Nhà đầu tư Mỹ và doanh nghiệp Trung Quốc đến lúc chia tay?

Ngày càng nhiều nhà đầu tư Mỹ xa lánh các công ty công nghệ Trung Quốc, sau khi hàng loạt tập đoàn Internet bị chính quyền Bắc Kinh trừng phạt.
THẢO CAO
11, Tháng 07, 2021 | 13:47

Ngày càng nhiều nhà đầu tư Mỹ xa lánh các công ty công nghệ Trung Quốc, sau khi hàng loạt tập đoàn Internet bị chính quyền Bắc Kinh trừng phạt.

Chỉ vài ngày sau khi IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) thành công trên sàn New York và thu về 4,4 tỷ USD, Didi - gã khổng lồ gọi xe Trung Quốc - gặp rắc rối lớn với các cơ quan quản lý Bắc Kinh.

Hôm 4/7, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc yêu cầu các kho ứng dụng trên điện thoại thông minh gỡ bỏ ứng dụng của Didi sau khi phát hiện công ty thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng bất hợp pháp.

Các cơ quan quản lý Bắc Kinh cũng lên kế hoạch thay đổi quy định nhằm ngăn doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn nước ngoài, bịt lỗ hổng mà những gã khổng lồ công nghệ nước này đã sử dụng từ lâu.

Nói với báo chí, chuyên gia quốc tế nhận định các quy định sẽ cản trở tham vọng của những công ty Trung Quốc có ý định niêm yết trên sàn nước ngoài và làm gia tăng mối lo ngại phân ly giữa Mỹ và Trung Quốc trong các lĩnh vực nhạy cảm như công nghệ.

1 (1)

Didi gặp rắc rối lớn với các cơ quan quản lý Bắc Kinh sau khi IPO thành công trên sàn Mỹ. Ảnh: Reuters.

Mạnh tay thanh trừng

'Từ cuộc trấn áp Didi của chính quyền Trung Quốc, chúng ta có thể sẽ thấy các cổ phiếu Trung Quốc bị hủy niêm yết trên sàn Mỹ', chuyên gia tài chính Edward Moya ở hãng tư vấn Oanda (có trụ sở tại Mỹ), trả lời báo chí.

'Didi đang gặp rắc rối lớn và có thể sẽ phải chật vật để mở rộng sang những thị trường khác. Triển vọng phát triển của hãng gọi xe Trung Quốc đã giảm sút đáng kể. Sự cạnh tranh ngày càng gia tăng cũng khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn', ông nói thêm.

Hãng gọi xe Trung Quốc thừa nhận động thái của cơ quan quản lý Trung Quốc 'có thể tác động bất lợi' đến doanh thu của công ty. Cổ phiếu của Didi hiện được giao dịch ở mức khoảng 70% so với giá IPO.

Điều khiến Didi trở nên có giá đối với các nhà đầu tư giờ trở thành mối đe dọa của Bắc Kinh. Công ty nắm giữ lượng dữ liệu lớn từ nửa tỷ người dùng, chủ yếu tại Trung Quốc.

im_366181

Trụ sở của Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Trong những năm qua, chính quyền Trung Quốc đã tìm cách giành quyền kiểm soát lượng dữ liệu này. Ngoài bảo vệ người tiêu dùng, Bắc Kinh muốn tận dụng nguồn tài nguyên dữ liệu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên diện rộng.

Điều đó gây bất lợi cho các công ty Internet của Trung Quốc. Vì thế, bất cứ ai mua vào cổ phiếu công nghệ của Trung Quốc trong những đợt IPO có thể chịu rủi ro rất lớn.

'Nhiều nhà đầu tư đang xa lánh các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn Mỹ'

Chuyên gia Edward Moya thuộc hãng tư vấn Oanda (Mỹ)

'Nhiều nhà đầu tư đang xa lánh các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn Mỹ. Trung Quốc có thể mang lại cơ hội tăng trưởng lớn. Nhưng một số nhà giao dịch vẫn tìm thấy cơ hội ở những nơi khác', ông Moya tại hãng Oanda nói với báo chí.

Trên thực tế, Didi không phải tập đoàn công nghệ lớn duy nhất gặp rắc rối pháp lý với Bắc Kinh trong vài năm trở lại đây. Hồi tháng 11/2020, Bắc Kinh đã hoãn đợt IPO trị giá 35 tỷ USD của Ant Group Co. - công ty công nghệ tài chính thuộc Alibaba - tại Thượng Hải và Hong Kong.

Sau đó, Ant Group buộc phải thay đổi mô hình kinh doanh sinh lời và đến nay, triển vọng IPO trở lại vẫn còn mờ mịt. Bắc Kinh cũng phạt gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba khoản tiền kỷ lục vì các cáo buộc liên quan đến chống độc quyền.

Hồi tháng 4, cơ quan quản lý chống độc quyền và cơ quan giám sát không gian mạng Trung Quốc đã triệu tập hơn 30 công ty Internet lớn, bao gồm Didi. Những công ty này bị yêu cầu tự thanh tra về các hoạt động chống độc quyền, chính sách thuế, việc tuân thủ luật và quy định liên quan.

Cơn bão kéo dài

Thêm vào đó, Bắc Kinh đang nghi ngại việc doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn nước ngoài. Thị trường Mỹ từng được coi là nguồn vốn quan trọng mà Trung Quốc chưa thể thay thế.

Trong tuyên bố hôm 6/7, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết sẽ cải thiện các quy định và luật pháp liên quan đến bảo mật dữ liệu, luồng dữ liệu xuyên biên giới và quản lý thông tin mật. Ngoài ra, hội đồng cho biết đang tăng cường giám sát và sửa đổi các quy tắc đối với những công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn nước ngoài.

Trên thực tế, trong nhiều năm qua, Washington cũng đã rất cố gắng ngăn các công ty Trung Quốc niêm yết, thậm chí còn đe dọa hủy bỏ thủ tục này. Tuy nhiên, doanh nghiệp Trung Quốc vẫn tiếp tục huy động vốn mới. Đơn giản là bởi giới đầu tư có nhu cầu, bất chấp rủi ro.

Nhưng tình thế có khả năng thay đổi. 'Các cơ quan quản lý thị trường Mỹ khó tiếp cận với việc kiểm toán của công ty Trung Quốc. Điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến khẩu vị rủi ro', ông Moya nói với báo chí. Thêm vào đó, có thể chính Trung Quốc mới là bên thực sự hành động.

'Trung Quốc có thể không khuyến khích các công ty có triển vọng niêm yết ở nước ngoài. Điều đó sẽ thúc đẩy tham vọng phát triển thị trường tài chính tại Trung Quốc đại lục', chuyên gia Martin Chorzempa tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, bình luận.

'Bất cứ nhà đầu tư nào bám trụ lại với các công ty Trung Quốc với hy vọng 'sau cơn mưa trời lại sáng' có thể sẽ phải chờ đợi rất lâu'

Wall Street Journal

Theo nguồn tin của Bloomberg, sau thông tin về những quy tắc sửa đổi liên quan đến việc niêm yết nước ngoài, một công ty đã dừng hỗ trợ hai doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng cấu trúc VIE (mô hình sở hữu đặc biệt) để lên sàn nước ngoài.

Đây là mô hình được hầu hết công ty Internet lớn của Trung Quốc sử dụng, cho phép doanh nghiệp chuyển lợi nhuận cho một tổ chức nước ngoài, được đăng ký ở những nơi như Quần đảo Cayman hoặc Quần đảo Virgin thuộc Anh. Các nhà đầu tư nước ngoài sau đó có thể sở hữu cổ phần.

Theo Dealogic, các công ty Trung Quốc đã huy động thành công 26 tỷ USD từ việc niêm yết trên sàn Mỹ vào năm 2020 và 2021.

Tính riêng từ đầu năm đến nay, 37 công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ và huy động thành công 12,9 tỷ USD, theo dữ liệu của Bloomberg. Tuy nhiên, 1/3 công ty trong số đó đã chứng kiến giá cổ phiếu lao dốc sau cuộc thanh trừng đối với Didi.

Cuộc trấn áp của chính quyền Trung Quốc không có dấu hiệu chậm lại. Và dường như các cơ quan quản lý không cần quan tâm đến lợi ích của những nhà đầu tư nước ngoài.

'Cổ phiếu công nghệ Trung Quốc đã bị giáng đòn nặng nề bởi cơn bão quy định. Bất cứ nhà đầu tư nào bám trụ lại với các công ty Trung Quốc với hy vọng 'sau cơn mưa trời lại sáng' có thể sẽ phải chờ đợi rất lâu', Wall Street Journal nhận định.

(Theo Zing)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ