TS. Vũ Đình Ánh: ‘Làm kinh doanh phải ứng xử cho phù hợp, tránh bi quan nhưng cũng không lạc quan tếu’

Nhàđầutư
TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, tác động tiêu cực của dịch bệnh với thị trường bất động sản sẽ còn tiếp tục trong quý IV/2021, kéo sang năm 2022 và dự báo đến nửa đầu năm 2023 mới chấm dứt.
LÝ TUẤN
29, Tháng 10, 2021 | 13:52

Nhàđầutư
TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, tác động tiêu cực của dịch bệnh với thị trường bất động sản sẽ còn tiếp tục trong quý IV/2021, kéo sang năm 2022 và dự báo đến nửa đầu năm 2023 mới chấm dứt.

Tránh bi quan nhưng cũng không nên lạc quan tếu

Sáng 29/10, phát biểu tại hội thảo “Triển vọng thị trường bất động sản sau dịch COVID-19”, do báo Tiền Phong tổ chức, TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường bất động sản đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh từ nguồn cung - cầu, trong đó, có 2 nhóm vấn đề.

Vu-Dinh-Anh

TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế. Ảnh: Tiền Phong

Thứ nhất thị trường bất động sản trước khi diễn ra đợt dịch thứ 4, chứng kiến bức tranh không hoàn toàn lạc quan, đặc biệt tại phía Nam có 1 bức tranh về dự án nhà ở, chung cư, sự hạn chế nguồn cung, khi một loạt dự án gần như đứng lại không được triển khai, đặc biệt là các dự án mới, hạn chế nguồn cung rất nhiều.

“Nguyên nhân không phải do kinh tế mà nằm nhiều về quản lý hoạt động bất động sản, đặc biệt là liên quan đến đất đai, nhất là ở khu vực thị trường phía Nam. Tương tự ở phía Bắc thị trường cũng chịu ảnh hưởng như vậy nhưng không đến mức như phía Nam”, ông Ánh cho hay.

Mặt khác, vị chuyên gia này cũng cho biết, ngay trước khi đợt dịch xảy ra, trong quý I/2021, tín hiệu bất động sản, sốt đất xảy ra ở nhiều địa phương. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Xây dựng về biến động giá trong 6 tháng đầu năm cho thấy, sốt đất không chỉ là phân khúc bất động sản nhà ở mà còn ở cả phân khúc khác như khu công nghiệp.

“Suốt 3 đợt dịch trước, bất động sản khu công nghiệp thành công là nhờ chính sách phát triển khu công nghiệp đã tạo ra sức nóng, tạo ra cơn sốt. Nhưng đến khoảng cuối tháng 4/2021, khi dịch thứ 4 bùng phát, các hoạt động kinh tế, bất động sản nói riêng bắt đầu chịu tác động ngày càng sâu sắc, hoạt động cung và giao dịch, môi giới ngày càng khó khăn. Siết chặt trong vấn đề. Bức tranh này khá tiêu cực khi bất động sản là một phần của nền kinh tế”, Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhìn nhận.

Ngoài ra, ông Vũ Đình Ánh cũng đánh giá cao Nghị quyết 128 của Chính phủ là một sự thay đổi mang tầm chiến lược, mang tư duy và chiến lược mới trong bối cảnh dịch chưa chấm dứt, diễn biến dịch còn phức tạp và trong thời gian tới còn có khả năng bùng dịch và cảnh báo nhiều dịch bệnh khác.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, bài toán vĩ mô, vi mô đặt ra là phải sống chung với dịch. Ứng xử khác khi dịch xảy ra thay vì phong toả, siết chặt. Từ bây giờ cần áp dụng Nghị quyết 128 với tất cả hoạt động. Việc này sẽ giúp hỗ trợ thị trường bất động sản, giúp đối phó với dịch bệnh trong bối cảnh chung sống an toàn, lành mạnh.

“Tác động tiêu cực của dịch bệnh với thị trường bất động sản sẽ còn tiếp tục trong quý IV/2021, còn kéo sang năm 2022 và dự báo nửa đầu năm 2023 mới chấm dứt. Chúng ta làm kinh doanh phải ứng xử cho phù hợp, tránh bi quan nhưng cũng không lạc quan tếu”, TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.

Cũng theo Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, thời gian qua, doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt và dự báo mất khoảng 2 năm chững lại của các dự án, việc này rõ ràng khi tạo ra mất cân đối cung cầu và khiến thị trường bất động sản Việt Nam méo mó, trong đó cần vai trò điều tiết, can thiệp của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, đặc biệt là tại TP.HCM. Do đó, vấn đề hiện nay là phải hoàn thiện, phục hồi làm sao tăng dự án bất động sản như thời gian trước khi bị chững lại”.

“Khi xảy ra dịch COVID-19 lần thứ 4, chúng ta chứng kiến sự thay đổi quan trọng là sự vênh nhau giữa chính quyền trung ương và địa phương khi việc thực hiện không đồng nhất, thiếu đồng bộ. Có tình trạng cát cứ, xảy ra trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua", ông Ánh nói.

Vì thế, theo ông Ánh, việc thay đổi cơ chế về mối quan hệ trong thực thi các cơ chế chính sách, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Về mặt khoa học đó chính là phân cấp, phân quyền. Mọi phân quyền trong lĩnh vực bất động sản sẽ có những thay đổi lớn trong thời gian tới. "Hy vọng sẽ khắc phục được tình trạng không ai dám quyết và gây ảnh hưởng đến thị trường bất động sản", ông Ánh nói.

Thị trường không đóng băng toàn diện

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, trong năm 2020, đại dịch COVID-19 đã có nhiều ảnh hưởng, tác động đối với nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

“Mặc dù có sự suy giảm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng thị trường bất động sản không rơi vào trạng thái 'trầm lắng', 'đóng băng' toàn diện mà chỉ giảm ở một số phân khúc như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, văn phòng cho thuê… so với các năm trước đó”, ông Hưng nói.

Ông Hưng cũng cho biết, các số liệu trong 6 tháng đầu năm 2021 của thị trường bất động sản đã cho thấy dấu hiệu dần phục hồi khi đợt dịch thứ 3 được kiểm soát, có một số chỉ số tương đối khả quan.

Về nguồn cung, có 180 dự án với 55.576 căn (tăng 23%) so với cùng kỳ năm 2020. Về lượng giao dịch, có 55.335 giao dịch thành công (tăng 29%) so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, trong các tháng cuối quý I, thị trường có hiện tượng sốt giá cục bộ ở một số phân khúc và một số địa phương nhưng đã được kiểm soát kịp thời.

248975380-156949246652075-1544362157752192544-n-3399

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Tiền Phong

Theo ông Hưng, sang đến quý III/2021, khi nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, TP.HCM thực hiện cách ly, giãn cách triệt để, nghiêm ngặt thì hầu hết các ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng, thiệt hại lớn. Thị trường bất động sản trong quý III càng gặp nhiều khó khăn hơn so với quý II. Thống kê cho thấy, tổng nguồn cung bất động sản nhà ở cả nước chỉ đạt khoảng 60-70%.

“Nếu tính cục bộ một số địa phương, nguồn cung bất động sản còn thấp hơn nhiều do hoạt động đi lại, giao dịch, kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp, người dân tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội không thể thực hiện được”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản nói.

Đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, ông Hà Quang Hưng thông tin, đến nay trên cả nước có 37 dự án với 18.872 căn được cấp phép, bằng khoảng 69% so với quý II/2021; 701 dự án với 244.936 căn đang triển khai xây dựng, bằng khoảng 70% so với quý II/2021. Có 50 dự án với 7.444 căn hoàn thành. Lượng giao dịch trên thị trường cũng giảm chỉ bằng khoảng 35-40% so với quý II, tỷ lệ hấp thu chỉ đạt 40- 50% lượng chào bán trên thị trường, một số khu vực thị trường có hiện tượng "đóng băng tạm thời". Với thị trường căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ quý III, tổng lượng giao dịch cũng giảm rất mạnh với 10.400 giao dịch thành công so với con số trên 18.300 giao dịch trong quý II.

Ngoài ra, ông Hà Quang Hưng cũng cho biết thêm về việc mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất gói tín dụng vào chương trình phục hồi sau dịch COVID-19. Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất 2 gói tín dụng với tổng số tiền 65.000 tỷ đồng.

Cụ thể, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng theo phương thức cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và các ngân hàng thương mại để thực hiện phát triển nhà ở xã hội theo các quy định của pháp luật nhà ở hiện hành, pháp luật về đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Gói tín dụng thứ hai theo cơ chế đặc thù để phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023. Trong đó, đề xuất Ngân hàng Nhà nước dành khoảng 50.000 tỷ đồng (khoảng 25% so với nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 là 220.000 tỷ đồng) thông qua tái cấp vốn với lãi suất và thời hạn phù hợp, để các ngân hàng thương mại cho các đối tượng sau vay ưu đãi.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24610.00 24930.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30551.00 31735.00 31684.00
HKD 3105.00 3117.00 3219.00
CHF 27051.00 27160.00 28008.00
JPY 159.87 160.51 167.97
AUD 15844.00 15908.00 16394.00
SGD 18015.00 18087.00 18623.00
THB 664.00 667.00 694.00
CAD 17865.00 17937.00 18467.00
NZD   14602.00 15091.00
KRW   17.66 19.27
DKK   3523.00 3654.00
SEK   2299.00 2389.00
NOK   2259.00 2349.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ