Bà Rịa - Vũng Tàu kiên trì định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với bảo vệ môi trường

"Bà Rịa - Vũng Tàu có 15 khu công nghiệp, diện tích khoảng 8.500 ha, tổng số dự án còn hiệu lực là 533 dự án với vốn đầu tư đăng ký là 21,441 tỷ USD và tỉnh cũng kiên trì định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với bảo vệ môi trường", ông Nguyễn Anh Triết cho hay.
VŨ PHẠM
02, Tháng 09, 2022 | 13:00

"Bà Rịa - Vũng Tàu có 15 khu công nghiệp, diện tích khoảng 8.500 ha, tổng số dự án còn hiệu lực là 533 dự án với vốn đầu tư đăng ký là 21,441 tỷ USD và tỉnh cũng kiên trì định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với bảo vệ môi trường", ông Nguyễn Anh Triết cho hay.

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nền kinh tế Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay đã phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,42%, kinh tế vĩ mô ổn định, hoạt động FDI và xuất khẩu tiếp tục khởi sắc.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và một số tổ chức quốc tế, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để thu hút một làn sóng đầu tư mới từ nước ngoài, nhất là đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN).

Nhadautu.vn đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để có góc nhìn rõ hơn về tình hình thu hút đầu tư, định hướng phát triển cũng như những khó khăn, thách thức đặt ra trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch.

ong-nguyen-anh-triet

Ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Nhadautu.vn

Xin ông cho biết, tình hình thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang diễn ra như thế nào?

Ông Nguyễn Anh Triết: Trong gần 30 năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện có hiệu quả tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thành tựu này có sự đóng góp không nhỏ từ sự phát triển của các KCN trên địa bàn tỉnh. Có thể nói, sự ra đời của các KCN là giải pháp quan trọng để huy động vốn đầu tư, tạo nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động.

Kể từ khi KCN đầu tiên trên địa bàn tỉnh được thành lập vào năm 1996 - KCN Đông Xuyên, đến nay toàn tỉnh có 15 KCN với tổng diện tích khoảng 8.500 ha.

Tổng số dự án đầu tư được cấp phép còn hiệu lực tại 15 KCN là 533 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 21,441 tỷ USD. Trong đó, đầu tư trong nước: 264 dự án, vốn đầu tư 131.334 tỷ đồng và 1,018 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài: 269 dự án, vốn đầu tư là 12,214 tỷ USD. Tổng diện tích đất đã cho thuê là 3.302 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy là 56,39% trên tổng số KCN và 67,03% trên số KCN đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng (13 KCN).

Khởi đầu cho những thành công về thu hút đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu là từ KCN Phú Mỹ I, nơi triển khai chương trình khí - điện - đạm của Chính Phủ. Chính thành công trong thu hút đầu tư tại KCN này đã tạo sự lan tỏa dẫn tới thành công trong thu hút đầu tư của các KCN khác trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, có khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các KCN của tỉnh. Trong đó, Nhật Bản là nhà đầu tư có số vốn đăng ký lớn nhất; Hàn Quốc đứng thứ hai; tiếp theo là Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Pháp, British Virgin Island, Hà Lan…

Nhiều tập đoàn lớn và các công ty có thương hiệu lớn đã chọn Bà Rịa - Vũng Tàu là địa điểm đầu tư như: Tập đoàn thép Posco, CS Wind, Tập đoàn Interflour, China steel, Formosa, Vina halla, Vinakyoei, Lock & Lock, Nippon, Marubeni, Hyosung, Austal, CJ Cheiljedang, Sojitz, Nitori, Ashley Furniture, Tổng Công ty Sonadezi, Công ty TNHH Hải Linh, Tập đoàn Thép Pomina, Tổng Công ty Viglacera, Tập đoàn Hoa Sen…

Bà Rịa - Vũng Tàu sở hữu nhiều lợi thế về vị trí, hạ tầng đồng bộ gồm cả đường bộ, cảng biển, chuỗi cung ứng... Vậy, Ban quản lý KCN và tỉnh đã có những cơ chế, chính sách ra sao nhằm thu hút các nhà đầu tư?

Ông Nguyễn Anh Triết: Ngoài việc tổ chức, triển khai thực hiện công tác thu hút đầu tư theo quy định pháp luật, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài quốc gia, các chiến lược của quốc gia, tính chất ngành nghề thu hút khu công nghiệp, Ban quản lý các KCN còn thu hút đầu tư theo mục tiêu phát triển, lợi thế và các chính sách phát triển công nghiệp của tỉnh.

Kể từ tháng 9/2014, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiên trì định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với bảo vệ môi trường, phát huy triệt để các tiềm năng và lợi thế của địa phương để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Để hiện thực hóa định hướng lớn trên, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành nhiều nhiệm vụ, giải pháp để phát triển công nghiệp như: Ban hành tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư và danh mục các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, thu hút đầu tư có điều kiện và tạm dừng thu hút đầu tư; ban hành danh mục các sản phẩm công nghiệp ưu tiên thu hút đầu tư; phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics.

Ưu tiên thu hút các dự án lớn, các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, tập trung thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ; hình thành các trung tâm logistics; xây dựng hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải trở thành hệ thống cảng trung chuyển của khu vực và quốc tế; đầu tư hệ thống đường giao thông kết nối trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các tuyến đường kết nối hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải với các đường quốc lộ, các đường vành đai của khu vực và sân bay Long Thành để tạo chân hàng vững chắc, khai thác ưu thế vượt trội về cảng nước sâu..., là những chiến lược phát triển công nghiệp mà tỉnh đặt ra để phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Ngoài ra, chính sách thu hút đầu tư vào các KCN không thể thiếu công tác cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tạo mọi điều kiện để huy động nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển, thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế tư nhân; các chính sách gắn kết, hỗ trợ phục hồi sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong KCN trong bối cảnh COVID-19 theo các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ.

Hiện, Bà Rịa - Vũng Tàu đang trên lộ trình xây dựng, triển khai các KCN kiểu mẫu như: Triển khai các thủ tục hiện dự án “hỗ trợ kỹ thuật thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua phát triển kinh tế thân thiện với môi trường tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” với viện trợ của Chính phủ Nhật Bản.

Ban quản lý KCN đang triển khai các mục tiêu định hướng một số KCN thí điểm trong đó có KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 là KCN thân thiện môi trường, tiến tới KCN sinh thái.

Sự khác biệt giữa các KCN ở Bà Rịa - Vũng Tàu so với các địa phương đó là gì?

Ông Nguyễn Anh Triết: Các KCN Bà Rịa - Vũng Tàu hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp như: Tập trung tại địa bàn được hưởng ưu đãi, gần cảng nước sâu, có hệ thống dẫn khí đốt, sản lượng điện dồi dào sẵn sàng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Các KCN tỉnh có tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp thượng nguồn như: Công nghiệp vật liệu cơ bản, công nghiệp nặng, công nghiệp hóa chất - hóa dầu, từ đó dễ dàng thu hút được các tập đoàn, dự án lớn, quy mô đầu tư lớn, tạo sức lan tỏa. Quỹ đất tại các KCN hiện tại còn khá dồi dào với giá cả cạnh tranh so với các tỉnh thành khác.

Vậy hiện nay còn có những khó khăn nào trong việc thu hút đầu tư vào KCN trên địa bàn tỉnh hay không, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Triết: Một trong những khó khăn kéo dài và thường gặp ở các dự án đầu tư hạ tầng KCN làm ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư đó là các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Mặt khác, dịch bệnh COVID-19 hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp, cũng gây ảnh hưởng đến tốc độ thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ