Không nên duy trì giá điện rẻ

Giá điện rẻ không khuyến khích đầu tư vào ngành điện mà lại thu hút các ngành công nghiệp tiêu hao nhiều năng lượng và sử dụng điện không hiệu quả.
VŨ QUANG VIỆT
22, Tháng 07, 2017 | 12:38

Giá điện rẻ không khuyến khích đầu tư vào ngành điện mà lại thu hút các ngành công nghiệp tiêu hao nhiều năng lượng và sử dụng điện không hiệu quả.

Giá cả điện, một sản phẩm quan trọng cho nền kinh tế vẫn thuộc độc quyền nhà nước. Hiện nay, Bộ Công Thương quy định giá quá rẻ nên chủ yếu chỉ có nhà nước là người sản xuất và đầu tư chính. Do giá rẻ, Việt Nam trong nhiều năm nay đã là nơi hấp dẫn công nghệ gây ô nhiễm từ Trung Quốc như sản xuất thép, aluminium...

Cũng vì giá rẻ, sử dụng điện quá lớn, do đó yêu cầu đầu tư về điện để đáp ứng nhu cầu ngày càng vượt khả năng của nền kinh tế và ngân sách. Và cuối cùng, cũng vì duy trì giá rẻ, nên chỉ có thể tăng sản xuất điện bằng nhà máy dùng than, gây thêm ô nhiễm.

Giá bán lẻ điện bình quân ở Việt Nam năm 2015 là 1.622 đồng một kWh, tức là 7,5 xu Mỹ. Ở Trung Quốc là 8 xu, ở Mỹ là 13 xu (xem bảng 1).  Ở nhiều nước châu Âu điện bán trên 20 xu, có nơi gần 40 xu.

GIA DIEN

 

Theo nhiều nghiên cứu ở Mỹ, cứ tăng giá 1% thì người sử dụng trong gia đình sẽ giảm sử dụng điện từ 0,382-0,613%, sử dụng trong thương mại và văn phòng giảm  0,747% và trong công nghiệp giảm từ 0,522-0,866%. Tức là độ co giãn của cầu đối với thay đổi giá là khá lớn. Một nghiên cứu về một số nước châu Á cho thấy, ở Philippines, độ co giãn cao hơn, giảm từ 012-0,35%; ở Thái Lan là từ 0,16-1,53%; ở Ấn Độ, độ co giãn thấp hơn nhiều, chỉ vào khoảng 0,06-0,15% vì người dân không có lựa chọn nào khác. 

Tuy chưa có công trình nào nghiên cứu về độ co giãn của cầu ở Việt Nam vì thiếu thông tin về sử dụng điện nhưng việc tăng giá dựa vào các nghiên cứu ở trên cho thấy tăng giá đương nhiên sẽ đưa đến giảm sử dụng điện. 

Giá rẻ khuyến khích tiêu dùng trong mọi khu vực, từ sản xuất đến tiêu dùng, phí phạm điện. Người dân và đặc biệt khu vực hành chính phi sản xuất chắc chắn đã sử dụng điện trong sinh hoạt hàng ngày vì giá rẻ. Nhưng trong sản xuất, ngoài việc dùng phí phạm, công nghệ dùng nhiều điện như khai thác bô xít, sản xuất xi măng, sắt thép được khuyến khích, và lại có khuynh hướng sử dụng công nghệ “rác” ngốn điện, chủ yếu là tiếp nhận máy móc thứ cấp từ Trung Quốc.

Số liệu thống kê cho thấy sử dụng điện trên đầu người so với 1 đô la Mỹ GDP làm ra ở Việt Nam cao hơn hẳn các nước trong khu vực (xem bảng 2).

gia dien 2

 

Cứ 1 đô la Mỹ GDP thì Việt Nam cần 0,714 kWh, cao hơn 66% so với Thái Lan, 70% so với Malaysia và gần gấp 3 lần so với Philippines. Ngay cả tính GDP theo sức mua so sánh (GDP-PPP), tức là Việt Nam giàu hơn vì giá tương đối rẻ hơn, sử dụng điện trên 1 đô la Mỹ-PPP vẫn cao hơn các nước trên (xem bảng 2).

Không chỉ sử dụng điện cao hơn nhiều nước khác so với GDP đầu người, sử dụng điện ở Việt Nam lại tăng mạnh. Từ năm 2010-2015, sử dụng điện tăng ở mức bình quân 12%/năm trong khi tốc độ tăng GDP bình quân là 6%/ năm, và tốc độ tăng GDP đầu người là 4,8%. Và nhu cầu điện tăng vượt xa cả mức tăng trưởng bình quân năm chưa đến 4% của khu vực công nghiệp, xây dựng và khai khoáng (xem bảng 3).

gia dien 3

 

Dự báo năng lượng từ nay đến năm 2035 cho các nước ASEAN của Tổ chức Năng lượng thế giới (EIA) là điện sẽ tăng bình quân mỗi năm là 4,2% trong khi GDP bình quân đầu người tăng bìnhh quân 3,7%/năm. Có thể hiểu được là sử dụng điện tăng nhanh hơn ở các nước còn nghèo vì thành thị hóa, người thành phố dùng nhiều điện hơn nông thôn. Khi giàu hơn, tình hình khác hẳn. Chẳng hạn ở Úc, theo một nghiên cứu, GDP tăng 1% thì nhu cầu điện chỉ tăng 0,51%, một nghiên cứu khác lại cho ra con số là điện chỉ tăng 0,32-0,41%.

Tuy thế, thời gian qua và nếu không có gì thay đổi thì sắp tới sử dụng điện ở Việt Nam vẫn tăng ở mức hai con số, vượt xa mức tăng ở các nước ASEAN và vượt xa tốc độ tăng GDP. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về điện cho Việt Nam cũng đánh giá là giá điện rẻ và sử dụng điện tăng quá cao.

Nếu tiếp tục tăng sử dụng điện như thế ngân sách sẽ phải đầu tư vào điện rất lớn bởi vì tư nhân và nước ngoài không ai dại gì nhảy vào ngành không đem lại lợi nhuận do giá quá thấp. Cũng do giá quá thấp, các công nghệ sạch sản xuất điện tái tạo như điện gió, điện mặt trời cũng không thể phát triển.

Giá điện rẻ sẽ không thể kéo dài mãi, nhất là khi thủy điện gần như đã bão hòa. Cơ cấu nguồn cung điện hiện nay của Việt Nam như sau: thủy điện 38%, than 33,5%, khí 20,7%, dầu xăng và diesel 7,4%, chỉ có 0,4% là điện tái tạo.  

Với thực trạng như vậy, Việt Nam cần tăng giá điện để khuyến khích đầu tư của tư nhân và nước ngoài vào ngành điện. Nếu thực hiện đúng đắn việc tăng giá qua việc áp dụng giá cạnh tranh thì còn có thể tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Tiền do tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thu được, sau khi bổ sung vào định mức chi phí và khấu hao quy định (do đó là doanh nghiệp độc quyền nhà nước), sẽ thu về ngân sách và chỉ được phép sử dụng để đầu tư vào ngành điện (nếu cần) đặc biệt là vào công nghệ điện không khói như điện mặt trời, điện gió.  Chính sách là tiến tới thị trường cung cấp điện cạnh tranh về giá, nhưng EVN vẫn đóng vai trò độc quyền trong truyền tải điện.

(Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ