Xử 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng: Các bị cáo khai báo cách Vũ 'Nhôm' thâu tóm đất công

Phiên tòa xét xử hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến cùng Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") và 18 đồng phạm tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi.
QUANG DÂN
04, Tháng 01, 2020 | 09:05

Phiên tòa xét xử hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến cùng Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") và 18 đồng phạm tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi.

Hôm qua (3/1), TAND TP. Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Đà Nẵng.

Vũ 'Nhôm' có quan hệ với một số lãnh đạo thành phố

Ông Phan Xuân Ít (cựu Phó chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng) là bị cáo đầu tiên được xét hỏi. Theo cáo trạng, ông Ít bị truy tố về cả hai tội danh vi phạm quy định về quản lý đất đai và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Bị cáo Ít thừa nhận có hành vi vi phạm, tuy nhiên ông Ít cho rằng trong thời gian giữ các chức vụ Trưởng phòng Quản lý đô thị rồi Phó chánh Văn phòng UBND, bị cáo chỉ thực hiện theo chủ trương của 2 cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng.

“Bị cáo làm tất cả theo chủ trương, theo văn bản chỉ đạo còn người quyết định là chủ tịch UBND”, ông Ít trình bày và thừa nhận đã thực hiện theo công văn được chủ tịch bút phê.

Cựu Phó chánh văn phòng UBND Đà Nẵng khai Vũ không chỉ là chủ doanh nghiệp mà còn có mối quan hệ với một số lãnh đạo TP như ông Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến. Đối với việc công văn tham mưu, đề xuất bán 20 nhà, đất công sản và 4 dự án, bị cáo chỉ biết chấp hành chỉ đạo cấp trên.

“Bị cáo nghĩ lãnh đạo đã chỉ đạo thì chỉ có đúng, đến khi xem cáo trạng mới biết mình sai”, ông Ít mong HĐXX xem xét việc ông không chủ động tham mưu, đề xuất bán nhà đất mà chỉ làm theo chỉ đạo.

ttxvn_xet_xu_hai_cuu_chu_tich_da_nang_6

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: TTXVN.

Cũng tại phần xét hỏi này, bị cáo Huỳnh Tấn Lộc, nguyên Tổng giám đốc Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng cho biết, mình được cựu Bí thư TP. Đà Nẵng giới thiệu để biết Phan Văn Anh Vũ. Theo cáo trạng, bị can Huỳnh Tấn Lộc giúp sức cho Phan Văn Anh Vũ được mua nhà, đất số 37 Pasteur, gây thiệt hại cho Nhà nước tại thời điểm Cơ quan CSĐT Bộ Công an phát hiện khởi tố điều tra là hơn 112 tỷ đồng.

Tại tòa, bị cáo Huỳnh Tấn Lộc khai, khi biết UBND TP. Đà Nẵng có chủ trương bán nhà, đất công sản cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố là doanh nghiệp đang thuê, bị cáo thấy có lợi nên làm văn bản mua.

“Thời điểm đó bị cáo làm doanh nghiệp nên việc gì lợi thì làm. Doanh nghiệp có nhu cầu mua nên tôi đã làm đơn xin mua 4 dự án nhà công sản thì UBND TP chỉ giải quyết cho tôi 2 cái là 37 Pasteur và 57 Lê Duẩn.”- bị cáo Lộc nói. Trước đó, bị cáo chưa quen biết gì về Vũ “nhôm”.

“Sau khi UBND TP giải quyết cho mua 2 lô đất thì cựu Chủ tịch Trần Văn Minh và một lãnh đạo khác điện thoại cho tôi bảo 'cái nào không dùng thì bán cho Vũ'.. Sau đó Vũ liên hệ với tôi để gặp nhau và tôi chỉ đồng ý nhượng lại lô đất 37 Pasteur”, bị cáo Lộc nói và cho biết thời điểm đó, ông chỉ đồng ý bán tài sản trên đất, nếu Vũ muốn đất thì ông sẽ làm thủ tục chuyển nhượng lô đất đó.

Theo bị cáo Lộc, khi công ty ông chuyển nhượng lô đất 37 Pasteur, bị cáo Vũ trả 1,05 tỷ đồng, trong đó có 500 triệu đồng là tài sản trên đất, trên 500 triệu đồng là tiền di dời tài sản cho Vũ. HĐXX cho hay, như vậy Công ty của ông Lộc không có được lợi gì.

Cơ quan công tố cáo buộc, do được hứa chi tiền hoa hồng và biết Vũ “nhôm” có mối quan hệ với lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng, Huỳnh Tấn Lộc đã đồng ý chuyển nhượng lô đất 37 Pasteur.

Cựu Tổng giám đốc Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng dẫn lại nội dung cáo trạng cáo buộc công ty này được hưởng lợi số tiền 837 triệu đồng sau khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Vũ. Tuy nhiên, theo bị cáo, đây là lợi nhuận trước thuế của công ty chứ không phải tiền Vũ đưa thêm. Sau khi bán xong, công ty đã đóng thuế 182 triệu đồng, do vậy lợi nhuận sau thuế chỉ còn 654 triệu đồng. Số tiền này, công ty dùng để trả lương cho người lao động, chia cổ tức cho cổ đông.

Chủ tọa cũng đặt vấn đề nếu thời điểm đó Phan Văn Anh Vũ tự đứng tên xin mua nhà đất tại 37 Pasteur thì có đủ điều kiện? bị cáo Lộc khai: "Tại thời điểm đó tôi nghĩ là được, nhưng tháng 6/2018, khi tôi làm việc với Cơ quan cảnh sát điều tra thì mới biết là Vũ không được mua".

Thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP

Tiếp tục phần thẩm vấn, HĐXX xét hỏi bị cáo Nguyễn Văn Cán, nguyên Chánh văn phòng UBND TP. Đà Nẵng. Ông Cán bị cáo buộc phạm tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.

Cựu Chánh văn phòng UBND TP. Đà Nẵng, nói không có quan hệ gì với Phan Văn Anh Vũ. Ông Cán biết Vũ “Nhôm” quan hệ với các lãnh đạo cao nhất Đà Nẵng lúc bấy giờ.

Theo lời khai, văn bản bị cáo soạn để cấp trên ký giao quyền sử dụng 22 lô đất thuộc dự án An Cư 2 mở rộng cho Phan Văn Anh Vũ không qua đấu giá là thực hiện theo chỉ đạo của cựu Chủ tịch Trần Văn Minh và một số lãnh đạo TP khác.

Có vấn đề được chỉ đạo bằng văn bản nhưng cũng có nội dung chỉ nói miệng hoặc thông qua người khác.

“Vì sao biết sai vẫn làm? Vì tôi phải chấp hành ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TP... Tôi thực hiện không vì động cơ mục đích gì, không được hưởng lợi ích vật chất”, ông Cán khẳng định.

DAO_TAN_BANG

Bị cáo Đào Tấn Bằng, Phó chánh văn phòng UBND Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN.

Tiếp đó, tại phiên tòa chiều 3/1, khai báo tại tòa, bị cáo Đào Tấn Bằng, cựu Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng khẳng định người có thẩm quyền ra quyết định chuyển nhượng các dự án công sản trên địa bàn TP ở thời điểm phạm tội là cựu Chủ tịch Trần Văn Minh.

Bị cáo khai biết Phan Văn Anh Vũ thông qua công việc và thông qua lãnh đạo TP, cụ thể là Trần Văn Minh. Ông Minh từng nói với bị cáo rằng Vũ có công ty bình phong của Bộ Công an.

Tại dự án khu đất 3,264m2 ở đường Ngô Quyền, ông Minh có bút phê và cho bị cáo xem công văn của Bộ Công an với nội dung đề nghị TP cho phép công ty bình phong Bắc Nam 79 được chuyển nhượng khu đất trên.

Theo bị cáo, nếu bình thường thì việc chuyển nhượng này phải thông qua đấu giá theo đúng quy định.

"Vậy tại sao bị cáo vẫn làm tờ trình gửi Trần Văn Minh để chuyển khu đất cho công ty 79?" – chủ tọa hỏi.

Bị cáo nói từng báo cáo Chủ tịch TP và được ông Minh gọi lên phòng, nói rằng các lãnh đạo TP đã biết và đề nghị tạo điều kiện cho Bộ Công an trong việc chuyển nhượng khu đất.

"Theo bị cáo, công văn của Bộ Công an có bắt buộc UBND TP Đà Nẵng phải chuyển nhượng khu đất đó cho Công ty Bắc Nam 79 không qua đấu giá?", chủ tọa truy vấn.

Cựu Phó Chánh văn phòng UBND TP. Đà Nẵng trả lời được ông Trần Văn Minh nói rằng "hoạt động tình báo của lực lượng công an có các pháp lệnh, nghị định quy định, trong đó phải tạo điều kiện để công ty bình phong hoạt động nhằm bảo vệ Đảng và mhà nước.

Do vậy, nhận thức của bị cáo lúc đó thấy quyết định của lãnh đạo là đúng, lại thấy văn bản mật do Thứ trưởng Bộ Công an ký nên càng tin tưởng với quyết định của mình".

bị cáo Đào Tấn Bằng cũng thừa nhận có tham gia soạn thảo công văn 8332 để Trần Văn Minh ký chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất trên cho Phan Văn Anh Vũ. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ chính trị, liên quan đến văn bản mật của Bộ Công an về bảo vệ đảng, nhà nước chứ bị cáo không hưởng lợi gì.

Bị cáo Nguyễn Ngọc Tuấn khai khi làm Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng được giao phụ trách lĩnh vực quản lý đô thị. Năm 2010, bị cáo được giao kiêm chức Chủ tịch hội đồng bán đấu giá nhà công sản.

Ông Tuấn nói có biết Phan Văn Anh Vũ nhưng không thân thiết. Quá trình làm việc, cựu Phó chủ tịch TP thấy Vũ được giao một số tài sản ở Đà Nẵng khiến dư luận quan tâm.

“Đối với các nhà đất công sản, khi làm việc bị cáo căn cứ chỉ đạo của lãnh đạo TP để thực theo quyết định, công văn”, ông Tuấn khai. Về 2 dự án du lịch biển VKSND cáo buộc ông Tuấn đã ký chuyển giao trái quy định cho Phan Văn Anh Vũ, bị cáo khai thời điểm đó ông ta thực hiện theo chỉ đạo của một lãnh đạo TP. Đà Nẵng.

"Khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo thừa nhận việc ký quyết định đó là sai nhưng nguyên nhân khách quan do làm theo chỉ đạo”, cựu Phó chủ tịch Đà Nẵng trình bày.

Bán đất cho Vũ "nhôm" theo đề nghị của Bộ Công an

Cũng tại phiên tòa xét hỏi hôm qua, bị cáo Văn Hữu Chiến (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2006 - 2011, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2011 - 2014), được HĐXX yêu cầu lên bục tiến hành phần xét hỏi.

cuu-chu-tich-Van-Huu-Chien-1739-1578046501

Ông Văn Hữu Chiến. Ảnh: Giang Huy

Bị cáo Văn Hữu Chiến cho biết, bán đất cho Công ty CP Bắc Nam của Vũ “nhôm” không qua đấu giá là làm theo đề nghị của Bộ Công an.

Cụ thể khi HĐXX hỏi: "Đối với nhà đất 16 Bạch Đằng thì việc sai phạm trong chuyển nhượng đất là sai phạm ở đâu?", bị cáo Văn Hữu Chiến cho biết: "Làm việc cơ quan cảnh sát điều tra, tôi đã nhận thấy nếu căn cứ vào Luật Đất đai thì không đúng. Ngay cả UBND thành phố lúc đó cũng đã quyết định phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá 6 nhà, trong đó có nhà 16 Bạch Đằng. Tuy nhiên, có văn bản của Bộ Công an đề nghị chuyển nhượng cho Công ty CP Bắc Nam 79 để xây dựng và phát triển tiềm lực ngành".

Bị cáo Chiến khai thêm: "Khi nhận được văn bản này của Bộ Công an, tôi rất phân vân và chuyển ngay cho đồng chí Phó Chủ tịch xử lý".

Khi HĐXX hỏi: "Văn bản của Bộ Công an thì UBND có phải bắt buộc thực hiện việc chuyển nhượng nhà đất này cho Công ty CP Bắc Nam 79 không?", bị cáo Chiến trả lời: "Về hình thức chỉ đề nghị quan tâm giải quyết thôi, nhưng về hiệu lực thì lãnh đạo ủy ban, lãnh đạo của địa phương nghĩ là phải có trách nhiệm ủng hộ cho lực lượng công an để hoàn thành nhiệm vụ. Trong đó, đích thân đồng chí Bộ trưởng đã chọn vị trí đó rồi".

Bị cáo Chiến cũng cho biết, trong hoàn cảnh lúc này, Đà Nẵng rất phức tạp, khác các địa phương khác. Đây là vị trí chiến lược quan trọng. Trong Luật Đất đai thì 6 lô đất này phải đấu giá, nhưng Luật An ninh nhân dân tại điều 13 lại quy định, tất cả các tổ chức, công dân sống trên lãnh thổ đất nước Việt Nam phải tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ lực lượng an ninh nhân dân.

HĐXX hỏi: "Việc giúp đỡ đó có trên tinh thần tuân thủ pháp luật hay không?", bị cáo Chiến trả lời: "Luật An ninh dân dân và Luật Đất đai đều là luật, trong thời điểm này tình hình biển Đông rất phức tạp, người nước ngoài rất đông, bị cáo xin ý kiến của Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng trên cơ sở đề nghị của Sở TN&MT đề nghị cho thuê 50 năm. Trên cơ sở đó, đồng chí Bí thư đã đồng ý thống nhất cho thuê. Lúc đó, chúng tôi tiếp tục bàn và cân nhắc rồi đi đến quyết định ủng hộ cho Bộ Công an và cứ nghĩ là đất cho thuê vẫn còn đó".

Tiếp đó, HĐXX đã yêu cầu bị cáo Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng lên bục khai báo. VKSND Tối cao quy kết ông Minh cùng các bị cáo khác đã chuyển nhượng, giao trái quy định 22 nhà, đất công sản và 7 dự án ở Đà Nẵng cho Phan Văn Anh Vũ.

Cựu Chủ tịch Đà Nẵng cho rằng vụ án xảy ra đã 10 năm nên cần nhìn nhận sự việc ở bối cảnh thời điểm bị cáo ký 6 văn bản trên tinh thần của Quyết định 140 cho phép bán chỉ định nhà công sản cho đơn vị đang thuê.

Trong phần thẩm vấn, HĐXX dành phần lớn thời gian để lần lượt xét hỏi bị cáo Trần Văn Minh về việc ký ban hành văn bản chuyển nhượng, giao 22 nhà, đất công sản và 7 dự án cho Phan Văn Anh Vũ. Trả lời chủ tọa, cựu Chủ tịch TP. Đà Nẵng đều thừa nhận việc ký đều đúng quy định của pháp luật.

Ở một số nhà đất công sản và dự án, ông Minh thừa nhận là người phê duyệt chủ trương chuyển nhượng nhưng việc này xuất phát từ chủ trương của người tiền nhiệm Hoàng Tuấn Anh.

“Chủ trương đó quy định đất chưa được đền bù giải phóng mặt bằng thì không đấu giá. Sau đó, các thế hệ lãnh đạo tiếp theo thực hiện”, ông Minh nói và khẳng định bản thân đưa ra mức định giá chuyển nhượng, giao 29 hạng mục nêu trên là chính sách phù hợp với quy định của pháp luật.

Riêng với dự án Công viên An Đồn, bị cáo Trần Văn Minh nói ông đồng ý chủ trương giao dự án án này cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 (do Vũ “Nhôm” làm Chủ tịch HĐQT) mà không qua đấu giá là dựa trên quy định của Nghị định 17 và công văn của Bộ Công an.

“Công văn của Bộ Công an có phải quy định của pháp luật bắt buộc phải thực hiện không?” Trả lời HĐXX, ông Minh tái khẳng định việc chuyển giao nhà, đất công sản và dự án bất động sản cho Phan Văn Anh Vũ đều đúng theo quy định của pháp luật.

Bị cáo có biết Vũ đứng sau các công ty được chuyển nhượng, giao 22 nhà, đất công sản và 7 dự án không? Ông Minh nói không quan tâm những chuyện này và khẳng định đã tuân theo pháp luật, định giá đầy đủ.

photo-1-15780107569201608705522-crop-1578010986350207019629

Bị cáo Trần Văn Minh tại tòa.

Trả lời thêm về việc nguồn gốc 5 khẩu súng, 18 viên đạn bị cơ quan CSĐT Bộ Công an thu giữ trong nhà, cựu Chủ tịch Đà Nẵng cho rằng, như trong cáo trạng đã nêu, trong đó, có 3 khẩu súng là công cụ hỗ trợ, tức là bắn đạn hơi cay.

Liên quan đến việc bị thu giữ các đồ vật trong quá trình điều tra, bị cáo Minh cho biết, bị thu giữ mấy khẩu súng thuộc diện công cụ hỗ trợ, trò chơi. Về nguồn gốc bị cáo Minh cho hay, ông có giấy phép từ cơ quan công an cấp. 

"3 khẩu là bắn đạn hơi cay, còn 2 khẩu là trò chơi, trong đó, có 1 khẩu bắn bi nhựa còn 1 khẩu là hoa văn trình bày dạng khẩu súng chứ không phải súng bắn, bắn chả được cái gì cả", bị cáo Minh trình bày. 

Về lý do vì sao có nhiều khẩu súng bắn đạn hơi cay, bị cáo Minh trả lời, hồi đó làm Chủ tịch UBND TP phụ trách mảng hơi tế nhị nên không nói ra được và sau đó làm Phó Ban Tổ chức Trung ương phụ trách mảng bảo vệ chính trị nội bộ. 

Trước đó, như Nhadautu.vn đã đưa tin, sáng 2/1, TAND TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Đà Nẵng.

Hội đồng xét xử (HĐXX) đã triệu tập 37 cá nhân và tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trong đó có các Công ty Xây dựng 79, Xây dựng Bắc Nam 79, I.V.C, Hưng Minh Phát, Nhất Gia Phúc, Du lịch Đà Nẵng, Xuất nhập khẩu Đà Nẵng…

Theo hồ sơ vụ án, các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” gồm: Trần Văn Minh (nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giai đoạn 2006-2011); Văn Hữu Chiến (nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giai đoạn 2011-2014);

Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần xây dựng 79); Nguyễn Ngọc Tuấn (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng); Phan Xuân Ít (nguyên Phó chánh Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng); Nguyễn Quang Thành (nguyên Giám đốc Công ty Minh Hoàng Phát); Phan Minh Cương (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng 79, Giám đốc Công ty TNHH I.V.C).

Có 7 bị cáo: Nguyễn Điểu (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng), Trần Văn Toán (cựu Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng), Lê Cảnh Dương (cựu Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Đà Nẵng),

Nguyễn Văn Cán (cựu Chánh văn phòng UBND Đà Nẵng), Đào Tấn Bằng (cựu Phó chánh văn phòng UBND Đà Nẵng), Nguyễn Viết Vĩnh (cựu Trưởng phòng Quản lý đô thị), Nguyễn Đình Thống (cựu Giám đốc Công ty Quản lý và Khai thác đất Đà Nẵng) bị xét xử về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai".

Các bị cáo bị xét xử về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” là: Nguyễn Thanh Sang (nguyên Phó giám đốc Sở Tài chính TP. Đà Nẵng); Nguyễn Thị Thu Hà (nguyên Phó giám đốc Sở Tài chính TP. Đà Nẵng); Nguyễn Công Lang (nguyên Giám đốc Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng);

Huỳnh Tấn Lộc (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng); Phan Ngọc Thạch (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Đà Nẵng); Trần Phi (nguyên Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Đà Nẵng); Lê Anh Tuấn (Tổng Giám đốc công ty Cung ứng Tàu biển Đà Nẵng).

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ