Chủ tịch VSD: Đây không phải thời kỳ bong bóng tài sản

Nhàđầutư
Trước lo ngại tăng trưởng "nóng" của thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch VSD đánh giá đây không phải thời kỳ bong bóng tài sản. Thị trường tăng trưởng dựa trên những yếu tố nền tảng vững chắc cả trong nước và thế giới.
N.THOAN
29, Tháng 06, 2021 | 13:23

Nhàđầutư
Trước lo ngại tăng trưởng "nóng" của thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch VSD đánh giá đây không phải thời kỳ bong bóng tài sản. Thị trường tăng trưởng dựa trên những yếu tố nền tảng vững chắc cả trong nước và thế giới.

20210629_085343

Talk show Thị trường chứng khoán và dự báo. Ảnh: N.Thoan

Ngày 29/6, Tạp chí Kinh tế và dự báo tiếp tục tổ chức chuỗi talk show chủ đề "Thị trường chứng khoán và dự báo" bàn về triển vọng kinh tế vĩ mô và tương quan phát triển của thị trường chứng khoán.

Chia sẻ tại buổi talk show, đa số các chuyên gia tài chính, cơ quan quản lý đều có chung nhận định rằng thị trường chứng khoán vừa trải qua một giai đoạn "thăng hoa" nhưng không bất thường vì tăng trưởng dựa trên những nền tảng cơ bản của thị trường trong nước và quốc tế. Thị trường chứng khoán thời gian tới sẽ tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên, sẽ vẫn có những rủi ro, bất định từ dịch bệnh, bối cảnh kinh tế chung.

Theo báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê (TCTK), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2/2021 ước tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý 2/2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6,73% của quý 2 các năm 2018 và 2019. GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, GDP 6 tháng tăng thấp hơn mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra và rất có thể GDP cả năm 2021 chỉ đạt từ 6,1-6,3%. Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường chứng khoán thường đi trước sự phát triển của nền kinh tế thực từ 3-6 tháng - nó thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào thị trường. Nửa đầu năm 2021, thị trường chứng khoán không chỉ ở Việt Nam mà cả thể giới trở nên hấp dẫn hơn khi nền kinh tế lâm vào khó khăn. Theo một nghiên cứu cho thấy, thị trường chứng khoán phát triển tốt nhất ở thời điểm lạm phát duy trì ở mức 1-3%, còn khi lạm phát lên tới 5-8% thì lại ngược lại. Dó đó, Việt Nam đang trong thời kỳ vàng của thị trường chứng khoán.

Tiếp đó, một trong những điểm tích cực của thị trường chứng khoán thời gian gần đây là vai trò của nhà đầu tư nước ngoài đã không còn quá lớn trong việc điều tiết thị trường mà thay vào đó là nhà đầu tư nội. "Đây là tín hiệu lạc quan, thể hiện niềm tin của nhà đầu tư trong nước vào thị trường", ông Lực nói.

Tuy nhiên, theo ông lực, những rủi ro mà nhà đầu tư thế giới đang rất lo ngại và nhà đầu tư Việt Nam cũng cần quan tâm là việc thắt chặt chính sách tiền tệ của các nước, lạm phát đang tăng nhanh, và biên lợi nhuận của các doanh nghiệp dần thu hẹp khi giá vật liệu đầu vào tăng mạnh.

Riêng Việt Nam, nhà đầu tư còn cần chú ý thêm rằng động lực tăng trưởng hiện nay đến một phần đáng kể từ nhà đầu tư nhỏ lẻ, dễ có tâm lý đám đông dẫn tới khi thị trường điều chỉnh. Cùng với đó, không loại trừ một số doanh nghiệp "tát nước theo mưa", đánh bóng kết quả kinh doanh để phát hành cổ phiếu, trái phiếu trong đợt này.

Ông Lực khuyến cáo, cơ quan quản lý cần đưa cảnh báo với nhà đầu tư về việc một vài doanh nghiệp có thể làm đẹp kết quả kinh doanh, cùng với đó trấn an tâm lý nhà đầu tư để không xảy ra hoảng loạn, bán tháo khi thị trường sụt giảm 7-10%.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, trong nửa đầu năm 2021 đã có khoảng 500 nghìn tài khoản được mở mới, cùng với đó là dòng tiền lớn được đổ vào thị trường chứng khoán với thanh khoản khoảng 1 tỷ - 1,5 tỷ USD/ngày. Điều này đặt ra vấn đề liệu thị trường chứng khoán có đang tăng trưởng quá nóng?

Nếu nhìn trên mấy góc độ có thể dễ dàng trả lời câu hỏi trên. Thứ nhất là Việt Nam đã thành công trong thực hiện mục tiêu kép trong năm 2020 và đầu năm 2021. Dòng vốn hiện nay khá dồi dào khi mặt bằng lãi suất thấp, ổn định, được hứa hẹn sẽ kéo dài đến ít nhất là đến cuối năm 2021 và có thể là những năm sau đó. Điều này tạo sự ổn định của dòng vốn vào các khu vực của thị trường, trong đó có chứng khoán.

Ngoài ra, sự tăng trưởng rất tốt của thị trường chứng khoán toàn cầu, đặc biệt là Mỹ cho thấy tăng trưởng kinh tế ở mức thấp, thậm chí là âm nhưng tăng trưởng thị trường vốn vẫn rất cao là bình thường trong điều kiện hiện nay. Đây cũng là nền tảng tạo sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh chung.

Hiện nay số lượng tài khoản của Việt Nam mới khoảng 3,4 triệu, tương đương 3% dân số, trong khi đó mục tiêu của Chính phủ là khoảng 5 triệu, 10 triệu tài khoản, nên tiềm năng của thị trường trong nước còn rất lớn.

Theo số liệu NHNN, tín dụng chảy vào lĩnh vực chứng khoán chỉ khoảng 0,48% là mức khá thấp và trong giới hạn kiểm soát. Ngay cả với dòng vốn ở vòng 2,3 hay magin thì đều đang được kiểm soát tốt.

"Tôi không nghĩ thời điểm này là bong bóng tài sản nhưng đây là thời điểm cần có kiểm soát chặt chẽ sự chu chuyển của dòng tiền. Suy cho cùng, giá một cổ phiếu tăng vẫn phải phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Đó mới là giá trị cốt lõi", ông Sơn nói.

Về hiện tượng rút ròng của nhà đầu tư ngoại, ông Sơn cho biết, hiện giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 49,5 tỷ USD, bán ròng nhưng không lớn và tiền thu về nhà đầu tư vẫn để trên tài khoản - điều này cho thấy họ vẫn đang chờ đợi cơ hội đầu tư mới mà chưa rút khỏi thị trường.

Đánh giá về tiềm năng của thị trường chứng khoán trong thời gian tới, Chủ tịch VSD cho rằng: Có rất nhiều điểm sáng như Luật Chứng khoán mới có hiệu lực với những thay đổi khá căn bản sau 20 năm xây dựng và rút kinh nghiệm. Cùng với đó là việc tái cấu trúc 2 Sở giao dịch, tái cấu trúc lại thị trường trái phiếu, cổ phiếu kỳ vọng sẽ tạo nền tảng cấu trúc lại thị trường.

Tiếp theo là kỳ vọng nền tảng công nghệ thay đổi sẽ khắc phục triệt để tình trạng nghẽn lệnh. Thị trường vận hành trơn tru sẽ có thêm những sản phẩm mới, giúp thị trường sớm vượt lên, chinh phục những đỉnh cao mới. Ông Sơn cũng kỳ vọng năm 2022-2023, Việt Nam sẽ được công nhận là thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn MSCI.

Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư F0 ở thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Sơn cho rằng người chơi cần tỉnh táo, thận trọng và tránh tâm lý đám đông. Thị trường có đầy đủ yếu tố nền tảng để duy trì ổn định, thậm chí tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa nhưng đâu đó vẫn có những rủi ro từ dịch bệnh, địa chính trị và chiến tranh thương mại. Ông Sơn dự báo rằng, từ nay tới cuối năm có thể có thêm 300.000 tài khoản mới được lập. Tuy nhiên, nhà đầu tư nào không thật sự rành thị trường nên chọn những quỹ đầu tư để uỷ thác đầu tư.

TS. Cấn Văn Lực thì cho rằng nhà đầu tư F0 nên thông thái và điềm tĩnh trong bối cảnh thị trường đang trong trạng thái quá nhiều cảm xúc như hiện nay.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ