Logistics Việt: 'Bánh ngon' hơn 20 tỷ USD khiến Samsung cũng muốn 'chia phần'

Nhàđầutư
Thị trường logistics ở Việt Nam với quy mô 20-22 tỷ USD/năm, chiếm 20,9% GDP của cả nước đang trở thành "miếng bánh ngon" khiến nhiều nhà đầu tư muốn chia thị phần.
HỒ MAI
18, Tháng 07, 2017 | 07:00

Nhàđầutư
Thị trường logistics ở Việt Nam với quy mô 20-22 tỷ USD/năm, chiếm 20,9% GDP của cả nước đang trở thành "miếng bánh ngon" khiến nhiều nhà đầu tư muốn chia thị phần.

Sau thương vụ lập liên doanh với Công ty Cổ phần Logistics Hàng Không (ALS) để quản lý nhà ga hàng hóa tại sân bay Nội Bài, một trong hai sân bay đón nhận lượng lưu chuyển hàng hóa lớn nhất Việt Nam (cùng với sân bay Tân Sơn Nhất), Samsung SDS - công ty con của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) tiếp tục lập liên doanh logistics với công ty Minh Phương nhằm khai thác thị trường logistics đường bộ của Việt Nam.

Với thương vụ hợp tác với ALS, cơ cấu vốn trong liên doanh này không được tiết lộ cụ thể nhưng Samsung cho biết sẽ phụ trách phần dịch vụ logistics, bao gồm vận chuyển trong nước và quốc tế, kho bãi và khâu thủ tục hải quan. ALS sẽ đóng góp từ mạng lưới khách hàng nội địa.

ALS

Samsung SDS lập liên doanh với ALS để quản lý nhà ga hàng hóa tại sân bay Nội Bài

Việc “có phần” tại một trong những trung tâm vận chuyển hàng hóa lớn nhất của Việt Nam có thể giúp chuỗi cung ứng linh kiện điện tử và xuất khẩu các lô điện thoại của Tập đoàn Samsung từ Bắc Ninh, Thái Nguyên được đảm bảo đúng thời gian, chất lượng và giúp tiết giảm được chi phí. 

Còn liên doanh với công ty Minh Phương Logistics, Samsung cho rằng việc hợp tác với một công ty trong nước có năng lực mạnh trong mảng vận chuyển trên bộ có ý nghĩa quan trọng để thâm nhập thị trường Việt Nam, nơi vận tải trên bộ chiếm đến 65% thị phần ngành logistics.

Minh Phương Logistics là công ty có trụ sở tại TP.HCM, chiếm thị phần khá lớn trong mảng giao vận và vận tải trên bộ ở Việt Nam. Công ty này cũng đang mở rộng mảng nhà kho đông lạnh nhằm phục vụ ngành bán lẻ thực phẩm tươi sống.

Bà Minh Phương, CEO của Minh Phương Logistics, từng được báo Mỹ ca ngợi là "nữ hoàng logistics" của Việt Nam.

Minh Phuong Logistics

Bà Minh Phương, CEO của Minh Phương Logistics

Hợp tác với Minh Phương Logistics sẽ là thương vụ thứ 2 của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam và là thương vụ thứ 3 tại Đông Nam Á sau vụ hợp tác với công ty giao nhận lớn nhất của Thái Lan là Acutech.

Có vẻ như Samsung đang nhìn thấy cơ hội từ thị trường Việt Nam nhờ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc đã có hiệu lực, cũng như nền kinh tế đang tăng trưởng khá ấn tượng trong tương quan so sánh với các quốc gia trong khu vực ASEAN.

Ngoài ra, Samsung còn để mắt tới các dự án về vận tải và năng lượng khác tại Việt Nam như dự án nhiệt điện Vũng Áng 3, nhà máy đóng tàu tại Khánh Hòa cũng như chuẩn bị đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội… 

Không chỉ Samsung, nhiều nhà đầu tư ngoại khác cũng nhanh chân tìm cơ hội tại thị trường logistics Việt Nam.

Tháng 6/2016, thông tin từ Financial Times cho biết, tập đoàn Nhật Bản Mitsui OSK Lines đã đầu tư 1,2 tỷ USD xây dựng Cảng Container Quốc tế Hải Phòng. Dự kiến, dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2018, giúp gia tăng công suất của bến cảng hiện tại lên gấp đôi. Đây được xem là dự án hợp tác công tư (PPP) về hạ tầng cảng biển đầu tiên có sự tham gia của các nhà đầu tư Nhật.

Áp lực cạnh tranh tại khu vực Hải Phòng đang rất khốc liệt khi có nhiều tên tuổi lớn tham gia như Vinalines, Tân Cảng Sài Gòn, Cảng Hải Phòng, Gemadept hay thậm chí có cả sự hiện diện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)… Tổng số doanh nghiệp kinh doanh cảng tại Hải Phòng lên đến 39, dường như quá nhiều cho một khu vực. Việc xuất hiện thêm một dự án container quốc tế Hải Phòng có thể dẫn đến một thay đổi lớn về cấu trúc hệ thống cảng biển tại Hải Phòng trong các năm tới, trong đó những doanh nghiệp kém cạnh tranh sẽ phải ra đi.

Tháng 5/2017, báo Hàn Quốc The Korea Economic Daily đưa tin, Tae Kwang Industrial Co. Ltd, một công ty dệt may và hóa chất dầu khí Hàn Quốc đã bày tỏ mong muốn mua lại cổ phần lớn của “ông lớn” trong ngành vận tải biển và logistics là Công ty Cổ phần Gemadept (mã chứng khoán: GMD).

Về phía Gemadept, doanh nghiệp này hiện đang có ý định chuyển nhượng cổ phần tại một số công ty thành viên để tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh cốt lõi, đồng thời lựa chọn đối tác chiến lược có năng lực tài chính và kinh doanh, có chiến lược tăng trưởng phù hợp để đưa công ty này trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cảng, logistics và vận tải biển tại Việt Nam.

Hiện tại, room cho khối ngoại của Gemadept là 49% do mảng kinh doanh bốc dỡ hàng hóa, vận tải nội địa và vận tải đường bộ của công ty là ngành nghề kinh doanh bị hạn chế sở hữu nước ngoài tại mức 49%.

Germardep

Tae Kwang Industrial Co. Ltd, một công ty dệt may và hóa chất dầu khí Hàn Quốc đã bày tỏ mong muốn mua lại cổ phần lớn của “ông lớn” trong ngành vận tải biển và logistics là Công ty Cổ phần Gemadept (mã chứng khoán: GMD) 

Được thành lập năm 1990, Gemadept hiện có sở hữu hơn chục công ty con trong lĩnh vực logistics, khai thác cảng và phát triển bất động sản. Năm 2016, Gemadept đạt tổng doanh thu gần 3.744 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 443 tỷ đồng. 

Taekwang đã đầu tư vào Việt Nam từ năm 1994. Doanh nghiệp này đang vận hành nhiều loại hình kinh doanh khác nhau, trong đó có công ty sản xuất giày Taekwang Vina.

Việc các tập đoàn lớn của nước ngoài rót vốn đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực logistics ở Việt Nam như là một xu hướng hiện nay. Có thể kể vài tên tuổi lớn như DHL Sypply Chain, Maersk Logistics, APL Logistics, Nippon Express, Expeditors, Panalpina, Agility, DHL, Global Forwarding, DGF…

Các báo cáo phân tích của giới chuyên gia cũng đã vẽ ra triển vọng của ngành logistics ở Việt Nam là cực kỳ lớn.

Thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cho biết, cả nước hiện có khoảng trên 1.300 doanh nghiệp logistics đang hoạt động, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện có quy mô 20-22 tỷ USD/năm, chiếm 20,9% GDP của cả nước. Nếu chỉ tính riêng khâu quan trọng nhất trong logistics là vận tải, chiếm từ 40-60% chi phí thì cũng đã là một thị trường dịch vụ khổng lồ.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, mặc dù cộng đồng doanh nghiệp logistics chiếm tới hơn 80% tổng số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam, song phần lớn mới chỉ làm dịch vụ các chuỗi cung ứng nhỏ với một số phân khúc dịch vụ giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ tại các cảng...

Ngược lại, các công ty logistics nước ngoài lại đang chiếm giữ tới 80% thị phần, trong khi họ chỉ có khoảng 25 doanh nghiệp hoạt động, 20% thị phần còn lại thuộc về hơn 1.200 doanh nghiệp logistics của Việt Nam. Điều này cho thấy, thị phần logistics Việt Nam đang nằm trong tay của các “ông lớn” nước ngoài.

Đúng là mặt bằng chung chất lượng dịch vụ logistics của doanh nghiệp nội địa chưa cao, thế nhưng tại sao những “ngôi sao” nội địa như Transimex Saigon, Tân Cảng Sài Gòn hay Gemadept vẫn đường hoàng sánh ngang với các công ty đa quốc gia khác hoạt động tại Việt Nam?

Ngành logistics rõ ràng đang “ngộ” ra chân lý về sức mạnh của phường hội trên các bàn đàm phán với hãng nước ngoài, hay với các doanh nghiệp đa quốc gia cùng ngành khi xu hướng liên doanh đang được các doanh nghiệp nội - ngoại bắt tay đẩy mạnh.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ