Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 tới đầu tư nước ngoài

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra ở một số quốc gia phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản, Singapore... Sức nóng của nó đang lan tới các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.
NGUYỄN VĂN TOÀN (Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài)
05, Tháng 03, 2018 | 07:00

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra ở một số quốc gia phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản, Singapore... Sức nóng của nó đang lan tới các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.

cach-mang-cong-nghiep-4.0

 Cuộc CMCN 4.0 sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực, các ngành kinh tế, các dân tộc, các quốc gia

CMCN 4.0 giống như một luồng gió mới nhưng với tốc độ của một cơn bão siêu cấp đem đến cho mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp, mỗi con người những cơ hội lớn lao có thể chưa từng có để có thể vươn lên, phát triển thậm chí hoán đổi vị trí trong bản đồ kinh tế thế giới.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng CMCN 4.0 sẽ làm cho kinh tế thế giới phát triển với tốc độ hàm số mũ chứ không phải theo hàm tuyến tính như hiện nay, mặc dù nhận định cảm tính này chưa được kiểm chứng song họ cũng có lý do cho sự lạc quan đó.

Song, CMCN 4.0 lại là một cơn bão khủng khiếp, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, không phải là cơn bão khu vực mà là một cơn bão toàn cầu, xóa đi nhiều ngành nghề, việc làm truyền thống, có thể đẩy hàng triệu người vào cảnh thất nghiệp, làm đảo lộn nhiều giá trị vốn đã được định hình từ nhiều năm trước, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong mỗi quốc gia cũng như gia tăng khoảng cách phát triển của các quốc gia trên thế giới, điều mà cộng đồng quốc tế, mà trung tâm là Liên Hợp Quốc và mỗi quốc gia trong đó có Việt Nam nhiều năm miệt mài phấn đấu để rút ngắn khoảng cách đó.

Những nhận định khái quát trên chỉ là giả định, dựa trên tư duy chưa được đổi mới, thực tiễn chưa được cập nhật đầy đủ, song dẫu sao cũng giúp chúng ta mường tượng ra con đường phía trước dù con đường đó chưa được hình thành và có hình hài cụ thể, chưa nói đến những rừng cây, trái ngọt hai bên con đường và những thác ghềnh, sông núi nó sẽ phải vượt qua.

Cơ hội có trở thành hiện thực không, thách thức có thể vượt qua hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức và hành động của chúng ta. Trong trường hợp này, câu nói nổi tiếng của nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn sẽ giúp chúng ta hình dung mạch lạc hơn “Trên thế gian này làm gì có đường, người đi nhiều thì thành đường mà thôi”.

Để tiếp cận dễ dàng hơn CMCN 4.0, hãy đi ngược thời gian để tìm hiểu ba cuộc CMCN trước đó và thành quả của chúng cho phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia và toàn cầu.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất bắt đầu từ cuối thế kỷ 18 ở nước Anh, với sự ra đời của máy hơi nước. Đầu máy hơi nước đã thúc đẩy ngành dệt và ngành đường sắt phát triển mạnh mẽ giúp cho giao thương phát triển vượt bậc, cũng trong thời kỳ này kỹ thuật luyện kim được cải thiện, nhu cầu sử dụng than cho động cơ hơi nước tăng cao đã kéo theo sự biến đổi toàn diện về kinh tế, kỹ thuật.

Động cơ hơi nước sử dụng nhiên liệu than và máy móc dẫn động bằng cơ khí đã giúp tăng năng suất lao động đột biến. Sự phát triển các máy công cụ trong hai thập niên đầu của thế kỷ 19 tạo thuận lợi cho lĩnh vực chế tạo máy, phục vụ những ngành sản xuất khác. Có thể nói gọn cuộc CMCN lần thứ nhất là cuộc cách mạng của máy hơi nước.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai bắt đầu vào khoảng 1850, khi các tiến bộ kỹ thuật có được nhờ phát triển tàu hơi nước, đường sắt, điểm nổi bật là động cơ đốt trong và máy móc sử dụng điện, những dây chuyền sản xuất công nghiệp được phát minh và phát triển, những nguồn năng lượng mới đa dạng, phong phú như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thủy triều, năng lượng nguyên tử được phát hiện..., những phát minh máy bay siêu âm, vệ tinh nhân tạo, tàu vũ trụ… là những dấu ấn nổi bật trong cuộc các mạng này. Những máy tính điện toán đầu tiên (ứng dụng cơ điện), hệ thống tự động hóa đầu tiên tuy còn sơ khai, song là tiền đề của cuộc CMCN lần thứ ba.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần ba với sự ra đời của tự động hóa sản xuất dựa vào máy tính, thiết bị điện tử. Sự phát minh Internet đã tạo nên một thế giới kết nối rộng lớn, các tiến bộ về hạ tầng điện tử, máy tính và số hoá phát triển mạnh mẽ hơn bởi sự phát triển của chất bán dẫn, siêu máy tính (thập niên 1960), máy tính cá nhân (thập niên 70 và 80) và Internet (thập niên 90).

Thế giới đang bước sang cuộc CMCN lần thứ tư, một cuộc cách mạng mà mọi thứ đều có thể thay đổi.

Theo Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới: “Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc cách mạng lần thứ 4 đang nảy sinh từ cuộc cách mạng lần thứ 3, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học”.

Còn nhớ, khi phát minh ra ba định luật về cơ học (còn gọi là định luật Newton), Newton nói rằng, “Tôi nhìn xa hơn mọi người vì tôi đứng trên vai người khổng lồ”. Và, CMCN 4.0 sẽ là sự kết hợp và phát triển lý tưởng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba và những tiến bộ của khoa học công nghệ trước nó, đưa lên những bước phát triển nhảy vọt không phải theo tốc độ tuyến tính như trước đây mà là tốc độ của hàm số mũ.

Cũng theo Klaus Schwab, CMCN 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Kỹ thuật số, Vật lý và Công nghệ sinh học. Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong CMCN 4.0 sẽ là trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Trên lĩnh vực vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano.

Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, là các nghiên cứu tạo ra bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Những nền tảng công nghệ sẽ kết hợp và được ứng dụng trong các lĩnh vực rộng lớn từ các ngành nghề khác nhau, sự kết hợp và tùy thuộc sẽ mạnh mẽ và sâu sắc hơn bao giờ hết.

Cuộc CMCN 4.0 sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực, các ngành kinh tế, các dân tộc, các quốc gia, chiều rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.

Mặt trái của CMCN 4.0 là có thể gây ra sự bất bình đẳng sâu sắc, sẽ phá vỡ nhiều ngành công nghiệp ở mọi quốc gia, từ đó phá vỡ thị trường lao động khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp, nhất là những người làm trong lĩnh vực bảo hiểm, môi giới bất động sản, tư vấn tài chính, vận tải...

Từ những bất ổn về kinh tế nảy sinh từ CMCN 4.0 có sẽ dẫn đến những bất ổn về xã hội ,và có thể dẫn đến những bất ổn về chính trị.

Những thay đổi về cách thức giao tiếp trên Internet làm cho thông tin, trong đó có thông tin cá nhân trở nên rất mong manh, đặt con người vào nhiều nguy hiểm về bảo mật thông tin, dẫn đến những hệ luỵ khôn lường. Nếu chính phủ các nước không hiểu rõ và chuẩn bị đầy đủ cho CMCN 4.0, nguy cơ xảy ra bất ổn trên toàn cầu là khả năng hiện hữu.

CMCN 4.0 mang đến cơ hội, và cũng đầy thách thức với nhân loại. Mọi quốc gia trong đó có Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi này. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, bên cạnh những khó khăn thách thức của quốc gia đi sau, chúng ta có những ưu thế, thuận lợi gì khi tham gia CMCN 4.0.

CMCN 4.0 có vẻ bình đẳng hơn cho các quốc gia đi sau so với các quốc gia phát triển. Cuộc CMCN lần thứ nhất với động cơ hơi nước không dành cho các nước không có nền công nghiệp luyện kim và nồi hơi áp suất, cuộc CMCN lần thứ hai không dành cho những quốc gia chưa có nền công nghiệp cơ khí và chế tạo tương đối phát triển, thì cuộc CMCN lần thứ tư có thể cho các nước đi sau những cơ hội đi tắt để tham gia và bứt phá.

Sau 30 năm hội nhập, những liên kết, hợp tác kinh tế song phương và đa phương của Việt Nam đã trở nên rộng lớn và sâu sắc là những điều kiện rất cần thiết và thuận lợi cho sự tham gia vào CMCN 4.0. Đầu tư nước ngoài nói chung và đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt Nam nói riêng, cũng như đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam vừa là phương thức vừa là kết quả của hội nhập tạo điều kiện thuận lợi cho CMCN 4.0.

Trong vài thập niên gần đây, Việt Nam là quốc gia có sự phát triển mạnh mẽ về viễn thông và công nghệ thông tin, đang đứng trong tốp đầu các quốc gia trong ASEAN, công nghệ thông tin đang được phổ cập tới người dân và ứng dụng trong mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế xã hội. Đó là một thuận lợi rất lớn về hạ tầng CMCN 4.0.

Về nguồn nhân lực, Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, nguồn nhân lực năng động và luôn khát khao đổi mới, có thể sẵn sàng tham gia theo đòi hỏi của CMCN 4.0. Hơn nữa, tỷ lệ lao động giản đơn so với tổng số lao động tại Việt Nam còn cao so với khu vực và thế giới, số lao động này có thời gian chuẩn bị dài hơn vì trong thời gian đầu CMCN 4.0 chưa cướp đi việc làm của họ như các lao động khác sẽ bị tác động mất việc làm nhanh hơn.

Phong trào khởi nghiệp sáng tạo đang được phát động và diễn ra mạnh mẽ là điều kiện thuận lợi cho CMCN 4.0

Và một yếu tố hết sức quan trọng mang tính định hướng và quyết định là vai trò của chính phủ kiến tạo và hành động. Nhà nước Việt Nam nhận thức cơ hội và thách thức của Việt Nam trong CMCN 4.0, đã và đang tuyên truyền cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân, xây dựng hành lang pháp lý, tao điều kiện thuận lợi tham gia CMCN 4.0.

Ngày 4/5/2017, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị 16 khẳng định cuộc CMCN 4.0 sẽ tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và chỉ đạo bộ máy của chính phủ, đặc biệt là các bộ ngành liên quan, từ nay đến năm 2020 phải tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, để tận dụng tối đa lợi thế tham gia cuộc cách mạng này.

Trong 3 thập niên qua, cùng với tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện và sâu sắc của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đã là một nhân tố quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. Kể từ ngày ban hành Luật đầu tư nước ngoài đầu tiên năm 1987, qua 5 lần bổ sung và sửa đổi, Luật Đầu tư năm 2014 đã tạo lập hành lang pháp lý khá hoàn thiện để điều chỉnh hoạt động đầu tư trong đó có ĐTNN vào Việt Nam theo phương châm chất lượng và hiệu quả.

Bên cạnh một số tồn tại đã được nhận diện và cần phải khắc phục như hiện tượng trốn thuế, chuyển giá, số doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, tranh chấp lao động, chuyển giao công nghệ, tính lan tỏa đối với doanh nghiệp trong nước, đóng góp cho phát triển nguồn nhân lực... còn nhiều hạn chế, chưa đạt kỳ vọng, vai trò và sự đóng góp của ĐTNN cho phát triển kinh tế xã hội trong những năm qua là không thể phủ nhận.

FDI đã đóng góp vốn cho đầu tư phát triển chiểm 20% vốn đầu tư xã hội, đóng góp 30 đến 35% cho tăng trưởng GDP. FDI nâng cao năng lực sản xuất cả về quy mô và công nghệ. FDI làm gia tăng, đóng góp 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam góp phần giảm đáng kể tình trạng nhập siêu của nền kinh tế. FDI góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong chuyên môn và quản lý. FDI góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tiến trình hội nhập phát triển. FDI còn gián tiếp kích thích và hỗ trợ kinh nghiệm cho đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.

Trong CMCN 4.0, có thể khai thác tối đa và tận dụng hiệu quả các lợi thế của ĐTNN trong giai đoạn chuyển đổi theo hướng chất lượng và hiệu quả của ĐTNN.

Trước hết cần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư theo hướng ưu tiên chất lượng công nghệ và hiệu quả kinh tế, tập trung vào các quốc gia, vùng lãnh thổ có công nghệ cao, công nghệ nguồn, có hệ thống pháp luật kinh tế tiên tiến. Cần tìm ra nguyên nhân ĐTNN từ EU, Mỹ chưa xứng tầm với quan hệ chính trị, văn hóa xã hội và thương mại với Việt Nam hiện nay, từ đó có các giải pháp về chính sách hợp lý và các chương trình súc tiến đầu tư hiệu quả.

Chính sách thu hút ĐTNN cần cải cách theo hướng ưu tiên cao nhất cho công nghệ cao, công nghệ nguồn và đặc biệt cho phát triển nguồn nhân lực hướng tới CMCN 4.0. Chúng ta không kỳ vọng FDI có thể dẫn dắt doanh nghiệp Việt tham gia CMCN 4.0, song những tấm gương và kinh nghiệm của các doanh nghiệp FDI tiên tiến sẽ có sự kích thích và lan tỏa cho các doanh nghiệp và cộng đồng sáng tạo tham gia vào cuộc cách mạng này.

Sứ mệnh và trách nhiệm lớn lao đang đặt ra cả hệ thống chính trị và toàn xã hội mà trước hết là Chính phủ, trong đó các bộ có vai trò then chốt là bộ KH&ĐT, Bộ KH&CN và Bộ GD&ĐT. Bộ KH&ĐT tham mưu cho chính phủ các chính sách thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài theo hướng tiếp cận CMCN 4.0. Bộ KH&CN với vai trò tham mưu định hướng chính sách cho khoa học công nghệ 4.0. Bộ GD&ĐT với trách nhiệm xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực đúng hướng, nguồn nhân lực chính là nhân tố quyết định cho sự tham gia thành công vào CMCN 4.0.

Với nhận thức đúng đắn và quyết tâm vào cuộc rất cao của Chính phủ, với niềm tin, sư đồng lòng, nỗ lực trong đổi mới sáng tạo của mỗi người dân và cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam sẽ sớm trở thành một quốc gia khởi nghiệp, vươn lên mạnh mẽ từ cuộc CMCN 4.0.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ