Chỉ mới có 23% doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Cần Thơ hoạt động trở lại

Nhàđầutư
Kể từ 12 giờ 30/9, TP. Cần Thơ đã nới lỏng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và đang nỗ lực mở rộng vùng xanh, đưa toàn thành phố trở về trạng thái bình thường mới. Song song đó địa phương này cũng đang đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
AN HÒA
02, Tháng 10, 2021 | 06:49

Nhàđầutư
Kể từ 12 giờ 30/9, TP. Cần Thơ đã nới lỏng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và đang nỗ lực mở rộng vùng xanh, đưa toàn thành phố trở về trạng thái bình thường mới. Song song đó địa phương này cũng đang đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp hoạt động trở lại đến nay còn rất khiêm tốn. Theo báo cáo của Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp (BQL KCX&CN) Cần Thơ, tính đến hết ngày 29/9, chỉ mới có 56 doanh nghiệp (chiếm 23%) so với tổng số doanh nghiệp trong khu công nghiệp (KCN) của địa phương đủ điều kiện mở cửa hoạt động trở lại.

KCN 1

Chỉ mới có 23% doanh nghiệp trong các KCN Cần Thơ hoạt động trở lại. Ảnh An Hòa

Công nhân bị “bó chân”, doanh nghiệp “bó tay”

Trong đó tại 2  KCN chủ lực là Trà Nóc 1 có 29 doanh nghiệp, Trà Nóc 2 có 16 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại; các KCN còn lại mới có từ 1 – 6 doanh nghiệp tái hoạt động. Bước đầu tái hoạt động, số công nhân làm việc tại nhà máy ở các doanh nghiệp khoảng hơn 7.000 công nhân, chỉ bằng 20% so với thời điểm trước khi bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4.

Các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến thủy sản… số lao động trở lại làm việc chiếm chưa đến 20%. Tại Công ty TNHH Tae Kwang Cần Thơ (doanh nghiệp FDI Hàn Quốc) chỉ mới có hơn 600/8.000 công nhân làm việc trở lại.

Theo đại diện doanh nghiệp này, đa số công nhân của doanh nghiệp là người ở các tỉnh giám ranh TP. Cần Thơ như Hậu Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long. Các địa phương này tuy đã nới lỏng giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 15, 19 nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa cho người dân di chuyển ra khỏi địa phương nên lao động không đi đến được nhà máy, vì thế việc huy động công nhân trở về nhà máy làm việc trong lúc này là hết sức khó khăn.

“Khi nào các địa phương còn siết chặt về di chuyển của con người, lưu thông hàng hóa thì doanh nghiệp khó thể khôi phục sản xuất. Công nhân còn bị “bó chân” thì hoạt động của doanh nghiệp cũng “bó tay””, đại diện một doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong các KCN Cần Thơ than thở.

KCN 2

Cổng phụ vào KCN Trà Nóc Cần Thơ vẫn còn bị phong tỏa. Ảnh An Hòa

Doanh nghiệp mong được “trao quyền”

Theo phản ánh của các doanh nghiệp trong buổi tiếp xúc với lãnh đạo TP. Cần Thơ, sau gần 3 tháng tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng theo phương án "ba tại chỗ", doanh nghiệp đã “sức cùng, lực kiệt”, nguồn cung đứt gãy, nhiều nguy cơ gián đoạn đơn hàng nếu không nhanh chóng được “hồi sức”.

Vì vậy, các doanh nghiệp kiến nghị UBND TP. Cần Thơ "trao quyền” cho doanh nghiệp tự xây dựng phương án sản xuất hiệu quả, an toàn và cam kết chịu trách nhiệm với chính quyền địa phương, bởi vì bất cứ doanh nghiệp nào cũng muốn doanh nghiệp mình phải sản xuất an toàn tuyệt đối. Việc trao quyền cho doanh nghiệp tự xây dựng phương án sản xuất phù hợp với ngành nghề, điều kiện cụ thể của doanh nghiệp, sẽ tránh được phương án xa thực tế, cứng nhắc, “đồng phục” cho doanh nghiệp, khó thực hiện.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Trần Hữu Hiệp, giảng viên Đại học FPT Cần Thơ, đã đến lúc phải “mở cửa” trở lại chứ không còn là vấn đề nên hay không nữa, có hoạt động kinh tế, có sinh kế thì mới có “sức khỏe” chống dịch. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực cùng ý thức chủ động sống chung với dịch của các chủ thể xã hội, doanh nghiệp, người dân chứ không nên làm theo kiểu dàn trận khắp nơi vừa gây tốn kém nguồn lực vừa “bó chân, bó tay” trong phát triển kinh tế.

Đại diện các doanh nghiệp trong các KCN Cần Thơ kiến nghị địa phương cho phép doanh nghiệp linh hoạt tổ chức sản xuất theo 2 phương án, đó là: Đối với công nhân chưa tiêm vaccine thì vẫn áp dụng sản xuất theo “ba tại chỗ”, đối với công nhân đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine thì được đi trên 1 cung đường từ nhà đến nhà máy để làm việc. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng kiến nghị UBND TP. Cần Thơ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông con người, vân chuyển hàng hóa trong địa phương và có cơ chế phối hợp với các địa phương lân cận để người lao động được qua lại vùng giáp ranh, đến nhà máy sản xuất.

Theo ông Võ Đông Đức, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất khẩu Thủy sản Cần Thơ, trong bối cảnh mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế thì không còn sự độc quyền về một loại sản phẩm hàng hóa nào, ngay như mặt hàng cá tra của Việt Nam lâu nay chúng ta luôn tự hào là “sản phẩm độc tôn” nhưng nay đã có các sản phẩm tương đồng thay thế. Gần đây một số quốc gia trong khu vực cũng đã đẩy mạnh nuôi trồng tung ra sản phẩm để cạnh tranh với cá tra Việt Nam.

“Nếu vì khó khăn do COVID-19 mà chúng ta không sản xuất được thì nguy cơ khách hàng truyền thống sẽ tìm nguồn cung ở quốc gia khác thay thế là điều khó tránh khỏi. Do đó, việc nhanh chóng khôi phục sản xuất, nắm giữ các đơn hàng trong những tháng cuối năm là yếu tố quyết định “sống, còn” đối với doanh nghiệp trong lúc này”, ông Đức cho biết.

kcn 3

Ngành điện kiểm tra lưới điện nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng điện của doanh nghiệp trong khôi phục sản xuất. Ảnh An Hòa

Theo BQL KCX&CN Cần Thơ, địa phương có 6 KCN đang hoạt động thu hút 251 dự án còn hiệu lực (trong đó có 235 dự án đang hoạt động), thuê trên 352 ha đất công nghiệp, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,763 tỷ USD; vốn đầu tư đã thực hiện trên 1,1 tỷ USD chiếm 64,77% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lũy kế đến tháng 8/2021, doanh thu các doanh nghiệp trong các KCN TP. Cần Thơ đạt 1,4 tỷ USD (đạt 78,13% so với Kế hoạch năm 2021). Tổng số lao động tại các khu công nghiệp Cần Thơ tính đến ngày 18/9/2021 là 35.031 lao động. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện sản xuất an toàn, nên có trên 90% doanh nghiệp trong KCN phải đã tạm ngưng hoạt động sản xuất từ tháng 7 năm 2021 cho đến nay.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ