Thủ tướng: Cần có tư duy đột phá để phát triển đồng bằng sông Cửu Long

Nhàđầutư
"Lãnh đạo các địa phương cần có tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn, phát triển bền vững với mục tiêu cao nhất là mang lại sự thịnh vượng cho vùng, tạo sinh kế, mang lại ấm no, hạnh phúc cho người dân đồng bằng sông Cửu Long", Thủ tướng nhấn mạnh.
PHÚ KHỞI
06, Tháng 03, 2022 | 11:35

Nhàđầutư
"Lãnh đạo các địa phương cần có tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn, phát triển bền vững với mục tiêu cao nhất là mang lại sự thịnh vượng cho vùng, tạo sinh kế, mang lại ấm no, hạnh phúc cho người dân đồng bằng sông Cửu Long", Thủ tướng nhấn mạnh.

thu tuong lam viec

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo các địa phương trong vùng ĐBSCL phải có tư duy đột phát để đưa vùng này phát triển nhanh hơn. Ảnh: TC.

Sáng 6/3, tại Kiên Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị "Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chủ động thích ứng biến đổi khí hậu".

Tháo gỡ 3 nút thắt cho ĐBSCL

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, ĐBSCL giàu truyền thống lịch sử văn hóa dựng nước và giữ nước, vùng này có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế.

Tuy chỉ chiếm 12% diện tích tự nhiên của cả nước và khoảng 20% dân số, ĐBSCL đã đóng góp đến 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu có xuất xứ từ vùng đất này.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, bên cạnh những lợi thế, khu vực ĐBSCL cũng có rất nhiều thách thức. Đây là khu vực chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu. Tiềm năng phát triển lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp, đầu tư có mức độ.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ qua các thời kỳ rất quan tâm, có quyết tâm lớn đối với việc phát triển khu vực ĐBSCL và đã từng bước đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, sắp tới, việc phát triển ĐBSCL cần phải đột phá hơn nữa với tầm nhìn dài hạn theo tinh thần chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nhanh nhưng bền vững, tạo sinh kế ổn định mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL, đây là bản quy hoạch vùng đầu tiên trên cả nước được phê duyệt theo Luật Quy hoạch.

"Tinh thần chung của Chính phủ về phát triển ĐBSCL phải tháo gỡ bằng được 3 nút thắt. Đó là nút thắt về hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Cũng theo Thủ tướng, nút thắt thứ hai cần được tháo gỡ là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ĐBSCL với tinh thần coi con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và động lực phát triển.

Nút thắt thứ ba là phải kết nối vùng sản xuất các địa phương trong vùng, để sản xuất lớn, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp.

Để tháo gỡ được các nút thắt của vùng, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để cụ thể hóa chủ trương của Đảng; đầu tư nguồn lực và tận dụng tối đa sức mạnh của người dân, của các địa phương trong vùng, tranh thủ trí tuệ của các nhà khoa học, chuyên môn, quản lý, có tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn, phát triển bền vững với mục tiêu cao nhất là mang lại sự thịnh vượng cho vùng, tạo sinh kế, mang lại ấm no, hạnh phúc cho người dân.

trung tam nong san

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước. Ảnh Phú Khởi.

ĐBSCL là vùng đầu tiên có quy hoạch tích hợp

Trước đó, ngày 28/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 287/QÐ-TTg phê duyệt "Quy hoạch vùng ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Theo đó, mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế tiếp tục phát huy thế mạnh về kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững và ứng dụng công nghệ cao; duy trì tỷ trọng giá trị gia tăng ở mức cao khoảng 20-25% vào năm 2030; tận dụng có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường.

Kinh tế tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 6,5%/năm. Quy mô nền kinh tế (GRDP) năm 2030 lớn hơn 2-2,5 lần so với năm 2021; năm 2030, tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GRDP khoảng 20%; công nghiệp - xây dựng khoảng 32%; dịch vụ khoảng 46%; thuế và trợ cấp khoảng 2%.

Phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế, trong đó chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa. Ðến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Về phương hướng phát triển ngành có lợi thế, trong đó, phương hướng phát triển nông nghiệp là chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với thay đổi về điều kiện tự nhiên theo 3 tiểu vùng sinh thái: Vùng sinh thái ngọt ở thượng nguồn và trung tâm của đồng bằng (bao gồm các tỉnh An Giang, Ðồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ và một phần của các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An); là vùng sinh thái nước ngọt an toàn trước tác động của lũ, ngập, xâm nhập mặn; là vùng trọng điểm về sản xuất lúa, thủy sản nước ngọt và trái cây của vùng ÐBSCL và quốc gia; phát triển nền nông nghiệp đa dạng, theo hướng hiện đại và bền vững, có tính đến thích ứng với lũ cực đoan, đóng vai trò điều tiết và hấp thu lũ cho ÐBSCL.

Vùng sinh thái mặn - lợ ở ven biển (bao gồm một phần lãnh thổ của các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An): Phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn, mặn - lợ trên bờ và trên biển; đánh bắt hải sản; khôi phục và phát triển rừng ngập mặn ven biển gắn với bảo vệ đa dạng sinh học và dải bờ biển; phát triển hệ thống nông - lâm kết hợp theo hướng sinh thái, hữu cơ, kết hợp du lịch sinh thái; chủ động phòng, tránh, giảm thiểu rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Vùng chuyển tiếp ngọt - lợ ở giữa đồng bằng (bao gồm một phần lãnh thổ của các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An): Phát triển thủy hải sản nước lợ chuyên canh và luân canh với lúa, rau màu phù hợp với điều kiện về nguồn nước theo mùa.

thuy san

Nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản là thế mạnh của vùng ĐBSCL. Ảnh Phú Khởi.

Phát triển các sản phẩm chiến lược theo ba trọng tâm: Thủy sản, trái cây và lúa gạo theo hướng tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo. Phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với thương mại, dịch vụ logistics, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị có vai trò là trung tâm cấp vùng, tiểu vùng và các đầu mối hạ tầng quốc gia, liên vùng; là nơi cung cấp các dịch vụ về logistics, nghiên cứu phát triển, đào tạo và chuyển giao công nghệ, thu gom, chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp; phát triển ÐBSCL trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch sinh thái.

Về định hướng phát triển đô thị, TP. Cần Thơ là trung tâm hành chính, dịch vụ, thương mại, y tế, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, văn hóa, du lịch, công nghiệp chế biến của toàn vùng;

TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) có vai trò trung tâm dịch vụ, thương mại, logisctics, du lịch khu vực Bắc sông Tiền;

TP. Tân An (tỉnh Long An), có vai trò trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ phía Đông Bắc vùng ĐBSCL, đô thị cửa ngõ của vùng;

TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) là trung tâm thương mại, dịch vụ phía Tây Bắc vùng, là trung tâm chuyển giao công nghệ về nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo và thủy sản nước ngọt;

TP. Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), là trung tâm kinh tế biển, trung tâm nuôi trồng, đánh bắt và xuất khẩu thủy hải sản, trung tâm công nghiệp chế biến nông sản;

TP. Cà Mau (tỉnh Cà Mau) là trung tâm tiểu vùng ven biển, là trung tâm năng lượng và dịch vụ dầu khí quốc gia, trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái, trung tâm chế biến thủy sản của vùng;

TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) là trung tâm kinh tế tiểu vùng ven biển Đông, trung tâm nuôi trồng, đánh bắt, chế biến nông thủy sản, trung tâm năng lượng sạch, trung tâm du lịch văn hóa lịch sử của vùng.

Quyết định cũng nêu rõ phương án phát triển, sắp xếp, lựa chọn và phân bổ nguồn lực phát triển trên lãnh thổ vùng; phương hướng xây dựng hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng; phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng; phương hướng bảo vệ môi trường, khai thác, bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ