Xử lý nợ xấu tại Sacombank: kỳ vọng nhưng hãy cẩn trọng

Cho dù trải qua thời gian dài sóng gió sau sáp nhập, Sacombank hiện vẫn là ngân hàng có nguồn nhân lực chất lượng, hệ thống quản trị điều hành hiện đại, mạng lưới rộng và uy tín thương hiệu cao. Việc cơ cấu Sacombank chủ yếu chỉ xoay quanh xử lý nợ xấu và tài sản có vấn đề khác.
PHONG HIẾU
21, Tháng 08, 2017 | 14:20

Cho dù trải qua thời gian dài sóng gió sau sáp nhập, Sacombank hiện vẫn là ngân hàng có nguồn nhân lực chất lượng, hệ thống quản trị điều hành hiện đại, mạng lưới rộng và uy tín thương hiệu cao. Việc cơ cấu Sacombank chủ yếu chỉ xoay quanh xử lý nợ xấu và tài sản có vấn đề khác.

Sacombank nua

 Việc cơ cấu Sacombank chủ yếu chỉ xoay quanh xử lý nợ xấu và tài sản có vấn đề khác 

Nợ xấu thực là bao nhiêu?

Đầu tháng 8-2017, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank, cho báo chí biết “nợ xấu tại Sacombank vào khoảng hơn 60.000 tỉ đồng”. Riêng nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu tồn đọng từ thời Ngân hàng Phương Nam (Southernbank) mà ông Trầm Bê nhận trách nhiệm giải quyết là 35.400 tỉ đồng, được thế chấp bằng tài sản bảo đảm trị giá 43.000 tỉ đồng, bao gồm tài sản thế chấp là bất động sản trị giá 33.000 tỉ đồng và khoảng 10.000 tỉ đồng được bảo đảm bằng cổ phiếu.

Con số 60.000 tỉ đồng nợ xấu mà ông Minh đưa ra khá tương đồng với số liệu trên báo cáo tài chính của Sacombank. Đến ngày 30-6-2017, nợ xấu nội bảng của Sacombank ở mức 13.902 tỉ đồng, tỷ lệ nợ xấu 6,36%. Nếu tính cả 37.134 tỉ đồng nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa trích lập dự phòng, nợ xấu của Sacombank ở mức 51.037 tỉ đồng, chiếm 19,96% tổng dư nợ. Con số 51.037 tỉ đồng này chưa bao gồm các khoản nợ tiềm ẩn (trước mắt là 5.286 tỉ đồng nợ nhóm 2) và các khoản nợ đã được cơ cấu lại.

Ngoài ra, cũng cần phải lưu ý đến khoản “Tài sản có khác” 42.210 tỉ đồng. Trong đó, lãi dự thu của Sacombank giảm hơn 20.000 tỉ đồng sau sáu tháng, còn 4.752 tỉ đồng. Có lẽ Sacombank đã làm động tác kỹ thuật để chuyển các khoản lãi dự thu thành các khoản phải thu bởi các khoản phải thu tại ngày 30-6-2017 là 35.674 tỉ đồng, tăng 18.731 tỉ đồng so với đầu năm. Tổng tài sản có khác đang chiếm đến 11,9% tổng tài sản (cao hơn nhiều so với nhiều ngân hàng khác, khoảng 1-3%).

Chứng khoán nợ và chứng khoán vốn do các tổ chức kinh tế phát hành của Sacombank khá nhỏ, nghĩa là ngân hàng này không che giấu nợ xấu ở khoản mục trái phiếu doanh nghiệp hay vốn cổ phần như một số ngân hàng khác.

Kế hoạch xử lý nợ xấu

Theo đề án tái cơ cấu đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt, Sacombank cần 10 năm để tái cơ cấu thành công (2015-2025). Tuy nhiên, sau khi đắc cử chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Dương Công Minh đã đặt mục tiêu thu hồi 90% nợ xấu trong ba năm. Riêng năm 2017 phải đảm bảo xử lý 20.000 tỉ đồng nợ xấu, tức khoảng một phần ba số nợ xấu hiện có.

Đây là mục tiêu vô cùng tham vọng bởi tính đến tháng 7-2017, ngân hàng này chỉ mới xử lý được 2.520 tỉ đồng nợ xấu (còn phải xử lý thêm khoảng 17.500 tỉ đồng nợ xấu trong năm tháng cuối năm).

Ông Minh mới gia nhập Sacombank đã đưa ra mục tiêu thách thức như vậy hẳn phải có cơ sở của riêng mình. Đó có thể là sự tự tin vào kinh nghiệm làm ngân hàng lẫn bất động sản của mình. Đó có thể là sự nhìn nhận thực tế danh mục nợ xấu của Sacombank phần lớn liên quan đến bất động sản và đa số các khoản vay đều có tài sản bảo đảm đầy đủ. Đó cũng có thể là sự kỳ vọng vào Nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu mà Quốc hội vừa mới thông qua.

Các khoản nợ xấu lớn có thể được xử lý bằng cách nào?

Nợ đảm bảo bằng cổ phiếu - tìm cổ đông chiến lược

Số cổ phiếu bảo đảm cho khoản nợ 10.000 tỉ đồng mà ông Trầm Bê phải chịu trách nhiệm giải quyết, nhiều khả năng chính là cổ phiếu STB. Theo một số thông tin, sau khi sáp nhập Southernbank, ông Trầm Bê và người có liên quan nắm giữ khoảng 50% cổ phiếu Sacombank, tương đương 9.000 tỉ đồng mệnh giá. Với mức giá thị trường hiện tại khoảng 12.000/cổ phiếu, số cổ phiếu trên đủ để thanh lý khoản nợ 10.000 tỉ đồng. Ai bỏ tiền ra mua được số cổ phần này (thực chất là trả nợ thay cho ông Bê) sẽ gần như nắm quyền chi phối ngân hàng. Nhưng đây là một số tiền rất lớn. Ngay cả ông Dương Công Minh khi thoái toàn bộ 14,98% vốn tại LienVietPostBank cũng chỉ thu về khoảng 1.200 tỉ đồng (12% số nợ trên).

Sacombank có thể mua lại cổ phiếu quỹ hoặc bán số cổ phiếu ra thị trường, tuy nhiên hạn chế của giải pháp này là số lượng cổ phiếu chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng vốn điều lệ của ngân hàng. Tìm kiếm một hoặc một số nhà đầu tư chiến lược là cách làm khả thi hơn. Vì NHNN cấm việc vay tiền để mua lại cổ phần của tổ chức tín dụng (TCTD) nên muốn xử lý khoản nợ cổ phiếu 10.000 tỉ đồng này, Sacombank cần tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược thực sự mạnh về tài chính, không loại trừ là các nhà đầu tư nước ngoài.

Nợ xấu bảo đảm bằng bất động sản - bán dự án hay nhận tài sản cấn trừ nợ?

Thông thường, đa số các khoản nợ xấu tài trợ cho các dự án bất động sản đều được bảo đảm bằng quyền sử dụng đất hoặc tài sản hình thành trong tương lai tại chính dự án đó. Đồng thời, nguồn thu nợ gốc và lãi vay cũng đến từ việc kinh doanh dự án. Đây chính là điểm huyệt của các khoản nợ liên quan đến dự án bất động sản: việc triển khai giải phóng mặt bằng, xây dựng và kinh doanh dự án gặp khó khăn thì mới dẫn đến nợ xấu; và chính những tồn tại trong quá trình triển khai dự án cũng sẽ khiến việc chuyển nhượng dự án trở nên khó khăn. Những tồn tại đó có thể là tình trạng “da beo” trong giải phóng mặt bằng, trục trặc về giấy phép, quy hoạch hay nhu cầu vốn quá lớn để triển khai.

Ngoài ra Sacombank cũng có thể nhận tài sản để cấn trừ nợ, tuy nhiên giải pháp này khá hạn chế bởi phải tuân thủ quy định tỷ lệ tối đa đầu tư tài sản cố định trên vốn điều lệ.

Những phương pháp xử lý nợ xấu “khác” có thể gồm:

Cho vay để mua tài sản bảo đảm

Thực ra, nếu khách hàng có một phần tiền và có khả năng trả nợ, muốn vay thêm để mua tài sản bảo đảm của các khoản nợ cũng là một điều tốt cho ngân hàng. Mặc dù Thông tư 39 cấm các TCTD cho vay để trả nợ vay tại chính TCTD đó, tuy nhiên người đi vay có thể vay dựa vào quản trị dòng tiền mà không vi phạm quy định trên. Ví dụ: khách hàng sử dụng tiền nhàn rỗi (chuẩn bị mua nguyên liệu) để mua tài sản bảo đảm, sau đó dùng tiền vay để mua nguyên liệu.

Nếu tài sản bảo đảm là các dự án đang gặp khó khăn thì việc bán cho chủ đầu tư khác không thể làm rủi ro của các dự án này biến mất ngay lập tức. Do đó, nếu trường hợp khách hàng mới vay để mua lại dự án, ngân hàng sẽ tiếp tục đối mặt với rủi ro dự án đình trệ.

Bán trả chậm

Các ngân hàng cũng thường sử dụng việc bán trả chậm để xử lý các khoản nợ xấu lớn. Nguyên nhân là các khoản nợ và tài sản bảo đảm quá lớn, người mua không đủ tiền để trả ngay. Khoản nợ có thể được bán cho một bên thứ ba, hoặc ngân hàng có thể nhận tài sản bảo đảm để cấn trừ nợ, sau đó lại bán trả chậm tài sản đó cho bên thứ ba. Hai cách này đều làm các khoản phải thu tăng lên. Về bản chất, nghiệp vụ này giống như cơ cấu lại thời gian trả nợ, nhưng với một khách hàng khác.

Chuyển nợ thành vốn góp

Ngân hàng cũng có thể xử lý nợ xấu bằng cách chuyển đổi khoản vay thành khoản vốn góp vào doanh nghiệp. Tất nhiên các doanh nghiệp này đang khó khăn và sẽ chưa có lợi nhuận. Do đó, khoản vốn góp này thực chất là tài sản không sinh lời, thậm chí rủi ro còn lớn hơn nếu doanh nghiệp phá sản.

Bán nợ cho VAMC với giá thị trường

Nghị quyết 42/2017/QH14 đã mở ra cho các ngân hàng cơ hội bán nợ xấu với giá thị trường mà ngân hàng có thể phân bổ lãi dự thu (tối đa 10 năm) và chênh lệch khi bán khoản nợ (tối đa 5 năm). Khác với việc bán nợ và nhận trái phiếu đặc biệt VAMC, bán nợ theo giá thị trường là giải pháp cắt bỏ thật sự các khoản nợ xấu ra khỏi bảng cân đối của ngân hàng. Vì cơ chế mới cho phép không ghi nhận các khoản lỗ ngay lập tức, ngân hàng sẽ không quá áp lực về chi phí trong hiện tại, bởi nó được treo lại ở “Tài sản có khác” và sẽ được chuyển dần vào tương lai.

Việc chọn giải pháp phù hợp cho từng khoản nợ và kết quả xử lý nợ thực tế sẽ thể hiện tài năng của ban lãnh đạo mới của Sacombank. Nhưng cũng đừng quên theo dõi diễn biến của các tài sản có khác.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ