TP.HCM, Hà Nội cần gì để tăng năng lực cạnh tranh

Ở thành phố lớn, khoảng cách doanh nghiệp và chính quyền xa hơn địa phương khác. Trong khi đó, lúc khó khăn, kỳ vọng của doanh nghiệp đối với sự hỗ trợ từ chính quyền sẽ cao hơn.
THẢO CAO
16, Tháng 04, 2023 | 07:50

Ở thành phố lớn, khoảng cách doanh nghiệp và chính quyền xa hơn địa phương khác. Trong khi đó, lúc khó khăn, kỳ vọng của doanh nghiệp đối với sự hỗ trợ từ chính quyền sẽ cao hơn.

toanha

 

Theo báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số năng lực cạnh tranh của 2 thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội đã hạ điểm và rớt bậc mạnh trong năm vừa qua.

Cụ thể, Hà Nội đứng thứ 20, còn TP.HCM đứng thứ 27 trong bảng xếp hạng PCI 2022. Cả 2 đều bị hạ bậc so với PCI 2021, khi Hà Nội đứng thứ 10 và TP.HCM ở vị trí 14/63.

Vì sao Hà Nội và TP.HCM đi lùi

Đây là lần xếp hạng thấp nhất của Hà Nội kể từ năm 2015 (đứng thứ 24), với điểm số thấp nhất kể từ năm 2018. Báo cáo PCI 2022 cũng ghi nhận điểm số thấp nhất của TP.HCM kể từ năm 2016.

Nói với Zing, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI, chỉ ra một số lĩnh vực đã kéo tụt điểm số của 2 thành phố.

Đối với TP.HCM, chỉ số tiếp cận đất đai tụt 18 bậc so với năm 2021, đứng vị trí 54/63 tỉnh, thành phố. Tính năng động của bộ máy chính quyền rơi từ hạng 59 xuống 62. Ông Tuấn cho biết cả 2 chỉ số này đều chiếm trọng số cao theo phương pháp đánh giá trọng số mới.

"Chi phí không chính thức, gia nhập thị trường hay thiết chế pháp lý và an ninh trật tự của TP.HCM năm qua cũng ở thứ hạng chưa cao. Dĩ nhiên, thành phố vẫn còn những thế mạnh truyền thống như các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động", ông Tuấn nói.

Đối với Hà Nội, các chỉ số thành phần như tiếp cận đất đai và gia nhập thị trường đều nằm trong nhóm 4 địa phương thấp nhất cả nước năm 2022. Tính năng động của bộ máy chính quyền chỉ được doanh nghiệp đánh giá ở vị trí 53/63.

Chỉ số chi phí không chính thức, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự đều nằm ở nhóm thấp, riêng chỉ số đào tạo lao động và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đứng lần lượt top 3 và 10.

"Từ cuối năm ngoái đến nay là giai đoạn rất khó khăn của hầu hết ngành nghề. Tỷ lệ doanh nghiệp kém lạc quan vẫn ở mức cao. Quy mô của doanh nghiệp bị thu hẹp về cả vốn lẫn số lượng lao động", ông Tuấn bình luận.

"Doanh nghiệp gặp khó khăn trong các hoạt động kinh doanh. Triển vọng ảm đạm. Việc vay vốn cũng chật vật. Năm ngoái, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay thấp nhất trong nhiều năm", vị Phó tổng thư ký VCCI nói thêm.

Từ các lý do trên, theo ông Tuấn, thứ hạng của các trung tâm kinh tế, thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ và Đà Nẵng có xu hướng giảm.

"Phần lớn doanh nghiệp tại các trung tâm kinh tế này hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu và du lịch. Họ bị tác động trực diện từ những khó khăn của kinh tế thế giới", ông Tuấn nói và giải thích thêm khi khó khăn, đương nhiên kỳ vọng của doanh nghiệp đối với sự hỗ trợ của bộ máy chính quyền sẽ nhiều hơn ở điều kiện bình thường hoặc khi thuận lợi.

Cải thiện thế nào

Số lượng doanh nghiệp ở TP.HCM và Hà Nội lớn hơn rất nhiều các địa phương khác. Do đó, theo ông Tuấn, số lượng hồ sơ mà một sở, ngành của những địa phương này phải giải quyết mỗi ngày có khi bằng các địa phương khác xử lý trong một tháng. Vì thế, ông cho rằng cần chú trọng vào ứng dụng công nghệ thông tin triệt để nhằm giải quyết thủ tục hành chính một cách nhanh chóng.

Các thành phố lớn có thể tận dụng thế mạnh là mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của doanh nghiệp và người dân cao hơn những địa phương khác.

"Nhiều năm trước, khi Hà Nội thực hiện triệt để việc đăng ký kinh doanh trực tuyến 100%, chỉ số gia nhập thị trường của thành phố đã nhảy vọt từ nhóm dưới lên nhóm trên. Tính minh bạch và mức độ dễ dàng đã được cải thiện đáng kể", ông Tuấn lấy ví dụ.

"Tiếc rằng dường như điều này không còn được phát huy mạnh mẽ và rộng rãi. So với các địa phương khác, những thành phố lớn cần vượt xa về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục hành chính. Nhưng thực tế chưa đạt được như vậy", vị này nói thêm.

Năm nay, chỉ số chi phí thời gian của Hà Nội đã giảm từ 8,52 điểm xuống 7,89 điểm; chỉ số gia nhập thị trường giảm từ 7,98 điểm xuống 7,16 điểm.

Hơn nữa, ông Tuấn chỉ ra các địa phương có thể dễ dàng triệu tập doanh nghiệp để đối thoại, đào tạo hay tập huấn. Nhưng điều này là không dễ dàng với TP.HCM và Hà Nội vì số lượng doanh nghiệp quá đông.

"Ở các thành phố lớn, doanh nghiệp nhỏ thường không biết gặp ai, và khoảng cách với chính quyền rất xa", ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận xét.

Do đó, những thành phố lớn có thể phát huy và đẩy mạnh vai trò của hệ thống hiệp hội doanh nghiệp các cấp trong gặp mặt, đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

"Cần xây dựng những thiết chế để doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp xúc và nhờ cậy khi gặp khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục, chính sách; tạo ra các mô hình như tổ công tác tháo gỡ khó khăn, cafe doanh nhân, gặp mặt định kỳ hàng tuần…", ông Tuấn kiến nghị.

Lý do Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng điểm ngoạn mục

Trong báo cáo PCI năm nay, 2 địa phương nhảy vọt về thứ bậc là Bắc Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, Bắc Giang lần đầu đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng sau khi cải thiện 29 bậc và 8,06 điểm so với PCI 2021. Tỉnh này đạt 72,8 điểm trên thang điểm 100 trong PCI năm 2022.

Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu lần đầu lọt vào top 5 với 70,26 điểm, đứng ở vị trí thứ 4. Trước đó, vị trí cao nhất của tỉnh này là vị trí 6/63 trong PCI 2011.

Cả 2 đều có những thành công trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giai đoạn vừa qua.

"Nhưng điều làm tôi ấn tượng là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của 2 địa phương này tương đối hiệu quả", ông Tuấn bình luận.

Theo ông, mỗi địa phương có những cách làm khác nhau. Chẳng hạn, Bắc Giang đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, ủy quyền và thực hiện tái cấu trúc quy trình nhằm cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong giải quyết công việc; thành lập các tổ công tác để hướng dẫn và giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Cùng với đó là duy trì và đổi mới nội dung các hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với nhà đầu tư, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh…

Ông Tuấn chia sẻ rất ấn tượng với việc Bắc Giang đã phát động một cuộc thi trong toàn bộ công chức của tỉnh, nhằm hiến kế tìm giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh.

(Theo Zing.vn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ