Quảng Bình thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Nhàđầutư
Bên cạnh du lịch - dịch vụ, sản xuất công nghiệp, Quảng Bình đã và đang xây dựng các chính sách mới nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đây được xem là một hướng đi nhằm phát huy các tiềm năng lợi thế của tỉnh, đặc biệt là lợi thế về quỹ đất nông nghiệp.
NGỌC TÂN
02, Tháng 10, 2022 | 10:19

Nhàđầutư
Bên cạnh du lịch - dịch vụ, sản xuất công nghiệp, Quảng Bình đã và đang xây dựng các chính sách mới nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đây được xem là một hướng đi nhằm phát huy các tiềm năng lợi thế của tỉnh, đặc biệt là lợi thế về quỹ đất nông nghiệp.

HTX cu nam

Vườn dược liệu của Hợp tác xã sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Ảnh: NT

Chị Nguyễn Thị Giang, Giám đốc HTX dược liệu Cự Nẫm cho biết, 100% diện tích dược liệu của HTX đều được canh tác theo hướng hữu cơ vi sinh, không dùng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, do đó, cây cà gai leo bảo đảm sạch hoàn toàn.

"Bên cạnh cà gai leo, HTX cũng trồng thêm một số cây dược liệu khác như thìa canh, chè vằng, xuyên tâm liên. Đồng thời đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất các loại cao nguyên chất từ các cây dược liệu nhằm cung ứng ra thị trường các sản phẩm có giá trị cao hơn", chị Giang cho biết.

Cũng tại huyện Bố Trạch, một mô hình khác tương tự là HTX sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh tại xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch.

HTX Tuấn Linh được thành lập từ năm 2016, trong quá trình hoạt động, HTX đã từng bước mở rộng quy mô thông qua việc liên kết sản xuất các loại nấm sạch hữu cơ với các hộ dân tại huyện Bố Trạch dựa trên một quy trình khép kín từ khâu giống, nguyên liệu, bịch phôi, nấm thành phẩm, đến chế biến nấm ra các sản phẩm hàng hóa.

Bà Ngô Thị Kim Liên, Giám đốc Hợp tác xã nấm sạch Tuấn Linh cho biết, bên cạnh trồng nấm, HTX Tuấn Linh đã từng bước đầu tư mua sắm máy móc, đầu tư nhà xưởng phục vụ sở chế, chế biến, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm chất lượng cao từ nấm.

"Hiện nay, các sản phẩm nấm sạch, chất lượng cao của hợp tác xã Tuấn Linh đã mở rộng thị trường trên cả nước. Ngoài ra, sản phẩm cũng đã có mặt ở một số các siêu thị như Co.opmart Quảng Bình, Co.opmart Hà Tỉnh, Co.opmart Huế , Co.opmart Quảng Trị", bà Liên chia sẻ.

tuan linh

Mô hình trồng nấm sạch khép kín của Hợp tác xã sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh. Ảnh: NT

Tại Quảng Bình, nhắc đến việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao thì không thể không nhắc đến mô hình trồng, sản xuất sâm Bố Chính của Tập đoàn Tuệ Lâm. Đây là đơn vị có công trong việc tìm và khôi phục thành công giống sâm Bố Chính tự nhiên tại Quảng Bình.

Từ quy mô ban đầu với 2ha, đến nay, nhờ việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc nghiên cứu, trồng và chăm sóc cây giống, Tập đoàn Tuệ Lâm đã mở rộng quy mô trồng sâm Bố Chính lên hơn 60ha. Đồng thời, nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tuệ Lâm, sâm Bố Chính cũng đã được trồng đại trà khắp nơi tại tỉnh Quảng Bình và các tỉnh lân cận, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Hiện nay, sản phẩm sâm Bố Chính Tuệ Lâm cũng đã trở thành một thương hiệu được đông đảo người dân cả nước biết đến. Đồng thời Tập đoàn Tuệ Lâm cũng đã ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp nhằm chế biến sâm Bố chính thành các sản phẩm như trà, nước tăng lực, ẩm thực, dược liệu…

Tiếp tục kêu gọi đầu tư

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong các định hướng hiện nay của tỉnh Quảng Bình nhằm phát huy các tiềm năng lợi thế địa phương, đặc biệt là lợi thế về quỹ đất nông nghiệp.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Quảng Bình cho biết, hiện UBND tỉnh đã giao các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, tỉnh cũng ban hành các quy định về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung ưu tiên cho các dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, từ nguồn vốn ngân sách, lồng ghép với các chương trình, dự án về nông nghiệp công nghệ cao và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác, UBND tỉnh Quảng Bình đã ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

sabochi tuelam

Cánh đồng sâm Bố Chính Tuệ Lâm được phục hồi và nhân rộng nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào chăm sóc, trồng và sản xuất. Ảnh: NT

Ông Trần Đình Hiệp, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình cho biết, số lượng doanh nghiệp, cơ sở ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tại tỉnh đang tăng nhanh.

"Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh Quảng Bình đã có 112 cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có 52 cơ sở đã được chứng nhận VietGap hoặc ATTP, bao gồm 35 cơ sở trồng trọt, 14 cơ sở chăn nuôi, 1 cơ sở nuôi trồng và 2 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản. Dự kiến năm nay, con số này sẽ tiếp tục tăng lên khi nhiều cơ sở đã đăng ký để được cấp chứng nhận", ông Hiệp cho biết.

Cũng theo ông Hiệp, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình sẽ thực hiện một số giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó bao gồm việc thực hiện rà soát quỹ đất để bố trí vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ưu tiên hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi trong giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp trên một số đối tượng cây con có lợi thế.

"Ngành nông nghiệp tỉnh cũng sẽ hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các công nghệ hướng đến đạt chuẩn doanh nghiệp công nghệ cao theo tiêu chí quy định. Cũng như hỗ trợ kinh phí đàò tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển nông ngiệp công nghệ cao. Đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu tiêu thụ các sản phẩm", ông Hiệp thông tin.

Tại danh mục các dự án tiềm năng giai đoạn 2022-2024 được UBND tỉnh Quảng Bình ban hành vào tháng 3/2022, lĩnh vực nông nghiệp có 6 danh mục dự án. Trong đó, danh mục phát triển nông nghiệp công nghệ cao được kêu gọi đầu tư khắp cả tỉnh với quy mô quỹ đất 998ha.

Bên cạnh đó là một số dự án khác như: Phát triển chăn nuôi gia súc giống, thịt chất lượng cao và nhà máy chế biến gia súc tập trung (tổng quỹ đất 230ha, phân bố các huyện thị trong tỉnh); Trồng lúa chất lượng cao kết hợp nuôi trồng thủy sản (quỹ đất 450-500ha, phân bố tại 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy); Trồng cây dược liệu dưới tán rừng kết hợp phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng (quỹ đất khoảng hơn 48.100 ha); Liên kết trồng, chăm sóc, chế biến sâu gỗ rừng trồng (quỹ đất 11.000ha); Trồng chế biến cây dược liệu, cây ăn quả trên địa bàn các huyện (quỹ đất khoảng 1.800ha).

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ