[Gặp gỡ thứ Tư] Chủ tịch VSD: 'F0 bây giờ đã khác thời kỳ 2007-2008'

Nhàđầutư
Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch VSD cho rằng, gần 500 nghìn tài khoản F0 hiện nay đã rất khác so với F0 thời điểm năm 2007-2008. Cùng với đó, nền tảng thị trường đã vững chắc và quy mô lớn hơn rất nhiều với khối lượng giao dịch mỗi ngày lên tới 1-1,5 tỷ USD.
N.THOAN
30, Tháng 06, 2021 | 08:00

Nhàđầutư
Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch VSD cho rằng, gần 500 nghìn tài khoản F0 hiện nay đã rất khác so với F0 thời điểm năm 2007-2008. Cùng với đó, nền tảng thị trường đã vững chắc và quy mô lớn hơn rất nhiều với khối lượng giao dịch mỗi ngày lên tới 1-1,5 tỷ USD.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kế, tính đến hết tháng 5, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán ước tính đạt 116,4 nghìn tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, 482,8 nghìn tài khoản chứng khoán được mở mới, gấp 3,7 lần cùng kỳ 2020. Ước tính, mỗi ngày có gần 2.700 tài khoản chứng khoán mới được mở. 

Trên thị trường cổ phiếu, tại thời điểm ngày 20/6/2021, mức vốn hóa thị trường đạt 6.699,5 nghìn tỷ đồng, tăng 64,5% so với cùng thời điểm năm trước. Giá trị giao dịch bình quân trong tháng 6/2021 đạt 32.013 tỷ đồng/phiên, tăng 265,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Trên đây là những con số rất đáng lưu ý, cho thấy tốc độ tăng trưởng vượt bậc của thị trường chứng khoán. Sự tham gia mạnh mẽ của lớp nhà đầu tư mới (F0) cho thấy chứng khoán dần trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn với người dân trong nước. Vốn nội liên tục chảy vào dần thay thế dòng vốn ngoại rút ròng thời gian qua. Đây được cho là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến bày tỏ lo ngại về sự thiếu "bền vững" của các F0 từ về tâm lý lẫn dòng tiền. Đây từng là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của thị trường năm 2008.

Vậy, F0 thời điểm hiện tại có giống F0 thời điểm năm 2007-2008? Đâu có thể coi là yếu tố rủi ro cho thị trường thời gian tới? Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) về vấn đề này.

Screen Shot 2021-06-30 at 9.30.27 AM

Ông Nguyễn Sơn. Ảnh: VSD

Thị trường chứng khoán nửa đầu năm 2021 liên tục lập đỉnh. Mới đây, ngày 28/6, VN-Index đã vượt thành công mốc 1.400 điểm. Điều này có sự đóng góp không nhỏ của nhà đầu tư F0 cùng dòng tiền dồi dào. Trước sự hứng khởi của thị trường, có những ý kiến lo ngại rằng, đây là giai đoạn giao dịch có quá nhiều cảm xúc và làm người ta nhớ tới những năm 2007-2008. Theo ông, nhà đầu tư F0 hiện nay và trước đây có giống nhau?

Ông Nguyễn Sơn: Chúng ta đã trải qua hơn 20 năm thành lập thị trường chứng khoán. F0 của thời điểm bây giờ cũng rất khác giai đoạn 2007-2008, một đằng là mới trải qua 7 năm thành lập thị trường, còn một bên là 20 năm. Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư mới vào thị trường cũng đã có sự đánh giá, cân nhắc, đã nhìn thấy những cú sốc của thị trường và hẳn cũng sẵn sàng tâm lý với những biến cố hay những đợt điều chỉnh lớn.

Quy mô của thị trường hiện cũng đã rất khác so với cách đây 10-15 năm. So với GDP năm 2020, hiện nay thị trường cổ phiếu bằng khoảng 105% GDP; thị trường trái phiếu bằng khoảng 46,5% GDP. Mức tăng trưởng vốn hoá toàn bộ thị trường cổ phiếu và trái phiếu bằng khoảng 150% GDP.

Thời điểm 2007-2008 chỉ có những DNNN cổ phần hoá để đưa lên niêm yết, còn hiện tại chúng ta có hàng trăm nghìn doanh nghiệp, cả tư nhân và nhà nước đều tham gia vào thị trường. Trong đó đáng chú ý nhiều doanh ngiệp tư nhân có tên tuổi, tầm vóc quốc tế. Chính sự thiếu vắng nguồn cung, mất cân đối cung cầu hàng hoá tạo ra giá bong bóng tài sản. Còn hiện nay, quy mô thị trường giao dịch từ 1-1,5 tỷ USD/ngày là rất lớn và cũng mới có khoảng hơn 3 triệu tài khoản đang giao dịch, chiếm khoảng 3% dân số, trong khi chúng ta kỳ vọng số tài khoản phải bằng 5-10% dân số. Điều đó cho thấy nền tảng thị trường thời điểm hiện tại đã hoàn toàn khác với thời điểm 2007-2008, vững chắc, bền vững hơn.

Để giảm rủi ro, thời điểm hiện tại chúng ta phải làm cho nhà đầu tư F0 hiểu rằng, đằng sau sự tăng trưởng của thị trường có tiềm ẩn rủi ro, điều chỉnh nhưng cũng không quá lớn. Gần đây, rất ít khi thấy các phiên tăng 30, 40 rồi 50, 60 điểm như giai đoạn trước mà thưởng chỉ tăng 5, 10 rồi 14 điểm, sau đó lại điều chỉnh xuống, lên, không như trước đây, có lúc thị trường tăng liên tục 50, 60 điểm rất lâu.

Dòng tiền vào nhiều phần nào vì vốn rẻ, đi vào những cổ phiếu cơ bản tốt. Tuy nhiên cũng cần lưu ý nhà đầu tư rằng, nếu không kiểm soát tốt, cả những cổ phiếu nhỏ, thậm chí cả những công ty làm ăn thua lỗ cũng sẽ tăng trưởng bất thường. Điều này rất cần cảnh báo từ cơ quan quản lý khi có hiện tượng doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nhưng lạm dụng sự tăng trưởng của thị trường hiện nay để đẩy giá, làm giá cổ phiếu nhằm trục lợi.

Có một hiện tượng đáng lưu tâm trong 6 tháng đầu năm là tăng trưởng huy động ngân hàng rất thấp, thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng và thấp hơn cả so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều ý kiến cho rằng, người dân đã rút tiết kiệm để đổ vào các kênh đầu tư khác, trong đó nổi trội là chứng khoán. Vậy theo ông, dòng tiền này có bền vững?

Ông Nguyễn Sơn: Thực ra sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư là rất bình thường. Nguyên tắc là tiền sẽ tìm vào kênh đầu tư sinh lợi cao nhất. Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác thiếu hấp dẫn, mặt bằng lãi suất huy động cao thì người dân sẽ cân nhắc gửi tiết kiệm. Còn khi lãi suất tiết kiệm thấp hoặc có xu hướng ngày càng thấp thì dòng tiền sẽ rút ra tìm kiếm cơ hội đầu tư khác, trong đó có chứng khoán.

Ở thời điểm hiện tại, đầu tư chứng khoán, cổ phiếu hay thậm chí trái phiếu doanh nghiệp được đánh giá là những kênh đầu tư hấp dẫn. Khi doanh nghiệp cần vốn mà khó tiếp cận vốn ngân hàng thì họ có thể thông qua thị trường chứng khoán. Trong điều kiện không thể phát hành cổ phiếu ra công chúng thì họ có thể phát hành TPDN để huy động vốn. Mức lãi suất hiện nay khoảng 8-11% đã là rất hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi ngân hàng. Đặc biệt ở thời điểm hiện tại, khi các đơn vị tư vấn, môi giới phát hành trái phiếu có mạng lưới giao dịch khá tốt, nhà đầu tư có thể mua và bán ra bất cứ lúc nào, tính thanh khoản cao.

Lãi suất thấp vô hình chung đã tạo dòng tiền rẻ chảy vào tất cả các thị trường khác, trong đó có chứng khoán, bất động sản, rồi cả những kênh đầu tư bất hợp pháp ở Việt Nam như tiền số, forex...Ngược lại, lãi suất cao, tiền lại chảy ngược về tiết kiệm. Tuy nhiên, rủi ro lãi suất ở Việt Nam hiện nay là khá thấp. Theo thông điệp của NHNN, lãi suất sẽ giữ ở mức thấp kéo dài ít nhất hết năm 2021 và có thể kéo dài sang các năm tiếp theo. 

Không ít nhà đầu tư bày tỏ mong muốn UBCKNN sớm cho phép triển khai giao dịch T+0. Điều này vừa giúp cho tính thanh khoản tốt hơn, thị trường cũng sẽ phát triển nhanh hơn. Vậy đứng từ vai trò cơ quan quản lý xin ông cho biết khó khăn ở đâu trong việc triển khai T+0 và khi nào chúng ta có thể áp dụng?

Ông Nguyễn Sơn: T+0 hoặc bán chứng khoán chiều về phải dựa trên nền tảng công nghệ mới, được áp dụng toàn diện. Hiện gói thầu công nghệ cho toàn bộ thị trường đang được hoàn chỉnh. Trong đó, cho phép chúng ta triển khai nghiệp vụ T+0 và bán chứng khoán chiều về. Hiện gói thầu tổng thể đang được HSX, HNX, VSD phối hợp đẩy mạnh triển khai, kỳ vọng trong năm tới sẽ sớm đi vào hoạt động.

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ