Thị trường ngách không còn là ngách

Đầu năm nay cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) được giao dịch trên thị trường tự do quanh mức 20.000 đồng. Giờ đây nó “nhảy” lên tầm 35.000-36.000 đồng/cổ phiếu. Lợi nhuận sau thuế của VPBank tăng trưởng mạnh trong vòng hơn hai năm trở lại đây kể từ khi cho vay tiêu dùng mang lại hiệu quả.
HẢI LÝ
31, Tháng 07, 2017 | 14:46

Đầu năm nay cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) được giao dịch trên thị trường tự do quanh mức 20.000 đồng. Giờ đây nó “nhảy” lên tầm 35.000-36.000 đồng/cổ phiếu. Lợi nhuận sau thuế của VPBank tăng trưởng mạnh trong vòng hơn hai năm trở lại đây kể từ khi cho vay tiêu dùng mang lại hiệu quả.

FE Credit

 Dư nợ cho vay đến ngày 31-3-2017 của Công ty Tài chính VPBank (VPBFC) là 34.819 tỉ đồng

“Điểm huyệt”

VPBank không phải là tổ chức tín dụng đầu tiên và duy nhất tập trung vào khai thác hoạt động cho vay tiêu dùng bên cạnh các nghiệp vụ tín dụng khác. Cho vay tiêu dùng vốn được các công ty tài chính, kể cả công ty 100% vốn nước ngoài, khai thác từ sớm, nhưng không phải tất cả đều thành công. Từ năm 2010 trở về trước, các ngân hàng thương mại không mấy mặn mà với cho vay tiêu dùng bởi món vay nhỏ, kỳ hạn ngắn, tốn nhiều công sức thẩm định, quản lý và mức độ rủi ro tương đối cao.

Home Credit, công ty tài chính 100% vốn ngoại, là đơn vị đi đầu và gặt hái quả ngọt trong giai đoạn trước và sau năm 2010 nhờ phương thức tiếp cận và quản lý khách hàng. Khi hàng hóa tiêu dùng là điện tử, điện lạnh, viễn thông “bùng nổ”, họ hợp tác với các nhà phân phối và bán lẻ cho vay ngay tại địa điểm mua. Khách hàng mua một chiếc điện thoại di động giá 3-10 triệu đồng, chỉ cần có 30% vốn tự có, 70% còn lại Home Credit cho vay dựa trên thu nhập tức khả năng trả nợ hàng tháng của người vay. Giả sử bạn có 1 triệu đồng, mua chiếc điện thoại trị giá 3 triệu đồng, Home Credit cho vay 2 triệu đồng, mỗi tháng bạn trả gốc khoảng 200.000 đồng cộng thêm lãi. Cái cách người vay trả mấy chục ngàn đồng tiền lãi mỗi tháng tính ra trên nợ vay gốc thì lãi suất rất cao, nhưng người vay có khả năng trả và khi đứng riêng rẽ, phần lãi ấy không hề mang ấn tượng quá đắt. Đấy chính là “điểm huyệt” của cho vay tiêu dùng.

Theo chân Home Credit, nhiều công ty tài chính thành lập (hoặc tái cơ cấu lại), cũng hợp tác với các doanh nghiệp bán lẻ, phân phối. Cuộc chơi trở nên sôi động khi danh sách hàng tiêu dùng mở rộng sang cho vay mua xe gắn máy, máy tính, bất kể thứ hàng tiêu dùng nào có giá trị chừng 5-50 triệu đồng, và cho vay tiền mặt, thông thường 20-60 triệu đồng/món tối đa tùy công ty. Sau này cơ quan quản lý ra quy định, đại ý cho vay tiêu dùng tối đa không quá 100 triệu đồng.

Thời hạn cho vay trở nên linh hoạt hơn, có thể kéo dài đến 18 tháng, dù phổ biến là 3-12 tháng. Cách trả lãi và gốc của các nơi cũng khác nhau, song tựu trung vẫn là tận dụng “điểm huyệt”. Ngoài ra địa bàn cho vay tiêu dùng không dừng ở các đô thị lớn, bắt đầu trải rộng về các tỉnh, và doanh số tăng trưởng nhanh. Đội ngũ tiếp thị của các công ty tài chính lan rộng chân rết bằng gọi điện thoại, phát tờ rơi, tổ chức ngày hội tiêu dùng và bắt tay nhịp nhàng với hệ thống các cửa hàng bán lẻ của cả ông chủ nội và ngoại.

Tích tiểu thành đại

Thị trường cho vay tiêu dùng “lớn nhanh như thổi” khi các ngân hàng đặt chân vào. Khoảng năm năm trước, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, đã nhận định vay tiêu dùng là thị trường ngách còn sót lại, ai nhanh chân và chuẩn bị tốt, người đó thắng. Ông Vinh đã sớm nhìn ra câu chuyện cho vay nặng lãi ở nông thôn và theo ông, ngân hàng hoàn toàn có thể thế chỗ cho vay nặng lãi với việc người vay trả chi phí thấp hơn và thủ tục vay không quá phức tạp.

Dư nợ cho vay tiêu dùng đạt 646.000 tỉ đồng tính đến cuối năm ngoái, tương đương 28 tỉ đô la Mỹ, chiếm 11,7% dư nợ toàn hệ thống ngân hàng. Một số chuyên gia kinh tế dự báo dư nợ cho vay tiêu dùng có khả năng cán mốc 1 triệu tỉ đồng trong vòng 2-3 năm tới.

Trên thực tế thủ tục cho vay tiêu dùng đơn giản hơn nhiều so với vay thông thường. Người vay chỉ cần có chứng minh nhân dân, hộ khẩu, chứng minh thu nhập, thậm chí bằng lái xe và không cần thế chấp gì cả. Khi chúng tôi vào một số cửa hàng của Thế giới Di động, nhân viên tại đây cho biết khoản vay được giải ngân cho khách hàng sau 30 phút. Nhanh gọn thế thì dù vay đắt “một chút”, có lẽ người vay cũng không quá lấn cấn.

Trong một hội thảo về phát triển cho vay tiêu dùng mới đây, ông Cấn Văn Lực, Phó tổng giám đốc BIDV, cố vấn cấp cao của chủ tịch hội đồng quản trị BIDV, đưa ra số liệu tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đạt 646.000 tỉ đồng tính đến cuối năm ngoái, tương đương 28 tỉ đô la Mỹ, chiếm 11,7% dư nợ toàn hệ thống ngân hàng. Một số chuyên gia kinh tế dự báo dư nợ cho vay tiêu dùng có khả năng cán mốc 1 triệu tỉ đồng trong vòng 2-3 năm tới.

Giờ đây khái niệm cho vay tiêu dùng có lẽ cần được định nghĩa lại vì các hợp đồng vay tiền mặt ngày càng chiếm tỷ trọng lớn. Thay vì vay mua một món đồ, người vay có thể vay “tổng hợp” để mua nhiều món đồ. Từ ngày 15-3-2017, Thông tư 43 của Ngân hàng Nhà nước về cho vay tiêu dùng yêu cầu các bên cho vay phải niêm yết công khai lãi suất từ thấp nhất đến cao nhất đối với từng sản phẩm. Lãi suất là yếu tố nhạy cảm và quy định cho phép hai bên áp dụng lãi suất thỏa thuận, nhưng ít đơn vị niêm yết công khai lãi suất. Vả lại trong lãi suất thực mà khách hàng phải trả, có những yếu tố cấu thành linh hoạt mà lãi suất niêm yết có thể không chứa đựng.

Đa phần đối tượng khách hàng của cho vay tiêu dùng thuộc tầng lớp lao động phổ thông, họ không có điều kiện đáp ứng những quy định của ngân hàng về cho vay nói chung (như phải có tài sản thế chấp), nên khi được vay tín chấp, thủ tục nhanh, thì họ sẽ không chú ý nhiều đến lãi suất thực trả. Cái gì cũng có giá của nó. Anh muốn vay tín chấp, nhanh, thủ tục đơn giản, mà anh lại không phải khách hàng được các ngân hàng săn đón, thì cái giá vay không thể như của những người có tài sản thế chấp được.

Lợi nhuận cao, rủi ro cao

Theo báo cáo tài chính quí 1-2017 hợp nhất của VPBank, dư nợ cho vay đến ngày 31-3-2017 của Công ty Tài chính VPBank (VPBFC) là 34.819 tỉ đồng, trong khi dư nợ của riêng ngân hàng mẹ VPBank là 117.336 tỉ đồng. VPBFC chủ yếu cho vay tiêu dùng. Tính ra dư nợ của VPBFC bằng 29,7% dư nợ của VPBank mẹ (trang 26). Đây là tỷ trọng cho vay tiêu dùng lớn nhất nhì toàn hệ thống ngân hàng hiện nay.

Nợ nhóm 3-5 của VPBFC là 1.965 tỉ đồng, chiếm 5,64% tổng nợ. So với tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của các ngân hàng báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước phổ biến dưới 3%, thường 1,5-2%, thì nợ xấu của VPBFC gấp 2-3 lần. Điều này không có gì khó hiểu bởi mặt bằng nợ xấu cho vay tiêu dùng cao hơn đáng kể tín dụng nói chung. Ở Home Credit, nợ xấu bình quân được công ty công bố dưới 4%/năm. Ở những đơn vị khác, theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng 4-6%.

VPBank trích lập dự phòng rủi ro rất mạnh cho vay tiêu dùng nói riêng và tín dụng nói chung. Riêng trích lập dự phòng cụ thể trong kỳ của ba tháng đầu năm, lên tới 1.507 tỉ đồng (trang 27).

Sự mở rộng sang cho vay tiền mặt không loại trừ là một trong những nguyên nhân chủ yếu đẩy nợ xấu của cho vay tiêu dùng. Các khoản vay để mua hàng tiêu dùng thường nhỏ và người vay trả khá đầy đủ cả gốc lẫn lãi. Tuy nhiên việc kiểm soát việc sử dụng vốn vay của những khoản vay tiền mặt, dù tối đa 100 triệu đồng/món, cũng không phải dễ.

Biên lợi nhuận từ cho vay tiêu dùng cao là chuyện không cần bàn. Điểm lưu ý là chi phí của nó cũng không hề nhỏ đi kèm rủi ro cũng không hề thấp. Chi phí các loại cho một hợp đồng tín dụng 100 tỉ đồng cho vay một doanh nghiệp đương nhiên thấp hơn hẳn so với tổng chi phí cho vay các món tiêu dùng để đạt doanh số 100 tỉ đồng với đối tượng vay không phải một, mà có thể hàng trăm, hàng ngàn người. Những công ty tài chính lớn hiện có trên 5 triệu khách hàng/đơn vị và tốc độ tăng trưởng khách hàng đều ở mức hai con số/năm. Nếu không áp dụng một phương thức quản lý thích hợp, rủi ro nợ xấu hiện hữu sẽ khó tránh khỏi.

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24900.00 24980.00 25300.00
EUR 26270.00 26376.00 27549.00
GBP 30688.00 30873.00 31825.00
HKD 3146.00 3159.00 3261.00
CHF 27021.00 27130.00 27964.00
JPY 159.49 160.13 167.45
AUD 15993.00 16057.00 16546.00
SGD 18139.00 18212.00 18746.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 17952.00 18024.00 18549.00
NZD   14681.00 15172.00
KRW   17.42 18.97
DKK   3528.00 3656.00
SEK   2270.00 2357.00
NOK   2259.00 2348.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ