Việt Nam-Hàn Quốc: Phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại 100 tỷ USD vào năm 2020

Nhàđầutư
Việt Nam và Hàn Quốc vừa ký Bản ghi nhớ về Chương trình hành động thực hiện mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 100 tỷ USD vào năm 2020.
HẢI ĐĂNG
07, Tháng 12, 2018 | 18:50

Nhàđầutư
Việt Nam và Hàn Quốc vừa ký Bản ghi nhớ về Chương trình hành động thực hiện mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 100 tỷ USD vào năm 2020.

Mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 100 tỷ USD vào năm 2020

Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (thuộc Bộ Công Thương) vừa cho biết, nhân chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Ngài Yun-mo Sung, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) đã ký Bản ghi nhớ về Chương trình hành động thực hiện mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 100 tỷ USD vào năm 2020 theo hướng cân bằng. 

thuong-mai-viet-nam-han-quoc

Bản ghi nhớ đã được hai Bộ trưởng ký kết dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các thành viên đoàn chính thức tháp tùng Chủ tịch Quốc hội trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc. Ảnh: moit.gov.vn

Theo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, đây là văn kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng thể hiện cam kết, quyết tâm của Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc trong nỗ lực đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 100 tỷ USD vào năm 2020 mà Lãnh đạo cấp cao hai bên đã đề ra tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng, Việt Nam vào tháng 11/2017.

Chương trình hành động này vạch ra những hoạt động hợp tác hết sức cụ thể giữa hai Bên từ nay đến năm 2020, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong các ngành linh kiện – phụ tùng, ô tô, dệt may và da giầy, điện tử; tạo thuận lợi thương mại cho thương mại nông sản thông qua việc thành lập nhóm công tác bốn bên giữa Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Thương mại, Công nghiệp, Năng lượng Hàn Quốc và các Bộ liên quan của hai bên; đào tạo nâng cao năng lực hoạch định chính sách thương mại cho cán bộ của Việt Nam cũng như đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ, chuyên gia và lao động kỹ thuật của Việt Nam trong các ngành công nghiệp cơ bản.

Cùng ngày, Phiên họp giữa kỳ Kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Hàn Quốc về hợp tác điện hạt nhân, năng lượng, công nghiệp và thương mại cũng đã diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Yun-mo Sung.

Nhiều nội dung thiết thực, quan trọng được hai bên nhất trí

Để đẩy mạnh hợp tác thương mại, công nghiệp, năng lượng trong thời gian tới, hai bên đã nhất trí nguyên tắc chung, đó là: Chính phủ hai bên cần hoàn thiện chính sách, thể chế, môi trường kinh doanh; củng cố cơ chế hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp trở thành thành tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế, thương mại hai nước; cần nghiên cứu phát triển những lĩnh vực mới trong thương mại, công nghiệp và năng lượng.

Ngoài ra, phía Việt Nam mong muốn Hàn Quốc nhanh chóng thúc đẩy, đưa dự án VITASK sớm đi vào hoạt động. Đây là dự án mà Bộ Công Thương và Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm và kỳ vọng với mục tiêu thúc đẩy chuyển giao công nghệ công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như hỗ trợ thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, kiểm định sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc tại Việt Nam trong các lĩnh vực tiềm năng như năng lượng, sản xuất máy móc, thiết bị, linh kiện, hàng tiêu dùng,...

Về phía Hàn Quốc sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, năng lực về phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió, lưới điện thông minh; Tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng mà nhà đầu tư Hàn Quốc đang tham gia tại Việt Nam.

Phía Việt Nam đề nghị Hàn Quốc sớm xem xét cho phép các sản phẩm thịt chế biến từ lợn, gà của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Hàn Quốc, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Hàn Quốc sang Việt Nam đầu tư sản xuất các sản phẩm thịt chế biến để phục vụ thị trường Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam cũng đề nghị Hàn Quốc đẩy nhanh việc hoàn tất quy trình phân tích rủi ro, sớm cấp phép nhập khẩu cho quả vú sữa của Việt Nam, tiến tới là quả bưởi, chôm chôm, vải, nhãn. 

Nhất trí việc cần áp dụng công nghệ 4.0, công nghệ mới vào các ngành công nghiệp đã có để nâng cao giá trị gia tăng và tạo ra những ngành công nghiệp mới, phát triển kinh tế đất nước. Phía Hàn Quốc sẵn sàng chia sẻ thông tin, các sáng kiến mới trong lĩnh vực này.

Mong muốn tận dụng hiệu quả các kênh hợp tác thông qua các tiểu ban thương mại, công nghiệp và năng lượng của Ủy ban hỗn hợp về điện hạt nhân, công nghiệp, năng lượng và thương mại Việt Nam-Hàn Quốc. Kỳ họp lần thứ 9 của Ủy ban hỗn hợp dự kiến được thực hiện vào quý I/2019.

Theo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi hiện nay, Hàn Quốc đã trở thành một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam (sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu), thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

Kim ngạch thương mại song phương đã tăng 123 lần, từ 0,5 tỷ USD năm 1992 khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao lên 61,5 tỷ USD vào năm 2017.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 10 tháng năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 54,4 tỷ USD, tăng trưởng 7,6%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 15,2 tỷ USD, tăng 25,3%, nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc đạt 39,2 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ