Phi công lên giá: Bamboo Airlines sẽ hút nhân tài bằng mức thu nhập 'đặc biệt cạnh tranh'?

Nhàđầutư
Hành khách chắc chắn sẽ không muốn ngồi trên máy bay do những phi công nhiều tâm tư, không vui vẻ, bức xúc chế độ đãi ngộ cầm lái.
ANH MAI
02, Tháng 06, 2018 | 11:42

Nhàđầutư
Hành khách chắc chắn sẽ không muốn ngồi trên máy bay do những phi công nhiều tâm tư, không vui vẻ, bức xúc chế độ đãi ngộ cầm lái.

Khủng hoảng phi công

Một tính toán được Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) công bố đầu năm nay cho thấy, từ nay đến năm 2036, ngành hàng không thế giới cần phải tuyển dụng hơn 600.000 phi công.

Theo Tổng Thư ký ICAO, bà Fang Liu, số lượng các chuyến bay thương mại và hành khách dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ nay đến năm 2030, nhưng số nhân lực hiện có của ngành đang “co lại”. Bà Fang Liu cũng lưu ý, sự già hóa không tránh khỏi của dân số, tỷ lệ sinh giảm và các yếu tố khác như việc các tài năng trẻ bị thu hút bởi các ngành công nghệ cao trong tương lai, khiến cho việc tuyển dụng phi công trở thành một thách thức với ngành hàng không.

phi cong

Đến năm 2036, ngành hàng không thế giới cần phải tuyển dụng hơn 600.000 phi công.

Tổng Thư ký ICAO cảnh báo: “Ngành hàng không dân dụng phải làm tốt hơn để thu hút và giữ chân các nhân lực lành nghề cần thiết cho ngành trong những thập kỷ tới”.

Do lưu thông hàng không gia tăng, các hãng hàng không trên thế giới đang lâm vào tình trạng thiếu hụt phi công.

Pháp là nước bị thiếu hụt phi công trầm trọng nhất trên thế giới. Do tình trạng này, các hãng hàng không của Pháp thậm chí còn tìm cách tuyển dụng các giảng viên đào tạo phi công.

Tại cường quốc không quân số 1 thế giới - Mỹ, ngày càng nhiều phi công quân sự Mỹ rời bỏ lực lượng trong những năm gần đây để làm việc cho các hãng hàng không tư nhân với mức lương hấp dẫn hơn, khiến không quân Mỹ từng phải cân nhắc áp dụng quy định thời hạn phục vụ bắt buộc đối với phi công. 

Với việc thiếu hụt tới hàng nghìn phi công chiến đấu ở thời điểm hiện, Mỹ còn đang tính tới chuyện sử dụng lại thế hệ phi công đã "nghỉ hưu" nhằm duy trì hoạt động của lực lượng này.

Hiện nay, phi công được các hãng hàng không chào đón nhiệt tình hơn cả. Tuy nhiên, một nửa số phi công sẽ thực hiện các chuyến bay trong 10 năm tới hiện vẫn chưa được đào tạo và trong thời gian này, các hãng hàng không sẽ cần 70 phi công mới mỗi ngày.

Lương thưởng, đãi ngộ

Hồi tháng 4/2018, hãng hàng không Air France của Pháp cho biết các cuộc đình công của nhân viên hãng này từ tháng 2 vừa qua ước tính gây thiệt hại 170 triệu euro (tương đương 209 triệu USD). Hàng trăm chuyến bay của hãng hàng không Air France của Pháp đã không thể cất cánh sau khi các phi công, phi hành đoàn và nhân viên mặt đất tiến hành đình công đòi tăng lương. 

Các nghiệp đoàn cho rằng các nhân viên của Air France xứng đáng được trả lương cao hơn sau khi chính sách "thắt lưng buộc bụng" của hãng trong nhiều năm qua đã đem lại kết quả kinh doanh tốt cho hãng.

air france

Giám đốc điều hành Air France ngực trần, bỏ chạy sau khi các nhà hoạt động xé rách áo ông trong một cuộc họp nhằm phản đối việc hãng sa thải sa thải 300 phi công, 900 tiếp viên và khoảng 1.700 nhân viên mặt đất sau khi các cuộc đàm phán với tổ bay thất bại.

Kể từ năm 2011, Air France đã ngừng tăng lương cho nhân viên. Tuy nhiên, ban lãnh đạo hãng cho rằng mức tăng lương 6% mà các nghiệp đoàn yêu cầu là đòi hỏi "vô trách nhiệm" trong bối cảnh hãng đang nỗ lực giảm thiểu chi phí để cạnh tranh với nhiều hãng hàng không giá rẻ khác như Ryanair hay Easyjet, theo đó lãnh đạo Air France đề xuất mức tăng lương 1% và một khoản bù thêm cho nhân viên mặt đất. Đề xuất này đã vấp phải sự phản đối từ các tổ chức công đoàn.

Các cuộc tranh chấp giữa phi công và hãng hàng không thường liên quan tới các vấn đề như đòi tăng lương và thu nhập có liên quan; bồi hoàn dần chi phí đào tạo; bất bình đẳng giữa thu nhập của phi công trong và ngoài nước; quản trị và điều hành khắc nghiệt gây sức ép quá lớn, chế độ làm việc căng thẳng, ăn ở xa nhà không đảm bảo...

Đầu năm 2014, nhiều phi công trong nước của Air China, hãng hàng không quốc gia Trung Quốc, cũng đã ký một bức thư ngỏ phàn nàn về chênh lệch quá lớn giữa lượng phi công nội ngoại và điều kiện làm việc quá căng thẳng. Năm 2014 cũng xảy ra hai cuộc bãi công lớn của 2 hãng hàng không hàng đầu châu Âu tại Đức và Pháp. Lufthansa phải hủy 1.350 chuyến bay trong ngày 1/12/2014 ảnh hưởng tới 150.000 hành khách.

Đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng, các hãng hàng không Trung Quốc ráo riết đăng tuyển các phi công nước ngoài có kinh nghiệm bằng những khoản lương, thưởng khủng béo bở.

Năm 2016, hãng hàng không Trung Quốc Beijing Capital Airlines đã trả mức lương lên tới 80.000 USD/tháng (tương đương gần 2 tỷ đồng) cho phi công. Hãng hàng không Thành Đô (Trung Quốc) cũng mạnh tay đưa ra mức lương 25.000 USD/tháng (khoảng 560 triệu đồng/tháng) cho cơ trưởng nước ngoài.

Trong khi đó, lương khởi điểm cho phi công của hãng hàng không đình đám Emirates Airlines là 11.134,8 USD/tháng với gia số 2%/năm. Thêm vào đó mỗi giờ bay phi công còn có thể nhận được trợ cấp trách nhiệm tương đương 50DH/giờ bay (13,5 USD).

Trong khi đó, mức lương trung bình hàng năm của các phi công cao cấp của những hãng hàng không lớn của Mỹ như Delta là 209.000 USD (khoảng 4,7 tỷ đồng/năm). Theo Hiệp hội Phi công Air Line – cơ quan đại diện cho hơn 52.000 phi công ở Mỹ và Canada, một số hãng hàng không khu vực của Mỹ trả 25.000 USD (tương đương khoảng 560 triệu đồng/năm) hoặc ít hơn.

Tại Việt Nam, mức lương trung bình của phi công Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) năm 2016 đạt 115,3 triệu đồng/tháng, tương đương gần 1,4 tỷ đồng/năm, thậm chí cao hơn cả thù lao các lãnh đạo hãng này nhận được.

Năm 2015, lương bình quân mỗi phi công của hãng này nhận là hơn 110 triệu đồng/tháng, tương đương 1,32 tỷ đồng/năm. Năm 2017, con số này vào khoảng 121 triệu đồng/tháng, tương đương 1,45 tỷ đồng/năm.

Mức lương này là “cào bằng” giữa thu nhập của cơ trưởng, cơ phó, cơ trưởng giáo viên…; giữa phi công nhiều kinh nghiệm và người mới vào nghề; giữa phi công giữa các đội bay (loại tàu bay); và đặc biệt là giữa cả phi công người Việt và phi công ngoại quốc.

Trong khi đó, hãng Vietjet Air không phân bổ cụ thể lương theo công việc như phi công, tiếp viên hay cán bộ, nhân viên… như Vietnam Airlinse, nhưng mức thu nhập bình quân của người lao động cũng khoảng 46,2 triệu đồng/tháng, tương đương hơn 554 triệu đồng/năm.

Năm 2017, Vietjet Air trả lương cho phi công bình quân 180 triệu đồng/tháng, tương đương 2,16 tỷ đồng/năm.

Hơn 3 năm trước, khoảng tháng 1/2015, Vietnam Airlines đã có 117 lượt phi công báo ốm, chiếm 90% nhân lực ở đội bay Airbus. Nhiều phi công Việt vì lí do lương chưa tương xứng với phi công ngoại đã muốn chấm dứt hợp đồng để chuyển sang hãng khác, gây khó khăn cho công tác điều hành bay của hãng. Trước đó vào cuối năm 2013, tình trạng tương tự cũng từng xảy ra với đội ngũ nhân viên kỹ thuật của hãng hàng không quốc gia.

Do chưa chủ động được việc đào tạo phi công trong nước, để đáp ứng nhu cầu hoạt động thực tế, Vietnam Airlines thường phải gửi nhân sự đi đào tạo ở nước ngoài. Theo bản hợp đồng đào tạo bay cơ bản được công bố (thời điểm hàng loạt phi công của hãng xin nghỉ đầu năm 2015), Vietnam Airlines đã liệt kê chi tiết các khoản chi phí đào tạo mà hãng hỗ trợ khi đưa học viên sang Học viện Hàng không ESMA (Pháp), khoảng 1,7 tỷ đồng mỗi người.

Trong nước, hiện có 1 công ty cổ phần được Cục Hàng không cấp phép đào tạo phi công là Bay Việt, do Vietnam Airlines sở hữu hơn 51% vốn. Theo biểu giá đơn vị này cung cấp, chi phí để một học viên tham gia khóa đào tạo cơ bản vào khoảng 1,9 tỷ đồng.

Các hãng hàng không đã cân nhắc đến việc tuyển phi công nước ngoài do không phải mất chi phí đào tạo. Đây là một trong những lý do mức lương của phi công nước ngoài được đưa ra ở mức cao gấp 3-4 lần phi công trong nước.

Bamboo Airlines chiêu dụ bằng mức thu nhập "đặc biệt cạnh tranh"?

Đến các hãng hàng không lớn cũng phải đau đầu thì một hãng bay mới gia nhập thị trường muốn tuyển nhanh phi công và nhân sự hàng không sẽ là một thách thức lớn. 

Để tham gia đường đua bầu trời, khi vừa ký xong biên bản ghi nhớ mua 24 máy bay, hãng hàng không Bamboo Airways của FLC đã tung ra đợt tuyển dụng quy mô đầu tiên ngay trong tháng 4/2018, trong đó hãng tuyển 92 phi công (bao gồm cơ trưởng, cơ phó), 250 tiếp viên (trong đó tiếp viên trưởng là 45 người).

bamboo

Bamboo Airlines tuyển 92 phi công (bao gồm cơ trưởng, cơ phó), 250 tiếp viên (trong đó tiếp viên trưởng là 45 người).

Trong thông báo tuyển dụng nhân sự, Bamboo Airlines khẳng định rằng ứng viên trúng tuyển sẽ được tham gia các khoá đào tạo nghiệp vụ trong và ngoài nước, đặc biệt các vị trí cấp cao sẽ được gửi tới các hãng đào tạo hàng không quốc tế uy tín để nâng cao trình độ, hoàn thiện chuyên môn, nghiệp vụ.

"Sau khi hoàn thành các khoá huấn luyện này, ứng viên sẽ được bố trí việc làm tại Bamboo Airways với mức thu nhập "đặc biệt cạnh tranh", cùng cơ hội di chuyển đến nhiều nước trên thế giới và nhiều quyền lợi hấp dẫn khác", hãng hàng không của tỷ phú Trịnh Văn Quyết khẳng định.

Trong khi các hãng hàng không đua điều chỉnh chế độ đãi ngộ thì các phi công Việt cần trau dồi hơn nữa về nghiệp vụ, bởi mức lương cao không dành cho những phi công tay nghề kém.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ