Quản lý Kinh doanh nhà TP.HCM và dự án 'họ' FDI trên đường Nguyễn Du

Nhàđầutư
Khách sạn Garden View Court tại 101 Nguyễn Du là một trong nhiều dự án liên doanh thua lỗ, dù có vị trí đắc địa bậc nhất trung tâm TP.HCM.
NGHI ĐIỀN
30, Tháng 08, 2018 | 06:45

Nhàđầutư
Khách sạn Garden View Court tại 101 Nguyễn Du là một trong nhiều dự án liên doanh thua lỗ, dù có vị trí đắc địa bậc nhất trung tâm TP.HCM.

unnamed

Suốt hai thập kỷ hoạt động, dự án 101 Nguyễn Du đều kinh doanh thua lỗ. Công ty Quản lý Kinh doanh Nhà TP.HCM chưa được chia lợi nhuận, thậm chí đã phải trích lập toàn bộ số vốn đầu tư vào Liên doanh.

Như đã đưa tin, Bộ Tài chính ngày 20/6/2018 có công văn gửi Bộ KHĐT về Kế hoạch kiểm tra tình hình thực hiện cơ chế chính sách tài chính doanh nghiệp tại các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài năm 2018.

Theo đó, 5 doanh nghiệp nằm trong diện kiểm tra của Bộ Tài chính là Công ty TNHH Keppel Land Watco, Công ty Phát triển Căn hộ hướng công viên, Công ty TNHH Global Toserco và Công ty TNHH Tháp trung tâm Hà Nội.

Phạm vi bài viết này sẽ đề cập đến trường hợp của Công ty Phát triển Căn hộ hướng công viên - Chủ đầu tư dự án bất động sản tại 101 Nguyễn Du, Quận 1, TP.HCM.

Hẩm hiu 'đất vàng'

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, ngày 10/7/1996, Bộ trưởng Bộ KHĐT quyết định cho phép "Bên Việt Nam" gồm Công ty Quản lý Kinh doanh Nhà (HMTC) - Xí nghiệp Sài Gòn Trang trí và Xây dựng (SADECO) và "Bên Nước ngoài" gồm OHKI Corporation - HASEGAWA Company Limited có trụ sở tại Nhật Bản thành lập liên doanh có tên Công ty Phát triển Căn hộ hướng công viên.

Theo đó, "Bên Việt Nam" góp 2.021.688 USD bằng quyền sử dụng đất tại 101 Nguyễn Du, tương ứng tỷ lệ góp là 34% (trong đó Công ty Quản lý Kinh doanh Nhà chiếm 23,8% là 1.635.949 USD tương đương 15.566.997.600 VND tại thời điểm đầu tư) và "Bên Nước ngoài" góp 3.924.453 USD (66% vốn còn lại).

Thời gian hoạt động của Liên doanh là 30 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép đầu tư. Theo điều khoản, khi kết thúc hoạt động, toàn bộ tài sản cố định của Liên doanh được chuyển giao không bồi hoàn cho "Bên Việt Nam". Lợi nhuận còn lại sau khi thực hiện mọi nghĩa vụ tài chính và trích lập các quỹ được chia cho hai bên theo tỷ lệ 34:66 trong vòng 15 năm đầu; từ năm thứ 16, mỗi năm "Bên Việt Nam" được tăng thêm 1%, đến năm cuối cùng thì được tăng thêm 2%.

Hiện nay, khu đất 101 Nguyễn Du được xây dựng thành khách sạn - căn hộ dịch vụ cao cấp, với giá cho thuê từ 2.000 USD/ tháng với nhiều loại phòng có diện tích từ 61 m2 đến 220 m2.

Mặc dù có vị trí "vàng", tuy nhiên từ khi thành lập đến nay, G.V.C liên tục thua lỗ và HMTC chưa được chia lợi nhuận từ liên doanh này. Tới cuối năm 2017, giá gốc khoản đầu tư của HMTC vào G.V.C là 29.475.402.365 đồng và HMTC đã phải trích lập dự phòng mất vốn toàn bộ khoản đầu tư trên. Hiện nay, HMTC vẫn duy trì một đại diện giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT G.V.C là ông Trần ngọc Hoà (kế toán trưởng HMTC).

Chung cảnh ngộ với HMTC, một ông lớn quốc doanh khác cũng 'ngậm đắng' tại dự án 101 Nguyễn Du là Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn (SGC) - pháp nhân đang sở hữu 10,2% vốn của G.V.C (phần vốn này trước đây thuộc sở hữu của Xí nghiệp Sài Gòn Trang trí và Xây dựng).

Thương vụ 'khó nhằn' của HDReal

Mặc dù chìm trong thua lỗ, tuy nhiên đến cuối năm 2010, một doanh nghiệp bất động sản trong nước là CTCP Kinh doanh BĐS - Phát triển nhà TP.HCM (HDReal) đã chi ra 14 triệu USD để mua lại 66% phần vốn G.V.C từ đối tác Nhật Bản.

Tại thời điểm này, giấy phép hoạt động của Liên doanh chỉ còn lại 15 năm, dẫn đến hai suy đoán về mục tiêu của HDReal: có thể doanh nghiệp này tự tin sẽ nhanh chóng cải thiện và nâng cao hiệu quả kinh doanh của toà nhà Garden View Court. Với thực tế hiện nay G.V.C vẫn liên tục thua lỗ, thì hoặc là HDReal đã quá tự tin, hay họ còn tính tới một phương án nữa, là khả năng sở hữu đất vàng 101 Nguyễn Du sau khi giấy phép liên doanh hết hiệu lực vào năm 2026.

Theo quyết định cấp phép, khi hết thời hạn, toàn bộ tài sản của Liên doanh sẽ phải trả về cho "Phía Việt Nam", mà cụ thể ở đây là HMTC và SGC, chứ không thuộc HDReal dù đơn vị này nắm tới 66% vốn trong G.V.C. Lúc này, HDReal chỉ còn một 'cửa' duy nhất là mua lại lô đất hoặc tiếp tục hợp tác với HMTC và SGC - những pháp nhân sở hữu quyền thuê khu đất 101 Nguyễn Du, đương nhiên là phải với mức giá 'nhẹ nhàng'.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, gần như cả HMTC lẫn SGC đã thực hiện cổ phần hoá, thậm chí vốn nhà nước không còn chi phối. Với sự tham gia của các cổ đông tư nhân đi kèm với vấn đề lợi ích và minh bạch, thì không khó để thấy là 'cánh cửa' thứ hai đang khép lại dần với HDReal.

Tính ngược xuôi, 101 Nguyễn Du dường như là thương vụ 'khó nhằn' với Chủ tịch HDReal ông Nguyễn Hữu Thành cùng các cộng sự. Dù sao, trên đây vẫn chỉ là giả định. Phải đợi tới ngoài năm 2026, thì 'số phận' đất vàng 101 Nguyễn Du mới ngã ngũ.

Trở lại với G.V.C, chủ toà nhà Garden View Court là một trong nhiều liên doanh được thành lập vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước, trong nỗ lực mời gọn vốn đầu tư nước ngoài của TP.HCM.

Trong số này, nhiều dự án đã triển khai thành công, hiệu quả và đóng góp quan trọng vào nguồn thu Ngân sách cũng như sự phát triển chung của Thành phố. Tuy nhiên, có không ít liên doanh dù sở hữu những mảnh đất 'vàng' có vị trí đắc địa bậc nhất vẫn chìm trong thua lỗ.

Ngoài lô đất 101 Nguyễn Du phải kể tới dự bộ ba dự án có sự tham gia của Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco) là 92-94 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, số 1 Lê Quý Đôn, số 3 Võ Văn Tần hay cao ốc Sài Gòn Metropolitan ở 235 Đồng Khởi được thực hiện bởi liên doanh Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn và một pháp nhân ở British Virgin Island.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ