Làm 20 dự án điện mặt trời trong 2 năm: Ông Đặng Văn Thành quá tham vọng hay 'xí phần' để bán dự án?

Nhàđầutư
Lãnh đạo Thành Thành Công (TTC) ví von, 20 nhà máy điện mặt trời nếu thành công sẽ là “20 cỗ máy in tiền" trong 20 năm tới. Tham vọng 'khủng' với đại kế hoạch 'kiếm lời từ ánh dương' của TTC liệu sẽ mở đường cho những bước đi M&A táo bạo tiếp theo của "đế chế" nhà ông Đặng Văn Thành?
HỒ MAI
11, Tháng 07, 2017 | 06:59

Nhàđầutư
Lãnh đạo Thành Thành Công (TTC) ví von, 20 nhà máy điện mặt trời nếu thành công sẽ là “20 cỗ máy in tiền" trong 20 năm tới. Tham vọng 'khủng' với đại kế hoạch 'kiếm lời từ ánh dương' của TTC liệu sẽ mở đường cho những bước đi M&A táo bạo tiếp theo của "đế chế" nhà ông Đặng Văn Thành?

“Mặt trời luôn mọc đằng Đông lặn đằng Tây và luôn như vậy. Tôi rất hào hứng về sự đầu tư vào điện mặt trời cũng như điện gió”, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) nói như vậy tại Hội nghị khách hàng ngành năng lượng tổ chức tại TP.HCM vào cuối tháng 6 vừa qua.

Nhanh chân đón cơ hội bằng kế hoạch tỷ đô

Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) được đánh giá là thức thời, nhanh chân khi chỉ chưa đầy một tháng sau Quyết định 11 về cơ chế ưu đãi dành cho các dự án điện mặt trời được Chính phủ ban hành, đã tuyên bố sẽ chi 1 tỷ USD vào lĩnh vực này trong vòng 2 năm tới.

Theo Quyết định 11 của Chính phủ, nhà đầu tư dự án điện năng lượng mặt trời có mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong vòng 15 năm đầu tiên, được miễn trong vòng 4 năm tiếp theo và giảm 50% trong 9 năm tiếp sau đó.

Về ưu đãi đất đai, Quyết định quy định các dự án điện mặt trời, công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối với lưới điện được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước theo quy định áp dụng cho dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư. Căn cứ vào quy hoạch, UBND cấp tỉnh tạo điều kiện thu xếp quỹ đất để chủ đầu tư thực hiện các dự án điện mặt trời.

Đặc biệt, mức giá bán điện mặt trời vào hệ thống lưới điện quốc gia sẽ là 2.086 đồng/kwh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,35 cent/kwh).

Thời gian thực hiện quyết định trong vòng 2 năm nhằm thí điểm cơ chế. Các chủ đầu tư và chuyên gia vẫn có thể đưa ra góp ý với Bộ Công Thương để hoàn thiện cơ chế áp dụng cho giai đoạn sau ngày 30/6/2019.

Đến nay, cả nước có khoảng 30 nhà đầu tư bắt đầu xúc tiến lập các dự án điện mặt trời có công suất từ 20 đến trên 300 MW tại một số địa phương, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung. Trong đó đáng chú ý là 2 dự án của Công ty Đầu tư và Xây dựng Thiên Tân (tại tỉnh Quảng Ngãi và Ninh Thuận) và dự án Tuy Phong do Công ty TNHH DooSung Vina (Hàn Quốc) đầu tư với quy mô 66 triệu USD, công suất 30 MW tại tỉnh Bình Thuận.

Theo TTC, điện mặt trời tại Việt Nam đang được ngày càng nhiều nhà đầu tư quan tâm do chi phí bán điện được Chính phủ quy định "khá hấp dẫn" trong khi chi phí pin mặt trời hiện giảm đến 30% so với năm 2016.

Tại Hội nghị khách hàng ngành năng lượng của TCC được tổ chức cuối tháng 6 vừa qua, TTC cho biết sẽ sử dụng số vốn 1 tỷ USD này để xây dựng tới 20 dự án điện mặt trời, với tổng công suất lên tới 1.000 MW.

Tổng công suất điện mặt trời dự kiến của riêng TCC trong 2 năm tới đã cao gấp gần 1.000 lần tổng công suất điện mặt trời cả nước năm 2015 (6-7MW), và cao hơn cả mức 850MW mà Chính phủ dự kiến sẽ đạt được vào năm 2020 trong quy hoạch điện VII được sửa đổi.

ddien mat troi

Tổng công suất điện mặt trời dự kiến của riêng TCC trong 2 năm tới đã cao gấp gần 1.000 lần tổng công suất điện mặt trời cả nước năm 2015. Ảnh minh họa

TTC đã lên kế hoạch triển khai 20 dự án điện mặt trời tại Tây Ninh (324 MW), Bình Thuận (300 MW), Ninh Thuận (300 MW), Huế (30 MW), Gia Lai (49 MW)… Suất đầu tư tối đa 20 tỷ/MW, IRR đạt từ 15% trở lên, thời gian hoàn vốn dưới 12 năm.

Ông Thái Văn Chuyện, Tổng giám đốc TTC tiết lộ tập đoàn này đã chọn được một số vị trí phát triển dự án như điện mặt trời Thành Long với diện tích 37ha, điện mặt trời TTC Tân Hưng với 68ha, điện mặt trời Tanisugar Tân Phú với 75ha...

Theo ông Chuyện, giá đầu vào của Chính phủ là 9,35 cent có thể áp dụng trong 20 năm, nguồn thu của dự án có thể kiểm soát được. Lãnh đạo TTC cũng cho biết sẽ phát triển dự án này theo vốn góp là 30% và vốn vay 70%. "Hiện, TTC đã có 300 triệu USD sẵn sàng”, ông Thái Văn Chuyện nói.

Tham vọng 'khủng' cho những kế hoạch M&A?

Ông Chuyện đã ví von nếu 20 nhà máy điện thành công sẽ là "20 cỗ máy in tiền" cho TTC trong 20 năm tới.

Ở một quốc gia vẫn đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện như Việt Nam, hướng đi của TCC được cho là nhanh nhạy, đặc biệt là ngay sau khi cơ chế ưu đãi của Chính phủ mà nhà đầu tư mong đợi bấy lâu nay được ban hành.

Nhưng liệu TTC có quá tham vọng khi lên một kế hoạch lớn là hoàn tất việc đầu tư 20 dự án chỉ trong 2 năm tới. Theo dự kiến, các dự án đều được lên kế hoạch khởi công ngay trong quý IV/2017 và bắt đầu phát điện vào năm 2019.

Có thể hiểu được vì sao TTC lại đưa ra mốc thời gian đó, vì Quyết định 11 của Chính phủ, gồm mức giá 9,35 cent/kwh có hiệu lực thí điểm đến 30/6/2019.

Cho tới nay, TTC vẫn chưa tiết lộ khả năng huy động 70% vốn đầu tư còn lại (700 triệu USD) sẽ được thực hiện như thế nào khi thời gian không còn nhiều. 

Hơn nữa, việc tìm kiếm địa điểm và giải phóng mặt bằng vốn đã làm nản lòng không biết bao nhà đầu tư từ trước đến nay cũng là nhiệm vụ không dễ dàng. Điện mặt trời vẫn nổi tiếng là chiếm nhiều quỹ đất để lắp đặt những tấm pin lớn. Và ở Việt Nam, xin quỹ đất, hoàn thiện thủ tục xây dựng và giải phóng mặt bằng luôn là một trong những công đoạn khiến nhiều nhà đầu tư nản lòng nhất, đôi khi kéo dài tới nhiều năm.

Về mặt quy hoạch đất, theo tính toán của các chuyên gia, để đầu tư 1 MW điện mặt trời cần tới 1- 1,5 ha đất sạch (điện gió là 2ha/1MW). Trong khi đó, các tỉnh miền Trung và miền Nam có tiềm năng về điện mặt trời đều bị hạn chế về quỹ đất. Việc phá rừng, hay chuyển đổi đất nông nghiệp để làm dự án điện mặt trời là khó có thể. Đó là chưa kể đến những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng.

Như vậy, để kịp đưa 20 dự án vào hoạt động đúng thời hạn 2 năm, TTC sẽ phải hoàn tất các khâu về huy động vốn, xin quỹ đất, giải phóng mặt bằng chỉ trong vòng khoảng 15 tháng.

Nếu kế hoạch đặt ra được thực hiện một cách suôn sẻ, TTC sẽ lập kỷ lục về đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam, trong bối cảnh hàng loạt các dự án điện mặt trời và điện gió khác phải mất tới nhiều năm mới hoàn thành.

Cách đây không lâu, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Quỹ đầu tư Armstrong (Singapore) đã quyết định góp thêm lần lượt 16% và 20% vốn vào Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (GEC) - công ty con thuộc lĩnh vực năng lượng của TTC.

Đây là bước chân đầu tiên của những tổ chức này vào thị trường điện Việt Nam, dù trước đó IFC và Armstrong đều có các dự án điện trên quy mô toàn cầu. IFC đã đầu tư khoảng 1 tỷ USD qua 75 dự án thủy điện ở 25 nước trong vòng 10 năm qua.

Armstrong thì có 50 dự án năng lượng tái tạo trên thế giới, mà đích đến chủ yếu của quỹ này là các nước Đông Nam Á, với những dự án có quy mô đầu tư lớn hơn GEC của Việt Nam. Trong đó, Quỹ hoạt động tích cực nhất là ở Thái lan và Philippines. Vì thế, khi những người chơi quốc tế như IFC và Armstrong đến với GEC, họ đã mang theo những kỳ vọng vào sản xuất điện ở Việt Nam, đặc biệt là năng lượng sạch.

Theo tiết lộ từ Tập đoàn, GEC đang có kể hoạch bỏ giới hạn sở hữu 49% của nhà đầu tư nước ngoài. Hiện tại Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) và công ty quản lý quỹ Armstrong Asset Management đang nắm 36% cổ phần tại công ty này.

Phải chăng, việc TTC nhanh chân "ôm" 20 dự án với số vốn đầu tư tỷ đô để chuẩn bị cho những kế hoạch M&A (mua bán, sáp nhập doanh nghiệp) dài hơi mà TTC đã và đang sử dụng làm chiến lược phát triển của tập đoàn này? 

Điều này càng có cơ sở khi biết rằng theo một khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), quỹ đất để phát triển các dự án điện mặt trời hiện nay cũng phải nhiều.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25030.00 25048.00 25348.00
EUR 26214.00 26319.00 27471.00
GBP 30655.00 30840.00 31767.00
HKD 3156.00 3169.00 3269.00
CHF 27071.00 27180.00 27992.00
JPY 159.45 160.09 167.24
AUD 15862.00 15926.00 16400.00
SGD 18109.00 18182.00 18699.00
THB 667.00 670.00 696.00
CAD 17920.00 17992.00 18500.00
NZD   14570.00 15049.00
KRW   17.26 18.81
DKK   3520.00 3646.00
SEK   2265.00 2349.00
NOK   2255.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ