Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhìn từ Sabeco, BSR: Đừng để nhà đầu tư hụt hẫng

Nhàđầutư
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, việc ứng xử với thị trường, với nhà đầu tư, doanh nghiệp, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài cần phải xem lại.
HỒ MAI
04, Tháng 04, 2018 | 09:50

Nhàđầutư
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, việc ứng xử với thị trường, với nhà đầu tư, doanh nghiệp, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài cần phải xem lại.

Bia-Sai-Gon

Sau 3 tháng trở thành cổ đông lớn khi chi tới 110.000 tỷ đồng để mua 53,59% vốn điều lệ tại Sabeco, nhưng Thaibev vẫn chưa được trực tiếp tham gia Hội đồng quản trị và Ban điều hành tại Sabeco

Rắc rối sau cổ phần hóa Sabeco, BSR

Tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, ông chủ hãng đồ uống Thaibev, với đại diện là Công ty TNHH Vietnam Beverage (Vietbev) mới đây đã gửi thư tới lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, bày tỏ sự lo ngại về việc, cuối năm 2017, công ty này đã chi chi 110.000 tỷ đồng để mua 53,59% vốn điều lệ tại Sabeco nhưng tới nay, Thaibev chưa được trực tiếp tham gia Hội đồng quản trị và Ban điều hành Sabeco sau 3 tháng trở thành cổ đông lớn.

Theo Luật doanh nghiệp Việt Nam 2014, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty mới được quyền đề cử người vào HĐQT công ty. Như vậy, trường hợp của Thaibev phải đến ngày 29/6/2018 mới đủ điều kiện này.

Dù vậy, để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, Sabeco sẽ tiến hành đại hội cổ đông bất thường vào ngày 23/4/2018 tới đây và người của Vietbev sẽ được bầu bổ sung tại đại hội này.

Đề xuất của Thaibev về việc nhanh chóng có người đại diện của mình trong HĐQT và Ban điều hành Sabeco được cho là xuất phát từ thực tế cổ phiếu SAB của Sabeco đã lao dốc mạnh sau khi thực hiện thương vụ đấu giá đình đám cuối tháng 12/2017.

Thaibev đã mua cổ phiếu SAB tại mức giá 320.000 đồng/cổ phần, bằng đúng giá khởi điểm mà Bộ Công Thương đưa ra. Đến thời điểm hiện tại, SAB có giá 229.000 đồng/cổ phiếu, đồng nghĩa, ThaiBev đã tạm "lỗ" lên đến trên 31.000 tỷ đồng.

Không những thế, những thông tin bất lợi về chuyện Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu lợi nhuận với Sabeco, chắc chắn sẽ khiến nhà đầu tư Thái Lan cảm thấy hụt hẫng, không yên.

Theo kết quả kiểm toán, lợi nhuận sau phân phối tại ngày 31/12/2016 của Sabeco là hơn 2.800 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã phân phối tiếp gần 76 tỷ đồng lợi nhuận của năm 2016 vào quý I/2017.

Như vậy, trước khi thoái vốn Nhà nước và bán hơn 53% cổ phần cho tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi vào cuối 2017, lợi nhuận còn lại của Sabeco các năm từ 2016 trở về trước là hơn 2.700 tỷ đồng. 

Căn cứ vào tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại Sabeco cuối năm 2016 là 89,59%, cơ quan kiểm toán kiến nghị doanh nghiệp này phải nộp ngân sách gần 2.500 tỷ đồng lợi nhuận còn lại từ năm 2016 trở về trước.

Trao đổi với Nhadautu.vn, Luật sư Bùi Quang Tín, Đoàn Luật sư TP.HCM, giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết, về lý thuyết, phần lợi nhuận hơn 2.700 tỷ đồng chưa được phân phối của Sabeco từ năm 2016 trở về trước sẽ được tính vào giá trị doanh nghiệp trước khi thoái vốn nhà nước và bán hơn 53% cổ phần cho tỷ phú Thái Lan vào tháng 12/2017.  

Cũng theo Luật sư Bùi Quang Tín, trong trường hợp, số lợi nhuận này cuối năm 2016 không chia mà bây giờ mới chia thì giá trị cổ phần sẽ giảm xuống và trường hợp giảm xuống thì trách nhiệm xử lý đối với đối tác Thái Lan đã mua như thế nào.

Ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán quản trị công chứng Australia (CMA Australia) tại Việt Nam cũng cho rằng, việc chốt quyền hưởng cổ tức mang tính thời điểm, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu trong thời điểm còn được hưởng quyền thì sẽ được nhận cổ tức khi đại hội cổ đông phê duyệt cổ tức. Cổ đông nhà nước đã không thực hiện quyền yêu cầu trả cổ tức của mình khi còn nắm giữ cổ phiếu, giờ không còn quyền biểu quyết nữa.

Không chỉ Sabeco, báo cáo kết quả kinh doanh 2017 công bố mới đây của Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) cho biết, công ty ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ ở mức 81.214,7 tỷ đồng; lãi ròng năm 2017 đạt 7.712 tỷ đồng.

Kết quả của BSR giảm mạnh so với thông báo trước đó của công ty. Tại buổi làm việc với Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) vào cuối tháng 1/2018, BSR từng thông báo doanh thu sản phẩm 82.027 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 8.663 tỷ đồng. Như vậy, so với số liệu trong báo cáo kết quả kinh doanh, doanh thu sản phẩm và lợi nhuận của BSR đã sụt giảm lần lượt 187 tỷ đồng và 950 tỷ đồng.

Ngày 17/1/2018, BSR đã thực hiện phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Đây là đợt IPO được nhiều chờ đợi nhất trong những ngày đầu năm 2018 với 242 triệu cổ phần được đưa ra chào bán, chiếm 7,79% vốn điều lệ (vốn điều lệ 31.000 tỷ đồng). Mức giá khởi điểm đấu giá là 14.600 đồng/cổ phần.

Toàn bộ cổ phần BSR trong đợt IPO đã được bán hết với mức giá thấp nhất 20.800 đồng/cổ phần, cao hơn mức giá khởi điểm lên đến 42,5%. Mức giá bình quân lên đến 23.043 đồng/cổ phần, cao hơn 57,8% giá khởi điểm. Tổng giá trị cổ phần bán được lên tới 5.566 tỷ đồng, cao gấp rưỡi so với dự kiến.

Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn là đơn vị duy nhất vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất - nhà máy lọc dầu đầu tiên tại Việt Nam.

Cổ đông tin vào đâu? 

Nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết, Sabeco đã chính thức có công văn kiến nghị gửi Kiểm toán Nhà nước xem xét lại kết quả kiểm toán do cơ quan này ban hành ngày 8/2 vừa qua.

Theo Sabeco, sau khi bán 53,59% vốn cho Vietbev, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Sabeco ở thời điểm 28/12/2017 chỉ còn 36,0024%. Do vậy, việc phân chia hết lợi nhuận đến ngày 31/12 cho cổ đông nhà nước với tỷ lệ 89,59% theo kết luận của kiểm toán là "là không có cơ sở thực hiện". Sabeco còn nói thêm rằng việc phân phối lợi nhuận thuộc quyền của đại hội đồng cổ đông theo quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này với Nhadautu.vn, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật BASICO - cho rằng, cổ phần hóa được xem xét, rà soát vô cùng kỹ lưỡng, kỹ hơn cả quyết toán. Với trường hợp của Sabeco, theo ông Đức, đã chấp nhận khoản lợi nhuận nói trên trong quỹ để cổ phần hóa, để tính toán giá cả đã đấu giá thành công, tính vào giá cổ phiếu rồi thì phải tiếp tục duy trì.

"Bây giờ thay đổi như vậy còn ai tin vào luật lệ, vào những nguyên tắc tối thiểu của luật chơi thị trường, không chỉ nhà đầu tư trong nước mà nhà đầu tư nước ngoài?", Luật sư Trương Thanh đặt vấn đề.

Ông Đức cũng nói thêm: "Điều đó thể hiện sự thiếu trách nhiệm, yếu kém, tùy tiện của các cơ quan liên quan. Ứng xử với thị trường, với nhà đầu tư, doanh nghiệp, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, cần phải xem lại".

Với trường hợp Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) công bố lợi nhuận giảm 950 tỷ đồng so với trước thời điểm IPO, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng phải có hai giải pháp. Thứ nhất là hủy kết quả đấu giá vì sai nghiêm trọng về thông tin. "Xét về Luật Dân sự, đó là sai về quảng cáo, chào hàng, giới thiệu hàng hóa và phải làm lại", ông Đức nói.

Thứ hai, nếu không làm lại thì phải truy lùi vào giá trị cổ phiếu. Chẳng hạn giá trị cổ phiếu là 10.000 đồng/cổ phiếu, mà phần lợi nhuận sai lệch chiếm 90% thì Nhà nước phải giảm đi 9.000 đồng/cổ phiếu.

"Chúng ta phải làm theo nguyên lý, công bằng, lẽ phải", Luật sư Trương Thanh Đức nói.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ