[Café cuối tuần] Ý chí doanh nhân là ý chí về dân tộc

Nhàđầutư
Vào năm 2010, tôi có dịp lên công tác Hòa Bình, được các đồng chí trong Huyện ủy Lạc Thủy đưa đến thăm Xưởng in tiền hồi đầu kháng chiến, được công nhận là Di tích lịch sử - cách mạng cấp Quốc gia năm 2008.
NGUYỄN SĨ ĐẠI
30, Tháng 10, 2021 | 06:30

Nhàđầutư
Vào năm 2010, tôi có dịp lên công tác Hòa Bình, được các đồng chí trong Huyện ủy Lạc Thủy đưa đến thăm Xưởng in tiền hồi đầu kháng chiến, được công nhận là Di tích lịch sử - cách mạng cấp Quốc gia năm 2008.

Nơi đây vốn là đồn điền của nhà tư sản Đỗ Đình Thiện. Đỗ Đình Thiện (1904-1972) là một trí thức từng du học ở Pháp, có cửa hàng buôn bán tơ lụa ở 54 Hàng Gai và là một điền chủ lớn. Năm 1943, ông đã quyên cho Đảng ba vạn đồng Đông Dương để hoạt động.

Trong Tuần lễ vàng, gia đình ông hiến 64 lượng vàng và 10 vạn đồng Đông Dương cho Quỹ Độc lập rồi mua Nhà máy in Taupin  để Nhà nước in tiền. Đầu kháng chiến, nhà máy này được chuyển lên Lạc Thủy, trong khu vực đồn điền của Đỗ Đình Thiện. Tháng 3/1947, nhà máy in bị máy bay Pháp ném bom, tài sản của ông Thiện cháy liền một tuần chưa hết...

pho-trinh-van-bo-o-ha-noi

Con phố mang tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Trọng Hiếu

Tuy vậy, ông vẫn một lòng son sắt ủng hộ kháng chiến và Chính phủ Cụ Hồ với tư tưởng: “Không có tài sản nào quý giá hơn độc lập của dân tộc!”. Sau hòa bình, ông làm Giám đốc Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo nhưng không nhận lương của Nhà nước.

Trong thời kỳ này, có một một tấm gương sáng ngời vì nước khác, đó là Trịnh Văn Bô, người đã hiến hơn 5.000 cây vàng và nhiều tài sản giá trị khác. Số lượng của cải hiến tặng đó đã góp phần giữ vững chính quyền nhân dân non trẻ trong thời khắc vận nước “nghìn cân treo sợi tóc”. Chính bộ quần áo Bác Hồ mặc trong Lễ tuyên bố Độc lập, cũng như của nhiều cán bộ khác, là do ông bà Trịnh Văn Bô may cho để hình ảnh Chính phủ trước quốc dân đồng bào, trước thế giới được trịnh trọng hơn.

Những câu chuyện này làm tôi thấy rõ hơn, ý thức, ý chí của các nhà tư sản nước ta chính là ý thức rất mạnh mẽ về dân tộc, đặng làm cho kinh tế nói riêng, vị thế nước ta nói chung, có thể sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Nó làm thay đổi định kiến bảng giá trị “sĩ nông công thương” nghìn đời, đánh tan định kiến những kẻ buôn bán thường vô lương. Nó cũng cho thấy rõ hơn vai trò quan trọng, có khi quyết định, của lực lượng doanh nhân, phú hộ trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Nhận thức này còn được thay đổi trong toàn dân, trong tư duy lãnh đạo.

Tôi có được sống trong một thời kỳ còn bóng dáng của chế độ phong kiến. Những người có học, những người giàu có thường rất được tôn trọng. Những ông tổ nghề, theo tôi, đó chính là những nghệ nhân, nhưng chủ yếu là doanh nhân, vì họ muốn phát triển kinh tế hàng hóa, làm cho dân mình giàu có hơn. Họ thường được thờ làm thành hoàng. Đó là một truyền thống quý báu, một đạo lý, giống như đạo lý tôn sư trọng đạo.

Tôi khâm phục triết lý của Trịnh Văn Bô. Đó là: "Buôn bán được 10 đồng thì giữ 7, còn lại giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức. Khi cần nuôi nền độc lập thì cống hiến tất cả". Trong cuộc đời, ông đã thực hiện đúng như vậy. Nhà tôi hiện ở Phố Trịnh Văn Bô, quận Nam Từ Liêm, và tôi cũng thấy tự hào như ở những phố mang tên các danh nhân văn hóa, tên các anh hùng cứu nước.

Nhắc đến triết lý, tinh thần dân tộc trong kinh doanh, không thể không kể đến Bạch Thái Bưởi (1874-1932). Bạch Thái Bưởi là con một nông dân nghèo họ Đỗ ở làng Yên Phúc, nay là Văn Quán, quận Hà Đông. Nghèo nên phải đi làm con nuôi họ Bạch, lấy họ Bạch thay cho họ Đỗ. Từ một cơ duyên được sang Pháp, ông chú ý học hỏi và quyết chí buôn bán làm giàu. Từ tham gia làm cầu Long Biên, buôn tà vẹt làm đường sắt, năm 1909, ông chuyển sang vận tải sông biển, một ngành kinh tế lúc đó do người Pháp và người Hoa độc quyền.

Có lẽ do xúc xiểm, cạnh tranh không lành mạnh mà các chủ Pháp liên thủ với chính quyền để hà hiếp Bạch Thái Bưởi. Thống sứ Bắc Kỳ J.Rôbin từng nói: “Nơi nào có Rôbin thì không có Bưởi”. Bạch Thái Bưởi khẳng khái: “Nơi nào có Bạch Thái Bưởi thì không có Rôbin”.

Không chỉ tự mình có ý thức dân tộc, Bạch Thái Bưởi còn biết thức dậy, phát huy ý thức dân tộc trong kinh doanh. Tàu biển, tàu sông của ông đều mang tên Việt như Lạc Long, Hồng Bàng, Trưng Trắc và bán vé rẻ nên người Việt dồn về tàu của ông, ủng hộ ông. Từ đó, ông đã thâu tóm các đội tàu của các công ty Pháp và Hoa đã bị phá sản như Marty d'Abbadie, Desch Wander... Phạm vi hoạt động các con tàu của Bạch Thái Bưởi lan dần sang đến cả Nhật Bản, Philipinnes, Singapore...

nha-ong-trinh-van-bo

Ngôi biệt thự ở số 34 Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội) của nhà tư sản Trịnh Văn Bô. Ảnh: Trọng Hiếu

Tôi có quen biết doanh nhân Phạm Nhật Vượng (sinh năm 1968), vì anh là một người đồng hương ở huyện Can Lộc (cũ) nay là huyện Lộc Hà của tỉnh Hà Tĩnh. Bố anh là một sĩ quan của Quân chủng Phòng không Không quân. Anh đã chứng kiến bố mẹ anh, cũng như nhiều cán bộ thời bao cấp khác, thường dài cổ chờ nhà nước phân nhà, mà có được phân thì nhà cũng chẳng ra nhà; có khi 6,7 người chỉ ở 12 m2, công trình phụ chung. Ở Liên Xô, anh thấy sự khổ sở của dân lao động Việt Nam, phải thuê nhà, ở chui nhủi... Cuộc sống ở nông thôn Việt Nam còn tệ hơn. Một lần về quê, anh hỏi nhà vệ sinh, người ta chỉ ra sau vườn chuối...

Những ấn tượng đó hằn sâu trong anh, hướng anh tới bất động sản. Ăn và ở là hai nhu cầu cơ bản của con người, anh hướng tâm huyết của mình vào đấy. Anh đã cùng mấy người bạn xây dựng nên một làng Việt Nam ở Khắc-cốp (U-crai-na) để người Việt được ăn ở đàng hoàng, có chủ quyền tại nơi định cư. Anh đã góp phần giúp huyện Can Lộc, huyện đầu tiên của Hà Tĩnh, cũng là của cả nước, xóa nhà tranh tre dột nát. Anh đã xây nhiều chung cư, nhiều khu biệt thự, khu nghỉ dưỡng sang trọng khắp các tỉnh thành, làm thay đổi hình ảnh đất nước.

nha-may-vinfast

Nhà máy Vinfast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Khi Phạm Nhật Vượng làm ô tô, tôi hỏi: “Làm ô tô khi Việt Nam không còn ngành luyện kim, vượt qua khó khăn đó như thế nào?”. Anh trả lời: “Một cái máy ô tô không đáng mấy cân sắt. Mình mua của nước ngoài, công nghệ tiên tiến nhất là được, là thành công”. “Thị trường chủ yếu ở đâu?”, tôi hỏi tiếp. “Tất nhiên, trước hết là cho người Việt, để người Việt được dùng xe Việt, mà tốt, rẻ, sẽ sướng hơn nhiều. Thị trường tiếp theo là Nga, để người Nga biết xe của người Việt. Hơn nữa, tôi cũng muốn tri ân người Nga, nước Nga, muốn họ được dùng ô tô hiện đại hơn, thay cho Vonga, Lada cũ kỹ”...

Nghị quyết của Đảng về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” đánh giá: “Đội ngũ doanh nhân đã phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, từng bước nâng cao được uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế”. Tuy nhiên, Nghị quyết cũng nêu rõ: “Một bộ phận doanh nhân còn thiếu văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội, chưa tự giác tuân thủ pháp luật, lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để trục lợi, móc nối với những phần tử thoái hóa, biến chất trong bộ máy quản lý nhà nước, vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, làm trầm trọng thêm các tiêu cực xã hội”.

Đó cũng là hai phía tình cảm của nhân dân đối với doanh nghiệp. Làm kinh tế cũng như đánh trận, được lòng dân thì thắng, mất lòng dân là mất tất cả! Doanh nhân trong lòng dân tộc, doanh nhân làm cho dân tộc lớn mạnh. Dân tộc là bầu sữa, là nguồn lực của doanh nhân.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ