Đồng bằng sông Cửu Long đang là điểm sáng về 'hút' vốn FDI

Nhàđầutư
Chia sẻ tại hội nghị Công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào ngày 1/8, TS. Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam cho biết trong 3 năm trở lại đây vốn FDI đầu tư vào ĐBSCL tăng nhanh.
AN HÒA
01, Tháng 08, 2022 | 16:10

Nhàđầutư
Chia sẻ tại hội nghị Công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào ngày 1/8, TS. Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam cho biết trong 3 năm trở lại đây vốn FDI đầu tư vào ĐBSCL tăng nhanh.

bc kinh te

Theo ý kiến nhóm chuyên gia nghiên cứu Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022, nguồn vốn FDI đăng ký đầu tư vào khu vực này đang tăng rất nhanh. Ảnh An Hòa

Điểm sáng của kinh tế ĐBSCL

Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Trưởng nhóm nghiên cứu Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022 cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2021, hoạt động thu hút đầu tư FDI vào vùng ĐBSCL có xu hướng tăng trưởng nhanh. Đặc biệt trong năm 2020 và 2021, dù bị ảnh hưởng nặng nề của của dịch COVID-19 nhưng trung bình vùng này vẫn thu hút được trên 5 tỷ USD vốn FDI/năm, cao hơn gấp 3 lần so với trung bình của giai đoạn 2016 – 2019. So sánh với các khu vực khác, số dự án FDI đăng ký mới tại ĐBSCL trong giai đoạn 2016 - 2021 tuy chỉ chiếm 5% so với tổng số dự án của cả nước nhưng số vốn đăng ký và vốn triển khai tăng mạnh.

Đáng chú ý, nếu như năm 2020 số vốn FDI vào khu vực này chỉ chiếm 1/5 so với cả nước thì năm 2021 tỷ lệ này là 1/3 so với cả nước. Tại thời điểm năm 2021, số dự án FDI đăng ký mới của vùng tăng 2,5 lần trong khi trung bình cả nước vốn FDI giảm 60%. Các vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ (không tính TP. HCM) thu hút FDI trong năm 2021 giảm lần lượt 34% và 47% so với năm 2019. Một trong những nguyên nhân của hiện tượng này là do sự chuyển dịch trọng tâm đầu tư của khu vực nước ngoài, chuyển dịch cơ cấu đầu tư từ công nghiệp chế biến, chế tạo sang lĩnh vực năng lượng và sản xuất điện.

Nhìn vào cơ cấu đầu tư FDI tại vùng theo đối tác đầu tư cho thấy 60% trong tổng số dự án đầu tư vào vùng ĐBSCL đến từ Trung Quốc, 20% Hàn Quốc, 19% Đài Loan và 10% đến từ Nhật Bản. Đáng chú ý là mặc dù Singapore chỉ chiếm 5% dự án nhưng chiếm đến 28% tổng vốn đầu tư FDI của toàn vùng, chủ yếu là lĩnh vực năng lượng. Kế tiếp là vốn FDI Nhật Bản chiếm tỷ lệ 11%. Trong khi đó dự án FDI từ Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm số lượng cao nhưng vốn đăng ký chỉ chiếm tỷ trọng 7 - 8% so với tổng vốn FDI của khu vực này.

Phân tích cụ thể hơn về sự lựa chọn của nhà đầu tư nước ngoài tại ĐBSCL, có thể thấy các lĩnh vực đầu tư công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm tới 79% dự án nhưng chỉ chiếm 20,5% về vốn đăng ký. Trong khi đó lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa chỉ chiếm 4,1% dự án nhưng chiếm đến 74% về vốn đăng ký.

"Như vậy, có thể thấy rằng ngành công nghiệp chế biến chế tạo chủ yếu thu hút các dự án quy mô nhỏ, quy mô trung bình khoảng 5 triệu USD mỗi dự án. Trong khi đó, ngành năng lượng tuy chiếm tỷ lệ về dự án nhỏ nhưng quy mô mỗi dự án lớn hơn (trung bình mỗi dự án khoảng 360 triệu USD). Ngành nông nghiệp vốn là thế mạnh của ĐBSCL nhưng cũng chỉ thu hút được số lượng dự án với giá trị vốn nhỏ, tương đương 1,3% tổng số dự án và chưa đến 0,7% tổng vốn FDI đăng ký của toàn Vùng", TS Anh phân tích.    

Cũng theo TS Anh, điểm sáng đáng chú ý tiếp theo của kinh tế ĐBSCL trong năm 2020 và 2021 là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 nhưng lĩnh vực nông nghiệp vẫn tăng trưởng dương, mang lại thặng dư thương mại từ 7 - 9 tỷ USD mỗi năm.

Bất chấp dịch bệnh trong năm 2021, khu vực nông nghiệp của ĐBSCL vẫn tăng trưởng mạnh (3,4%), cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của cả nước. Trong khi đó, khu vực công nghiệp và dịch vụ - chiếm tới hơn 70% GRDP của vùng  nhưng đều tăng trưởng âm.

lua

Dành nhiều nguồn lực đất đai cho trồng lúa không giúp nông dân ĐBSCL giàu lên. Ảnh An Hòa

Không thể giàu lên từ lúa gạo

Theo phân tích của TS. Vũ Thành Tự Anh, Trưởng nhóm nghiên cứu Báo cáo kinh tế ĐBSCL năm 2022, trong 3 năm trở lại đây cơ cấu GRDP của ĐBSCL gần như không thay đổi vẫn phụ thuộc vào khu vực nông nghiệp. Khu vực xây dựng, công nghiệp, thương mại dịch vụ có tốc độ tăng trưởng thiếu ổn định và không bền vững.

Thách thức thứ nhất của vùng này là lĩnh vực được xem là thế mạnh đặc thù của vùng là sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do được giao sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, khu vực này phải dành phần lớn đất để trong lúa. Điều này sẽ giúp Việt Nam từ thiếu lương thực trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu, nhưng thực tế cho thấy xuất khẩu gạo hàng đầu vẫn không giúp Việt Nam trở nên thịnh vượng.

Thách thức thứ hai là tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn.Tỷ lệ lao động trong độ tuổi thiếu việc làm của khu vực ĐBSCL năm 2020 là 3,47%, cao gấp đôi so với khu vực thành thị và cao thứ hai toàn quốc, chỉ sau Tây Nguyên.

Nguyên nhân chính của tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn là do quá trình cơ giới hóa và chuyển đổi cơ cấu kinh tế khiến lao động trong khu vực nông nghiệp trở nên dôi dư, trong khi khu vực công nghiệp và dịch vụ phát triển chậm nên không hấp thụ hết. Bên cạnh đó, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do tác động của xâm nhập mặn, hạn hán, đô thị hóa… khiến nhiều lao động nông thôn không còn đất để canh tác, lâm vào tình trạng thất nghiệp, mất việc làm.

Thách thức thứ ba là các tác động từ thượng nguồn sông Mekong. Các công trình thủy điện thượng nguồn làm giảm đáng kể lượng phù sa, trầm tích, thủy sản cho lưu vực. Hệ quả là tình trạng đất đai bạc màu, sạt lở bờ sông, xâm nhập mặn ngày càng vào sâu nội địa. Cùng với tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp, khiến cuộc sống và sinh kế của nông dân vùng ĐBSCL vốn đã khó khăn còn trở nên khó khăn hơn.

Những thách thức trên đã làm tốc độ tăng trưởng GRDP của ĐBSCL thấp, chỉ đạt 5,31%/năm trong giai đoạn 2016 – 2020, thấp nhất trong bốn vùng kinh tế trọng điểm. ĐBSCL mặc dù giàu có về tài nguyên, phong phú về tiềm năng nhưng tiếp tục tụt hậu về mặt kinh tế.

"Trên thế giới chưa có quốc gia nào giàu lên từ trồng lúa, chừng nào chúng ta còn tự hào vì xuất khẩu gạo thứ hai, thứ ba thế giới, còn giao trách nhiệm đảm bảo an ninh lương lương thực thì người dân ở đây vẫn còn nghèo. Để ĐBSCL không tụt hậu thì khu vực này phải được đầu tư nhiều hơn, vùng này cần chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi số, chuyển đổi lao động vì hiện nay tốc độ già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh do làn sóng di cư đến các vùng kinh tế phát triển ngày một nhiều hơn", TS Anh đưa ra khuyến nghị.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ