Quảng Nam gỡ 'nút thắt' cho các cụm công nghiệp như thế nào?

Nhàđầutư
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 58 cụm công nghiệp và hầu hết đều gặp những vướng mắc liên quan đến hạ tầng đầu tư, bồi thường, lập thủ tục mở rộng hoặc bổ sung, giải quyết phần tài sản của nhà nước... dẫn đến việc kêu gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp vẫn còn rất hạn chế.
THÀNH VÂN
26, Tháng 09, 2023 | 15:27

Nhàđầutư
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 58 cụm công nghiệp và hầu hết đều gặp những vướng mắc liên quan đến hạ tầng đầu tư, bồi thường, lập thủ tục mở rộng hoặc bổ sung, giải quyết phần tài sản của nhà nước... dẫn đến việc kêu gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp vẫn còn rất hạn chế.

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, đến nay, tỉnh đang có 58 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích hơn 1.638ha. Trong đó, có 53 CCN đã quy hoạch chi tiết, diện tích đất công nghiệp khoảng 1.071ha/1.467ha tổng diện tích. Tuy nhiên, việc phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Trong đó, tiến độ quy hoạch và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm gây ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của các doanh nghiệp; hạ tầng kỹ thuật của các cụm công nghiệp (như hệ thống giao thông, hệ thống xử lý nước thải, vỉa hè, cây xanh…) chưa được đầu tư hoàn chỉnh và đồng bộ nên việc kêu gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp vẫn còn rất hạn chế.

Đáng chú ý, đến nay, chỉ có 4/59 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng khu xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên hoạt động chưa hiệu quả.

Sở Công Thương cũng cho biết, việc chuyển đổi mô hình quản lý từ nhà nước sang doanh nghiệp còn khó khăn trong việc giao doanh nghiệp quản lý phần hạ tầng cụm công nghiệp do ngân sách đã đầu tư, chưa có quy định cụ thể, rõ ràng; chưa có quy định cụ thể về thu phí sử dụng hạ tầng cụm công nghiệp; thủ tục mở rộng hoặc bổ sung cụm công nghiệp hiện nay đang bị vướng. 

cum-cong-nghiep

Cụm công nghiệp An Lưu ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.V.

Ngoài ra, thực tế hiện nay tại các cụm công công nghiệp có các dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không đầu tư hoặc đầu tư sơ sài (mục đích giữ đất), làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất cụm công nghiệp, trong khi nhu cầu thuê đất hiện nay của các dự án thứ cấp càng cao.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Trần Thị Hiển, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Đại Dương Kính – một doanh nghiệp đang đầu tư trên địa bàn huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) phàn nàn, hạ tầng của cụm công nghiệp Tây An vẫn còn khá nhếch nhác, đường giao thông khó khăn để vận chuyển hàng hóa. Cùng với đó là hệ thống thu gom xử lý nước thải tại đây vẫn chưa được đầu tư. 

Trong khi đó, bà Thái Thị Nhị, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Mẹ Mít Hội An cho biết, công ty đang thực hiện sản xuất tại nhà với gần 10 nhân công để cung cấp sản phẩm cho thị trường. Tuy nhiên, với diện tích căn nhà khá nhỏ nên việc lắp đặt thiết bị, máy móc khó khăn ảnh hưởng đến sản lượng của đơn vị.

"Để mở rộng quy mô sản xuất, chúng tôi rất muốn được tiếp cận quỹ đất tại cụm công nghiệp Thanh Hà (Hội An). Tuy nhiên với các quy định về con người, dây chuyền sản xuất... thì rất khó để các doanh nghiệp siêu nhỏ đáp ứng đủ", bà Nhi nói và đề xuất, cần có một cơ chế hỗ trợ để các doanh nghiệp được thuê đất, dựng nhà xưởng ở cụm công nghiệp để tiếp tục phát triển sản xuất. 

20230926-z4727223808211_f0a4977ef261c4ed12f1e959f60b556d

Nhiều cụm công nghiệp ở Quảng Nam chưa thể đầu tư đồng bộ. Ảnh: T.V.

Khơi thông điểm nghẽn

Là một trong những địa phương phát triển mạnh ngành công nghiệp, trên địa bàn huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) đang có hơn 700 doanh nghiệp hoạt động, với tổng vốn đăng ký khoảng 7.500 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, việc triển khai hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Trước mắt, huyện sẽ triển khai các khu vực đã có doanh nghiệp hoạt động.

Tuy nhiên nguồn đất đắp đang gặp nhiều khó khăn nên sẽ tập trung làm từng tuyến, đối với khu vực chưa có doanh nghiệp sẽ đợi làm sau.

Về giải pháp chuyển đổi chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp từ mô hình nhà nước làm chủ đầu tư sang mô hình doanh nghiệp làm chủ đầu tư, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam đề xuất, đối với các cụm công nghiệp chủ đầu tư là nhà nước chưa đầu tư hoặc đang đầu tư dỡ dang thì giao toàn bộ diện tích cụm công nghiệp cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng (chỉ 1 chủ thể để quản lý khai thác hạ tầng dùng chung) nhằm triển khai đầu tư hạ tầng được nhanh và đồng bộ hơn.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa có chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát, đánh giá lại quy hoạch phát triển mạng lưới cụm công nghiệp tại địa phương.

Trên cơ sở đó, đề xuất UBND tỉnh (qua Sở Công Thương) để loại khỏi phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đối với các cụm công nghiệp mà chi phí giải phóng mặt bằng quá cao, vướng mắc kéo dài, vị trí thực hiện dự án tác động xấu đến môi trường (cản trở dòng chảy, gây ngập lụt cục bộ, …), có quy mô diện tích nhỏ.

"Về hệ thống nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp, các địa phương rà soát quy mô cụm công nghiệp, nhu cầu, hiệu quả đầu tư… để cân đối xây dựng kế hoạch đầu tư công hệ thống nhà máy xử lý nước thải tập trung phù hợp", ông Thanh cho hay.

Ngoài ra, việc giao đất các cụm công nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp cần nghiên cứu, đề xuất phân kỳ đầu tư hợp lý đảm bảo tính khả thi, phù hợp thực tế làm căn cứ thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật, tập trung hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng để ưu tiên giao đất một lần.

Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, đến nay tỉnh đã thu hút được 370 dự án đăng ký đầu tư vào 51 cụm công nghiệp, với tổng diện tích đất thuê và đăng ký thuê hơn 722ha. Tổng vốn đầu tư đăng ký theo dự án hơn 15.872 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 67.830 người.

Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đến năm 2025, tỉnh có 92 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 2.280ha, và hơn 2.613ha đến năm 2035.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ