Chính sách không đột phá so với thế giới, đặc khu kinh tế Việt Nam liệu có hấp dẫn?

Nhàđầutư
Trong khi nhiều quốc gia thế giới vẫn đang tiếp tục thành lập các mô hình đặc khu kinh tế với nhiều chính sách mới, đột phá thì khái niệm “đặc khu kinh tế” ở Việt Nam sau 20 năm đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thành hình.
HỒ MAI
07, Tháng 11, 2017 | 12:51

Nhàđầutư
Trong khi nhiều quốc gia thế giới vẫn đang tiếp tục thành lập các mô hình đặc khu kinh tế với nhiều chính sách mới, đột phá thì khái niệm “đặc khu kinh tế” ở Việt Nam sau 20 năm đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thành hình.

Không phải đến bây giờ, mô hình đặc khu kinh tế mới được nhắc tới tại Việt Nam. Năm 1979, đặc khu kinh tế Vũng Tàu - Côn Đảo được thành lập nhưng sau đó đã bị giải thể vào năm 1991. Chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế sau đó cũng đã được đưa vào Hiến pháp năm 1992, được nêu lại trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII năm 1994. Dù đã hơn 20 năm trôi qua, nhưng đến thời điểm hiện tại khái niệm này đến nay vẫn chưa thành hình.

Trong khi đó, cùng thời gian này, các nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia châu Á, đã liên tục thử nghiệm những mô hình “đặc khu kinh tế”, “đặc khu hành chính”, “thành phố tự do”, “thành phố công nghiệp – công nghệ cao thông minh”… với cơ chế, chính sách mở, thông thoáng và ưu đãi được áp dụng và phát triển thành công. Đặc khu kinh tế Thâm Quyến, Thượng Hải (Trung Quốc), Dubai (UAE), Khu kinh tế tự do Incheon, Thành phố quốc tế tự do Jeju (Hàn Quốc)… là những ví dụ điển hình cho sự thành công của các mô hình này.

“Nhiều vấn đề của Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ còn bàn cãi không giới hạn”, là nhận xét được TS. Dương Đăng Huệ đưa ra tại Hội thảo “Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt” được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hồi tháng 9.

Dự kiến, Dự thảo Luật Đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 5, tức là năm 2018.

Nhìn từ ‘phép màu Thâm Quyến’

Ghi dấu ấn ngoạn mục cho sự “tăng trưởng thần kỳ” của Trung Quốc vào những năm 80 thế kỷ 20 là Thâm Quyến - đặc khu kinh tế được xem như hình mẫu cho đột phá thể chế, kiến tạo sự thịnh vượng và biểu tượng của Trung Quốc thời kỳ mở cửa. 

Thâm Quyến (Trung Quốc) nổi tiếng với khẩu hiệu “mỗi ngày xây một cao ốc, ba ngày làm một đại lộ”. Điều ấn tượng nhất ở Thâm Quyến chính là những văn phòng 24h: từ 8h-18h ban ngày để buôn bán với các nước đông bán cầu, từ 18h đến 6h sáng hôm sau để xuất nhập khẩu với các nước Tây bán cầu như Mỹ, Canada, và các nước Mỹ La tinh. Năm 2016, GDP của thành phố này đạt 294 tỷ USD, nhiều hơn cả Bồ Đào Nha hay Ireland.

tham quyen

Thâm Quyến nổi tiếng với khẩu hiệu “mỗi ngày xây một cao ốc, ba ngày làm một đại lộ”. 

Năm 1979, khi Trung Quốc cải cách kinh tế, mở cửa đón dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhà lãnh đạo khi đó là ông Đặng Tiểu Bình đã chọn Thâm Quyến - một ngôi làng nghèo xác xơ của vùng đồng bằng sông Châu Giang nằm ngay bên cạnh Hồng Kông - làm điểm xuất phát.

Là đặc khu kinh tế đầu tiên, Thâm Quyến luôn là nơi đầu tiên ở Trung Quốc áp dụng những thử nghiệm về cải cách kinh tế hay nói cách khác đây chính là một “phòng thí nghiệm” khổng lồ cho quá trình chuyển đổi từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang thân thiện hơn với cơ chế thị trường.

Thâm Quyến là nơi đầu tiên áp dụng chính sách đất đai theo nguyên tắc thị trường, đổi đất xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích đầu tư (cả đầu tư nước ngoài) trong một số lĩnh vực nhạy cảm như dịch vụ vận tải biển.

Thâm Quyến cũng áp dụng các chính sách để phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao. Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này sẽ được hưởng ưu đãi 2 năm không phải đóng thuế thu nhập, giảm 50% cho 8 năm tiếp theo.

Các doanh nghiệp mới cũng được giảm 50% tiền đất. Ngoài ra thành phố còn trợ cấp 5 triệu nhân dân tệ cho mỗi trung tâm nghiên cứu bằng tiền của trung ương và 3 triệu nhân dân tệ bằng tiền của thành phố; xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) và các “vườn ươm khởi nghiệp”.

Thâm Quyến đã thông qua thị trường chứng khoán của riêng mình giúp các doanh nghiệp nội địa có thể thúc đẩy nâng cấp ngành nghề. Hiện đây là sàn chứng khoán lớn thứ 3 khu vực châu Á.

Việt Nam có gì đột phá?

Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Vân Đồn (Quảng Ninh) được chọn là nơi sẽ xây những “phòng thí nghiệm” đầu tiên mang tên “đặc khu kinh tế” tại Việt Nam, nếu Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được thông qua.

van don

Đặc khu kinh tê Vân Đồn được đề xuất ưu tiên phát triển công nghệ cao, du lịch, hậu cần. 

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trình Quốc hội cho ý kiến lần này gồm 6 chương với 104 điều.

Dự thảo Luật này sẽ thu hẹp ngành, nghề có điều kiện (từ 243 xuống còn 108 ngành, nghề); gỡ bỏ những hạn chế, phân biệt đối xử đối với nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề ưu tiên phát triển của đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Dự thảo Luật cũng đề xuất cho phép kéo dài thời hạn sử dụng đất tối đa đến 99 năm đối với các dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển y tế, giáo dục, dự án đầu tư thuộc ngành nghề ưu tiên phát triển của các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và dự án đầu tư của nhà đầu tư chiến lược.

Một số chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, tiền thuê đất chung tại 3 đặc khu như: hưởng thuế suất 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế, áp dụng đối với các dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D), y tế, giáo dục, dự án đầu tư thuộc các ngành nghề ưu tiên phát triển của từng đặc khu và dự án của nhà đầu tư chiến lược.

Nhận xét về chính sách ưu đãi trong các đặc khu kinh tế, GS.TS. Đặng Hùng Võ cho rằng, Dự thảo mới cập nhật được những kiến nghị sửa đổi hệ thống pháp luật hiện hành, chứ chưa tạo được bước đột phá. “Như việc đưa ra trong Dự thảo luật áp dụng chính sách hành chính một cửa, hiện nay Chính phủ đang triển khai rồi, nên đề xuất như vậy là chưa có gì mới”, GS. Đặng Hùng Võ nói.

Ông Võ gợi ý, muốn đột phá, cần mạnh dạn đưa ra thủ tục hành chính điện tử một cửa, thậm chí với công nghệ 4.0 là “không cửa” thì mới tạo ra những bước vượt lên đáng kể so với thủ tục hành chính hiện nay. Còn đối với chính sách đất đai, theo vị chuyên gia này, cần tiếp cận theo hướng thị trường sẽ phù hợp với thông lệ quốc tế hơn.

Dưới một góc độ khác, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành nhận định, trước khi xây dựng đặc khu kinh tế xem xét cách tiếp cận, “xem chúng ta muốn gì ở đặc khu này, là một nơi lan tỏa công nghệ, kỹ năng, xây dựng mô hình thể chế để học tập hay để kiểm tiền, hay là tất cả?”. Ông Thành cho rằng cần phải các định rõ và không nên “ôm đồm” tất cả.

TS Thành cho rằng xây dựng cơ chế cho đặc khu cần cái nhìn rộng hơn, thoáng hơn để cạnh tranh với quốc tế. Bởi mô hình đặc khu kinh tế hiện nay không còn mới trên thế giới, có thể nó mới đối với Việt Nam nhưng các chính sách cho đặc khu cần vượt ra ngoài các ưu đãi thông thường trong các dự án luật của Việt Nam, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Lấy ví dụ, ông Thành dẫn việc Trung Quốc xây dựng đặc khu Thượng Hải, Thâm Quyến rất thành công nhưng hiện Trung Quốc vẫn tiếp tục xây thêm nhiều đặc khu con trong các đặc khu, để thí điểm các cơ chế tài chính - ngân hàng, tiền tệ và công nghệ mới.

“Chính sách về đặc khu, các nước đã phát triển mô hình này trong nhiều năm vẫn đang thí điểm nhiều cơ chế mới nên chúng ta không thể né được các cơ chế mở. Chúng ta nên chấp nhận các trò chơi mới, cách chơi mới về thanh toán, tiền tệ nhưng ở mức có thể kiểm soát được”, ông Thành đề xuất.

Trong khi Việt Nam đang thảo luận dự thảo luật này thì tại Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đang cho xây dựng những mô hình đặc khu thế hệ tiếp theo. Tiền Hải, “Khu vực hợp tác thương mại công nghiệp hiện đại” nằm trong Thẩm Quyến, nôm na là "đặc khu trong lòng đặc khu" đang được xây dựng.

Từ lúc thành lập đến nay, Tiền Hải thu hút 48 tỷ USD vốn đầu tư, với 200 trong số 500 công ty lớn nhất thế giới cập bến.

Ả rập Xê út mới đây cũng vừa công bố kế hoạch xây dựng một đặc khu kinh tế mới bên bờ Biển Đỏ trị giá lên đến 500 tỷ USD, nhằm dần tránh lệ thuộc vào tài nguyên dầu mỏ. Theo quảng bá, siêu thành phố này sẽ hoàn toàn sử dụng năng lượng sạch và “không có chỗ cho bất cứ điều gì cổ hủ, lạc hậu”.

Cũng tại sự kiện công bố dự án xây dựng siêu thành phố 500 tỷ USD, chính quyền Ả Rập Xê út khiến cả thế giới kinh ngạc khi cấp quyền công dân cho robot tên là Sophia, không lâu sau khi Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ trí tuệ nhân tạo. Sophia là robot đầu tiên trên thế giới được cấp quyền công dân.

Báo Mỹ đánh giá những bước đi của Ả Rập Xê út nhằm phát triển năng lượng bền vững, năng lượng mặt trời; phát triển bền vững và đầu tư trong lĩnh vực robot cũng như trí tuệ nhân tạo, là một thông điệp gửi tới các nhà đầu tư, doanh nhân, trong và ngoài nước, rằng: "Ả rập Xê út đã trở thành một nơi mở cửa cho đầu tư ngay bây giờ”.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25030.00 25048.00 25348.00
EUR 26214.00 26319.00 27471.00
GBP 30655.00 30840.00 31767.00
HKD 3156.00 3169.00 3269.00
CHF 27071.00 27180.00 27992.00
JPY 159.45 160.09 167.24
AUD 15862.00 15926.00 16400.00
SGD 18109.00 18182.00 18699.00
THB 667.00 670.00 696.00
CAD 17920.00 17992.00 18500.00
NZD   14570.00 15049.00
KRW   17.26 18.81
DKK   3520.00 3646.00
SEK   2265.00 2349.00
NOK   2255.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ