Đầu tư ra nước ngoài tìm cơ hội mới

Đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam có dấu hiệu chững lại, nhưng đây dường như chỉ là quãng nghỉ để làm đà nhảy cho giai đoạn tiếp theo.
ANH TRUNG
09, Tháng 04, 2018 | 07:12

Đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam có dấu hiệu chững lại, nhưng đây dường như chỉ là quãng nghỉ để làm đà nhảy cho giai đoạn tiếp theo.

dau-tu-ra-nuoc-ngoai-tim-co-hoi-moi1520340749

 Từ 2 thị trường là Lào (Unitel) và Campuchia (Metfone), Viettel đã có mặt tại 11 thị trường nước ngoài.

Đóng góp tích cực

Bên cạnh sự sôi động của thu hút đầu tư nước ngoài, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam những năm qua cũng rất tích cực. Nhiều tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài vượt ngưỡng 1 tỷ USD như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty cổ phần Hoàng Anh - Gia Lai... Hoạt động này diễn ra trên nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung chủ yếu vào khai khoáng; nông lâm nghiệp; thông tin truyền thông; chế biến, chế tạo; bất động sản; tài chính - ngân hàng…

Trong tổng vốn đầu tư của các dự án đầu tư ra nước ngoài, có một phần đáng kể vốn được thực hiện thông qua việc mua sắm, sử dụng hàng hóa, máy móc, thiết bị, dịch vụ trong nước. Điều này góp phần làm tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. 

Tính đến nay, tổng số tiền chuyển về nước của các dự án đầu tư ra nước ngoài đã báo cáo là 1,52 tỷ USD, bằng 20,03% tổng vốn đầu tư đã thực hiện. Ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: “Nhiều dự án trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, viễn thông, thủy điện… có thời gian triển khai dài, nên trong vài năm đầu chưa có doanh thu và lỗ là bình thường. Khi dự án chính thức hoạt động, doanh thu mới phát sinh và lợi nhuận khi đó mới đến”.

Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư ra nước ngoài cũng giúp Việt Nam mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại nước ngoài và tránh những hàng rào bảo hộ thương mại của nước nhận đầu tư. Cụ thể, Vinamilk đã xây dựng các nhà máy sản xuất, chế biến sữa tại Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Campuchia...; Tổng công ty Lương thực Việt Nam đã có cơ sở phân phối hàng hóa Việt Nam tại Singapore, đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lương thực tại Campuchia để xuất khẩu sang thị trường châu Âu với thương hiệu Việt Nam...

Đặc biệt, hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã và đang từng bước thúc đẩy hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Việc doanh nghiệp mở rộng thị trường đã làm tăng quá trình hội nhập nền kinh tế thế giới, giúp Việt Nam có thêm nhiều mối quan hệ hợp tác với các nước thông qua các hiệp định được ký kết. 

Bên cạnh đó, nhờ có hoạt động đầu tư ra nước ngoài, Việt Nam sẽ hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật cho phù hợp với các điều luật quốc tế, qua đó thúc đẩy các nước khác tìm kiếm nhiều cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Bùng nổ - chỉ là vấn đề thời gian 

Có quan điểm cho rằng, trong điều kiện trong nước còn thiếu nguồn lực tài chính, phải tăng cường gọi vốn đầu tư nước ngoài, thì sao lại vội tính đến việc mang tiền ra nước ngoài đầu tư. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam cần chủ động mở cửa đầu tư ra nước ngoài nhằm bảo đảm tận dụng tối đa lợi thế từ bên ngoài cho phát triển kinh tế trong nước và đầu tư ra nước ngoài thành công sẽ giúp củng cố vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Đánh giá về hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đã vươn rộng hơn, xa hơn tới những địa bàn mới. Sau gần 30 năm, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam ngày càng đa dạng, thể hiện rõ nét qua thị trường, ngành đầu tư, quy mô, hình thức đầu tư, các loại hình kinh tế và doanh nghiệp tham gia đầu tư. 

Cho rằng, Việt Nam đang đi rất đúng hướng và phù hợp với lộ trình của thế giới, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) trong 10 năm trở lại đây, đầu tư nước ngoài của thế giới tăng từ 10% tới 34%. Việt Nam cũng tương tự, khi giờ đây, con số này tăng khoảng 30 lần so với 10 năm trước. 

Cũng theo ông Toàn, trước đây, doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn về pháp lý, thậm chí nhiều doanh nghiệp sang Lào, Campuchia phải đầu tư chui, nhưng giờ đã khác. “Chính sách đầu tư ra nước ngoài được luật hóa đã mở cánh cửa ra biển lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều lĩnh vực mới liên tục được các doanh nghiệp Việt Nam khai phá tại các thị trường mà trước đây không ai dám nghĩ là có thể đầu tư”, ông Toàn nhìn nhận.

Không chỉ nằm trong những con số khô khan tại báo cáo, thành công của Việt Nam từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài được thể hiện hết sức sinh động từ sự lớn mạnh của các doanh nghiệp Việt. Sau 10 năm đầu tư ra nước ngoài, Viettel đã có hơn 35 triệu thuê bao ở 11 thị trường nước ngoài và trở thành 1 trong 30 doanh nghiệp viễn thông có lượng khách hàng nhiều nhất trên thế giới. Nhiều ngân hàng Việt đầu tư ở Lào, Campuchia đã lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại nhiều nước khác, như BIDV tại Myanmar và Nga; Vietcombank tại Singapore và Hồng Kông; VietinBank hiện diện tại Đức, Pháp, Singapore, Myanmar… Tổ hợp sản xuất và chế biến sữa tươi sạch của Tập đoàn TH có tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ USD là dự án lớn nhất của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, chế biến sữa tại Nga. 

Trong giai đoạn tới, khi kinh tế tư nhân, khu vực kinh tế năng động nhất ngày càng lớn mạnh, sự hội nhập sâu rộng, chính sách ngày càng hoàn thiện, thì một làn sóng đầu tư ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội mới hoàn toàn có thể diễn ra…

Theo Báo Đầu tư

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24625.00 24945.00
EUR 26301.00 26407.00 27573.00
GBP 30639.00 30824.00 31774.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26849.00 26957.00 27794.00
JPY 159.52 160.16 167.58
AUD 15876.00 15940.00 16426
SGD 18054.00 18127.00 18664.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17893.00 17965.00 18495.00
NZD 0000000 14638.00 15128.00
KRW 0000000 17.58 19.18
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ