Vì sao 'công nghệ đốt rác phát điện' được nhiều địa phương quan tâm?

Nhàđầutư
Với tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn thấp, công nghệ đốt rác sử dụng nhiệt phát điện thương mại được xem là phù hợp nên đang được các địa phương tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) quan tâm mời gọi đầu tư.
AN HÒA
29, Tháng 08, 2022 | 15:11

Nhàđầutư
Với tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn thấp, công nghệ đốt rác sử dụng nhiệt phát điện thương mại được xem là phù hợp nên đang được các địa phương tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) quan tâm mời gọi đầu tư.

IMG_tham quan 1

Nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện do Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB đầu tư tại huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ. Ảnh An Hòa

Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB muốn đầu tư nhà máy thứ hai

Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB (thuộc Tập đoàn China Everbright Environment) đã có đề xuất đầu tư nhà máy đốt rác phát điện công suất trên 500.000 tấn/ngày tại tỉnh Đồng Tháp.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp vào cuối tuần vừa qua, đại diện phía Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB cho biết doanh nghiệp đã đầu tư và vận hành dự án nhà máy xử lý chất thải rắn phát điện tại huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ. Sau hơn 3 năm đưa nhà máy vào hoạt động, trung bình, nhà máy tiếp nhận khoảng 515 tấn rác/ngày, quá trình đốt rác tạo ra gần 179 triệu kWh điện và hòa vào điện lưới Quốc gia.

Trên cơ sở thành công của nhà máy tại Cần Thơ, đại diện Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB đề xuất được tiếp cận nghiên cứu xây dựng dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Đồng Tháp. Theo đó, mục tiêu chính của dự án là xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn sinh hoạt đã chôn lấp bằng công nghệ đốt sử dụng nhiệt phát điện thương mại tương tự nhà nhà máy mà doanh nghiệp đã đầu tư tại TP. Cần Thơ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao công nghệ xử lý chất thải rắn của Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB. Đồng thời, ghi nhận nội dung doanh nghiệp quan tâm đề xuất đầu tư, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu đầu tư tại địa phương.

Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp, xử lý rác thải là một trong những vấn đề luôn được địa phương đặc biệt quan tâm. Hiện tại khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn địa bàn tỉnh hơn 1.069 tấn/ngày, khối lượng thu gom đạt khoảng 565 tấn/ngày.

Toàn tỉnh đã có 9/12 huyện, thành phố thực hiện xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Nhìn chung, các đơn vị thu gom rác thời gian qua có cải thiện về năng lực, tăng cường nhân lực, phương tiện, tần suất thu gom nên tỷ lệ thu gom từng bước được tăng lên, không còn tình trạng ứ đọng chất thải sinh hoạt tại các chợ, khu dân cư, khu vực công cộng. Toàn tỉnh có 22 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao gồm 6 khu xử lý chất thải tập trung được đầu tư ô chôn lấp chất thải hợp vệ sinh và 16 bãi rác tạm. Đến nay, còn 18 khu xử lý đang hoạt động (4 bãi rác tạm đã đóng cửa, ngừng tiếp nhận chất thải), chủ yếu tiếp nhận và xử lý bằng biện pháp chôn lấp.

Định hướng đến năm 2025, địa phương sẽ kêu gọi, thu hút nhà đầu tư để hoàn thiện và đi vào hoạt động 2 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung (Đập Đá, huyện Cao Lãnh và Bình Thạnh, TP Hồng Ngự) và 1 khu xử lý cho các xã cù lao. Các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong Khu xử lý tập trung theo công nghệ tiên tiến, hiện đại. Cụ thể, Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung công nghệ tiến tiến, hiện đại với công suất 500 tấn/ngày (ưu tiên công nghệ đốt rác phát điện), đảm bảo xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TP. Cao Lãnh, TP. Sa Đéc và các huyện Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành và một số xã của huyện Tháp Mười.

Được biết trước đó đại diện UBND tỉnh Đồng Tháp cùng một số lãnh đạo sở, ngành địa phương này đã đến tham quan, tìm hiểu hoạt động của nhà máy đốt rác phát điện do Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB đầu tư tại TP. Cần Thơ.

chon lap rac

Do chưa có nhà máy xử lý nên phần lớn rác thải sinh hoạt tại vùng ĐBSCL phải đổ lộ thiên, rất ô nhiễm. Ảnh An Hòa

Đốt rác phát điện có phải là giải pháp tốt?

Theo ông Nguyễn Chí Kiên, Phó giám đốc Sở TN&MT Cần Thơ, nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện tại huyện Thới Lai là nhà máy đầu tiên sử dụng công nghệ này trên cả nước. Đây được xem là dự án thí điểm do Bộ TN&MT phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Sau hơn 3 năm đưa vào hoạt động, cho thấy các chỉ tiêu, thông số liên quan đến môi trường đều đạt yêu cầu. Việc đưa nhà máy đi vào hoạt động có ý nghĩa rất lớn vì góp phần xử lý đến hơn 70% rác thải sinh hoạt tại địa phương. Đồng thời nhà máy còn mang lại nguồn lợi năng lượng tái tạo cũng như tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho lao động tại địa phương.

Tuy nhiên, theo ông Kiên, dự án Nhà máy xử lý rác sinh hoạt Thới Lai (Cần Thơ) do  Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB Cần Thơ (thuộc Công ty TNHH Quốc tế Everbright Trung Quốc) làm chủ đầu tư, được cấp chứng nhận đầu tư có thời gian hoạt động là 20 năm nhưng hợp đồng kinh tế xử lý tro bay được ký kết giữa địa phương và chủ đầu tư chỉ 5 năm.

Mặc dù địa phương đã dành 5.000m2 để chứa tro bay nhưng với công suất xử lý bình quân 400 tấn rác/ngày thì mỗi ngày có đến 8 tấn tro bay cần xử lý. Hiện nay bãi chứa tro bay đã quá tải nên địa phương đang phải mời gọi đầu tư thêm nhà máy xử lý tro bay để phục vụ cho nhà máy xử lý rác này.

Theo nghiên cứu của Liên danh tư vấn, Công ty TNHH Royal Haskoning DHV và Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) cho biết, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt toàn vùng ĐBSCL khoảng 14.000 tấn/ngày (5 triệu tấn/năm), tuy nhiên tỷ lệ thu gom có nơi chỉ mới đạt 40%, nếu tỷ lệ thu gom tốt thì khối lượng rác thải sẽ còn cao hơn nhiều.

Toàn vùng hiện chỉ mới có 2 khu xử lý rác quy mô lớn tại Tân Thành, Long An và nhà máy đốt rác phát điện tại huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ. Còn lại các địa phương khác hầu như chỉ áp dụng biện pháp chôn lấp, trong đó chỉ có 19/124 bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại trên 100 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, rủi ro gây ô nhiễm đất nước, không không khí và nhu cầu sử dụng đất dành cho chôn lấp rác cao, tỷ lệ tái sử dụng thấp.

Cũng theo Liên danh tư vấn, Công ty TNHH Royal Haskoning DHV, dự báo tổng lượng chất thải rắn đô thị đến năm 2030 của vùng có thể đạt 7 triệu tấn/năm, trong đó có khoảng 300.000 tấn chất thải nguy hại. Do đó yêu cầu xử lý chất thải rắn đang là vấn đề mà các địa phương quan tâm nhất hiện nay.

Việc xử lý chất thải rắn theo quy mô từng tỉnh như hiện nay là chưa đạt hiệu quả. Trên cơ sở đó, Liên danh tư vấn, Công ty TNHH Royal Haskoning DHV đề xuất các địa phương trong vùng cần liên kết xây dựng khu xử lý quy mô khoảng 50 ha để thu gom xử lý chất thải rắn cho các thành phố, thị xã trong cự ly vận chuyển tối đa 40km.

Trước mắt cần hình thành 3 khu xử lý chất thải rắn liên tỉnh, đó là khu Sóc Trăng - Bạc Liêu, dự kiến xử lý chất thải rắn đô thị công nghiệp khoảng 331.000 tấn/năm;  khu Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh, dự kiến xử lý 285.000 tấn/năm; khu Đồng Tháp - An Giang, dự kiến xử lý 332.000 tấn/năm.

Giải pháp quản lý, sau khi thu gom sẽ phân loại, xử lý tại tỉnh (trạm trung chuyển), số còn lại sẽ vận chuyển bằng đường bộ hoặc đường thủy về nhà máy xử lý. Công nghệ đề xuất là đốt kết hợp thu hồi nhiệt để phát điện, suất đầu tư khoảng 1,1 triệu USD/10 tấn rác, diện tích sử dụng khoảng 10 ha cho nhà máy. Với mỗi tấn rác được đốt thu hồi nhiệt sản xuất được 375kWh điện là rất hiệu quả. 

Quyết định số 287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch ĐBSCL, thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng định hướng: việc thu gom và xử lý chất thải rắn được thực hiện theo quy mô từng đơn vị hành chính cấp tỉnh; khuyến khích sản xuất năng lượng từ chất thải rắn; giảm thiểu tối đa việc chôn lấp rác để tránh gây ô nhiễm; tăng cường hợp tác liên tỉnh trong xử lý chất thải rắn để áp dụng công nghệ xử lý hiện đại.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ