Thất bại tuyến BRT 01, Hà Nội dừng triển khai đầu tư tuyến buýt nhanh Kim Mã - Hoà Lạc

Nhàđầutư
Tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã - Yên Nghĩa, chính thức đi vào hoạt động từ 31/12/2016, nhưng sau hơn 1 năm dự án có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD không cho thấy hiệu quả, Hà Nội vừa cho biết sẽ không triển khai tuyến buýt nhanh số 02 Kim Mã- Hòa Lạc như dự định.
PHAN CHÍNH
06, Tháng 03, 2018 | 07:15

Nhàđầutư
Tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã - Yên Nghĩa, chính thức đi vào hoạt động từ 31/12/2016, nhưng sau hơn 1 năm dự án có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD không cho thấy hiệu quả, Hà Nội vừa cho biết sẽ không triển khai tuyến buýt nhanh số 02 Kim Mã- Hòa Lạc như dự định.

Không tiếp tục triển khai tuyến buýt nhanh số 02 Kim mã – Hòa Lạc

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) vừa cho biết, Hà Nội sẽ không triển khai tuyến buýt nhanh số 02 Kim Mã- Hòa Lạc.

Lý giải về việc này, theo ông Hải, khi mở tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã-Yên Nghĩa, Hà Nội tính dùng 8 xe thừa của tuyến số 1 để phục vụ nhu cầu đi lại cho khu công nghệ cao Hòa Lạc.

hai_PBDQ

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội. 

Tuy nhiên, sau 1 thời gian, tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã-Yên Nghĩa sản lượng khách tăng nhanh dẫn đến Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông độ thị phải điều chỉnh nâng tần suất khai thác nên phải giữ số xe đó lại.

Hơn nữa, vị  Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị đánh giá, trục đường Đại lộ Thăng Long nơi có tuyến buýt BRT02 dự định triển khai đi qua đã hình thành một loạt các đô thị có nhu cầu đi lại bằng xe buýt cao.

Do đó, Hà Nội đã chuyển tiếp thêm tuyến xe buýt thường số hiệu 107 có lộ trình Kim Mã-khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc-Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam.

“Việc thay đổi loại hình buýt nhanh sang buýt thường tiêu chuẩn cao sau một thời gian khai thác lên tới khu vực này đã cho thấy hiệu quả và sức hấp dẫn cao, cung ứng dịch vụ tốt hơn” ông Hải nhìn nhận.

Đặt câu hỏi đến việc Hà Nội có dự tính triển khai thêm tuyến buýt nhanh BRT trong thời gian tới, ông Hải cho biết, ngoài tuyến buýt BRT02, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu hạ tầng ở các tuyến đường nào phù hợp nhằm có thể triển khai tuyến buýt nhanh BRT.

Trước đó, Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) đã đề xuất về việc sử dụng làn đường ưu tiên của xe buýt nhanh (tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa) cho các phương tiện khác hoạt động.

Cụ thể, Trung tâm đề xuất các tuyến buýt thường được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 4h đến 23h hàng ngày; các phương tiện khác được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 23h đến 4h hôm sau.

Ngoài ra, để giảm khoảng cách đi bộ của hành khách trung chuyển của BRT với xe buýt thường, cải thiện hạ tầng cho người khuyết tật sử dụng xe lăn tiếp cận nhà chờ BRT, 10 điểm dừng xe buýt thường được đề nghị di chuyển đến vị trí mới.

Trung tâm cũng đề nghị tiếp tục bố trí dải phân cách cứng giữa làn BRT và làn đường giao thông chung, để hạn chế tình trạng phương tiện khác đi lấn vào làn đường BRT, đảm bảo điều kiện vận hành của tuyến...

Tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa hoạt động từ 1/1/2017. Khoảng 4 tháng sau, lãnh đạo TP Hà Nội cho rằng lượng khách trung bình mỗi xe buýt nhanh chỉ 34 người, cao nhất chưa tới 48 trong khi sử dụng làn riêng là chưa hợp lý nên đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thí điểm cho xe buýt thường đi vào làn đường ưu tiên của BRT; sau đó nghiên cứu mở rộng thêm một số phương tiện khác.

Thất bại của buýt nhanh BRT 01 Kim Mã – Yên Nghĩa

Dự án xe buýt nhanh Hà Nội BRT là một hợp phần nằm trong dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội được UBND TP phê duyệt năm 2007 và sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới.

Sau 6 năm điều chỉnh trên giấy, đến năm 2013 dự án này mới khởi công và tiến độ dự án chậm chạp khiến nhiều nhà chờ mốc meo, hỏng hóc trước khi tuyến chính thức vận hành vào ngày cuối cùng năm 2016.

1_58290

Xe bus BRT có giá hơn 5 tỷ/1 xe 

Tính đến thời điểm bắt đầu vận hành, tuyến này tiêu tốn 41,6 triệu USD trong tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD và còn một số hạng mục chưa hoàn thành. Sau 4 tháng từ chạy thử miễn phí tới chạy thật, trung bình mỗi xe chỉ có 34 khách (thấp nhất) và cao nhất chưa đạt 48 khách. Trong đó, từ ngày 1.1 - 31.3, tổng lượng hành khách vận chuyển 1.224.255 lượt, bình quân 41 hành khách/lượt.

Trên thực tế, mô hình xe buýt nhanh ngay từ khi mới triển khai đã vấp phải ý kiến phản đối của nhiều chuyên gia giao thông, đặc biệt là vấn đề xây nhà chờ ở giữa đường và dành cho loại xe này một làn đường riêng trong bối cảnh đường sá tại Hà Nội chật hẹp, đông đúc.

Lý giải về thất bại của BRT 01 Kim Mã - Yên Nghĩa, chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy từng cho rằng, đó là do Sở GTVT đã không tham mưu cho thành phố cũng như Ngân hàng Nhà nước mà bê nguyên mô hình ở nước ngoài về áp dụng một cách máy móc. “Là người trong cuộc, lẽ ra Sở GTVT phải tham mưu lại cho Ngân hàng Thế giới để giảm bớt chi phí chứ làm nguyên si mô hình của Ecuado, Quảng Châu (Trung Quốc)... vừa đắt tiền, lại không phù hợp với điều kiện thực tế” - chuyên gia này phân tích.

Điểm thất bại của dự án là mất cả nghìn tỉ mà không hơn gì xe buýt thường trong khi với số tiền đó, Hà Nội có thể làm mới hơn 10 tuyến xe buýt thường và mua được bao nhiêu xe mới thay cho dàn xe cũ hiện nay. Theo các chuyên gia, nếu quy trách nhiệm thì người đầu tiên phải nhắc tới chính là lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội vào thời điểm triển khai dự án.

Như Nhadautu.vn  đã đưa tin hồi tháng 10 năm 2017, Thanh Tra Chính phủ đã có buổi làm việc tiền đề về những vấn đề tồn tại ở dự án BRT 01 này. Theo đó, đoàn công tác của UBND TP. Hà Nội đã đến và làm việc tại trụ sở Thanh tra Chính phủ để giải trình những vấn đề liên quan đến dự án BRT. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội có mặt trong đoàn công tác này.

Tại buổi làm việc này, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện giải trình làm rõ một số nội dung liên quan đến việc quản lý, thực hiện Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội - Hợp phần BRT, trong đó có việc lập, phê duyệt chủ trương đầu tư, thiết kế và dự toán, tổ chức đấu thầu, nghiệm thu thanh toán giá trị của 35 xe buýt nhanh BRT...

Báo chí  từng có thông tin phản ánh về những lùm xùm giá xe buýt nhanh BRT của Hà Nội do Liên doanh Công ty cổ phần ô tô Trường Hải và Công ty cổ phần Thiên Thành An cung cấp lên đến hơn 5 tỷ đồng/xe trên tổng số gói thầu là 35 xe. Với mức giá trên dư luận có phần hoài nghi việc buýt nhanh BRT đã bị “đội giá”.

Tuyến xe buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD cho quãng đường khoảng 14,7 km từ Kim Mã xuống Yên Nghĩa. Dọc tuyến buýt có 21 nhà chờ, 10 cầu vượt cho người đi bộ ra giữa đường đón xe.

Xe BRT gồm 35 chiếc (mỗi chiếc trên 5 tỷ đồng) sức chứa 90 hành khách (vận doanh 22 xe ngày bình thường và 16 xe ngày chủ nhật).

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24625.00 24945.00
EUR 26301.00 26407.00 27573.00
GBP 30639.00 30824.00 31774.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26849.00 26957.00 27794.00
JPY 159.52 160.16 167.58
AUD 15876.00 15940.00 16426
SGD 18054.00 18127.00 18664.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17893.00 17965.00 18495.00
NZD 0000000 14638.00 15128.00
KRW 0000000 17.58 19.18
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ