Thống đốc lý giải việc chậm điều hành tăng trưởng tín dụng

Nhàđầutư
Trước nhận định "chậm điều chỉnh tăng trưởng tín dụng vào cuối năm 2022 và đầu năm nay là một trong những bất cập trong điều hành chính sách tiền tệ", Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, ý kiến nêu trên là nhìn từ góc độ riêng lẻ, điều hành chính sách tiền tệ là trên cục diện tổng thể nền kinh tế.
ĐÌNH VŨ
16, Tháng 10, 2023 | 18:09

Nhàđầutư
Trước nhận định "chậm điều chỉnh tăng trưởng tín dụng vào cuối năm 2022 và đầu năm nay là một trong những bất cập trong điều hành chính sách tiền tệ", Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, ý kiến nêu trên là nhìn từ góc độ riêng lẻ, điều hành chính sách tiền tệ là trên cục diện tổng thể nền kinh tế.

Nguyen-Thi-Hong

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: vov.vn

Ngày 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về kinh tế xã hội 2023-2024 và 5 năm (2021-2025).

Báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc quá chú trọng tới kiểm soát lạm phát, là nguyên nhân khiến lãi suất cao. Việc chậm điều chỉnh tăng trưởng tín dụng vào cuối năm 2022 và đầu năm nay là một trong những bất cập trong điều hành chính sách tiền tệ.

Trao đổi về vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, ý kiến nêu trên là nhìn từ góc độ riêng lẻ, còn việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN theo tinh thần bám sát yêu cầu của Quốc hội và trên cục diện tổng thể của nền kinh tế, là phải giảm lãi suất, đảm bảo ổn định tiền tệ, ngoại hối và hoạt động hệ thống ngân hàng. Vì thế, những tháng cuối năm 2022, khi nhiều nước có mặt bằng lãi suất cao, xét thấy năm 2022 Việt Nam có thể kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội nên những tháng đầu năm NHNN vẫn giữ nguyên lãi suất điều hành. Nhưng tới tháng 10, sự kiện rút tiền hàng loạt của SCB xảy ra, nên NHNN tập trung ưu tiên đảm bảo an toàn hệ thống, ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ như sự đổ vỡ của các ngân hàng trên thế giới, nên mọi biện pháp lúc này ưu tiên ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ hệ thống.

Thống đốc nhấn mạnh: "Khi đó NHNN chưa điều chỉnh tăng trưởng tín dụng, phải tập trung thanh khoản hệ thống, đáp ứng yêu cầu chi trả cho người dân. Tới tháng 11, thanh khoản cải thiện dần, và đầu tháng 12, NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng".

Cũng theo bà Hồng, khi thị trường xuất hiện hiện tượng rút tiền hàng loạt, thì tâm lý kỳ vọng của thị trường tiền tệ, ngoại hối rất căng thẳng, thậm chí tâm lý nhà đầu tư nước ngoài, tỷ giá đã có lúc tăng 10%. Lúc đó ổn định tỷ giá chỉ có thể dùng biện pháp như can thiệp ngoại tệ, điều chỉnh tăng lãi suất và hạn chế thanh khoản.

NHNN đã phải thực hiện cả 3 biện pháp trên, tức là vừa can thiệp, vừa tăng lãi suất 2 lần vào tháng 9 và 10, đồng thời chưa điều chỉnh tín dụng. Việc này đã giúp ổn định tỷ giá trở lại, cả năm 2022 tăng trên 3%. 

Về nhận xét "lạm phát thấp và lãi suất cao là nghịch lý, thể hiện bất cập trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ" nêu tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Thống đốc cho rằng, đánh giá này mới nhìn ở khía cạnh lãi suất và lạm phát, chứ chưa bao quát tình hình.

Theo đó, trong điều hành chính sách tiền tệ không thể chủ quan với lạm phát và cần nhìn về xu hướng dài hạn. Chẳng hạn Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đều dựa vào chỉ báo lạm phát để quyết định điều chỉnh tăng lãi suất hay không. Lạm phát đang có xu hướng tăng trở lại từ tháng 7, còn lạm phát cơ bản trong 9 tháng đầu năm tăng 4,49%, theo dữ liệu của cơ quan thống kê. Đây là chỉ dấu cần lưu ý trong điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu: Việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn rất chậm, trong đó có việc phải đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản đã qua nhiều năm.

Nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm nhưng dư nợ tín dụng đến ngày 21/9/2023 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022. Lãi suất điều hành đã được điều chỉnh giảm 4 lần với mức giảm 0,5-2,0%/năm nhưng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở thời điểm cuối tháng 8/2023 chỉ giảm khoảng 1,0% so với cuối năm 2022.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ