Thế trận khó lường tại GTN Foods

Nhàđầutư
Nếu các bên không đạt được kết quả trên bàn đàm phán, một cuộc tranh đấu quyền lực là hiển hiện tại GTN Foods.
NGHI ĐIỀN
15, Tháng 03, 2019 | 13:17

Nhàđầutư
Nếu các bên không đạt được kết quả trên bàn đàm phán, một cuộc tranh đấu quyền lực là hiển hiện tại GTN Foods.

vinamilk-gtnfoods

Thương vụ Vinamilk - GTNFoods hứa hẹn sẽ có những diễn biến bất ngờ

Ai sở hữu GTNFoods?

Như đã công bố, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa có Nghị quyết HĐQT về việc chào mua tối đa 46,68% vốn CTCP GTN Foods.

Với mức giá đã được "fix" ở 13.000 đồng/CP, Vinamilk dự kiến chi ít nhất hơn 1.500 tỷ đồng cho thương vụ này.

Thời gian thực hiện chưa được chốt. Vinamilk cho biết sẽ căn cứ vào tình hình thực tế và tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Những đồn đoán về một cuộc thâu tóm đã xuất hiện từ nửa sau năm ngoái. Ngoài Vinamilk, một tập đoàn lớn trong ngành hàng tiêu dùng cũng được cho là để ý đến GTNFoods. Mục tiêu cuối cùng không gì khác ngoài Sữa Mộc Châu, công ty con cấp hai đóng góp hơn 80% doanh thu của GTNFoods.

Thị phần của Sữa Mộc Châu có thể không lớn, nhưng thương vụ sẽ giúp Vinamilk loại bỏ bớt đối thủ, gia tăng vùng nguyên liệu, công suất để khẳng định vị thế số 1 trong nước.

Việc Vinamilk bất ngờ chào mua công khai hơn 46% cổ phần khiến giới đầu tư rỉ tai nhau về thoả thuận đã đạt được giữa ông lớn ngành sữa với các cổ đông nắm cổ phần lớn ở GTN Foods.

Đó có thể là những cái tên nào?

Theo website của GTN Foods, cập nhật tới cuối năm 2018, doanh nghiệp này có 1.112 cổ đông, trong đó 1.062 cổ đông trong nước nắm 53,1% cổ phần. Cơ cấu sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài khá "cô đặc" khi 50 cổ đông chia nhau nắm 46,9% cổ phần còn lại.

Con số này vừa hay cũng xấp xỉ mức chào mua 46,68% của Vinamilk!

Tuy nhiên, khối ngoại liên tục bán ra cổ phiếu GTN từ đầu năm. Tới ngày 27/2, thông tin từ HoSE cho biết tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại GTNFoods đã giảm mạnh còn 36,87% và tiếp tục về 31,78% ngày 14/3.

Trong cùng khoảng thời gian trên, CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) mua gom hơn 20 triệu cổ phần để trở thành cổ đông lớn, sở hữu 8,027% vốn GTNFoods.

Hiện nay, cổ đông lớn nhất, nắm 28,03% vốn vẫn là CTCP Invest Tây Đại Dương - một doanh nghiệp liên quan tới "nhóm chủ" ở GTNFoods. Hai cổ đông lớn nước ngoài là TAEL Tow Partners giữ 22% và PENM IV Germany GmbH & Co.KG có 6%. Ngoài ra, nhiều quỹ ngoại và tổ chức tài chính khác cũng nắm cổ phần đáng kể (từ 2-3%) như Hanil, Probus, SNet...

Lưu ý rằng mức giá chào mua của Vinamilk đã được cố định ở 13.000 đồng, thấp hơn 30% so với thị giá trên sàn hiện nay (18.000 đồng). Do vậy, nếu nhìn nhận rằng Vinamilk đã đạt được thoả thuận với các cổ đông ngoại có chăng là hướng tư duy "logic" hơn cả.

Theo dữ liệu của Nhadautu.vn, bản thân Vinamilk cũng đã gom được nhiều triệu cổ phiếu GTN. Nếu mua đủ 46,68% như kế hoạch đã công bố, tỷ lệ sở hữu của ông lớn ngành sữa tại GTNFoods sẽ xấp xỉ 50%.

Nguy cơ tranh đấu

Băn khoăn là tỷ lệ này đã đủ để chi phối GTNFoods hay chưa?

GTNFoods được nhóm nhà đầu tư xoay quanh Chủ tịch Tạ Văn Quyền và Phó Chủ tịch Nghiêm Văn Thắng thành lập năm 2011. Giai đoạn phát triển nóng từ những năm 2014-2015 cùng loạt thương vụ M&A đình đám với Tổng công ty Chăn nuôi hay Tổng công ty Chè khiến nhu cầu vốn của GTNFoods là rất lớn.

Các cổ đông hiện hữu đã chấp nhận chia sẻ bớt lợi ích khi mời gọi vốn ngoại. Tuy nhiên theo "mô típ" thông thường, cổ đông sáng lập nếu không thoái vốn thì sẽ luôn duy trì tỷ lệ sở hữu chi phối, ít nhất là trên 50%.

Bên cạnh dòng tiền vô tận, sự hấp dẫn của quỹ ngoại còn đến từ thực tế là họ thường chỉ quan tâm đến hiệu quả của đồng vốn bỏ ra, không can thiệp quá sâu vào hoạt động quản trị, điều hành. Điều này khiến các ông chủ người Việt cảm thấy dễ chịu.

Nhưng với Vinamilk là câu chuyện khác, khi họ chắc chắn sẽ đưa người vào nắm giữ các chức vụ chủ chốt và kiểm soát mọi hoạt động. Lãnh đạo của GTNFoods sẽ không còn dễ thở như trước.

Với tiềm lực tài chính mạnh và chiến lược M&A rõ ràng, Vinamilk rất muốn mua nốt số cổ phần của "nhóm chủ" GTNFoods. Ở chiều ngược lại, các cổ đông chi phối GTNFoods hiện nay sẽ không dễ dàng "buông" đứa con cưng đã gây dựng gần một thập kỷ.

Trong trường hợp không tìm được tiếng nói chung, một cuộc tranh đấu giữa hai thế lực mới và cũ là hiển hiện tại GTNFoods.

Dù sao thì với cả hai kịch bản trên, GTNFoods vẫn sẽ là đối tượng được hưởng lợi, bởi dòng vốn của Vinamilk, dù chi phối hay không cũng đều đi kèm với loạt tiêu chuẩn về quản trị minh bạch và hiện đại.

Đây cũng là bài học với doanh nghiệp niêm yết nói chung. Cân đối để phát triển nhanh nhưng tránh lệ thuộc vào phát hành pha loãng cổ phiếu, giảm nguy cơ bị thâu tóm, là bài toán không dễ có lời giải.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26797.00 26905.00 28111.00
GBP 31196.00 31384.00 32369.00
HKD 3185.00 3198.00 3303.00
CHF 27497.00 27607.00 28478.00
JPY 161.56 162.21 169.75
AUD 16496.00 16562.00 17072.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 673.00 676.00 704.00
CAD 18212.00 18285.00 18832.00
NZD   15003.00 15512.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3598.00 3733.00
SEK   2304.00 2394.00
NOK   2295.00 2386.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ