'Bẫy nợ' từ các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc - Bài cuối: Bài học đắt giá với Việt Nam

Nhàđầutư
Liên quan đến "bẫy nợ" từ các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, trong bài cuối này, Nhadautu.vn giới thiệu bài viết của GS.TSKH Nguyễn Mại nghiên cứu về thực trạng vốn đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam, từ đó nêu lên kiến nghị về về lựa chọn, sử dụng nguồn vốn này có hiệu quả hơn.
GS-TSKH. NGUYỄN MẠI
18, Tháng 06, 2020 | 07:00

Nhàđầutư
Liên quan đến "bẫy nợ" từ các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, trong bài cuối này, Nhadautu.vn giới thiệu bài viết của GS.TSKH Nguyễn Mại nghiên cứu về thực trạng vốn đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam, từ đó nêu lên kiến nghị về về lựa chọn, sử dụng nguồn vốn này có hiệu quả hơn.

dam-ninh-binh-nha-may

Tại nhà máy Đạm Ninh Bình, nhà thầu Trung Quốc không thực hiện nghĩa vụ nộp phạt chậm tiến độ thực hiện hợp đồng (16 tháng), không hoàn thiện hồ sơ máy móc, thiết bị, vật tư nhập khẩu theo hợp đồng EPC, không bàn giao hồ sơ hoàn công và hồ sơ gốc CO, CQ để lập quyết toán A-B, không phối hợp với Vinachem giải quyết các tồn tại của dự án như thanh toán chi phí than cho việc chạy thử vượt hợp đồng, chi phí chạy thử nhà máy lần 2.

Sáng kiến Vành đai và Con đường

Giữa tháng 5/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đón tiếp 29 vị lãnh đạo các nước tại bữa tiệc ở Bắc Kinh để giới thiệu chính sách đối ngoại tham vọng nhất của ông, được khởi đầu vào năm 2013 có tên gọi sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (BRI). Theo đó, Trung Quốc bảo lãnh đầu tư khoảng 150 tỷ USD mỗi năm xây dựng cơ sở hạ tầng ở 68 quốc gia dọc theo Con đường Tơ lụa cổ Á - Âu. Chỉ có vài nhà lãnh đạo Châu Âu xuất hiện tại buổi tiệc vì phần lớn đã phớt lờ sáng kiến ​​của Trung Quốc.

BRI minh chứng rõ ràng nhất tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình về vai trò lãnh đạo toàn cầu, từ bỏ phương châm “giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình, khôi phục vị thế của Trung Quốc đã từng là cường quốc số 1 thế giới, hiện nay đứng thứ hai chỉ sau Hoa Kỳ.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thì BRI là chính sách ngoại giao quan trọng nhất của Chủ tịch Tập nhằm biến khu vực Á - Âu (do Trung Quốc chi phối) thành một khu vực kinh tế và thương mại đối trọng với khu vực xuyên Đại Tây Dương (do Mỹ đứng đầu).

Người đứng đầu nhà nước Trung Quốc hy vọng sử dụng khoản dự trữ ngoại tệ hơn 3.000 tỷ USD hiện chủ yếu để mua trái phiếu có lãi suất thấp của Chính phủ Mỹ, để đầu tư xây dựng hạ tầng như đường sắt và đường bộ cao tốc, tạo ra thị trường rộng lớn cho các công ty nước này tiêu thụ sản phẩm dư thừa như xi măng, sắt thép. Hơn nữa đầu tư các dự án quanh khu vực Biển Đông có thể giúp Trung Quốc củng cố yêu sách chủ quyền của mình ở khu vực này. (“Con đường” trong sáng kiến là để chỉ các con đường trên biển).

Trung Quốc đang rất khó xác định được lợi nhuận từ những dự án đầu tư tại mộ số nước tham gia BRI, thậm chí có nước đã gọi là “Một con đường, một cái bẫy”. Trong những năm gần đây Trung Quốc đang phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ tại Myanmar, Sri Lanka, Malaysia, Bangladesh, Nepal do Chính phủ mới không thừa nhận hoặc muốn đàm phán lại các hiệp định đã được Chính phủ tiền nhiệm phê chuẩn.

Do dịch COVID-19 với biện pháp hạn chế đi lại nên kỹ sư và công nhân Trung Quốc không trở lại các công trường BRI ở nước ngoài, trong khi việc đóng cửa các nhà máy Trung Quốc cung cấp máy móc và nguyên liệu thô cho các dự án BRI đã làm chậm trễ triển khai dự án, gây thêm căng thẳng đối với các quốc gia vốn đã phải vật lộn với gánh nặng nợ nần.

Tuy vậy, bất chấp những khó khăn kinh tế trong nước và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trở nên gay gắt, trong tương lai gần Bắc Kinh sẽ không từ bỏ BRI mà tìm ra cơ hội mới để mở rộng dấu ấn của BRI tại nhiều quốc gia. Ngân hàng phát triển Trung Quốc gần đây đã tuyên bố về kế hoạch hỗ trợ các công ty BRI bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Một số học giả Trung Quốc có quan điểm khác về tương lai của nước này trong thế giới đã biến đổi sau dịch COVID- 19. Báo cáo của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) và Nhóm chuyên gia cố vấn Hội đồng Nhà nước nhận định, 5 năm tiếp theo sẽ xuất hiện những thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ đối với Trung Quốc, trò chơi chiến lược giữa các siêu cường trên thế giới đã tăng cường, trong khi các đơn đặt hàng và hệ thống quốc tế được cải tổ lại. Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một thế giới ngày càng thù địch hơn trong 5 năm tới. Điều đó đòi hỏi chính sách của họ nên tập trung vào thị trường nội địa rộng lớn, đổi mới công nghệ trong nước và cải thiện phúc lợi của công dân. Trung Quốc nên “gắn bó với hướng phát triển của mình và tập trung làm tốt mọi việc của mình.”

Khi dịch bệnh được kiểm soát, các nước tìm cách phục hồi kinh tế có thể coi đó là cái cớ để loại bỏ những dự án BRI không thành công hoặc không được lòng người dân về mặt chính trị.

Vấn đề của Việt Nam

Từ khi Việt Nam và Trung Quốc khôi phục quan hệ (1991) đến nay, quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng đã phát triển, Trung Quốc hiện đứng đầu về kim ngạch thương mại của nước ta, đầu tư trực tiếp (FDI) và viện trợ phát triển (ODA) gia tăng, quan hệ giữa các doanh nghiệp ngày càng mở rộng.

Tuy vậy, đã xuất hiện môt số vấn đề có liên quan đến ODA cần được nghiên cứu và giải quyết để bảo đảm lợi ích quốc gia.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư về quản lý và sử dụng vốn vay ODA 2018-2020, tầm nhìn 2025 nhận định: ODA của Trung Quốc thường có lãi suất 3%/năm với điều kiện chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc, cao hơn lãi vay ODA của Nhật Bản từ 0,4% đến 1,2% tùy vào thời hạn vay; của Hàn Quốc từ 0% đến 2% tùy theo điều kiện đấu thầu; của Ấn Độ là 1,75%. Vốn vay do Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung quốc (China Eximbank) cung cấp phải chịu phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5% trong khi thời hạn vay và ân hạn đều ngắn hơn các thị trường vốn khác từ 5 đến 15 năm.

Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách cho biết, theo kết quả nghiên cứu chỉ ra vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam "rất đặc biệt", chủ yếu thông qua hình thức làm tổng thầu EPC, chứ không chỉ qua FDI hay ODA, là vấn đề gây tranh cãi nhất khi cho rằng liệu EPC có phải là một hình thức FDI không và hiệu quả thực chất của các dòng vốn thông qua hình thức này.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, không ít dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, tăng tổng mức đầu tư, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Dưới đây là hai ví dụ điển hình.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) với tư cách tổng thầu EPC nhà máy đạm Ninh Bình. Hợp đồng EPC được ký giữa Vinachem và Tổng công ty Thiết kế và thầu khoán Hoàn Cầu ngày 15/11/2007, thời gian thực hiện 42 tháng. Dự án có tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 667 triệu USD.

Vinachem cho biết, nhà thầu Trung Quốc không thực hiện nghĩa vụ nộp phạt chậm tiến độ thực hiện hợp đồng (16 tháng), không hoàn thiện hồ sơ máy móc, thiết bị, vật tư nhập khẩu theo hợp đồng EPC, không bàn giao hồ sơ hoàn công và hồ sơ gốc CO, CQ để lập quyết toán A-B, không phối hợp với Vinachem giải quyết các tồn tại của dự án như thanh toán chi phí than cho việc chạy thử vượt hợp đồng, chi phí chạy thử nhà máy lần 2.

Trước tình hình đó, Vinachem đã đề xuất giải pháp thuê kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán, xác định giá trị quyết toán, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và ghi rõ nội dung nhà thầu không hợp tác để quyết toán dự án. 

Quá trình vận hành nhà máy thua lỗ triền miên, năm 2018 lỗ 923 tỷ đồng.

Thứ hai là dự án mở rộng Khu gang thép Thái Nguyên do Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) làm chủ đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2005 có tổng mức đầu tư 3.843 tỉ đồng, gồm hai gói thầu chính: (1) Gói thầu mỏ sắt Tiến Bộ đã hoàn thành đưa vào sử dụng với giá trị thanh toán là 224 tỉ đồng và (2) Gói thầu EPC dây chuyền công nghệ luyện kim (143 triệu USD) đấu thầu rộng rãi, Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu với giá 160,9 triệu USD.

Ngày 15/5/2013, Chủ tịch HĐQT TISCO ký quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án hơn 8.100 tỉ đồng (tăng 4.200 tỉ đồng), thời gian thực hiện đến hết năm 2014 đi vào hoạt động. Thực tế, gói thầu EPC đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay, các hạng mục đều chưa hoàn thành.

Đến thời điểm thanh tra, tổng giá trị TISCO đã thanh toán cho dự án là 4.421 tỉ đồng; tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả là 3.896 tỉ đồng (hiện lãi vay phải trả trên 40 tỉ đồng/tháng), trong đó thanh toán cho MCC trên 92% giá trị hợp đồng nhưng các hạng mục của dự án đều chưa hoàn thành.

TISCO đã thanh toán thay MCC tiền thuế là 11,6 triệu USD, thanh toán chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị là 4,737 tỉ đồng, vượt giá trị hợp đồng, trong khi MCC chưa chuyển đủ thiết bị, cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai về xuất xứ, thông số kỹ thuật, không phù hợp với quy chuẩn Việt Nam với giá trị xác định bước đầu là 38,8 triệu USD.

Hiện, một số thiết bị đã rỉ sét, hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng dự án, thiệt hại vốn đầu tư.

Những dự án như vậy đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho đất nước, vốn vay đến thời hạn phải trả cả gốc và lãi, tạo ra gánh nặng nợ quốc gia, nhà máy hoạt động không có hiệu quả phải thanh lý, nhiều cán bộ chịu hình phạt thích đáng.

Giải pháp

Hội nhập quốc tế đang đặt ra những vấn đề trọng đại đối với đất nước phải xuất phát từ quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước về “đa phương hóa, đa dạng hóa”, dựa trên căn bản lợi ích dân tộc để lựa chọn đối tác, không những quan tâm đến lợi ích kinh tế, mà phải bảo đảm an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, phát triển bền vững.

Trên cơ sở đó cần lưu ý một số giải pháp chủ yếu:

(1) Hợp tác và đấu tranh là hai mặt của quan hệ quốc tế trong thế giới hiện đại, nhận biết đúng đối tác và đối thủ trong quá trình hội nhập quốc tế là yêu cầu đối với mỗi quốc gia; trên cơ sở đó có chiến lược đối ngoại thích ứng với điều kiện của đất nước cũng như quan hệ với từng nước, từng nhóm nước.

Nghiên cứu để nhận biết đúng bản chất của chính sách đối ngoại của các quốc gia, nhất là các nước lớn bao gồm ý đồ có tính chiến lược, chủ trương trong từng giai đoạn đối với toàn cầu, với khu vực và với nước ta để kịp thời và linh hoạt trong việc ứng phó nhằm chỉ đạo các ngành, lĩnh vực kinh tế, các địa phương thực hiện thống nhất.

(2) Trung Quốc đã và sẽ là đối tác quan trọng của nước ta về kinh tế, thương mại và đầu tư, hiện đã là nền kinh tế thứ hai thế giới. Với sức mạnh về kinh tế, quốc phòng, với ý đồ khôi phục vai trò của nền văn minh Trung Hoa đang có nhiều “sáng kiến” để khẳng định vị thế trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam là một  thị trường đầy tiềm năng của Trung Quốc, đồng thời là cửa ngõ để doanh nghiệp nước này tiến vào các quốc gia thành viên ASEAN, do đó tận dụng lợi thế của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc để phục vụ lợi ích quốc gia, góp phần tăng cường sức mạnh của Cộng đồng ASEAN là một trong vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy vậy, trong quan hệ với nước láng giềng đang trỗi dậy với ý đồ đầy tham vọng cần cảnh giác trong mọi tình huống, kịp thời phát hiện những hành vi bất lợi cho nước ta, có giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu tác động tiêu cực.

(3) Từ hai vấn đề có tính nguyên tắc trên đây, để phòng tránh thực trạng của khá nhiều dự án vay ODA của Trung Quốc không chỉ cần xử lý từng dự án cụ thể trên cơ sở hợp đồng đã được hai bên ký kết, luật pháp Việt Nam và hiệp định có liên quan giữa hai nước để thương lượng với nhà thầu Trung Quốc và các cơ quan có thẩm quyền của nước này để có giải pháp thích ứng nhằm trong một thời gian nhất định có quyết sách đúng với từng dự án, không để kéo dài thời gian gây thêm thiệt hại cho đất nước, làm giảm lòng tin của nhân dân.

Đối với một số dự án đã ký bản ghi nhớ, hoặc hợp đồng vay vốn cần được kiểm tra, thẩm định lại thông qua các tổ chức tư vấn độc lập để trình Chính phủ hướng xử lý hoặc điều chỉnh nội dụng hợp đồng cho phù hợp với điều kiện mới, hoặc không vay của Trung Quốc, chuyển sang vay nước khác có điều kiện ưu đãi tốt hơn. Một số nước ASEAN như Malaysia, Myanma đã đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với một số dự án quy mô lớn do Trung Quốc tài trợ.

(4) Quan hệ giữa nước ta với Trung Quốc sau dịch COVID-19 sẽ thay đổi bởi vì mỗi nước phải giải quyết những vấn đề mới nảy sinh do tác động của sự biến động khó lường của thế giới, cũng như do nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế trong nước đòi hỏi phải coi trọng hơn thị trường nội địa. Do đó, cần có chỉ dẫn của Chính phủ cho các bộ, ngành, chính quyền tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp về quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc, trong đó có ODA, FDI và hình thức EPC trong bối cảnh mới để bảo đảm thống nhất nhận thức và hành động, phòng tránh tình trạng đã từng xảy ra đối với nhiều dự án của Trung Quốc, đồng thời không vì quá cảnh giác đến mức không biết tận dụng cơ hội giao lưu với đất nước rộng lớn, đông dân và có nhiều tiềm năng để khai thác tốt hơn phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24810.00 24830.00 25150.00
EUR 26278.00 26384.00 27554.00
GBP 30717.00 30902.00 31854.00
HKD 3125.00 3138.00 3240.00
CHF 26952.00 27060.00 27895.00
JPY 159.41 160.05 167.39
AUD 16033.00 16097.00 16586.00
SGD 18119.00 18192.00 18729.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 17923.00 17995.00 18523.00
NZD   14756.00 15248.00
KRW   17.51 19.08
DKK   3529.00 3658.00
SEK   2286.00 2374.00
NOK   2265.00 2354.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ