Chiến lược thu hút FDI: Cần tập trung vào các nhà đầu tư đến từ Mỹ và EU

Nhàđầutư
“Tôi vẫn chưa tìm ra được lời giải thích đích đáng cho câu hỏi tại sao Mỹ và EU chưa đầu tư đáng kể vào Việt Nam. Cái mà sắp tới chúng ta cần giải quyết không phải là bài toán Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc mà Mỹ và EU", GS. TSKH Nguyễn Mại nói về chiến lược thu hút FDI giai đoạn tới.
HỒ MAI
15, Tháng 11, 2017 | 07:02

Nhàđầutư
“Tôi vẫn chưa tìm ra được lời giải thích đích đáng cho câu hỏi tại sao Mỹ và EU chưa đầu tư đáng kể vào Việt Nam. Cái mà sắp tới chúng ta cần giải quyết không phải là bài toán Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc mà Mỹ và EU", GS. TSKH Nguyễn Mại nói về chiến lược thu hút FDI giai đoạn tới.

FDI-My

Chiến lược FDI cần đặt ra vấn đề thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư đến từ Mỹ và EU 

Thu hút FDI "thế hệ mới"

Trong khuôn khổ các hoạt động tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã xây dựng Dự thảo Chiến lược FDI giai đoạn 2018-2023.

Theo Dự thảo, ở giai đoạn phát triển hiện nay của Việt Nam, mấu chốt là tập trung vào những ngành Việt Nam có thế mạnh, nhà đầu tư có lựa chọn về địa điểm và những ngành công ty nước ngoài mang lại các lợi thế mà công ty trong nước không có được.

Dự thảo đưa ra các ngành ưu tiên thu hút FDI trước mắt, cần thiết cho gia tăng giá trị và năng lực cạnh tranh trong nước, bao gồm sản xuất (kim loại bậc cao/khoáng chất/hóa chất/nhựa và linh kiện điện tử/công nghệ cao; máy và thiết bị công nghiệp); dịch vụ (hậu cần và MRO); nông nghiệp (sản phẩm nông nghiệp sáng tạo, giá trị cao như gạo, cà phê, hải sản...); du lịch (dịch vụ du lịch giá trị cao).

Trong ngắn hạn, ưu tiên các ngành có cơ hội hẹp để cạnh tranh như sản xuất (nhà sản xuất thiết bị gốc và nhà cung cấp thiết bị vận tải và ô tô; công nghệ môi trường (thiết bị bảo tồn nước, mặt trời, gió,…).

Trong trung hạn, ưu tiên các ngành đi đôi với mở cửa và phát triển kỹ năng bao gồm sản xuất chế tạo (dược phẩm và thiết bị y tế); dịch vụ (dịch vụ giáo dục và y tế; dịch vụ tài chính, công nghệ tài chính (Fintech); dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ trí thức (kế toán, thiết kế,…)

Dự thảo này cũng đưa ra đề xuất cần có một “thể chế thế hệ mới” tăng cường hiệu quả của Cục Đầu tư Nước ngoài (FIA). Theo đó, cần có sự dịch chuyển rõ ràng từ cơ quan quản lý/xúc tiến sang cơ quan xúc tiến chuyên trách.

Theo định nghĩa chặt chẽ nhất, “xúc tiến” có nghĩa là “tích cực khuyến khích” các nhà đầu tư mà đất nước cần, tuy nhiên chưa có cơ quan nào đóng vai trò thu hút đầu tư ở Việt Nam thực sự làm việc này.

Các nhà làm dự thảo chiến lược cũng cho rằng, cần cải thiện hành lang chính sách, giúp thu hút và giữ chân đầu tư giá trị cao. Cụ thể, cần thay đổi tư duy cạnh tranh bằng chi phí thấp, cần có khuôn khổ ưu đãi đa sắc thái hơn, bao gồm cơ chế ưu đãi dựa trên hiệu quả để đạt được mục tiêu FDI thế hệ mới; tháo bỏ rào cản gia nhập thị trường, chuyển từ quan liêu giấy tờ “dấu đỏ” sang “trải thảm đỏ”. Nền tảng pháp lý ưu việt truyền cảm hứng cho nhà đầu tư tin trưởng và cam kết đầu tư lâu dài.

Về nguồn cung kỹ năng, theo Dự thảo, cần có khẩn trương trong việc xây dựng một bản quy hoạch tổng thể về phát triển kỹ năng quốc gia, tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp đi đầu trong khu vực tư nhân tham gia vào hệ thống đào tạo nghề ở Việt Nam; FIA mới cần dẫn dắt và/hoặc tham gia các nỗ lực nghiên cứu nhu cầu tương lai đối với các kỹ năng như IT, kỹ thuật, quản lý,…

Những bài toán cần giải

Cho ý kiến về Dự thảo này, GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) đánh giá, đây là một trong những công trình góp phần quan trọng vào việc đánh giá, xác định định hướng đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Để bản nghiên cứu hoàn thiện hơn, GS Nguyễn Mại đã đưa ra một số góp ý.

Thứ nhất, theo GS Nguyễn Mại, đầu tư nước ngoài không thể tách rời chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong từng giai đoạn của một quốc gia. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm từ 2011-2020. GS Nguyễn Mại cho rằng, khoảng thời gian 5 năm (2018-2023) là quá ngắn cho một chiến lược. Vì vậy, nên điều chỉnh thời gian chiến lược FDI giai đoạn 2018-2023 để phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của đất nước. 

Thứ hai, Chủ tịch VAFIE kiến nghị, cần chọn thời điểm cuối năm 2017 để đánh giá vị thế của Việt Nam ở đâu trong đầu tư nước ngoài.

"Đến năm 2016, người ta thấy Việt Nam nổi lên như một quốc gia trong thu hút đầu tư nước ngoài, ít nhất trong khu vực ASEAN cùng với Indonesia. Cũng từ năm 2016, đã xuất hiện làn sóng các doanh nghiệp rút khỏi Trung Quốc để tìm đến Việt Nam và Indonesia. Vì vậy, chiến lược cần gắn thu hút FDI với môi trường quốc tế. Đầu tư không thể tách khỏi năng lực cạnh tranh của quốc gia và Việt Nam đang có sức hấp dẫn lớn trước các nước khác trong năm 2017", Chủ tịch VAFIE nói.

Thứ ba, theo GS Mại, chiến lược FDI cần đặt ra vấn đề thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư đến từ Mỹ và EU. 

“Tôi vẫn chưa tìm ra được lời giải thích đích đáng cho câu hỏi tại sao Mỹ và EU chưa đầu tư đáng kể vào Việt Nam. Cái mà sắp tới chúng ta cần giải quyết không phải là bài toán Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc mà là Mỹ và EU. Làm thế nào để kéo thêm nhiều nhà đầu tư EU và Mỹ là câu chuyện sắp tới. Nếu không giải quyết được thì câu chuyện đầu tư vào Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào các nước châu Á”, GS Nguyễn Mại nói.

Thứ tư, chiến lược cần đặt ra vấn đề đẩy mạnh đầu tư nước ngoài hơn nữa vào các tỉnh thành khó khăn. Mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều ưu đãi nhưng rất ít nhà đầu tư đến với những tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên.

"Chúng ta không kỳ vọng 63 tỉnh thành phố đều nhờ đầu tư nước ngoài mà đi lên, nhưng chúng ta hy vọng chính sách của Chính phủ thông qua thị trường để phân phối lại nguồn lực của xã hội, để không tạo khoảng cách quá lớn giữa các trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài với các tỉnh thành đang khó khăn", Chủ tịch VAFIE đề xuất.

Thứ năm, chiến lược cần nêu rõ tên của "thế hệ mới" về đầu tư nước ngoài. Theo GS Nguyễn Mại, chiến lược FDI không thể không nói đến Công nghiệp 4.0 khi các quốc gia đều bắt đầu cuộc đua này và Việt Nam "không thể đứng ngoài". Nếu biết lựa chọn những phân khúc phù hợp, Việt Nam có thể làm được cùng với thế giới.

Còn theo ý kiến góp ý từ TS. Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, việc lựa chọn Cục Đầu tư nước ngoài là đơn vị trong nghiên cứu, xây dựng Chiến lược FDI giai đoạn 2018-2023 "đúng nhưng chưa thật trúng".

Theo TS. Phan Hữu Thắng, nhiều chức năng Cục Đầu tư nước ngoài chỉ là đơn vị phối hợp, chủ trì thực hiện các chức năng này trong thực tế lại chuyển sang các đơn vị khác trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI).

Cụ thể, xây dựng cơ chế chính sách về đầu tư nước ngoài thuộc trách nhiệm chính của Vụ Pháp chế; thực hiện tiếp nhận hồ sơ, thẩm tra các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ thuộc Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư; các vấn đề phát sinh về khu công nghiệp, khu kinh tế thuộc chức năng của Vụ Quản lý các khu kinh tế... Do đó, theo ông Thắng, việc xây dựng chiến lược này cần có sự tham vấn của các đơn vị nêu trên trong nội bộ MPI.

TS. Phan Hữu Thắng cũng lưu ý, chiến lược thu hút FDI thế hệ mới cần phải bổ sung nghiên cứu đề xuất các chính sách liên quan đến 3 đặc khu kinh tế Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong vì xu hướng là 3 đặc khu này sẽ được thông qua trong năm tới.

Cũng cho ý kiến về Dự thảo Chiến lược FDI giai đoạn 2018-2023, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư cho rằng, chiến lược cần phân tích rõ hơn FDI trong bối cảnh hiệp định mới của TPP là Hiệp định CPTPP.

Đặc biệt, theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, trong danh mục các lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong Dự thảo thiếu vắng lĩnh vực mà Việt Nam đang rất cần đó là kết cấu cơ sở hạ tầng - lĩnh vực đòi hỏi đầu tư rất lớn mà năng lực trong nước không đáp ứng được.

"Hiện nay, không có một dự án FDI nào vào BOT trong lĩnh vực giao thông vận tải. Các dự án như sân bay Long Thành và đường cao tốc Bắc Nam đều cần nguồn vốn khổng lồ. Việt Nam cần có biện pháp thu hút tư nhân nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này. Đây là lĩnh vực đang rất cần cả vốn và công nghệ", TS. Nguyễn Anh Tuấn kiến nghị.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25030.00 25048.00 25348.00
EUR 26214.00 26319.00 27471.00
GBP 30655.00 30840.00 31767.00
HKD 3156.00 3169.00 3269.00
CHF 27071.00 27180.00 27992.00
JPY 159.45 160.09 167.24
AUD 15862.00 15926.00 16400.00
SGD 18109.00 18182.00 18699.00
THB 667.00 670.00 696.00
CAD 17920.00 17992.00 18500.00
NZD   14570.00 15049.00
KRW   17.26 18.81
DKK   3520.00 3646.00
SEK   2265.00 2349.00
NOK   2255.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ