Đồng Tháp không còn là địa phương 'khuất nẻo' trong thu hút đầu tư

Nhàđầutư
Trước đây do giao thông cách trở, tỉnh Đồng Tháp được xem là địa phương "khuất nẻo", nay hạ tầng giao thông đã kết nối thông suốt với TP.HCM và các tỉnh, thành trong vùng, đây cũng là lý do thời gian gần đây địa phương liên tiếp đón nhà đầu tư lớn đến tìm kiếm cơ hội đầu tư.
AN HÒA
04, Tháng 07, 2022 | 16:09

Nhàđầutư
Trước đây do giao thông cách trở, tỉnh Đồng Tháp được xem là địa phương "khuất nẻo", nay hạ tầng giao thông đã kết nối thông suốt với TP.HCM và các tỉnh, thành trong vùng, đây cũng là lý do thời gian gần đây địa phương liên tiếp đón nhà đầu tư lớn đến tìm kiếm cơ hội đầu tư.

cum CN

Tỉnh Đồng Tháp đã quy hoạch 6 khu công nghiệp và 34 cụm công nghiệp để đón làn sóng đầu tư mới. Ảnh: An Hòa

Hạ tầng giao thông đã được cải thiện

Kể từ khi tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đưa vào sử dụng, giao thông đường bộ kết nối tỉnh Đồng Tháp với TP.HCM đã thuận tiện và rút ngắn thời gian di chuyển.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ký, ban hành Quyết định số 769/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, giai đoạn 1 với chiều dài 27,43 km, tổng mức đầu tư 5.886 tỷ đồng bằng vốn ngân sách nhà nước, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến hết năm 2027.

Dự án có điểm đầu giao với cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối giao với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Như vậy, sau khi tuyến cao tốc này hoàn thành thì việc di chuyển từ trung tâm tỉnh Đồng Tháp về TP.HCM chỉ mất khoảng 2 giờ ngồi xe ô tô.

Bằng các nguồn vốn trung ương và địa phương, trước đó các tuyến quốc lộ 30, 54, 80 và N2 đi qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng được đầu tư, nâng cấp đã góp phần đưa mạng lưới giao thông của địa phương này hoàn chỉnh và thông suốt, giao thông thuận lợi hơn.

Với vị trí địa lý nằm giữa 2 con sông lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long là sông Tiền và sông Hậu, Đồng Tháp cũng có lợi thế về giao thông thủy.

Với sản lượng lúa đạt khoảng 3 triệu tấn, sản lượng cá tra cung cấp cho chế biến xuất khẩu trên 250.000 tấn - Đồng Tháp là địa phương thuộc tóp 3 dẫn đầu về sản lượng 2 mặt hàng này so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp còn được biết đến là vùng sản xuất nhiều loại trái cây nổi tiếng như xoài, cam, quýt và sen, đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp chế biến.

Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, xác định, bên cạnh lợi thế về nguồn nguyên liệu thì một trong những điều kiện cần để đón doanh nghiệp và nhà đầu tư, đó là việc xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Đến nay, tỉnh đã quy hoạch tổng thể 6 khu công nghiệp, trong đó có 3 khu công nghiệp tập trung với quy mô lớn thu hút 117 dự án. Hiện tại, đã có 61 dự án đi vào hoạt động, 22 dự án đang xây dựng cơ bản và 34 dự án đang chuẩn bị đầu tư.

Ngoài ra, Đồng Tháp đã tiến hành quy hoạch tổng thể 34 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 2.100 ha, trong đó có 19 cụm đã được lập quy hoạch chi tiết với diện tích 967 ha, đã thu hút được 44 dự án đăng ký đầu tư trong các cụm công nghiệp, trong đó có 8 dự án đã đi vào hoạt động, 15 dự án đang xây dựng và 21 dự án chuẩn bị đầu tư.

Không chỉ chú trọng phát triển các khu, cụm công nghiệp, Đồng Tháp đã và đang mời gọi các nhà đầu tư khai thác tiềm năng và lợi thế khu kinh tế cửa khẩu với diện tích gần 32.000 ha.

Với đường biên giới dài gần 50km giáp nước bạn Campuchia, Đồng Tháp có đến có 7 cửa khẩu, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế là Thường Phước (huyện Hồng Ngự) và Dinh Bà (huyện Tân Hồng) đang tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng và mời gọi đầu tư.

"Đầu tư hạ tầng cho phát triển du lịch cũng là lĩnh vực đang được tỉnh quan tâm mời gọi đầu tư. Với các khu di tích, khu du lịch tầm cỡ như Khu Di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu Di tích Gò Tháp, Khu Du lịch Xẻo Quýt, Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng, Làng hoa kiểng Sa Đéc…ngành du lịch của địa phương đã thu hút được lượng khách tham quan năm sau luôn cao hơn năm trước", ông Nghĩa cho hay.

du lich nong nghiep

Du lịch nông nghiệp là một thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp. Ảnh An Hòa

Liên tiếp đón nhà đầu tư lớn

Ngày 1/7 vừa qua, Tập đoàn Something (Nhật Bản) đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp. Tại buổi làm việc này ông Sato KouiChiro – thành viên HĐQT, Giám đốc kinh doanh khối nước ngoài Tập đoàn Something đã đề xuất được hợp tác với tỉnh Đồng Tháp trên những lĩnh vực thế mạnh của Tập đoàn là tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam, đầu tư ứng dụng IOT trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ cọc xi măng đất trong lĩnh vực xây dựng

Trước đó, ngày 29/6 Công ty Cổ phần Tập đoàn Tài Tâm (Tài Tâm Group) đã đến làm việc tại tỉnh Đồng Tháp đề xuất với UBND tỉnh được đầu tư 3 dự án trên địa bàn. Đây là các dự án đô thị tích hợp hiện đại, tổ hợp thương mại – dịch vụ cao cấp, đô thị - du lịch, góp phần thúc đẩy nhanh đô thị hóa trên địa bàn TP. Cao Lãnh và TP. Sa Đéc.

Tài Tâm Group cũng mong muốn được tài trợ lập quy hoạch phân khu tại một số vị trí trên địa bàn hai thành phố nói trên và đăng ký đầu tư tại vị trí lập quy hoạch. Ngoài ra, Tài Tâm Group cho biết sẽ nghiên cứu đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Đồng Tháp. Đây cũng là một trong những lĩnh vực thế mạnh của Công ty.

Tài Tâm Group là tập đoàn đa ngành, là chủ đầu tư nhiều dự án lớn tại TP. Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác như: Dự án khu nhà ở hỗn hợp Phương Bắc Land; tòa nhà hỗn hợp 35 tầng TTTM, văn phòng cho thuê, căn hộ cao cấp tổ 17 tại quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội;  TTTM và văn phòng cho thuê 22 tầng tại quận 1, TP. HCM…

Với nhận định thị trường bất động sản tỉnh Đồng Tháp còn nhiều dư địa phát triển, ngày 23/6 vừa qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh đã có công văn gửi UBND tỉnh Đồng Tháp đăng ký quan tâm thực hiện Dự án Khu đô thị Mỹ Tân 137 ha tại TP. Cao Lãnh.

Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã đề xuất đầu tư dự án đô thị kết hợp nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái ven sông trên địa bàn TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp với diện tích lên đến 2.745ha.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đề xuất được tài trợ cho UBND TP. Cao Lãnh trong việc lập quy hoạch một số khu vực trên địa bàn.

Vào đầu năm 2022, công ty cổ phần Tập đoàn T&T cũng đã "xông đất" tỉnh Đồng Tháp bằng việc khởi công dự án khu trung tâm dịch vụ, thương mại và nhà ở T&T 25 tầng tại TP. Sa Đéc.

Chia sẻ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T cho biết, xác định Đồng Tháp là một trong những địa bàn đầu tư chiến lược trong kế hoạch phát triển lâu dài, ngoài dự án trên tại thành phố Sa Đéc, T&T Group cũng muốn được tham gia nghiên cứu lập quy hoạch nhiều dự án trọng điểm khác trên địa bàn tỉnh, như: Quy hoạch chung thị trấn Tràm Chim và vùng phụ cận, Khu đô thị mới Cao Lãnh, Khu đô thị ven sông phía đông thành phố Sa Đéc…

Tập đoàn T&T và UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện trong các lĩnh vực: đầu tư bất động sản, tài chính, năng lượng, nông nghiệp, du lịch, thương mại dịch vụ và logistics.

Trước đó, vào cuối năm 2021, đại diện UBND tỉnh Đồng Tháp và đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Nova (Nova Group) cũng đã ký kết ghi nhớ đầu tư hàng loạt dự dự án quy mô lớn.

Cụ thể Tập đoàn Nova đề xuất được nghiên cứu đầu tư 10 dự án, đó là: Khu đô thị Blue Dragon 125 ha; Làng nghề Bùi Thanh Thủy 125 ha; Dự án Las Vegas Island 500ha (có cả sân golf 18 lỗ, bến thủy phi cơ và bến du thuyền): Dự án Mekong Port (bao gồm cảng biển và cảng du lịch tiểu vùng sông Mê Kông); Mekong Logistics (Trung tâm dịch vụ hậu cần, phục vụ vận chuyển và trung chuyển hàng hóa); Mekong SEZ quy mô 5.300ha (khu chế xuất làm hàng xuất khẩu, ưu đãi thuế quan); Mekong Village 450 ha; Mekong Industry Zone 1.000ha (Khu công nghiệp sạch); Mekong Agro Center (khu nông nghiệp công nghệ cao) và Mekong Airport (sân bay vận chuyển hàng hóa và khách du lịch).

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Tập đoàn Nova cho biết giai đoạn 1, Nova Group sẽ tham gia đấu giá phát triển dự án Blue Dragon (Rồng Xanh) và Làng nghề Bùi Thanh Thủy. Đây là dự án du lịch nên lợi nhuận chỉ đến sau 10 năm. Riêng dự án đô thị Rồng Xanh, toàn bộ lợi nhuận ròng thu được Nova Group sẽ xây dựng bệnh viện và trường học phi lợi nhuận cho tỉnh Đồng Tháp.

Trao đổi với nhadautu.vn, ông Trương Hòa Châu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Đồng Tháp có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư như có nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến dồi dào, quỹ đất còn lớn, môi trường đầu tư kinh doanh dẫn đầu khu vực.

Sở dĩ nhiều năm nay thu hút đầu tư của địa phương còn chậm là do điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, nay điểm nghẽn này đang được khơi thông, đây chính là thời cơ thích hợp để nhà đầu tư "rót" vốn đầu tư vào địa phương.

"Các dự án do các công ty, tập đoàn lớn ký kết ghi nhớ với địa phương vẫn đang được nhà đầu tư triển khai theo đúng tiến độ. Về phía địa phương chúng tôi cũng đang tham mưu với UBND tỉnh trong rà soát, bổ sung quy hoạch, thẩm định dự án và lập phương án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật", ông Châu thông tin thêm.

Theo số liệu Cục Thống kê tỉnh Đồng Tháp: Trong quí II, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 7,85%, đứng thứ 5 khu vực ĐBSCL. Mức tăng trưởng chung trong 6 tháng đạt 3,83%. Tuy ngành nông nghiệp giảm nhưng các ngành lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và xây dựng đều tăng.

Theo dự báo của Cục Thống kê, trong 6 tháng cuối năm, mức tăng trưởng các quí sẽ tiếp tục được duy trì ở mức cao, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản tiếp tục gặp thuận lợi về thị trường; thương mại và dịch vụ sẽ có mức tăng trưởng cao nhờ phục hồi các hoạt động, khả năng đạt mức tăng trưởng 7% trong năm 2022 rất khả thi.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ