Thúc đẩy thanh toán không tiền mặt: Nên tính giải pháp giảm thuế

Các ngân hàng, doanh nghiệp đã 'ra tay' khuyến mãi, Nhà nước nên xem xét giảm thuế để thúc đẩy thêm.
LÊ THANH - ÁNH HỒNG
03, Tháng 01, 2019 | 10:47

Các ngân hàng, doanh nghiệp đã 'ra tay' khuyến mãi, Nhà nước nên xem xét giảm thuế để thúc đẩy thêm.

qq

Khách hàng giao dịch với tiền mặt tại một ngân hàng ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Để khuyến khích không dùng tiền mặt, theo kiến nghị của các ngân hàng, chuyên gia và đại diện của cơ quan quản lý, rất cần giải pháp mạnh.

Bà NGUYỄN HỒNG VÂN (chuyên gia thanh toán):

Giảm thuế khi thanh toán trực tuyến

Chính sách để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt là của tất cả các quốc gia. Để đẩy mạnh, quan trọng nhất là chính sách của Chính phủ.

Một số nước yêu cầu những điểm bán hàng phải có máy chấp nhận thẻ. Hoặc giá trị thanh toán từ 20 USD, hay doanh số bán hàng đạt một mức nào đó phải có điểm chấp nhận thẻ. 

Ở một số nước như Hàn Quốc đã đưa ra chính sách hỗ trợ về thuế, đó là giảm thuế VAT cho người thanh toán điện tử.

hv

Bà NGUYỄN HỒNG VÂN (chuyên gia thanh toán)

VN có dân số trẻ. Mọi người thích phương tiện thanh toán mới rất nhanh. Chúng ta thực hiện những chính sách như kinh nghiệm các nước đã làm kể trên, việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ mạnh mẽ hơn. 

Thực tế các ngân hàng đầu tư, trang bị hệ thống thiết bị, công nghệ hạ tầng cho việc thanh toán không dùng tiền mặt rất mạnh mẽ. Rất cần chính sách hỗ trợ thêm của Chính phủ.

Ông NGUYỄN KIM ANH (phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước):

Phải giúp người dân tin hơn

Để việc thanh toán không dùng tiền mặt trở nên an toàn, bảo mật, thuận tiện, tăng cường niềm tin của người dân vào các dịch vụ thanh toán không tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật. 

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng sẽ phải tập trung xây dựng, hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng thanh toán quan trọng gồm hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia, hệ thống thanh toán bù trừ tự động làm nền tảng kết nối giữa các ngân hàng, tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới.

ttm

 

Mặt khác, việc nghiên cứu, áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại như mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán di động (Mobile payment), thanh toán phi tiếp xúc (contactless)... sẽ là việc mà ngành ngân hàng tập trung ưu tiên thời gian tới.

Thêm nữa, việc giám sát các hệ thống thanh toán, tăng cường an ninh, xây dựng áp dụng các tiêu chuẩn an toàn bảo mật thanh toán theo chuẩn quốc tế cũng sẽ phải được đảm bảo.

Ông ĐÀO MINH TUẤN (phó tổng giám đốc Vietcombank):

Từ khuyến khích tiến tới bắt buộc

Các cơ quan có thẩm quyền cần có các biện pháp, chính sách cụ thể từ khuyến khích đến bắt buộc dân cư, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước tham gia thanh toán điện tử, ví dụ như miễn, giảm trừ thuế cho phần doanh thu của doanh nghiệp được thanh toán qua kênh điện tử; 

Bắt buộc các đơn vị hành chính sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước không chỉ thực hiện trả lương cho cán bộ nhân viên qua tài khoản ngân hàng mà các khoản thu, chi liên quan tới chi phí của đơn vị cũng cần được thực hiện qua các kênh điện tử.

Ngoài ra, cần bắt buộc các hệ thống, cửa hàng bán lẻ khi được cấp giấy phép kinh doanh phải luôn kèm theo phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; các giao dịch mua bán giá trị cao của người dân phải được thực hiện qua kênh điện tử...

Cuối cùng, các cơ quan nhà nước cũng cần rà soát, cập nhật hoặc ban hành các quy định pháp luật đầy đủ, đồng bộ, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc triển khai dịch vụ thanh toán phi tiền mặt như Luật giao dịch điện tử (các vấn đề chữ ký số, nhận dạng điện tử công dân...), bảo mật cho nhận dạng điện tử...

Trước sự phát triển của công nghệ thông tin, tội phạm công nghệ cao trên thế giới có xu hướng gia tăng, ngành tài chính ngân hàng cần liên tục cập nhật và áp dụng các biện pháp tiên tiến, bảo đảm an toàn cho các hệ thống thanh toán, các sản phẩm dịch vụ.

Đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt với dịch vụ công

Nghị quyết 02 của Chính phủ vừa ban hành ngày đầu năm đặt ra yêu cầu đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Theo đó, trước quý 3-2019, Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước cũng phải phối hợp với Bộ Tài chính liệt kê và công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định nhằm khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt với các giao dịch về bất động sản.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh, TP chỉ đạo yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt...

Các bên đều có lợi

Bên cạnh các lợi ích khi người tiêu dùng được các doanh nghiệp khuyến mãi khi thanh toán không dùng tiền mặt, theo các chuyên gia, có hàng loạt lợi ích cho xã hội khi thanh toán không dùng tiền mặt như giảm khối lượng tiền mặt lưu thông, giúp quá trình thanh toán diễn ra nhanh chóng, an toàn, tiện lợi và giảm bớt chi phí.

Ngân hàng cũng tận dụng được nguồn tiền mặt khách gửi vào, giảm bớt chi phí vận chuyển, chi phí kiểm đếm, chi phí bảo quản tiền mặt...

Thanh toán không dùng tiền mặt cũng giúp cơ quan quản lý kiểm soát được nguồn tiền, chống nạn rửa tiền và góp phần chống thất thu thuế.

(Theo Tuổi Trẻ)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ