Đồng bằng sông Cửu Long thiếu kho lạnh bảo quản nông, thủy sản

Nhàđầutư
Là vùng dẫn đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp nhưng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang rất thiếu chuỗi cung ứng lạnh bảo quản nông sản, tỷ lệ tổn thất nông, thủy sản sau thu hoạch đang ở mức rất cao, đây là một điểm nghẽn trong phát triển thế mạnh nông nghiệp của vùng.
AN HÒA
26, Tháng 07, 2022 | 08:45

Nhàđầutư
Là vùng dẫn đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp nhưng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang rất thiếu chuỗi cung ứng lạnh bảo quản nông sản, tỷ lệ tổn thất nông, thủy sản sau thu hoạch đang ở mức rất cao, đây là một điểm nghẽn trong phát triển thế mạnh nông nghiệp của vùng.

kho lanh

Chỉ có 3/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL có kho lạnh thương mại. Ảnh An Hòa

10/13 tỉnh, thành chưa có kho lạnh

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất-Nhập khẩu (Bộ Công Thương), ĐBSCL là vùng kinh tế và nông nghiệp quan trọng là vựa lúa chính, chiếm trên 54% sản lượng lúa của Việt Nam (23,6 triệu tấn) và hơn 95% kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thập kỷ qua. ĐBSCL cũng đóng góp khoảng 70% sản lượng trái cây, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu cho cả  nước.

Công nghiệp sản xuất, chế  biến thực phẩm, trong đó chủ  yếu là chế biến nông sản, hiện chiếm trên 90% sản lượng công nghiệp của hầu hết các tỉnh vùng ĐBSCL nhờ vào các lợi thế về sản xuất nông nghiệp và tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng chế biến nông sản của vùng.

"Là vùng đất có nhiều tiềm năng để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu nông sản nhưng có điểm nghẽn lớn cảng trở sự phát triển của vùng lâu nay chính là cơ sở hạ tầng chậm được cải thiện. Đáng chú ý là các dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ chứ chưa có sự kết nối giữa các phương thức vận tải nên thường gây ra chậm trễ, chi phí cao, điều này sẽ làm cho hàng hóa xuất khẩu của vùng ĐBSCL kém sức cạnh tranh trên thương trường", ông Hải phân tích.

Đồng tình với quan điểm trên, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ Nguyễn Phương Lam cho rằng, ĐBSCL có tổng lượng hàng hóa vận tải năm khoảng 150 triệu tấn; chiếm 9,3% toàn quốc; đứng thứ 4 trong các vùng kinh tế. Tăng trưởng vận chuyển hàng hóa bình quân giai đoạn 2002 - 2020 đạt 8,7%/năm, cho thấy quy mô sản xuất hàng hóa của khu vực này đang tăng qua từng năm.

Tuy nhiên, là vùng sản xuất nông sản lớn nhất cả nước nhưng hệ thống logistics lại yếu nhất, phần lớn hàng hóa phải vận chuyển bằng đường bộ lên cụm cảng TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu để xuất khẩu với chi phí rất cao.

Đáng quan tâm, tuy là vùng sản xuất nông, thủy sản lớn nhất nhưng ĐBSCL chỉ sở hữu khoảng 30% số lượng kho lạnh của khu vực phía Nam. Hệ thống kho lạnh được phân bố nhiều nhất tại Long An và một số ít tại Cần Thơ và Hậu Giang với khả năng cung cấp chỉ khoảng 239.950 pallet, chiếm khoảng 48% tổng năng lực kho lạnh của Việt Nam. Điều bất cập ở đây là nhiều địa phương được xem là "thủ phủ tôm, thủ phủ cá" như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng,  Kiên Giang, Đồng Tháp thì hiện tại vẫn chưa có một kho lạnh thương mại nào.

thuy san thieu ld

Là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước nhưng cơ sở hạ tầng phục vục sản xuất vùng ĐBSCL còn rất yếu kém. Ảnh TL

Chưa có cơ chế thu hút đầu tư chuỗi cung ứng lạnh

Theo các chuyên gia, do yêu cầu về kỹ thuật việc xây dựng các kho bảo quản lạnh có chi phí đầu tư cao gấp hai đến ba lần so với nhà kho thông thường và quá trình xây dựng có thể lâu hơn đến sáu tháng. Bên cạnh đó là thời hạn thuê thường kéo dài từ 15 năm đến 20 năm mới thu hồi vốn trong khi các chính sách tín dụng dài hạn cho danh mục đầu tư này chưa được ban hành, đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến có ít dự án đầu tư kho lạnh được thực hiện trong thời gian qua.

Theo bà Trang Bùi, Giám đốc Thị trường Việt Nam -Tập đoàn tư vấn bất động sản toàn cầu (JLL), lĩnh vực xuất khẩu thủy sản là ngành chiếm nhiều diện tích kho lạnh nhất. Trong thời kỳ cao điểm của đại dịch COVID-19, có đến 30% - 50% đơn hàng xuất khẩu thủy sản đã bị hủy, hoãn dẫn đến hàng cần dự trữ rất cao, các kho lạnh dù đã hoạt động hết công suất mà vẫn không đủ đáp ứng.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thừa nhận trong ngành thủy sản, công suất kho lạnh tại Việt Nam đến nay vẫn còn chưa theo kịp được nhu cầu của ngành nên khi dịch COVID-19 xảy ra, tình trạng thiếu kho trữ hàng càng thêm nghiêm trọng hơn.

Kho lạnh không chỉ giúp doanh nghiệp dự trữ hàng hóa khi cần mà còn là điều kiện cần để doanh nghiệp thu mua hết nguyên liệu tôm, cá nông dân sản xuất ra khi thừa hàng dội chợ, nhằm chia sẻ rủi ro với người nông dân.

"Bài học hàng hóa ùn ứ ở các cửa khẩu phía Bắc nhiều ngày, hàng trăm ngàn tấn nông, thủy sản phải đổ bỏ đi vì hư thối càng thôi thúc chúng ta cần phải nhanh chóng xây dựng các kho bảo quản, trữ lạnh tại khu vực các cửa khẩu để giảm bớt rủi ro vào những lúc như vậy", ông Hòe nói.  

Ông Trương Đình Hòe cũng cho biết nhằm giúp doanh nghiệp có điều kiện đầu tư, kinh doanh dịch vụ kho lạnh, VASEP đã kiến nghị Chính phủ sớm có những hỗ trợ đối với doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này, như: hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm đầu và giảm lãi suất 50% trong 4 năm tiếp theo đối với các khoản cho vay dài hạn để đầu tư xây dựng kho lạnh có sức chứa tối thiểu 5.000 pallet (khoảng 5.000 tấn). Ngoài ra, cần hỗ trợ giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho 2 năm đầu kể từ khi kho lạnh đi vào vận hành.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tổn thất sau thu hoạch nông sản hàng năm chiếm từ 20 -25%, ước tổng thiệt hại khoảng 8,8 triệu tấn, tương đương 3,9 tỷ USD. Trong đó, tỷ lệ thất thoát đối với nhóm rau ăn lá lên đến 30%, các loại quả, sắn 25%, rau ăn cũ 20%, ngô 18%, lúa 15%, thịt 14%, thủy sản 12%...

(Nguồn báo cáo của Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Bộ NN&PTNT).

Tỉ giá đang cập nhật
Điều chỉnh kích thước chữ