năm từ năm 2007, có rất ít doanh nghiệp Việt Nam có thể làm nhà cung ứng (vendor) cho Samsung và chủ yếu là cung cấp bao bì, đóng gói sản phẩm. Việc cung ứng các linh kiện công nghệ cao cho Samsung hiện vẫn là bài toán khó đối với doanh nghiệp trong nước.

"Mặc dù Samsung rất muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ từ các doanh nghiệp Việt Nam nhưng doanh nghiệp Việt chưa đủ sức làm. Vì vậy Samsung phải đưa hàng trăm nhà cung ứng linh phụ kiện từ nước ngoài nhiều năm nay để bảo đảm công nghệ, thời gian, chất lượng của các sản phẩm của hãng", GS Nguyễn Mại nói.

samsung

 Đa phần các nhà cung ứng linh phụ kiện cho Samsung đều ở nước ngoài

Tuy vậy, GS Nguyễn Mại cũng bổ sung thêm rằng, từ năm 2015 Samsung đã bắt đầu đầu tư nhà máy sản xuất điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, máy hút bụi ở TP.HCM xuất khẩu sang các nước. Chỉ trong vòng 1 năm, đã có hàng chục doanh nghiệp Việt làm công nghiệp hỗ trợ cho Samsung. Samsung đã cử nhóm xí nghiệp công nghiệp hỗ trợ giúp cho các doanh nghiệp Việt làm công nghiệp hỗ trợ cho Samsung. 

Sau 3 tháng, lúc đầu là 9 doanh nghiệp và bây giờ là hàng chục doanh nghiệp Việt đã đáp ứng được yêu cầu và trở thành nhà cung ứng cho Samsung.

Đừng sốt ruột, đốt cháy giai đoạn

Từ thực tế này, Chủ tịch VAFIE đánh giá rằng, công nghiệp mà Việt Nam có thể tham gia hiện nay là công nghiệp không thay đổi nhiều về công nghệ như máy giặt, điều hòa. Còn những công nghệ như smartphone, máy tính bảng có công nghệ thay đổi thường xuyên đòi hòi đầu tư vào trang thiết bị đắt tiền, thay đổi về công nghệ thích ứng với yêu cầu của các tập đoàn như Samsung, trình độ quản trị nhân lực cũng phải ở mức cao. Do vậy, doanh nghiệp Việt chưa đủ năng lực để làm theo yêu cầu.

"Vì vậy khi nói đến tác dụng lan tỏa của các doanh nghiệp FDI, chúng ta phải biết trình độ các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng ở đâu, không nên đòi hỏi quá cao mà phải tích lũy dần và trong một thời gian nữa khi doanh nghiệp Việt mạnh lên thì chuyện làm công nghiệp hỗ trợ cho máy tính bảng, smarphone chắc là được", GS Nguyễn Mại khẳng định.

GS Nguyễn Mại cũng nhấn mạnh rằng, "trong giai đoạn hiện nay doanh nghiệp Việt phải chấp nhận, đừng sốt ruột, đốt cháy giai đoạn và đừng vì thế mà đánh giá tác dụng lan tỏa của các doanh nghiệp nước ngoài là quá hạn chế vì điều đó là do năng lực của doanh nghiệp Việt".

Cửa vẫn mở cho doanh nghiệp Việt

Cũng theo Chủ tịch VAFIE, Samsung cũng như tất cả các TNCs (tập đoàn xuyên quốc gia) lớn trên thế giới đều có chiến lược đầu tư dài hạn, khác với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào Việt Nam khi gặp khó khăn như khủng hoảng kinh tế hoặc vay mượn với lãi suất quá cao, không có lãi, họ sẵn sàng thay đổi, thậm chí là ngừng hẳn dự án.

Nhưng những đối tác lớn như Samsung, Intel, Honda hay Bosch là những đối tác có chiến lược toàn cầu và đã chọn Việt Nam là cứ địa sản xuất. Chẳng hạn như Samsung hiện nay là 40% smartphone được sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu ra thế giới và năm nay Samsung dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 50 tỷ USD, tương đương 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Samsung luôn nhấn mạnh sẽ ở lâu dài tại Việt Nam, thậm chí còn đề nghị coi Samsung là nhà đầu tư Việt Nam. Với những nhà đầu tư như vậy, theo GS Nguyễn Mại, họ rất coi trọng việc liên kết với doanh nghiệp trong nước. 

"Việc Samsung vừa rồi liên kết logistics với 2 doanh nghiệp logistics của Việt Nam là ALS và Minh Phương Logistics mới chỉ là một bước đi của Samsung và sắp tới Samsung sẽ làm nhiều hơn thế để liên kết với doanh nghiệp Việt, bảo đảm Việt Nam là cứ địa sản xuất lâu dài, vừa có lợi cho Samsung, vừa có lợi cho Việt Nam", Chủ tịch VAFIE nói.

samsung

Samsung SDS lập liên doanh với ALS để quản lý nhà ga hàng hóa tại sân bay Nội Bài 

Thực tế, đầu tháng 4 năm nay, Samsung đã chính thức công bố việc mở rộng phạm vi hỗ trợ tư vấn sang lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật trong chương trình tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng phụ kiện năm 2017. Điểm đặc biệt của chương trình chính là Samsung sẽ mở rộng phạm vi tư vấn hỗ trợ sang lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật như điện/điện tử (bản mạch điện tử PCB, loa TV, bộ dây dẫn điện...) để giúp các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất các linh kiện điện tử phức tạp có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo kế hoạch, năm 2017, Samsung sẽ tư vấn hỗ trợ cho 12 doanh nghiệp Việt Nam, nâng tổng số doanh nghiệp được tư vấn lên con số 26, tính từ năm 2015. Điểm đáng chú ý, đây cũng là lần đầu tiên, các công ty con của Samsung như Samsung Display Việt Nam và Samsung Điện cơ Việt Nam (Samsung Electro Mechanics Vietnam) sẽ tham gia vào chương trình hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp cung ứng Việt Nam. 

Và điều đó có nghĩa, “cửa” trở thành nhà cung cấp cho Samsung đang được rộng mở hơn đối với doanh nghiệp Việt. 

Vấn đề mà GS Nguyễn Mại đặt ra là, "chúng ta nên nhìn các TNCs lớn như Samsung là hướng sắp tới chúng ta phải cần rất nhiều". "Nếu có 10 ông Samsung mỗi ông xuất khẩu 50 tỷ USD thì xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng gấp hơn 2 lần".

Để hướng tới các TNCs lớn như vậy, Chủ tịch VAFIE khuyến nghị cần phải thay đổi cơ bản về định hướng, đưa ra yêu cầu thu hút đầu tư vào công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, chăm sóc sức khỏe, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng cơ sở theo hướng thích hợp với biến đổi khí hậu,.... Ngoài ra, cũng cần phải thay đổi từ cách làm như xúc tiến đầu tư có địa chỉ, cho đến thông tin dự án chặt chẽ, nhưng thời gian cần rút ngắn, triển khai dự án cần hỗ trợ nhà đầu tư để không mắc mớ về các thủ tục cấp đất, giải phóng mặt bằng, môi trường... để đảm bảo các nhà đầu tư lớn vào Việt Nam có môi trường hấp dẫn như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bình Dương, Đồng Nai - những điển hình thu hút nhiều nhà đầu tư lớn.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ