Kịch bản nào cho phục hồi sản xuất tại ĐBSCL - Bài cuối: Cần sớm ban hành lộ trình 'mở cửa'

Nhàđầutư
Do ảnh hưởng dịch COVID-19, suốt hơn 2 tháng qua hầu hết doanh nghiệp ở ĐBSCL đều gặp khó khăn. Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ vừa có cuộc trao đổi với Nhadautu.vn về những kiến nghị chính sách, đề xuất giải pháp giúp doanh nghiệp tái sản xuất, phục hồi kinh tế khu vực ĐBSCL.
AN HOÀ
22, Tháng 09, 2021 | 07:01

Nhàđầutư
Do ảnh hưởng dịch COVID-19, suốt hơn 2 tháng qua hầu hết doanh nghiệp ở ĐBSCL đều gặp khó khăn. Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ vừa có cuộc trao đổi với Nhadautu.vn về những kiến nghị chính sách, đề xuất giải pháp giúp doanh nghiệp tái sản xuất, phục hồi kinh tế khu vực ĐBSCL.

F1835435-D155-4F65-8DB5-56D472842652

Nhiều địa phương siết chặt kiểm dịch khiến cho việc vận chuyển hàng hóa, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Nhật Huy

Được biết VCCI tại Cần Thơ vừa kết thúc cuộc trao đổi, lấy ý kiến 120 doanh nghiệp chủ lực, có quy mô lớn, đại diện cho các ngành sản xuất chế biến, nông nghiệp, thương mại dịch vụ trên địa bàn 13 tỉnh ĐBSCL, xin ông cho biết qua các buổi làm việc đó, các doanh nghiệp đã kiến nghị điều gì?

Ông Nguyễn Phương Lam: Thứ nhất đối với chính sách từ trung ương, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về lãi vay, giảm và giãn nợ cho doanh nghiệp trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2021. Ghi nhận của VCCI Cần Thơ đến thời điểm hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư sửa đổi Thông tư  01 về việc gia hạn gói vay tín dụng cho doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp chưa được tiếp cận.

ong-nguyen-phuong-lam-1-1838

 

Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về lãi vay, giảm và giãn nợ cho doanh nghiệp trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2021.

Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ

Doanh nghiệp cũng kiến nghị cần miễn giảm thuế, bảo hiểm xã hội bởi doanh nghiệp không có lợi nhuận và phải chi trả nhiều chi phí để duy trì sản xuất.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng kiến nghị cần có chính sách giải cứu nguyên liệu nông thủy  sản  vốn là nguồn lực chính của doanh nghiệp ĐBSCL. Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước  chỉ đạo hướng dẫn đối với ngân hàng thương mại để thúc đẩy giải cứu hàng nông sản, thông qua chính sách tín dụng “không lãi suất”, tăng hạn mức vay đối với các doanh nghiệp thu mua nông sản của nông dân để tạo điều kiện thu mua kịp thời.

Thứ hai, cộng đồng doanh nghiệp cũng kiến nghị chính quyền địa phương sớm xem xét cho phép doanh nghiệp mở cửa trở lại các hoạt động kinh doanh, có lộ trình cụ thể sớm nhất có thể. Để khởi động lại hoạt động sản xuất kinh doanh cần có sự gắn kết giữa các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và TP.HCM, đồng thời doanh nghiệp muốn được trao quyền và cam kết tự chịu trách nhiệm trong việc tổ chức sản xuất; đề nghị Chính phủ ưu tiên tiêm  vaccine cho người lao động tại các doanh nghiệp vì đây là đội ngũ góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế của đất nước.

Doanh nghiệp cũng kiến nghị bộ máy công quyền đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chữ ký điện tử, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đi lại, lưu thông hàng hóa, thủ tục kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp; xem xét áp dụng mô hình “ba tại chỗ” lồng ghép “1 cung đường hai điểm đến” cho các ngành hàng khác nhau; xem xét mô hình kinh doanh phù hợp đối với hoạt động dịch vụ cảng - mắt xích quan trọng trong lưu thông hàng hóa; triển khai nhanh chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng bệnh viện dã chiến tại khu công nghiệp; thành lập Tổ công tác doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt thông tin, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Xin ông vui lòng cho biết những nhận định cũng như dự báo của VCCI Cần Thơ về diễn biến dịch COVID-19 và khả năng phục hồi sản xuất tại khu vực ĐBSCL trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Phương Lam: Phân tích diễn biến, tình hình dịch bệnh trên thế giới, ngay cả các nước có điều kiện, tiềm lực kinh tế lớn vẫn bị động và quá tải về hệ thống y tế. Chủ trương của Chính phủ nhấn mạnh, phải nhận thức, xác định tính chất phức tạp, khốc liệt, khó lường, khó dự báo của dịch bệnh.

Việt Nam đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài; chống là quan trọng, thường xuyên. Đây là bước ngoặt trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch của Thủ tướng và Chính phủ khi thấy bản chất của đại dịch này, “phải sống chung lâu dài với dịch”, có nghĩa là chấp nhận sống chung an toàn với virus SARS-CoV-2. Đây là quan điểm khoa học, tin cậy.

Virus SARS-CoV-2 sẽ tồn tại chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt và vẫn đang tiếp tục sản sinh ra nhiều biến thể không lường được. Cách tiếp cận khoa học nhất vẫn phải theo phương châm vaccine + công nghệ + 5K. Chúng ta sẽ phải sống chung với virus, khi nào dịch sắp lên đỉnh, đe dọa quá tải hệ thống bệnh viện thì sẽ tiến hành phong tỏa. Còn nếu tình trạng các ca nhập viện thấp, khả dĩ không làm quá tải hệ thống y tế thì có thể từng bước mở cửa. Tuy nhiên, cũng phải thận trọng, từng bước bởi phát triển, mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh mà không an toàn thì sẽ tiếp tục làm cho công tác phòng chống dịch trở nên khó khăn hơn, xã hội sẽ phức tạp hơn.

Thời gian qua đại dịch COVID-19 đã gây ra khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, tác động lớn đến nền kinh tế và sinh kế của người lao động. Các doanh nghiệp  qua thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 gặp rất nhiều khó khăn, việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sẽ làm cho nền kinh tế kiệt quệ, các doanh nghiệp càng khó khăn, đứt gãy chuỗi cung ứng, mất thị trường, mất khách hàng, người lao động mất việc làm… ảnh hưởng lâu dài đến phục hồi kinh tế địa phương.

vua nong san

Vùng ĐBSCL được xem là vựa nông sản của cả nước. Ảnh An Hòa

Thưa ông, trên cơ sở nhận định đó, VCCI Cần Thơ có đề xuất gì cho kịch bản mở cửa trở lại cho doanh nghiệp tái sản xuất kinh doanh trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Phương Lam: Qua làm việc với 120 doanh nghiệp có quy mô lớn ở khu vực, cùng ý kiến của nhóm chuyên gia kinh tế, VCCI Cần Thơ đề xuất mô hình sản xuất kinh doanh hợp lý, thích ứng trong bối cảnh phòng chống dịch và định hướng cho các giai đoạn phát triển bình thường mới theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1, từ nay đến hết tháng 9/2021: Khởi động tái sản xuất, giải quyết lượng nguyên vật liệu tồn kho là chủ yếu.

Giai đoạn này cần tập trung khoanh vùng dịch bệnh theo hướng chặt hơn, không chỉ theo khung phường, xã mà tiến tới theo cụm dân cư, khu phố hoặc tổ dân cư nhằm xác định rõ hơn các khu có khả năng lây nhiễm bệnh để cách ly theo dõi. Địa phương cần cấp thẻ “công dân xanh” dành cho lao động trong vùng xanh để có thể tham gia hoạt động, làm việc tại doanh nghiệp.

Đối với sản xuất trong giai đoạn này bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện “lao động xanh, cung đường xanh, nhà máy xanh”.

Đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ cho phép mở cửa các nhóm dịch vụ thiết yếu, phục vụ cho người dân. Cho mở cửa chợ truyền thống có kiểm soát an toàn với 50% diện tích hoặc số tiểu thương kinh doanh có giãn cách (Ban Quản lý chợ phải quản lý và chịu trách nhiệm); khuyến cáo siêu thị quy mô lớn dừng hoạt động.

Nhóm hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và nhà hàng quán ăn cho phép kinh doanh mở bán mang đi, hoặc bán tại chỗ với giãn cách nhất định (theo chuyên gia dịch tễ, khả năng an toàn là 3m 2/khách và tối đa không quá 6 khách/bàn).

Nhóm du lịch cho phép khai thác 30-50% (đối với vùng theo Chỉ thị 15) và trên 50% theo Chỉ thị 19.

Nhóm xây dựng cho phép doanh nghiệp hoạt động đối với các dự án xây dựng cơ bản, ưu tiên dự án giải ngân vốn đầu công, dự án cấp bách.

Nhóm giao thông vận tải quy định lại việc cấp phép có hạn theo Chỉ thị 15 cho nhóm công nghệ, kỹ thuật, chuyên gia. Các nhóm còn lại như bất động sản, thẩm mỹ, massage, karaoke, vũ trường... chưa cấp phép hoạt động do tính chất phức tạp, dễ lây nhiễm.

Giai đoạn 2, kéo dài trong 2 tháng 10 và 11 mở rộng sản xuất có điều kiện và liên kết vùng nguyên liệu các tỉnh, thành trong vùng.

Khi diễn biến dịch có kết quả tích cực, kiểm soát tốt, ca lây nhiễm không đáng kể thì cho phép chuyển trạng thái từ Chỉ thị 15/15+ sang Chỉ thị 19. Giai đoạn này cần mở rộng với các địa phương lân cận để bảo đảm lưu thông nguồn nguyên vật liệu sản xuất và lao động đi lại giữa các địa phương, các vùng không có dịch. Doanh nghiệp có thể nâng công suất sản xuất lên 60-80%, tuyển dụng thêm lao động ở vùng đỏ, nhưng phải xét nghiệm định kỳ và cách ly làm việc tại nhà máy.

Nhóm thương mại - dịch vụ cho phép mở cửa rộng hơn ngoài các nhóm dịch vụ thiết yếu. Siêu thị quy mô lớn được phép hoạt động số lượng khách vào có hạn, quy định theo diện tích tối đa/người. Các nhóm kinh doanh thẩm mỹ massage, karaoke, vũ trường... tùy tình hình địa phương có thể quy định cho hoạt động có hạn chế hoặc tiếp tục tạm ngừng cho đến khi trở lại trạng thái bình thường mới.

Giai đoạn 3, mở rộng sản xuất, kết nối ĐBSCL với TP.HCM và Đông Nam Bộ. Sau giai đoạn II, các doanh nghiệp đã sản xuất kinh doanh ổn định, gia tăng năng suất, công suất, tạo ra lượng hàng hóa thành phẩm cao, vì vậy giai đoạn này cần tính tới cần liên kết thị trường tiêu thụ và xuất khẩu, trong đó TP.HCM và Đông Nam Bộ sẽ là thị trường nội địa tiêu thụ lớn cho hàng hóa chế biến lương thực thực phẩm và nông thủy sản của ĐBSCL.

Trong giai đoạn III này tỷ lệ người lao động tiêm vaccine đã được nâng cao nên có thể sử dụng “Chứng nhận tiêm vaccine” thay cho thẻ "công dân xanh” để tiện đi lại và kiểm soát. Giai đoạn này tùy tình hình sẽ quyết định cho việc mở rộng sang trạng thái bình thường mới, các ngành có thể trở lại hoạt động bình thường, không giới hạn nhưng phải gắn với những điều kiện quy định đảm bảo phòng dịch an toàn từ cơ quan chuyên môn.

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ